1. Lúc nhỏ, xem tivi thấy nước ngoài có nhiều nhà cao tầng, ước mơ Việt Nam cũng có nhiều nhà như vậy. Lớn lên mới biết, phần đa các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam được xây trên nền đất cướp của người dân, nền móng các tòa nhà là những cái bắt tay, thỏa thuận ăn chia giữa quan chức và các doanh nghiệp sân sau.
Lớn lên mới biết, vài tòa nhà cao tầng, hào nhoáng không làm cho đất nước giàu lên, không làm cho đại đa số dân chúng sống sung túc, giàu có lên. Nó chỉ như là lớp son phấn rẻ tiền để điểm tô cho bộ mặt chế độ. Lớn lên mới biết, Bắc Hàn thậm chí có những tòa nhà, khách sạn cao chọc trời nhưng mục đích chính của nó là để làm màu, để tô vẽ cho chế độ.
2. Khi còn nhỏ, thấy trên báo chí, sách vở thấy nhà hát con sò ở Sydney, cũng mơ ước Việt Nam có nhà hát hoành tráng như vậy, để mở mày mở mặt với thế giới. Lớn lên mới biết, 99% dân Việt mình (bao gồm cả tôi và Thủ tướng quạt phành phạch), không ai hiểu và có thể xem các vở opera, các buổi hòa nhạc thính phòng. Mấy năm gần đây mới biết: Hầu hết các nhà hát ở Việt Nam đều chỉ để bỏ hoang hoặc dùng cho các sự kiện âm nhạc bình dân, các lễ lạt của doanh nghiệp hoặc cho các công ty đa cấp thuê để làm “sự kiện”. Có thể nói, các dàn nhạc giao hưởng, các ca sĩ, diễn viên opera mất tăm trên báo chí và trong cuộc sống của tuyệt đại đa số người dân. Bây giờ thành “cha già”, thấy TP Hồ Chí Minh hồ hởi đòi xây nhà hát 1500 tỷ ở Thủ Thiêm, tôi lại càng nghiến răng ken két. Tiếng khóc than, tiếng kêu cứu, lời ai oán của hàng nghìn người dân mất đất, bị cướp đất ở Thủ Thiêm sẽ làm cho tiếng hát lời ca ở nhà hát này thêm phần ai oán, như lời nguyền rủa từ địa ngục.
Với 100% đại biểu của cái gọi là HĐND đồng ý xây nhà hát, tôi không hiểu những “đại biểu” này đại diện cho dân hay đại diện cho các băng cướp. Nguồn tiền 1500 tỷ đó lại là tiền ngân sách, nguồn mồ hôi, xương máu, tiền thuốc chữa bệnh của người dân. Đó còn là tiền sữa, tiền ăn, tiền sách vở, giày dép, quần áo của trẻ em. Hãy xuống các khu lao động nghèo, các khu ổ chuột ở thành Hồ, hãy vào các bệnh viện lớn ở thành Hồ để nhìn cuộc sống ở đó. Hãy ngồi các quán cafe, quán nhậu ven đô, nơi những đứa trẻ hàng ngày phải đi bán vé số, chúng gầy guộc đen đúa và ánh mắt thất thần vô định về tương lai.
3. Lúc còn nhỏ, nghe đài đọc báo, xem tivi thấy thông tin đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên vù vù. Với bút pháp của các nhà báo, với giọng điệu du dương trầm bổng truyền cảm của các phát thanh viên, biên tập viên, ôi nghe sao mà sướng nghe mà cảm xúc dâng trào vì một Việt Nam sắp hóa rồng hóa hổ đến nơi. Lớn lên và đến tận bây giờ mới biết: Hóa ra bọn tư bản nó đầu tư vào Việt Nam, là vì giá nhân công lao động rẻ mạt, vì các quy định về môi trường lỏng lẻo. Một phần nữa, giai cấp công nhân Việt Nam, tuy là giai cấp tiên phong nhưng lại không được bảo vệ, để mặc doanh nghiệp tăng ca, tăng giờ làm đến kiệt quệ với đồng lương bị cắt xén ngày càng rẻ mạt.
Lớn lên cũng nhận ra, các ngành nghề nhận được đầu tư lớn nhất ở Việt Nam là các ngành tận dụng lao động rẻ, những ngành ô nhiễm trầm trọng và gia công sản phẩm như: may mặc, giày da, làm đồ nhựa, sắt thép, xi măng, nhiệt điện… Tuyệt đại trong số đó không có một chút gì gọi là “hàm lượng khoa học công nghệ”. Đến bây giờ, hơn 30 năm sau khi nhận vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn phải bán tài nguyên khoáng sản, bán đất đai, bán sức lao động rẻ mạt của người dân để làm động lực cho nền kinh tế.
