Người Việt ngày xưa hay có câu cảm ơn kiểu “xin cắn cỏ đội ơn cụ”. Anh cắn cỏ thì tôi được lợi gì mà hứa với hẹn. Thực ra câu đó là học của Tàu, vốn là “kết cỏ”, đổi thành “cắn cỏ” cho có vẻ quị lụy hơn.
Tích bắt đầu từ ông Nguỵ Thù, dũng tướng số 1 của Tấn Văn Công đời Xuân Thu. Thời làm tướng đánh đông dẹp bắc, Thù có một người thiếp trẻ. Nàng rất xinh đẹp và non nớt, được Nguỵ Thù cưng chiều như trứng mỏng. Ông thường nghĩ mình có tuổi sau khi qua đời nàng sẽ không có ai nương tựa. Nhiều lần ông dặn con trai là Nguỵ Khoả “Sau này nếu ta qua đời, con hãy tìm người tử tế làm chồng cho nàng” Nguỵ Khoả vâng lời. Ngụy Thù khi đã già ốm yếu nghĩ lại lại bảo Nguỵ Khoả “Ta không nỡ xa nàng. Sau khi ta chết hãy chôn nàng theo ta.” Khỏa cũng xin vâng.
Khi Nguỵ Thù mất, Khoả bèn gả chồng cho người thiếp lại gây dựng cho một sản nghiệp khá. Nhiều người trách Khoả không theo lời cha. Khỏa nói “Khi cha tôi còn khỏe mạnh sáng suốt thường dặn tôi gả chồng cho nàng. Khi cha tôi già lẫn lại nói khác. Các ông nói tôi nên vâng lời sáng suốt hay vâng lời nói sảng già lẫn.” Mọi người đều không cho là phải.
Khỏa sau này nối cha làm đại tướng đánh Tần. Tướng giặc là Đỗ Hồi nổi tiếng khỏe có sức địch vạn người. Khỏa tuy là dũng tướng nhưng khó lòng đối địch, bèn cho phục kích tại trảng cỏ. Đêm đó Khoả nằm mơ về trảng có thấy thấp thoáng có bóng một cụ già kết các sợi cỏ với nhau.
Sáng hôm sau Khỏa cho dụ Đỗ Hồi vào trảng cỏ. Phục binh bốn mặt nổi lên, nhưng Đỗ Hồi không chút sợ hãi vung búa khai sơn đánh tan hết lớp phục binh này đến lớp khác. Khỏa bèn phi ngựa ra đối địch. Hai ngựa mới giao nhau, ngựa của Đỗ Hồi chợt mắc vào một túm cỏ mà ngã quị. Hồi ngã ngựa nên bị Khỏa bắt được. Ai cũng cho là may mắn.
Đêm đến Khỏa lại nằm mơ thấy cụ già đêm trước. Cụ nói “Tôi là người cha đã mất của người thiếp. Dưới suối vàng tôi xin kết cỏ để đền ơn tướng quân.”
Từ đó dân Việt sáng tạo ra thành ngữ cắn cỏ. Nghe rất phản cảm, nhưng lại hiệu quả với bọn cường hào thích quị lụy. Chỉ có mấy cụ văn thân không hiểu tích từ đâu ra nên không buồn sửa.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment