Friday, November 29, 2019

CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC

Tôi định chẳng biên bài nào về vụ chữ viết, bởi lẽ tôi đã viết về chúng từ 2 năm trước, rồi viết thêm 1 lần 1 năm trước về Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes. Nhưng tự nhiên bài viết 1 năm trước của tôi bị tay nào “thuổng” về rồi, chẳng ghi nguồn rồi share như thật nên tôi sẽ tập hợp mới lại và chỉn chu hơn, để dành cho các bạn nhân sự kiện nóng sốt này.

Thực ra tôi quan điểm rất riêng, và cũng thấy cái “trend” này mang tính học thức và bồi bổ kiến thức rất cao, đặc biệt là về lịch sử, cho nên tham gia vào cũng là một cái thú vị. Bài hơi dài, hơn 3000c. Nhưng tôi mong các bạn sẽ không thất vọng khi đọc bài này.

***

I. ĐI TỪ LỊCH SỬ

Ở Châu Á có 4 loại chữ viết, thứ nhất chữ tượng hình (ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thứ hai là chữ Ấn như 1 con giun (ví dụ Thái Lan, Lào …) Thứ ba là chữ Ả Rập (như Qatar, UAE…). Và cuối cùng là chữ Latinh (Singapore, Malaysia, Indonesia…). Việt Nam nằm ở nhóm 4, nhóm chữ Latinh với các ký hiệu a,b,c. Nhưng Việt Nam khá đặc biệt, trước đó Việt Nam nằm ở nhóm 1. Đại Việt cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản nằm trong nhóm ảnh hưởng bởi văn hóa chữ viết của Trung Hoa, tức là chữ tượng hình. Chúng ta hay gọi là nhóm các nước Đồng Văn. Theo thời gian, Đại Việt phát triển từ gốc chữ Hán để ra chữ Nôm, Nhật Bản là chữ Hiragana (chữ để phiên âm tiếng nước ngoài của nhật là katakana), còn Hàn Quốc là chữ Hangul. Trong vòng 1000 năm, các đời vua của Việt Nam từ nhà Trần đến nhà Lê đều cố gắng phát triển dòng chữ Nôm này, coi đó là tiếng dân tộc. Những con người như Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ đều viết các tác phẩm bằng chữ Nôm. Và đến khi hoàng đế Quang Trung nắm quyền, thì ông mới ra một sắc lệnh biến chữ Nôm thành chủ đạo, bắt buộc dùng trong các văn kiện hành chính. Chữ Nôm trở thành quốc ngữ. Sau này Quang Trung mất, nhà Nguyễn không đẩy mạnh vấn đề này nhưng các tác phẩm văn học vẫn đưa chữ Nôm vào, như Chinh Phụ Ngâm hay các tác phẩm của Hồ Xuân Hương. Bản thân sức sống của chữ Nôm bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thời đại nhà Nguyễn. Nhưng chính vào lúc ấy, thì thực dân Pháp tới.

Gần 7 thế kỷ nỗ lực đưa chữ Nôm trở thành chữ viết chính của dân tộc như Hiragana của Nhật và Hangul của Cao Ly gặp phải thách thức khủng khiếp nhất trong lịch sử tồn tại. Và đấy là thách thức không thể vượt qua. Đấy sẽ là kẻ tiêu diệt hoàn toàn ước vọng về chữ Nôm của Quang Trung hay Nguyễn Trãi ngày xưa. Đến 100 năm sau, kẻ hậu thế ở dải đất chữ S không còn được bao nhiêu người biết chữ Nôm nữa.

II. NHỮNG NGƯỜI CHA CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

1. Francisco de Pina người đặt nền nóng.

Tên của ông đã nằm dưới lớp trầm tích lịch sử suốt cả trăm năm qua. Chỉ đến khi một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” vào năm 2016, thì sự đóng góp của ông mới được tìm về. Francisco De Pina chính là tên của người được coi là “thủy tổ” của chữ Quốc ngữ qua các tài liệu được viện dẫn gần đây. Trước đó, trong tác phẩm Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội công giáo Việt Nam nhà sử học, kiêm ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques, đã đưa bản sao bức thư 7 trang viết tay viết từ Hội An đầu năm 1623, cùng tập tài liệu có tên Nhập môn tiếng Đàng Ngoài gồm 22 trang viết tay được xác định đều là của Francisco de Pina trong bộ sưu tập Dòng Tên tại châu Á, tại Thư viện quốc gia Lisbon.
Tất cả đã chứng minh rằng Francisco De Pina đã đi trước Alexandre de Rhodes trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hậu thế hôm nay vốn đã không nhắc đến nhiều về Alexandre de Rhodes, và lại càng biết ít về Francisco De Pina. Và thậm chí đôi ba tài liệu còn tìm được 2 cái tên khác nữa, đó là Gaspar d'Amaral và Antonio Barbosa, những người mở lối đầu tiên.

Francisco De Pina sinh năm 1585 tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha. Năm 20 tuổi, ông qua Macao để học tập và truyền giáo.

Đầu năm 1617, De Pina đến truyền giáo tại Đà Nẵng và Hội An. Nhưng một cơ duyên xảo hợp với quan Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà đã đưa ông đến với đô thị cổ hàng đầu của Đàng Trong khi đó: Nước Mặn (Bình Định).

Tại đó, để phục vụ cho việc truyền đạo, De Pina đã học Tiếng Việt, và nhanh chóng thông thạo. Tiếp đó, ông đi ra dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam để mở thêm cơ sở truyền đạo mới. Cùng với Nước Mặn thì Thành Chiêm cũng trở thành địa điểm truyền dạy tiếng Việt của Dòng Tên ở Việt Nam.

Một trong những học trò của giáo sĩ Francisco De Pina chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Để tri ân người thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của mình, sau này Alexandre de Rhodes đã viết: “Người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.

Giáo sĩ Francisco de Pina nhận được sự tôn trọng rộng khắp từ các giáo sĩ, giáo dân, và cả những người Việt trong vùng vì cách nói chuyện bằng tiếng Việt. Chúng ta hôm nay nói tiếng Việt, nhưng nếu bạn nghe người nước ngoài nhận xét về tiếng Việt, hẳn sẽ bất ngờ. Họ miêu tả chúng ta nói mà “líu lo như tiếng chim hót”.

De Pina với khả năng cảm thụ ngôn ngữ thiên tài đã nhận ra điều đó khi nhận định về tiếng Việt: “Ngôn ngữ này là một ngôn ngữ có cung điệu, giống như cung nhạc, và cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau đó mới học các âm qua bảng chữ cái”. Đấy chính là bí quyết cho người xứ khác học nói tiếng xứ này, và cũng là nguyên do ông tạo nên chữ Quốc ngữ.

Ngày 15-12-1625, trên chiếc thuyền nhỏ đi đón hàng ở Hội An, ông bị chết đuối khi thuyền gặp lốc và bị đắm. Đám tang của ông, hàng trăm người dân địa phương đến tiễn đưa. Họ không biết đó là người sẽ tạo nên chữ của dân tộc Việt sau này.

2. Alexandre de Rhodes: Người hoàn thiện.

Nếu Francisco de Pina là cha đẻ, thì Alexandre de Rhodes chính là người “phát dương quang đại” cho chữ Quốc ngữ. Ông đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung, và hoàn chỉnh những công trình chữ Quốc ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại, và biên soạn cuốn Từ điển Việt – Bồ – La nổi tiếng.

Sau đó, sử dụng các hoạt động, mà chúng ta tạm gọi là “vận động hành lang” ở giáo hội để đưa chữ Quốc ngữ trở thành một công trình chữ được ghi nhận và công bố rộng rãi. Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ như sự hiểu lầm suốt trăm năm qua, nhưng ông là người đã làm “giấy khai sinh” cho loại chữ này. Chỉ với điều đó, tên ông xứng danh với nghìn thu.

Để tri ân ông, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho con đường gần khu vực Dinh Thống Nhất và nằm đối diện với đường Hàn Thuyên, ấy là người đã có vai trò như de Rhodes, nhưng là ở chữ Nôm.

Alexandre de Rhodes là linh mục thuộc Dòng Tên, một người Pháp (hoặc một số tài liệu khác nói là người Bồ Đào Nha), sinh ra ở Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông sinh ngày 15-3, năm sinh tranh cãi giữa 1591 và 1593.

