Thursday, August 30, 2018

Thủ lĩnh của "cơn lốc màu da cam"

Cái tên Johan Cruyff đủ để người ta cảm nhận được giá trị to lớn mà ông đã tạo dựng cho bóng đá thế giới. Ông không phải ngôi sao sân cỏ đơn thuần!


Giữa tháng 5/1984, chương trình thời sự của Hà Lan dành hẳn nửa thời lượng để nói về Johan Cruyff. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử vì lúc ấy, các đài truyền hình vẫn phải thượng tôn chính trị, ưu tiên các vấn đề an ninh thế giới. Nhưng người Hà Lan đón nhận điều này một cách trang nghiêm, như thể thời khắc ấy là đỉnh điểm của bầu cử toàn dân. Hôm đó, Johan Cruyff chia tay sân cỏ.

Một tuần sau, Liên đoàn bóng đá Hà Lan công bố, họ quyết định tạo ra giải thưởng Cruyff Award để trao cho Cầu thủ xuất sắc nhất giải quốc nội. Đặc biệt hơn, Cruyff Award được trao liền cho giải hạng Nhất (Erdivisie) và giải hạng Nhì (Erstedivisie) – tức là hai giải đấu hàng đầu của Hà Lan. Đấy cũng là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước này. 
Cái tên Cruyff đủ để người ta cảm nhận được giá trị to lớn. Ông không phải ngôi sao sân cỏ đơn thuần!
Tôi không biết phải bắt đầu với cái tên ấy như thế nào cho đủ, vì nếu nói mãi về 3 quả bóng vàng của ông, về 8 năm thay đổi lịch sử ở Barca và những giá trị kinh điển của bóng đá tổng lực mãi thì nhàm quá. Vì ai cũng biết cả rồi. Nhưng tôi muốn kể về một vài mẩu chuyện về ông như một cách tri ân huyền thoại của thế giới.
Khi tôi 7 tuổi, trên tường nhà có treo một bức tranh cầu thủ vẽ tay. Bức tranh ấy bố tôi luôn mang cất giữ cẩn thận và cứ sau mỗi lần dọn nhà, ông lại trịnh trọng treo lên mảng tường nào dễ nhìn thấy nhất ở phòng khách. Lúc ấy, tôi không hiểu bức tranh ấy vẽ ai, chỉ biết, đấy là một cầu thủ đá bóng mặc áo da cam (xỉn màu), quần đen, gương mặt xương và hình như đang quặt bóng.
Có lần, tôi hỏi bố đấy là ai. Bố tôi bảo, “ông là Johan Cruyff, cầu thủ của đội Hà Lan”. Câu chuyện qua đi cho đến Mundial 1990, khi ấy tôi 11 tuổi, và bắt đầu có chút “kiến thức bóng đá”. Nhà tôi vài ba lần dọn dẹp mỗi khi Tết đến Xuân về, nhiều vật dụng thay đổi, có cái còn, có cái bỏ nhưng bức tranh về Johan Cruyff vẫn luôn có chỗ trong phòng khách, vẫn luôn được bố lau chùi cẩn thận. Tôi lại hỏi bố, “Ông Cruyff có hay hơn Maradona không?”, bố tôi chỉ cười nhẹ “với bố thì hay hơn”.
Câu chuyện ám ảnh tôi cho đến nhiều năm sau đó, vì bản thân tôi không thể biết còn ai hay hơn được Maradona nữa. Cruyff ư? Ông ta chả là cái quái gì ngoài bức hình quặt bóng treo trên tường. Có lẽ bố nhầm…
Năm 2002, World Cup lần đầu tiên tổ chức ở Nhật và Hàn Quốc. Đài truyền hình Việt Nam thường phát lại Lịch sử các kỳ World Cup trước giải khoảng nửa tháng hay một tháng gì đó. Thật kỳ lạ là chương trình World Cup năm 1974 đập vào mắt tôi đầu tiên, và gần như duy nhất tôi xem năm đó. Lúc ấy, người ta chiếu đi chiếu lại khung hình về đội tuyển Hà Lan, về Johan Cruyff với hàng loạt câu cảm thán nuối tiếc cho họ khi để tuột chiếc Cúp Vàng trong khoảnh khắc.
Tôi nhận ra ngay ông ấy vì hình ảnh một cầu thủ gầy gầy, xương xương có cú quặt bóng rất giống trong bức tranh của bố đang nhảy múa trên màn hình. Quả đúng là Cruyff thu hút thật, hay thật. Từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến ông…
Hai năm sau, khi bước chân vào nghề báo, tôi viết về bóng đá quốc tế. Bức ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi hôm ấy lại là Johan Cruyff. Ông ấy ngồi nghiêng, miệng ngậm điếu thuốc, mắt nhìn xa xăm. Vẫn là ông ấy, nhưng lần này tôi bắt đầu tìm hiểu.
Càng đi sâu vào thế giới của Cruyff, tôi càng choáng ngợp về những cái ông ấy đã làm và thay đổi bóng đá. Trong đó, điều giá trị nhất của Cruyff là ông ấy đã “xé” Hà Lan thành hai thời kỳ: Thời kỳ trước khi Cruyff xuất hiện và thời kỳ sau khi Cruyff chơi bóng.
Ở Barca, Cruyff khởi đầu cho triết lý lò đào tạo bằng việc đòi hỏi bằng được các lứa cầu thủ nhỏ phải tập như đội lớn, tức là tất cả tập cùng một giáo án, cảm thụ chung một tư duy. Ngày nay, đó chính là lò La Masia nổi danh mà khi bất cứ một cầu thủ nào đó được nhấc lên đội 1 là có thể bắt nhịp ngay!
Cruyff còn được gắn với thuật ngữ “bóng đá tổng lực”. Có điều, cả thế giới coi ông là người phát minh, nhưng lại không mấy ai hiểu được ý nghĩa và điểm khởi thủy của “bóng đá tổng lực”. Cruyff phát minh ra lối chơi “tổng lực” vì ông nhận thấy rằng, nếu một cầu thủ tấn công thì… đỡ mệt hơn một cầu thủ phòng ngự và một cầu thủ chủ động cầm bóng “có vẻ” dai sức hơn một cầu thủ phải đuổi bóng. Chưa hết, thể lực của cầu thủ Hà Lan – theo Cruyff – không cơ bắp bằng các cường quốc bóng đá khác như Anh, Đức, Pháp và các nước Bắc Âu nên họ buộc phải… đá tổng lực. Nghĩa là, vì bản chất yếu hơn nên họ phải cầm bóng tấn công cho đỡ phải… đi đuổi đối thủ.
Theo tính toán của Cruyff, thì nếu một hậu vệ dâng cao tấn công, những người khác trám vào chỗ đó, cả đội hình luân chuyển thì ai cũng tiết kiệm được sức lực. Triết lý “tổng lực” ở đây là hậu vệ có thể tấn công, tiền đạo có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Điều này hiện nay không còn mới mẻ gì, nhưng cách đây hơn nửa thập kỷ, nó là phát minh!
Sau thời kỳ này, Cruyff đã nói một câu cực kỳ nổi tiếng: “Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Bây giờ, chắc chẳng ai còn lạ.
Trong 8 năm tại vị ở Barca, Cruyff đã tạo ra hai cầu thủ chạy cánh điển hình là Albert Ferrer và Sergi Barjuan. Vốn dĩ, họ là những tiền vệ biên được kéo về. Điều này ban đầu tạo ra mâu thuẫn lớn khi cả thế giới vẫn tôn thờ hậu vệ to cao, khỏe va chạm, mạnh tranh chấp, trong khi Ferrer và Sergi chỉ nhỉnh hơn… Maradona chút xíu.
Không ít người chất vấn Cruyff về quyết định được cho là kỳ quái, là điên rồ ấy, trong đó có cả Chủ tịch Lluis Nunez. Cruyff chỉ ngắn gọn: “Nếu có thể, tôi muốn xếp mỗi biên thêm một cầu thủ tấn công nữa”.
