Việc lập quốc của Tam Quốc phụ thuộc vào kết quả một trận đánh lớn. Sau chiến thắng, nước đó mới thực sự hình thành, thoát khỏi tầm của một sứ quân.
Với Ngụy, đó là trận Hổ Lao. Trong chiến dịch này, Viên Thiệu có binh lực mạnh hơn gấp bội. Có người tiếc cho Thiệu đã mất Nhan Lương, Văn Sú, nên không có các vị tướng chỉ huy cánh quân độc lập xuất sắc. Tuy vậy, chiến sự tại Hổ Lao Quan cho thấy bên Tào có đủ các tư lệnh chiến dịch xuất sắc như Vu Cấm, Trương Liêu, Từ Hoảng, Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân,... nhưng đều không dùng đến. Có lẽ sức ép lớn từ phía Viên quân, không cho phép Tào quân chia quân, mà phải căng sức để đỡ. Trận Hổ Lao có lẽ là tuyệt tác của nghệ thuật quân sự, lấy ít địch nhiều, của Tào Tháo và Quách Gia. Kết quả người kiên nhẫn đợi thời cơ, tạo ra được cú đấm quyết định gây shock tâm lý cục bộ đã thắng. Nếu bên Viên quân có một nhà quân sự trầm ổn như Trương Liêu, sau thất bại của Thuần Vu Quỳnh ở Ô Sào, không thể gây ra hiệu ứng liên hoàn gây ra tâm lý hoảng loạn toàn quân. Tào Tháo từ một chiến thắng nhỏ đã thổi thành một chiến thắng lớn quyết định số phận của chiến dịch. Để thắng ở Hổ Lao, quyết đoán, hành động nhanh, tận dụng cơ hội hết sức quan trọng. Có nhận định nếu Viên Thiệu nghe lời Quách Đồ đem quân đánh tập hậu vào Hứa Đô, bên Tào Tháo sẽ tan vỡ. Có lẽ nhận định này đúng. Tuy vậy, bên Viên quân không có người được Thiệu tin cậy, hoặc không có người đủ khả năng để là tư lệnh một binh đoàn độc lập. Cũng có thể Thiệu không dám sử dụng binh đoàn độc lập vì nghi kỵ sợ binh biến. Có thể nói trận Hổ Lao Quan là đấu ý chí của thủ lĩnh và Viên Thiệu bị loại mặc dù có tư cách ứng viên hàng đầu của thời Tam Quốc.
Trận thắng lập quốc bên Ngô đương nhiên là trận Xích Bích. Mục tiêu của Tào Tháo tại Xích Bích là đè bẹp Tôn Quyền. Nếu Tôn Quyền thất bại, Lưu Bị ở Giang Hạ cũng không thể tồn tại. Tuy vậy, việc tập trung quân ở Xích Bích có lẽ là một nước cờ chưa trù tính thật kỹ của nhà chiến lược quân sự lớn nhất đời Tam Quốc Tào Tháo. Có lẽ nếu có tiếc Quách Gia thì chỉ ở chỗ không có ai dám phải biện kế hoạch của Tháo. Nếu Tháo rút kinh nghiệm của Viên Thiệu ở Hổ Lao chia quân thành 2 mũi chủ lực và 2,3 mũi quấy rối, bên Tôn quân sẽ khó lòng chống đỡ. Chẳng hạn giao cho Trương Liêu mở thêm một mặt trận ở Hợp Phì-Nhu Tu tảo thanh vùng duyên hải đánh vào Cối Kê, Thạch Đầu thành. Bên cạnh đó giao Vu Cấm, Từ Hoảng, Tào Nhân dẫn các cánh quân độc lập lẻn ra sau lưng Chu Du, Lỗ Túc quấy rối, tương tự như trong chiến dịch Vị Hà phá Mã Siêu Hàn Toại sau này. Chiến sự ở Xích Bích sẽ khác hẳn. Đằng này Tháo lại bố trí Tào Nhân phòng thủ ở Tương Phàn, chứng tỏ Tháo đã tính tới khả năng thất bại, có thể vì lý do tâm linh quàng xiên nào đó. Phía Ngô, Chu Du sử dụng hỏa công, tạo ra một chiến thắng cục bộ mang tính chiến thuật, nhưng shock tâm lý rất lớn, cũng tạo hiệu ứng tâm lý liên hoàn. Mặt khác quân Tào lại có rất nhiều binh đoàn ô hợp vốn là quân của Viên Thiệu và Lưu Biểu, sĩ khí rất thấp, dễ tan vỡ. Có lẽ do cách bố trí trận địa của bên Tào cũng sơ sài. Nếu có phòng ngự nhiều lớp, vỡ một lớp, lui về giữ phòng tuyến hai, ba, có lẽ hỏa công không phát huy được tác dụng lớn như vậy. Các chiến tướng của Tháo vốn có khả năng ứng biến, như khi vón cục đã trở nên thụ động vì phải đợi lệnh của Tháo. Ở đây có một tình trạng nghẽn cổ chai về điều hành.
Trận thắng lập quốc của Lưu Bị là chiến dịch Hán Trung. Bên Lưu quân có thuận lợi là mới thắng ở Ích Châu, sĩ khí cao, các tướng đều muốn lập công. Tuy vậy không phải không có điểm yếu, do quân lực chủ yếu mới thu được từ quân của Lưu Chương. Điểm mạnh của Bị là kinh nghiệm quân sự của chính Lưu Bị và thao lược của Pháp Chính. Bị và Chính chủ động chia Hán Trung thành nhiều mặt trận, với nhiều quân đoàn độc lập của Trương Phi, Mã Siêu, Lưu Bị, Hoàng Trung, Ngụy Diên làm bên Ngụy không biết đâu là chiến trường chính. Không phải Hạ Hầu Uyên đơn độc. Binh lực bên Tào vẫn mạnh hơn, nhưng không thể chủ động tập trung vào một đòn đủ nặng cân tạo ra chiến thắng thuyết phục. Thực ra bên Tào cũng thắng nhiều trận quan trọng. Lưu Bị đối mặt với Quách Hoài, gặp khó. Trương Phi gặp Trương Cáp cũng mất Lôi Đồng. Siêu và Diên cũng chỉ ở mức quân bình. Đột biến xảy ra ở mặt trận của Hoàng Trung, mặc dù lúc đầu cũng bất lợi, Trung cũng bị vây suýt chết. Kết quả cuối cùng Trung thắng và giết được Uyên. Nếu Uyên không hiếu thắng, không đến nỗi mất mạng. Có lẽ việc thua ở Định Quân không đến nỗi thảm họa. Uyên tử trận với tư cách là tư lệnh Hán Trung làm bên Tào shock nặng về tâm lý. Sau đó các quân đoàn của Lưu Bị tập trung lại giữ chặt các điểm phòng thủ chính, sẵn sàng đánh dằng dai, dẫn tới thế cục có lợi cho Lưu quân.
Cả ba chúa Tam Quốc đều cầm quân, nhưng đều thua dưới tay các tướng bên địch. Trận Xích Bích Tháo thua Du như đã nói.
Thất bại lớn nhất của Tôn Quyền là tại Hợp Phì đối diện với Trương Liêu. Thực ra thế lực của Liêu tại Hợp Phì khá đơn độc. Liêu có hai phó tướng là Lý Điển và Nhạc Tiến đều không phục tùng Liêu, và có chức năng giám sát Liêu thay Tháo nhiều hơn. Bên Quyền có Lã Mông, Chu Thái, Lăng Thống, Cam Ninh, là các tướng có thể chỉ huy các cánh quân độc lập gây đột biến. Quân đội của Lục Tốn lại đóng ở tuyến 2 vừa chống quân Tào Nhân, vừa sẵn sàng yểm trợ cho Tôn Quyền. Bên Tôn quân, sĩ khí khá cao sau trận Xích Bích. Có lẽ sai lầm của Quyền là tập trung quân tướng đối diện với Trương Liêu, làm bài toán của Liêu trở nên đơn giản. Chỉ cần Liêu có thắng lợi cục bộ, tạo ra yếu tố tâm lý tốt, Liêu sẽ thắng. Riêng về việc này Liêu có ưu thế tuyệt đối, vì nổi tiếng là kiêu tướng tiên phong của Tháo, đấu tay đôi, Liêu chưa từng thua ai. Kết quả Tôn Quyền vỡ trận, quân Ngô hoảng loạn, Trương Liêu thừa thắng tàn sát bên Ngô đến mức nhiều năm sau bên Ngô không dám bén mảng ra Hợp Phì.
Trận thua lớn nhất của Lưu Bị là trận Hào Đình đối diện Lục Tốn. Sai lầm của Bị cũng giống hệt 4 trận nói trên. Bị không có phòng tuyến nhiều lớp, cũng như không mở được các mặt trận độc lập. Có lẽ trong thực tế không giống như La Quán Trung mô tả, Bị quân ít nên không dám mở thêm mặt trận và phải tập trung co cụm làm bài toán của Lục Tốn đơn giản tương tự như của Trương Liêu. Chỉ cần đánh vỗ mặt chia cắt quân Thục làm đôi, hiệu ứng tâm lý sẽ hết sức lớn. Và quả thật là như vậy. Bên Thục không có các tư lệnh binh đoàn độc lập như Trương Phi, Hoàng Trung. Mã Siêu và Ngụy Diên phải trấn giữ phía Bắc. Triệu Vân không có khả năng chỉ huy độc lập. Cánh quân của Hoàng Quyền bị cắt khỏi quân của Bị và phải đầu hàng Tào Phi.
Cả 5 trận nói trên, bên thua đều vón cục. Bị dính một đòn là mất tính thần, tê liệt tâm lý và bị knock out sau đó.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment