Friday, October 12, 2018

Ban Thống nhất TW (1954-1975) : Bối cảnh lịch sử

Sau Hội nghị Genève, lập trường của VNDCCH là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề VN, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.
Nhưng cũng phải nhắc lại rằng: lợi dụng vai trò là một nước viện trợ quân sự chủ yếu cho VN, đồng thời lợi dụng việc Pháp không muốn nói chuyện trên thế yếu với VN, TQ đã cho phép mình đàm phán trực tiếp với Pháp trong thời gian diễn ra Hội nghị Genève để thoả thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương.
Đáng chú ý là cuộc tiếp xúc lần thứ ba ngày 17 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn đại biểu Pháp G.Biđô[1], đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản, có hại cho nhân dân ba nước VN, Lào và Campuchia: TQ có thể chấp nhận VN có hai chính quyền (Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Bảo Đại), công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchía, từ bỏ yêu cầu có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia Hội nghị.
Lần thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 1954, Chu Ân Lai gặp Măngđét Phranxơ[2], thủ tướng mới của Pháp, đưa ra những nhượng bộ mới: chia cắt VN, hai miền VN cùng tồn tại hoà bình; TQ sẵn sàng nhìn nhận ba nước Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp, ngược lại chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương.
Những điểm mà TQ đã thoả thuận với Pháp rất phù hợp với giải pháp 7 điểm của Anh-Mỹ đưa ra ngày 29 tháng 6 năm 1954, tức là 6 ngày sau cuộc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai và Măngđét Phranxơ.
Thời kỳ thứ hai từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, Đoàn đại biểu Pháp tiến hành đàm phán trực tiếp với Đoàn đại biểu VN để giải quyết các vấn đề cụ thể. TQ giữ vai trò thúc đẩy phía VN nhân nhượng. Đến ngày 10 tháng 7 năm 1954, phía VN vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề VN, Lào và Campuchia, vẫn chủ trương đòi có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia như các bên đàm phán, định giới tuyến quân sự tạm thời ở VN là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất nước nhà.
Từ tháng 5 năm 1954, TQ đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến giữa hai miền VN, và còn muốn VN nhân nhượng nhiều hơn nữa, thậm chí muốn VN bỏ cả thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và đường số 5 (đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng).
Nhưng về sau, đặc biệt từ ngày 10 tháng 7 năm 1954, 10 ngày trước khi Hội nghị Genève kết thúc, TQ ngày càng thúc ép VN nhân nhượng, “có những điều kiện công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể nhận được để đi đến Hiệp định trong vòng 10 ngày, điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.
Một trong những quy định quan trọng của Hiệp định Genève là di cư những người dân từ Bắc vào Nam và tập kết những cán bộ, chiến sĩ từ Nam ra Bắc. Hầu hết sự vận chuyển trên cả hai chiều này đều dùng đường biển. Tàu của Mỹ và Pháp chở những người dân di cư vào Nam, xuất phát từ cảng Hải Phòng. Tàu của Liên Xô và Ba Lan chở những cán bộ và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, xuất phát từ Cà Mau và Quy Nhơn.
Theo Hiệp định, trong thời gian chuẩn bị thực hiện tổng tuyển cử (1956), bất cứ người dân nào cũng được phép di cư giữa 2 miền Nam và Bắc trước ngày 18/5/1955. Trong thời gian này, đã có 90.000 cán bộ Việt Minh tập kết ra Bắc, đồng thời gần 1 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Sau khi hoàn tất việc di cư và tập kết (300 ngày), thì việc liên lạc Bắc Nam cả trên đường bộ và đường biển đều gần như chấm dứt.
Cùng thời gian đó "Các ủy viên BCT ở Hà Nội đang theo dõi sát sao các nguồn tin từ Mỹ chuẩn bị được tung vào VN khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ có một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ." (Điệp viên hoàn hảo)
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, nước Mỹ nổi lên như 1 cường quốc trên thế giới. VN nhanh chóng trở thành một con tốt đen trên ván cờ chiến tranh lạnh mới.
Một thế hệ người VN đã tham gia cách mạng để chống lại những nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng của Pháp nhằm vớt vát ánh hào quang của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương mà người Mỹ sẽ thay thế họ với một sức mạnh lớn hơn gấp nhiều lần.
Phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) ở Sài Gòn được thành lập năm 1950 để giám sát việc thực hiện dự án 10 triệu USD thiết bị quân sự hỗ trợ lính lê dương Pháp chiến đấu với các lực lượng Việt Minh.
Về trách nhiệm cải tổ các đơn vị quân đội miền Nam VN, 1 đội ngũ bên trong MAAG được lập ra với sự tham gia của 2 quốc gia gọi tắt theo tiếng Anh là TRIM với mục đích chuyên về huấn luyện. Một trong những trách nhiệm của TRIM là trợ giúp và cố vấn cho các cơ quan quân sự Nam VN trong việc xây dựng lại các lực lượng vũ trang. Lúc đó TRIM gồm 209 sĩ quan Pháp và 68 sĩ quan Mỹ (sẽ được bổ sung 121 sĩ quan Mỹ sau khi các sĩ quan Pháp rút đi). (Điệp viên hoàn hảo)
Đại tá Edward Lansdale là một nhân vật được chú ý với các hoạt động của Mỹ tại miền Nam lúc đó. "Lansdale là Giám đốc Phái đoàn quân sự ở Sài Gòn (SMM), một đơn vị CIA tách khỏi cơ quan thông thường. Lansdale đã có mặt ở Sài Gòn từ 1954. SMM phụ trách các hoạt động của lính dù dưới vỏ bọc và thực thi các nhiệm vụ của MAAG ở Đông Dương. Nhóm CIA thứ hai dưới sự chỉ huy của trưởng ban trung tâm chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo thông thường và làm việc dưới vỏ bọc là những nhà ngoại giao trực thuộc Đại sứ quán Mỹ. Lansdale là nhân vật huyền thoại trong vai trò đánh bại những người CS Huk ở Philippines. Dưới vỏ bọc Trợ lý Tùy viên Không quân, Lansdale có nhiệm vụ chính là tạo ra một chính phủ phi CS ở miền Nam VN." (Điệp viên hoàn hảo)
Tháng 5/1954, khi Điện Biên Phủ thất thủ, Ngô Đình Diệm đã tự cho mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc có quan hệ tốt với Washington. Là tín đồ Thiên Chúa giáo, xuất thân từ 1 gia đình quan lại khá giả, Ngô Đình Diệm có 1 lý lịch chống Cộng nhà nòi. Diệm đã cầu cứu nhiều nhân vật chống Cộng ở Mỹ nắm giữ các vị trí cao như Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Hồng y Francis Spellman, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy và Chánh án Tòa tối cao William O. Douglas. Quan hệ được với 2 anh em theo đạo Thiên Chúa và chống CS điên cuồng John Foster Dulles ở Bộ Ngoại giao và Allen Dulles ở CIA, Ngô Đình Diệm đã có mối quan hệ tay trong với chính quyền Eisenhower.
Ngô Đình DIệm xuất hiện ở Sài Gòn đúng 3 tuần sau khi Lansdale đến miền Nam VN. Ngay sau đó, Diệm chấp thuận kế hoạch của Lansdale để củng cố quyền lực bằng cách loại bỏ các đối thủ đang liên minh lại để chống lại mình ở miền Nam.