Cũng tương tự những phát minh, Cruyff thường chỉ đạo các cầu thủ của mình phải dồn bóng cho người giỏi nhất, đồng thời tạo điều kiện để cầu thủ này đối đầu với cầu thủ… tệ nhất bên phần sân đối diện. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Đội bóng nào cũng có điểm yếu, mà điểm yếu ở đây là con người. Các cậu hãy tìm người kém nhất của họ. Còn người giỏi nhất của mình, tôi không nói”! Thông thường, các cầu thủ của Cruyff đều hiểu, người giỏi nhất mà ông nói đến luôn luôn là các cầu thủ tấn công. Đấy là lý do, Cruyff dùng rất nhiều tiền để mua Romario, Hristo Stoichkov, Michael Laudrup, Gary Lineker, Julio Salinas nhưng thường sử dụng “hàng có sẵn” cho vị trí phòng thủ.
Với những câu chuyện chẳng liên quan gì đến bóng đá, Cruyff cũng để lại nhiều giai thoại. Như chuyện ông tay đôi cãi vã với Chủ tịch khét tiếng Lluis Nunez và cuối cùng, bị ông này sa thải sau khi buông lời… thách thức.
Năm 1994, Cruyff và LĐBĐ Hà Lan (KNVB) đã tưởng nắm tay nhau bằng bản hợp đồng để ông dẫn dắt tuyển Da cam trên đất Mỹ. Nhưng cuối cùng, sự thỏa hiệp không thành vì phút cuối Cruyff không chịu ký cam kết… mặc trang phục do KNVB chỉ định. Cruyff muốn mặc gì mình thích, nhưng tuyên ngôn cuối cùng của ông vẫn là sự tự do. Cho đến giờ, đấy vẫn là nuối tiếc lớn nhất của người hâm mộ Hà Lan yêu mến Thánh Johan, vì chưa bao giờ, người hùng của họ xuất hiện ở vị trí mà họ nghĩ, ông xứng đáng nhất trong số những người được chọn.
Cruyff liên quan đến Ruud Gullit khá chặt chẽ khi hậu duệ gốc Surinam kết hôn với cháu gái của ông, Estella Cruyff. Nhưng vấn đề là mối liên quan ấy chỉ tồn tại trên lý thuyết. Cruyff và Gullit gần như không thèm dựa hơi nhau, không cần quan tâm đến nhau cho đến tận bây giờ. Thậm chí, Gullit không xuất hiện khi Cruyff có mặt và Thánh Johan cũng làm tương tự như vậy, bất chấp việc Ruud Gullit từng giải Cruyff Award hai lần vào các năm 1984 và 1986, khi còn khoác áo Feynoord  và PSV.
Trong đám cưới của Estella, Cruyff xuất hiện chốc lát trong tư cách nhà gái theo yêu cầu của cậu em trai. Vợ ông, bà Danny Coster khi đó có hỏi: “Ông cảm nhận thế nào?”, Cruyff nhún vai: “Ồ, tốt. Rất tốt”. Câu nói đó được truyền đạt lại với Estella, nhưng sau này bà Danny mới biết, lúc ấy Cruyff tưởng bà hỏi về… khả năng chơi bóng của Ruud Gullit.
Nói về Cruyff chưa đủ, viết về Cruyff thì bất tận. Ở Argentina và đa số các nước Nam Mỹ, ai cũng coi Maradona là Chúa. Đó là điều gần như không thể thay đổi. Riêng người Colombia tôn thờ Carlos Valderama, dị nhân Rene Higuita và hiếm khi nói về các ngôi sao khác. Còn ở Brazil, ngay tại mảnh đất thần thánh ấy, không ít CĐV mến mộ Cruyff hơn Pele. Họ gọi ông là Thánh vì… trót gọi Pele là Vua!
Bảo Thắng (Zing.vn)

1 comment:

  1. Huyền thoại bóng đá người Hà Lan đã qua đời ở tuổi 68 nhưng sự cống hiến và những phát ngôn ẩn chứa triết lý sâu xa của ông sẽ còn sống mãi với thời gian.
    Cruyff ở đâu đó giữa Turner và Picasso, giữa một nghệ nhân tinh xảo và một nhà cách mạng với những ý tưởng táo bạo. Nếu bóng đá là nghệ thuật, thì những cú “quặt bóng” của Cruyff chắc chắn là hương liệu chủ đạo cho các sản phẩm mỹ học. Rất nhiều ngôi sao sân cỏ đưa kỹ thuật bóng đá lên mức hoàn thiện, nhưng chỉ duy nhất một Cruyff biến giấc mơ thành vật thể hữu hình vào cuộc sống, để những ý tưởng đó có cơ hội sinh sôi nảy nở.
    (mix)

    ReplyDelete