Wednesday, November 20, 2019

ĐƯỜNG NÀO CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM?...

• Giáo dục Việt Nam không lỗi thời, nó chỉ lạc đường ...
*****
# Một nền giáo dục lạc đường
Giáo dục Việt Nam không lỗi thời, nó lạc đường, nó mất phương hướng. Vì thế, thay vì thúc đẩy đất nước phát triển, tạo ra nhân tài, thì nó lại giết chết các thiên tài và làm chậm sự phát triển của xã hội.
Kiến thức có thể mất đi nhưng sự khôn ngoan thì không. Bản chất đúng của giáo dục là tạo ra sự khôn ngoan. Nhưng thay vì tạo ra khôn ngoan, giáo dục Việt Nam hiện nay lại chỉ làm mỗi một việc là nhồi kiến thức. Nó bắt người ta học thuộc những thuật toán, những công thức luôn có sẵn trên mạng và nó lờ hẳn đi những môn học về cuộc sống, đạo đức, nhân văn. Đó là những thứ mà người ta phải sử dụng, phải đối mặt hàng ngày.
Thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ, từng giây, từng phút. Đặc biệt là các kiến thức mới không ngừng được bổ sung cập nhật mỗi ngày. Nhưng giáo dục xứ ta thì nhất định không chịu cập nhật những kiến thức mới, tư duy mới, phương pháp mới. Một nền giáo dục không khớp với thời đại là một nền giáo dục vô nghĩa.
Thế giới được tạo ra từ các ý tưởng, vì thế sự sáng tạo là điều quan trọng nhất. Nhưng trường học của chúng ta đã và đang không ngừng giết chết mọi khả năng sáng tạo, đè bẹp mọi ý tưởng có thể nảy ra. Học sinh không làm gì ngoài nghe và ghi chép, không được phép nghĩ khác giáo viên, văn phải làm theo mẫu, không có các môn học khuyến khích sáng tạo. Trong một môi trường như vậy thì làm sao để có thể sáng tạo?
Giai đoạn tiểu học là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách và đạo đức thì lại bắt bọn trẻ học toán, học khoa học và hàng đống thứ tạp nham khác. Việc học bị biến thành cuộc chiến, thành nỗi ám ảnh, thành nghĩa vụ phải hoàn thành. Bọn trẻ dần mất hẳn hứng thú học tập từ đây.
Muốn một người học cả đời thì phải cho họ học thứ họ thích, nhưng hiện tại thì sao? Bọn trẻ hoàn toàn không được học thứ gì chúng thích hoặc thứ chúng thực sự cần, mà tất cả những gì chúng phải học là những môn mà người lớn nghĩ là chúng cần. Dùng suy nghĩ của mình để áp đặt những thế hệ sau thì đến bao giờ chúng ta mới có những suy nghĩ khác, những ý tưởng đột phá?
Nếu giáo dục là bầu trời của tri thức và sự khôn ngoan thì trường học không gì khác hơn là một ô cửa sổ nhỏ, nhỏ tí xíu. Người ta bắt lũ trẻ phải ở phía sau cửa sổ, phải cảm ơn cửa sổ vì nhờ cửa sổ chúng mới thấy bầu trời. Không một ai nhận ra rằng phải đập hẳn bức tường đi, gỡ hẳn cửa sổ đi thì lũ trẻ mới được tiếp cận với một bầu trời bao la không giới hạn, không đóng khung, không tù túng.
Thế giới này không ai thành công chỉ một mình, không ai tạo ra thay đổi chỉ một mình, tất cả đều phải từ hợp tác và nhờ hợp tác. Nhưng tại sao trường học không dạy người ta về hợp tác mà lại chỉ dạy về chia rẽ, cạnh tranh?
# Mục đích của giáo dục
Mục đích của các trường học ở Việt Nam là đào tạo và nhằm chuẩn bị những lớp người đi làm công lao động cho nền công nghiệp hóa sản xuất chứ không phải tạo ra việc làm. Đó là lý do hàng ngàn cử nhân thạc sĩ thất nghiệp, bởi vì ai cũng trông đợi một việc làm. Một nền giáo dục tốt phải tạo ra những người tự tạo được việc cho mình trước tiên. Bởi vì một người có thể tự tạo ra một công việc quý giá hơn một người có thể tìm được một công việc. Phải giúp người ta không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thì đó mới là nền giáo dục cần thiết cho nhân loại.
# Giáo viên là ai?
Giáo viên, người hướng dẫn là một phần nguyên nhân tạo nên sự yếu kém và vô dụng của ngành giáo dục, vì họ không thay đổi, họ độc tài và bảo thủ. Họ không cho phép học sinh có suy nghĩ khác, họ không cho phép học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, tất cả quan điểm đều phải được cho phép trong khuôn khổ của một vài người. Họ bắt học sinh học giỏi tất cả các môn, họ muốn học sinh tự học tự trau dồi mọi thứ. Tất cả những gì họ có thể làm là la hét và trừng phạt. Một lớp giáo viên như thế sao có thể dạy dỗ tốt được ?
# Ngộ nhận về thành tích
Giáo dục hiện tại sai lầm nhất khi chỉ xem trọng một loại trí thông minh trong rất nhiều loại trí thông minh, câu chuyện bắt voi trèo cây nói rõ chuyện này. Không thể đem thước đo leo cây ra bắt mọi con vật thi thố chọn loài thông minh nhất. Không thể dùng chỉ một vài môn học để phân loại lũ trẻ là thông minh hay ngu dốt, giỏi giang hay thấp kém.
Mới đây lại còn câu phát biểu “ngớ ngẩn” của ông bộ trưởng: “Phải học khá học giỏi hạnh kiểm mới tốt, học yếu kém thì hạnh kiểm không thể tốt được”.
Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là mọi đứa trẻ không có trí thông minh học thuật, kể cả những đứa thông minh về các loại khác đều là những đứa hư hỏng, đạo đức kém cỏi??? Nói cho dễ hiểu thì mọi con vật không giỏi trèo cây đều là những con vật đạo đức kém, ngu đần, bất trị sao?
# Suy nghĩ cá nhân
Ngày trước tôi chưa bao giờ có thể hình dung một đứa trẻ mà không đi học thì sẽ làm gì? Ngày nay tôi lại phải tập để làm quen với câu hỏi khác, ”một người đi học để làm gì?, làm được gì?” Ít ra những đứa trẻ không được đi học còn biết mưu sinh, biết tự lập, biết kiếm miếng cơm lo cho cuộc sống riêng của chúng. Dù cho không bằng những người khác và dù cho cơ hội bị giới hạn với muôn ngàn khó khăn. Nhưng ít nhất chúng không là gánh nặng của xã hội, vì chúng biết tự làm việc để nuôi sống mình.
Còn ngày nay thì sao? Cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp cầm tấm bằng rồi làm gì? Chờ công việc, thất nghiệp, ăn bám gia đình ngày này qua ngày kia. Ai cũng đợi chờ một công việc mà không ai biết nhấc mông tự đi tạo việc làm cho mình. Nếu đi học, đến trường xong chỉ để ra trường ăn bám thì thà đừng đi học làm gì tốn công nuôi của cha mẹ, trở thành gánh nặng của cả xã hội.
Nền giáo dục Việt Nam vì những lý do trên, không thể gọi là một nền giáo dục bình thường được. Nó không chỉ làm mờ tương lai một em học sinh mà còn làm tối tăm cả tương lai của đất nước.
Vậy thì có đáng trách không, có đáng lên án không?
Đã tới lúc phải thay đổi…..
(Lượm lặt)

No comments:

Post a Comment