Cho đến năm 1959, chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam VN đã đặt các lực lượng cách mạng ở trong Nam và Chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc tiếp tục chịu đựng những cuộc khủng bố, bắt bớ, trung thành với những gì đã ký kết tại Hội nghị Genève, chờ đợi Tổng tuyển cử, hoặc là phải chống trả.
Với Ngô Đình Diệm thì chờ đợi ông ta chấp thuận Tổng tuyển cử chỉ là điều dại dột. Nếu không chống trả thì lực lượng cách mạng sẽ bị chết dần chết mòn trong sự khủng bố ngày càng ác liệt. Cho đến năm này, toàn bộ lực lượng các cán bộ cũ còn lại ở miền Nam là hơn 50 nghìn người mà chỉ sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm, chỉ còn 5 nghìn, điều đó có nghĩa là 10 người thì đã bị tiêu diệt 9. Những người còn lại chắc chắn cũng lâm vào cảnh tương tự nếu cứ tiếp tục ngồi im để chờ đợi thi hành Hiệp định Genève.
Tại Hội nghị TW lần thứ 15, họp đợt 1 vào tháng 1 năm 1959, một vấn đề gay cấn được đặt ra: Tiếp tục giữ gìn hòa bình hay vùng lên đấu tranh. Đây là điều day dứt của CP, của Đảng. Lúc này, trong phe XHCN hầu hết đang có xu hướng chung sống hòa bình, tránh những cuộc xung đột đổ máu. VN là một nước trong phe XHCN, tất nhiên không thể không chú ý đến xu hướng đó. Nhưng mặt khác, nếu tiếp tục bảo vệ hòa bình một cách thụ động, thì sẽ không còn lực lượng nữa.
Cuối cùng, sau khi tranh luận bàn bạc nhiều tháng, Hội nghị TW lần thứ 15 họp đợt 2 vào tháng 5 năm 1959 quyết định áp dụng hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các vùng căn cứ địa ở miền Nam để chống trả những trận càn quét đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Đây chính là bước ngoặt trong sự phát triển của tình hình ở miền Nam.
(còn nữa)
---------------
[1]: Bidault
[2]: Mendès France

11 comments:

  1. Thời kỳ sau Hiệp định Genève, TQ còn sợ Mỹ can thiệp bằng vũ trang vào Đông Dương, uy hiếp an ninh của TQ, nhưng họ lại dùng những cảnh báo của Mỹ đe doạ chiến tranh để ép Việt Nam chấp nhận đề nghị của họ.

    Trong cuốn "Điệp viên hoàn hảo" cũng ghi lại nhận định của VN về Mỹ trong dự định với VN: Chính ông Lê Đức Thọ, một nhà lãnh đạo của Việt Minh cấp cao nhất ở miền Nam đã chủ trì buổi lễ kết nạp Đảng cho Phạm Xuân Ẩn (1953). "Anh Sáu Búa" là tên gọi của ông Lê Đức thọ lúc đó - đã nói với Phạm Xuân Ẩn rằng khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để người VN quyết định vận mệnh của mình và cuộc chiến tranh mới này sẽ là 1 cuộc chiến lâu dài và tàn khốc. (Larry Berman)

    ReplyDelete
  2. Trước khi Hội nghị Genève kết thúc: Từ ngày 3 đến 5-7, Chủ tịch HCM đã gặp Chu Ân Lai tại Liễu Châu - Trung Quốc bàn về các vấn đề quan trọng đối với VN. Chủ tịch HCM đề nghị lấy vĩ tuyến 13 để chia ranh giới và tiến hành tổng tuyển cử trong 6 tháng kể từ khi ký hiệp định. Chu Ân Lai khẳng định “sẽ bàn với đoàn Liên Xô về các vấn đề này, mong nếu gặp khó khăn, đề nghị Chủ tịch cho phép được linh hoạt”.

    Sở dĩ phải quay lại thời gian lịch sử này vì từ đây đã nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến việc VN buộc phải mở cuộc cm ở miền Nam mà ko thể có lựa chọn khác sau khi TQ đã buộc VN phải chấp nhận những điều khoản bất lợi cho VN. Cuộc chuyển quân tập kết theo Hiệp định Genève đã làm thay đổi so sánh lực lượng giữa bên cm và phản cm. Trong khi lực lượng cm đang chiếm ưu thế trên phạm vi toàn quốc lại phải chấp nhận chỉ còn tập trung ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì hoàn toàn bất lợi do mất cả thế và lực, do đó phải gây dựng lại phong trào nếu ko thể thực hiện Hiệp thương - Tổng tuyển cử để đi đến thống nhất VN.

    ReplyDelete
  3. Sự can thiệp của TQ ở Hội nghị Genève là sự phản bội thứ nhất của họ đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân VN (cũng như nhân dân Lào và nhân dân Campuchia).

    Đánh giá về Hiệp định Genève, PGS-TS Pierre Asselin, ĐH Thái Bình Dương (Honolulu - Mỹ), nhận xét: TQ với sự hỗ trợ của Moscow đã hy sinh lợi ích của đồng minh VN, ép VN phải đồng ý chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17 để quyết tâm ngăn cản quân đội Mỹ can thiệp vào Đông Dương nhằm nâng cao uy tín quốc tế của mình. Dưới áp lực của Liên Xô và Trung Quốc, VNDCCH phải từ bỏ cố gắng thống nhất toàn bộ VN và giải phóng toàn Đông Dương.

    ReplyDelete
  4. 1954: Một tuần sau khi Lansdale đặt chân đến Sài Gòn, ông vua vắng mặt Bảo Đại, lúc đó đang sống ở Paris, đã mời Ngô Đình Diệm lên giữ chức thủ tướng của chính quyền Nam VN. Bảo Đại nói rằng "Sự cứu nước Việt Nam tùy thuộc ở điều đó". Học bổng dành cho Diệm vừa qua chứng tỏ Diệm và em trai là Ngô Đình Nhu đã phải dùng đến rất nhiều mưu mô từ 1 năm trước đó nhằm đưa Ngô Đình Diệm vào đúng vị trí này. (Điệp viên hoàn hảo)

    ReplyDelete
  5. "Sau Thế Chiến II, cả thế giới cùng công nhận mô hình Westphalia. Mô hình đó là cơ sở ý thức hệ của Liên Hợp Quốc (cấm xâm lược, mỗi nước một phiếu), cũng là chỗ bám để các nước thuộc địa đòi hỏi quyền tự quyết của mình." (trích từ bài Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược)

    ReplyDelete
  6. Trong những năm 50: Ấn Độ và Trung Quốc đã đề ra “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” (tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình). Những nguyên tắc này cũng được Trung Quốc và Việt Nam coi như một căn bản trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nói cách khác, mô hình thế giới truyền thống kiểu Trung Quốc mà các triều đình Việt Nam và Trung Hoa chia sẻ trước kia đã không còn hiệu lực pháp lý. Bên cạnh đó, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa còn có chung một mô hình thế giới nữa. Theo đó, thế giới chia làm hai phe, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trong đó Việt Nam và Trung Quốc cùng thuộc phe xã hội chủ nghĩa, tức là như “anh em một nhà”. (Nghiên Cứu Lịch Sử)