Nhận định về ông, Charles Maybon – tác giả của cuốn sách Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1820 – (Lịch sử cận đại xứ An Nam 1592-1820) đã viết: “…Với hơn bảy năm ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, linh mục De Rhodes đã hiểu biết sâu sắc về tiếng nói, phong tục và tính nết của người An Nam, cũng như về tài nguyên và lịch sử nước này…”.
“…Ngoài những sách nhằm mục đích làm cho Âu châu hiểu biết về đất nước An Nam, ông còn cho ấn hành tại La Mã một cuốn sách giáo lý vừa bằng tiếng Latin vừa bằng tiếng Nam (quốc ngữ) cho người bản xứ dùng; một cuốn từ điển ba thứ tiếng Việt-Bồ-La cho các giáo sĩ thừa sai sử dụng. Đó là những cuốn sách đầu tiên mà trong đó các mẫu tự La Mã được dùng để phiên âm tiếng nói người Nam…”.

Công lao là vậy nhưng đời ông lận đận ở xứ sở mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình, với 6 lần bị trục xuất và lần nào cũng cố tìm đường quay trở lại bởi:

“Tôi đi, nhưng trái tim tôi ở lại xứ đó rồi”.

Ngày 5-11-1660, ông qua đời tại thành phố Ispahan, Ba Tư, tức Iran ngày nay. Mộ của ông đặt tại một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran. Mộ ông nằm cô đơn, cái chết của ông cũng cô đơn. Sau hơn 300 năm, thỉnh thoảng ngôi mộ của ông vẫn được đôi ba người Việt xa xứ tìm đường ghé đến, chỉ để vẩy lên đó những giọt nước cho người đã giúp cho chữ Quốc ngữ thành hình.

Dẫu mục đích ban đầu chỉ là để truyền giáo, nhưng cả Francisco De Pina lẫn Alexandre de Rhodes đều đã làm nên những công tích vĩ đại cho ngày sau. Như chính tờ nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ quốc ngữ của họ: ”Khi cho Việt Nam các mẫu tự La-tinh, Cha Alexandre de Rhodes đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ”. Việt Nam hôm nay nói và dùng chữ Quốc ngữ, há có thể quên những giáo sĩ đó ư?

3. Nguyễn Văn Vĩnh: Người phát quang.

“Công rạng rỡ nếp gia phong con cháu mấy châu ngàn đời vẫn nhớ
Ơn mở mang nền Quốc ngữ người dân nước Nam muôn thuở không quên”

Đó chính là hai câu đối của kiến trúc sư Tô Văn Y ở Bảo Lộc, Lâm Đồng kính tặng cho nhà báo/ dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh. Một con người Việt Nam, một nhà báo, một dịch giả nổi tiếng mà tuổi ngoài 20 đã dịch trọn vẹn Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và tập truyện Ngụ ngôn của La-Phông-ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Tất cả những việc làm đó chỉ để chứng minh cho tất cả thấy chữ Quốc ngữ có thể làm được gì? Và sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong buổi giao thời ngày đó.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15-6-1882. Bởi vì sinh trưởng trong gia đình nghèo nên Nguyễn Văn Vĩnh phải bôn ba lặn lội. Sau này, tính tự học của ông đã rung cảm được một thầy giáo người Pháp đương thời. Từ đó, dọn đường cho ông thâu nạp các kiến thức mới. Sinh thời, chữ Quốc ngữ vốn do Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes sáng tạo với mục đích ban đầu là truyền đạo nên chữ này chỉ được dùng trong giáo hội và các giáo dân. Nguyễn Văn Vĩnh thì tin rằng tương lai của dân tộc phát triển hay không là ở chữ Quốc ngữ, từ đó, tìm đủ mọi cách để chữ Quốc ngữ đi ra với mọi người.

Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo – tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Rồi tiếp đến là tờ Đông Dương tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ. Các tác phẩm nổi tiếng của Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas,… đều được ông dịch ra chữ Quốc ngữ. Phải nói, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với Phan Kế Bính đương thời là những con người tiên phong trong văn học chữ Quốc ngữ của nước nhà.

Năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh mất ở Lào vì bệnh sốt rét. Thi thể ông nằm trên con thuyền độc mộc, cô đơn trầm kha như một nhân vật lịch sử bị người đời quên lãng.

Chữ Quốc ngữ hôm nay là một ngôn từ độc nhất. Hậu thế có quyền kiêu hãnh với ngôn ngữ của Việt Nam. Nhưng đó là sự kiêu hãnh được xây dựng trên bi kịch của rất nhiều phân phận trầm khuất, từng có những giai đoạn gần như bị lãng quên.

III. VÀ SỰ THẬT CHỮ QUỐC NGỮ

Ở đây, những người phản đối việc đặt tên cho hai vị giáo sĩ ở trên kia có một luận điểm rất chắc chắn. Một luận điểm khá được ủng hộ khi chúng dính đến chính trị và tư tưởng dân tộc của người VIỆT. Đấy là mục đích chính của Alexandre de Rhodes khi phát triển chữ quốc ngữ? Nhưng không phải phục vụ cho mục đích xâm lược như các bạn nói đâu. Vâng, mục đích chính đầu tiên là truyền đạo. Khi người Pháp đến Việt Nam, họ gặp một thách thức lớn đó là chữ viết của người Việt Nam với các ký hiệu tượng hình quá khác xa các ký hiệu latinh của họ. Để đối diện với vấn đề này, Francisco de Pina , Alexandre de Rhodes –những thiên tài về ngôn ngữ học đã nghĩ ra một loại chữ mới có vai trò “trung dung”, nằm giữa chữ Nôm tượng hình và chữ Latinh của Pháp. Đọc như người Hán, mà viết thì như người Tây. Khá là lợi hại. Và được diễn giải theo đúng ý tác giả là: “Các mẫu tự la Mã được dùng để phiên âm tiếng nói người Nam.” Bạn có thể xác tín qua các bài hát của Trung Quốc hay các bộ phim Trung Quốc. Có một số từ, Việt Nam và Trung Quốc nói giống nhau. Ví dụ như phim Thủy Hử 1996 có bài hát nổi tiếng là “Hảo Hán Ca”. Bạn sẽ nghe người Trung Quốc đọc là “Hảo Hán Cơ” giống y tiếng mình đọc thôi.

Chính ở đó nảy ra vai trò thứ 2 về chữ Quốc Ngữ: vũ khi để giành giật sức ảnh hưởng với Trung Hoa.

Alexandre de Rhodes thực ra không hề nghĩ tới điều ấy. Ban đầu ông chỉ truyền đạo. Nên nhớ Pháp xâm lược VN hơn 200 năm sau khi các ông qua đời. Chính hai vị linh mục khác mới là người phát hiện ra sự hấp dẫn của loại chữ này. Và đưa nó lên tầm chiến tranh để tấn công vào quốc gia này. Ok chưa? Cho nên xin các ông đi chỉ trích Alexandre de Rhodes, mời các ông đọc thêm 2 ông sau. Chính 2 ông này mới là tội đồ để các ông không cho đặt tên đường nè:

- Người đầu tiên, Linh mục Wibaux, bề trên địa phận Đàng Trong thuộc Hội Thừa sai Paris, viết trên bản ghi chú của giáo phận gửi cho đô đốc Bonard, thống đốc Nam Kỳ ngày 2/12/1863. Theo tài liệu của Yoshiharu Tsuboi trong cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885”.

“Ngoài tiếng Pháp, ở nước Nam còn dạy thêm chữ Nho, một ít kiến thức toán pháp và giáo lý. Người ta thêm vào việc học đó một số môn thể dục để giải trí. Khi con trẻ hiểu biết đủ ngôn ngữ, sau đó sẽ dạy thêm những kiến thức về lịch sử và địa lý, học đo đạc và mấy khái niệm thường thức. “

Câu trên là miêu tả về giáo dục Việt Nam thời Nguyễn. Câu dưới đây mới là câu “ăn tiền”.

“Sẽ rất có lợi nếu đưa việc tập đọc, tập viết tiếng Nam bằng mẫu tự Latin. Chúng ta nên coi đó là đối tượng của nền học vấn. Đấy sẽ là phương thức tốt nhất để dần dần xóa bỏ chữ Hán và chữ Nôm, mà có lẽ việc sử dụng đã là trở ngại lớn cho sự tiến bộ về trí tuệ của xứ sở này.”

- Người thứ hai, Giám mục Puginier. Vui lòng nhớ cái tên đó. Bởi đấy là quân sư quan trọng cho việc Pháp chiếm được Việt Nam. Chiến lược của ông đã được ghi lại trong một bức thử gửi về Paris:

“Như tôi vẫn thường nói, có hai điều đặc biệt làm công cụ tối hảo để thay đổi cả một dân tộc: đó là tôn giáo và ngôn ngữ. Nếu chính phủ Pháp hiểu biết lợi ích thật sự của mình, thì hãy ủng hộ việc rao giảng Tin mừng và dạy bảo ngôn ngữ của chúng ta. Tôi xin khẳng định là trước thời hạn hai mươi năm, chẳng cần phải cưỡng bức ai, xứ sở này sẽ được Kitô hóa và Pháp hóa.”

“Hai điều đặc biệt làm công cụ tối hảo để thay đổi cả một dân tộc: đó là tôn giáo và ngôn ngữ.”

//

Các bạn phản đối, các bạn trách lầm người rồi.

Một cuộc tấn công mãnh liệt trên mọi mặt trận đã được đổ vào nước Nam kể từ sau ngày Pháp bắt đầu nổ súng chiếm Đà Nẵng. Các văn bản Việt Nam thời kỳ thuộc địa đó rất phức tạp, chữ Quốc ngữ cùng với chữ Nôm, các con dấu bằng tiếng Pháp và có vài chữ Hán. Cứ thế theo thời gian, chữ Quốc Ngữ dần dần thay thế chữ Hán/Nôm. Những tầng lớp tây học và tinh hoa nhất của Việt Nam cũng theo cơn gió thời đại mà sự ưu việt của nó đã thể hiện rõ so với nền phong kiến lạc hậu và một Trung Hoa yếu đuối. Chữ Nôm mất dần dần chỗ đứng. Và những thầy đồ cũng rời đi như câu thơ: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”

IV. KẾT LUẬN

1000 năm dùng chữ Nho, 700 năm phát triển chữ Nôm. Tất cả bị gió cuốn đi. Dân tộc Việt Nam không chỉ đứt đi 20 năm mất nước thời giặc Minh đô hộ. Mà sự thiếu tính kế thừa trong lịch sử, cũng phần nào bị vấn đề qua việc thay đổi chữ viết này. Bản thân tôi hay đa số trong các bạn đến bao nhiêu ngôi chùa, gặp bao nhiêu nhà cổ nhưng có đọc được đâu. Dù đấy chính là hình ảnh của tổ tiên ta.

Theo một góc nhìn nào đó, đáng lẽ Việt Nam là quốc gia nhanh nhất trong việc tiếp cận kỹ nghệ phương tây, qua chính chữ viết La Tinh được sáng tạo này. Nhưng người làm điều đó nhanh nhất lại là Minh Trị của Nhật Bản. Bây giờ khi toàn cầu hóa xảy ra, Pháp, Anh, Italia không nói làm gì, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là các thị trường tốt, nhưng ta đâu còn chữ Nôm nữa. Và giờ ta đi cãi nhau chuyện đặt tên mà không nhìn lại được cả bi kịch, cả hạnh phúc, cả vinh quang, cả mặt tối của một loại chữ ta đang dùng, đang viết.

Lịch sử là để nhớ về, tri ân, và hiểu biết chứ không phải để gân cổ lên như những ngày qua. Lịch sử thì đã diễn ra, lịch sử thì không có đúng sai, chỉ có đúng – sai trong góc nhìn của mỗi hậu thế nhìn về. Không thay đổi lịch sử, nhưng phải biết lịch sử để hiểu cần làm gì ở hiện tại và tương lai. Mọi thứ đã thay đổi, chúng ta không thay đổi được lịch sử, mà chỉ có thể nương theo sóng mà đi lên, tự hào vỗ ngực với chữ ta có.

Dũng Phan 

(28/11/2019)

1 comment:

  1. Sáng và tối là quy luật tự nhiên. Nhưng VN ko tận dụng được cơ hội vì tăm tối từ bên trong dù chữ nghĩa từng/có lúc làm sáng lên 1 góc, nhưng cũng qua rồi. Giờ có lẽ đang lúc tăm tối nhất???

    ReplyDelete