4. Hồi bé, mỗi khi tết đến là chờ nghe lời chúc tết của lãnh đạo, đọc các bài viết của lãnh đạo trên báo chí, nghe và tìm hiểu các chính sách của đảng và nhà nước. Lòng tự hào lâng lâng lắm. Nhưng càng về sau càng thấy, các bài chúc tết, các phát biểu của lãnh đạo chỉ là giọng đều đều, chung chung vô thưởng vô phạt. Năm nào cũng vậy, khóa nào cũng vậy, đại hội nào cũng vậy. Bây giờ vẫn nghe lãnh đạo phát biểu, vẫn nghe các bài diễn văn rỗng tuếch và hùng tráng đó, nhưng là để tìm hiểu xem họ mị dân chỗ nào, nói bậy chỗ nào, nói lấy được chỗ nào. Ngoài ra còn phải để ý xem họ định đánh đấm phe nào, định triệt hạ ai, định giở trò cướp bóc ở đâu. Còn bé nghe lãnh đạo phát biểu thì xúc động và lâng lâng niềm tin vì còn ngu dốt. Bây giờ lắng nghe, đọc các lãnh đạo phát biểu thì nghiến răng và buồn nôn. Sự trưởng thành đòi hỏi rất nhiều công sức chịu đựng.
5. Lúc còn nhỏ cứ tưởng Việt Nam không có đa nguyên đa đảng là bình yên, hạnh phúc là không loạn. Lớn lên đọc và tìm hiểu thấu đáo mới biết: Hóa ra đó chỉ là trò mị dân, lừa đảo nhằm độc tài cai trị, một mình vừa đá bóng vừa thổi còi để hưởng lợi lộc. Lớn lên mới thấy, hầu hết các quốc gia văn minh, tiến bộ và giàu có đều cần một xã hội tự do dân chủ thực sự, mà đầu tiên và quyết định nhất vẫn là đa nguyên về chính trị, đa đảng cạnh tranh lành mạnh. Sau đó mới đến các yếu tố về tự do báo chí, tự do học thuật. Dĩ nhiên, yếu tố quyền con người là tối thượng và được xác định trong các quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận…
6. Khi còn bé, cứ tưởng quân đội Việt Nam là để bảo vệ cương giới lãnh thổ. Lớn lên, đủ hiểu biết mới thấy: Quân đội trước hết phải trung với đảng, phải làm lá chắn sống cho đảng trước tiên. Lớn lên mới thấy, quân đội bị tha hóa với các hoạt động kinh doanh báu bở cho tầng lớp sĩ quan chóp bu: Sân golf, ngân hàng, BĐS, viễn thông. Một quân đội được nuôi dưỡng và mua chuộc bằng lợi lộc cho tầng lớp sĩ quan cấp cao, bằng cách nhồi sọ và tẩy não với lính tráng cấp thấp, không sớm thì muộn cũng là một đội quân vứt đi khi đối đầu với kẻ thù. Đặc biệt, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam là Trung Quốc lại đang là “cái nôi” đào tạo của hầu hết các sĩ quan, tướng lĩnh cấp cao trong quân đội.
7. Lúc nhỏ cứ ngỡ công an là lực lượng đại diện cho luật pháp, đại diện cho công lý. Lớn lên, không cần đọc hay học nhiều, ai ai cũng thấy: Đây chỉ là công cụ. Và hóa ra, tỷ lệ tội phạm và tội ác của lực lượng này cao gấp nhiều lần trung bình của dân chúng. CSGT làm tiền, xin đểu, ăn chặn, làm luật trên mọi nẻo đường, trên mọi vùng đất nước, từ nông thôn đến thành thị. Công an bắt bạc 100% là thành trò cướp sới bạc và sau đó là màn đánh đập, dọa dẫm để người nhà mang tiền ra chuộc người về. Các dịch vụ bảo kê tội phạm thì công an đứng đầu, không phải bàn cãi, còn rất nhiều thứ khác về lực lượng này, mà 99% trong số đó là sự bẩn thỉu và tội ác. Hóa ra lúc nhỏ mình ngu đến thậm tệ.
Còn nhiều thứ lúc nhỏ tưởng thế, lớn lên mới biết: Mình nhầm, mình thiển cận, ngu dốt và đần như một con bò.
Ảnh: N.H st.
(bài viết từ fb Bùi Thuận Văn)
No comments:
Post a Comment