    ReplyDelete
  7. Tuy nhiên, trong giai đoạn Khrushchev cầm quyền ở Liên Xô, Hà Nội bất đồng với Mátxcơva trên hai điểm căn bản. Thứ nhất là chủ trương chung sống hòa bình giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chính sách này làm Hà Nội bất mãn, vì họ không tin Mỹ cũng muốn chung sống hòa bình, bằng chứng của họ là việc Washington ngày càng can thiệp sâu vào miền Nam. Thêm nữa, chủ trương chung sống hòa bình đi ngược lại ý đồ của Hà Nội là quyết tâm giải phóng miền Nam, kể cả bằng vũ lực. Thứ hai là chủ trương xét lại các giáo điều của Lênin và Stalin. Điều này gây hoang mang, xáo trộn tư tưởng trong cán bộ, khi mà Hà Nội lại đang rất cần thống nhất và ổn định tư tưởng để tranh đấu ở miền Nam. Trong lúc đó thì Trung Quốc cũng chủ trương dùng đấu tranh vũ trang để chống Mỹ và giương ngọn cờ chống xét lại để tiếp tục bám giữ các giáo điều. Do đó, tại Hội nghị trung ương 9 khóa 3 Đảng Lao động Việt Nam, tháng 12/1963, cùng với một nghị quyết “giải phóng miền Nam” là một nghị quyết “chống chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô như một sự “ngả về” Trung Quốc. Tuy nhiên, như W. R. Smyser (1980: 80) nhận định, vấn đề đối với Hà Nội không phải là theo Trung Quốc hay ngả về Liên Xô hay giữ một vị trí cân bằng giữa hai bên. Chính sách của Hà Nội theo đuổi một mục tiêu không đổi: giành sự kiểm soát hoàn toàn miền Nam. Và Hà Nội sẽ nghiêng về bên nào ủng hộ mục tiêu đó. (Nghiên Cứu Lịch Sử)

    ReplyDelete
  8. Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Thái độ cứng rắn của Mỹ ở Hội nghị Genève chẳng qua là do Mỹ sợ Pháp vì bị thua ở chiến trường, có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, có thể chấp nhận một giải pháp không có lợi cho việc Mỹ nhảy vào Đông Dương sau này. Khi Pháp đã cùng với Trung Quốc thoả thuận được một giải pháp khung về Đông Dương và Mỹ đã đưa được Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng chính phủ Sài Gòn (ngày 13 tháng 6 năm 1954), thì Mỹ thấy có thể chấp nhận một hiệp định theo hướng Trung Quốc và Pháp đã thoả thuận giải quyết cả ba vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy vậy, Mỹ không tham gia vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị là vì Mỹ muốn được rảnh tay sau này để vi phạm Hiệp định Genève thông qua chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc Pháp phải rút lui để thay thế Pháp ở Đông Dương.

    ReplyDelete
  9. Ngày 29.1.1955: BBT Trung ương đảng LĐVN ra Chỉ thị 04-CT/TW v/v tạo một cuộc vận động lập lại quan hệ giữa hai miền gồm:
    - Về kinh tế: đòi được buôn bán, thông thương giữa hai miền.
    - Về vhxh: đòi cho nhân dân hai miền được trao đổi thư từ, chương trình vhnt, thể thao cùng với các loại hình văn hóa, văn nghệ khác.
    - Về chính trị: đòi cho các đoàn thể, các nhân sĩ, các đảng phái được tiếp xúc với nhau để trao đổi ý kiến, bàn bạc về các vấn đề cần được thực hiện.
    (tư liệu BTW-Giai đoạn 1954-1960)

    ReplyDelete
  10. Đầu năm 1956, miền Bắc lập Ban Thống nhất Hiệp thương do ông Phạm Hùng làm Trưởng Ban với nhiệm vụ chuẩn bị cho việc Hiệp thương tổng tuyển cử, vận động nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định.

    ReplyDelete
  11. Ngày 11.5.1956: Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Ngô Đình Diệm về yêu cầu Hiệp thương để tiến tới tổng tuyển cử và lập lại quan hệ bình thường giữa 2 miền nhưng ko được đáp ứng.

    Ngày 6.7.1956: Chủ tịch HCM kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc VN, ủng hộ chủ trương thống nhất bằng biện pháp lập lại quan hệ bình thường và quyền tự do đi lại giữa 2 miền; mở Hội nghị hiệp thương gồm đại biểu của chính quyền 2 miền bàn về vấn đề thống nhất theo nguyện vọng của nhân dân.

    ReplyDelete