Saturday, November 23, 2019

Nhà tư sản giàu bậc nhất và tấm 'bìa N' thời bao cấp

Cập nhật: 13:35, Thứ 6, 17/11/2017

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện tình cảm yêu quý và sự quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Lương Bằng kể rằng, trong một lần, khi nhắc đến gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, Bác đã nói: “Gia đình ấy với mình chỉ là một”.
Hoàn cảnh thay đổi, tấm lòng không thay đổi
Sau 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, trở về Thủ đô Hà Nội (1954) gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện hầu như hoàn toàn phá sản, cuộc sống không còn phong lưu như xưa. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của gia đình lúc này không lấy gì làm sung túc, thậm chí khó khăn, ông bà Đỗ Đình Thiện vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục các con.

Ông bà Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) - Trịnh Thị Điền (1912 - 1996)
Ông bà đã hết sức cố gắng để cả bốn người con đều được học đại học. Không phụ lòng mong đợi của cha mẹ, bốn người con đều trở thành những cán bộ kỹ thuật và nhà khoa học có uy tín trong giới chuyên môn: Con gái cả là kỹ sư luyện kim Đỗ Thanh Liên, con gái thứ hai là kỹ sư dệt Đỗ Kim Anh, con gái thứ ba là bác sĩ Đỗ Thiên Hương và con trai út là GS.TSKH Đỗ Long Vân, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam.
Tuy hoàn cảnh thay đổi, kinh tế gia đình cũng không được như xưa, nhưng không vì thế mà làm eo hẹp tấm lòng hiếu khách, quan tâm giúp đỡ bạn bè khi cần của ông bà Đỗ Đình Thiện. Thập niên 1960, ông Nguyễn Lương Bằng - Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng thanh tra Chính phủ, được các bác sĩ trong nước chẩn đoán “ung thư vòm họng”. Điều kiện về y tế của nước ta lúc đó chưa năng lực nên phải đưa ông Bằng sang Trung Quốc khám và điều trị. Bà Hà Thục Trinh, vợ ông, ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên đi theo chăm sóc ông hay ở nhà với các con. Lúc này, bốn người con của ông bà Bằng - Trinh đều còn nhỏ.
Ông bà Đỗ Đình Thiện đã động viên bà Hà Thục Trinh yên tâm đi theo chăm sóc ông Nguyễn Lương Bằng cho chu đáo. Trong trường hợp ông Bằng buộc phải điều trị lâu dài ở Trung Quốc thì bốn người con ở nhà ông bà Thiện sẽ chăm sóc. Ông bà Nguyễn Lương Bằng yên tâm lên đường đi Trung Quốc. Con gái Nguyễn Tường Vân được ông bà Đỗ Đình Thiện chăm sóc và đã trở thành con nuôi của ông bà Thiện. Còn ông Nguyễn Lương Bằng khi kiểm tra kỹ tại Trung Quốc, kết quả cho thấy không phải bị ung thư nên được về nước sớm.�
Một bậc “Mạnh Thường Quân”

GS Trần Văn Giàu khi còn tại thế, có lần đã kể lại cho các con của ông bà Đỗ Đình Thiện, khi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, ông đã tới thăm Cố vấn Phạm Văn Đồng. Lúc chia tay, GS Trần Văn Giàu nói: “Bây giờ tôi tới “thăm” “ông bạn triệu phú” của tôi đây”. Cố vấn Phạm Văn Đồng liền hỏi: “Anh đến anh Thiện à?”. Ngừng một lúc, Cố vấn Phạm Văn Đồng chia sẻ thêm: “Anh Đỗ Đình Thiện là một người rất đặc biệt: Bác Hồ và tôi làm việc cho cách mạng còn phải có lương, nhưng anh Thiện thì không chịu nhận lương!”
GS Trần Văn Giàu kể lại, người ta nói với nhau: “Anh Đỗ Đình Thiện, khi có một xu dính túi cũng như khi có một triệu đồng trong túi, đối với bạn không thay đổi, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ bạn”. Đó là lý do từ lâu ông được bạn bè mệnh danh là “Mạnh Thường Quân”.
Trong kháng chiến, làm Giám đốc Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ông đã không hưởng lương vì ông giải thích rằng hưởng lương khó làm việc, không lương dễ nói hơn. Về Hà Nội sống và làm việc (Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam) mà không hề có lương hưu. Cuối đời ông là những tháng ngày cống hiến. Tiêu chuẩn của nhà tư sản giàu nhất nhì Hà Nội một thuở, nay chỉ được bìa N, là tiêu chuẩn phân phối thấp nhất thời bao cấp dành cho dân thường: mỗi tháng được mua một lạng đường và một lạng thịt. Ông cũng chẳng hề than phiền mà cứ thản nhiên theo tiêu chuẩn, dân thường cũng sống được nhờ bìa N lẽ nào mình lại không?
Chỉ đến khi ông Đỗ Đình Thiện lâm bệnh nặng vào điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô thì tiêu chuẩn bìa N mới thành giai thoại. Bác sỹ Bùi Phan Kỳ, Chủ nhiệm khoa Tim mạch, rất lúng túng vì không biết xếp ông vào tiêu chuẩn nào. Thời đó thuốc điều trị phụ thuộc vào lương và cấp bậc. Bệnh nhân Đỗ Đình Thiện bìa N thì đương nhiên chiểu theo quy định là phát thuốc vé vét. Song bệnh nhân này lại liên tục có “khách sộp” đến thăm. Bác sỹ Bùi Phan Kỳ về kể với người thân: “Trong bệnh viện có một trường hợp rất lạ: một ông già chẳng có chức vụ gì, thậm chí không có lương, nhưng các đồng chí cán bộ cao cấp cứ thay nhau vào thăm!”
Ông Đỗ Đình Thiện sống giản dị và khi ra đi cũng giản dị. Ngày 2 tháng 1 năm 1972 (tức 16/11 Tân Hợi), nhà tư sản dân tộc yêu nước Đỗ Đình Thiện lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Việt-Xô, hưởng thọ 69 tuổi. Dịp này, máy bay Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc và Hà Nội. Ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn và kỷ niệm đẹp trong lòng mọi người biết đến ông. Cánh đồng Cổ Nhuế, ngoại thành Hà Nội quê hương ông đã đón ông trở về yên nghỉ vĩnh hằng.
Năm 1996, sau hai mươi bốn năm “xa cách”, ở tuổi 85, bà Trịnh Thị Điền, người bạn đời nhân hậu của ông, cả cuộc đời bà hết lòng vì chồng vì con, đã “trở về” bên ông dù bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và có tiêu chuẩn vào nghĩa trang Mai Dịch.
Vừa là bạn đời vừa là cộng sự
Sinh thời, ông Thiện rất thương cảm cho hoàn cảnh côi cút thời thơ ấu của vợ. Như để bù đắp phần nào sự thiệt thòi ấy, ông thương yêu bà một cách kín đáo, và thường có những cử chỉ quan tâm chăm sóc bà một cách tế nhị. Từ Việt Bắc trở về Hà Nội, bà Thiện còn chưa biết đi xe đạp. Bà phải đi làm xa, ông Thiện đã giúp bà tập xe. Sáng sáng, ông thường dậy sớm, lo bữa ăn sáng cho bà, dắt xe ra cổng, chờ cho bà lên xe đi khuất rồi ông mới quay vào…


KIỀU MAI SƠN

Ảnh ông bà Đỗ Đình Thiện

No comments:

Post a Comment