NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỘI MŨ PHỚT
Ông Trịnh Đình Tiến (03/06/1938 - 05/01/2021) Ảnh : Nguyễn Đình Toán
Lần đầu tiên tôi gặp ông vì liên quan đến một bức ảnh tư liệu. Bước vào phòng tôi, ông cẩn thận nâng chiếc mũ phớt ra khỏi đầu và khẽ nghiêng người chào. Cách chào ấy vừa lịch sự, vừa khiêm tốn và cũng vừa e dè. Đã quá lâu rồi, tôi không còn được nhìn thấy cách chào ấy ở Hà Nội, một chốn vốn nổi tiếng thanh lịch này. Trước khi ngồi xuống ghế, ông để chiếc mũ một cách trang trọng và cẩn thận xuống bàn. Những lần sau này, động tác để mũ của ông vẫn như vậy. Lần nào tôi cũng quan sát cách chào và động tác mũ của ông với một cảm giác thật thú vị và xúc động. Con người ông ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên cho đến sau này luôn hiện lên hai mảng trái ngược nhau : nho nhã và lam lũ, ngơ ngác và buồn bã. Mỗi năm chúng tôi chỉ gặp đôi lần vì công việc, cho nên tôi cũng không tìm hiểu lai lịch của ông. Chỉ biết ông là một người chụp ảnh và sưu tầm ảnh tư liệu. Sau này biết thêm ông là cộng tác ảnh tư liệu mật thiết cho Tạp chí Xưa và Nay của nhà sử học Dương Trung Quốc . Ông là người chụp và sưu tầm hàng ngàn bức ảnh tư liệu về Hà Nội, về các sự kiện và các nhân vật nổi tiếng. Nhưng những gì từ con người ông toát ra càng ngày càng gây cho tôi một sự tò mò. Ông là ai ? Nguồn gốc ông thế nào ? Điều gì đã làm nên cái nho nhã, cái lam lũ, cái lơ ngơ và buồn bã trong con người ông ? Ông là một người say mê phim ảnh. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã cầm máy ảnh. Rồi ông theo học điện ảnh, chuyên nghề quay phim. Đời ông đã hai lần làm phụ quay cho hai bộ phim. Một phim tư liệu và một phim truyện. Ấy là phim Vợ chồng A Phủ. Nhưng số ông không may. Một ngày ở trường quay, phim hết. Người ta bảo ông về lán lấy phim. Ông cưỡi ngựa về lán và bị ngựa đá vào mặt làm cho con ngươi bên mắt phải của ông gần như bật tung ra khỏi hốc mắt. Khát vọng trở thành nhà quay phim vụt tối đen. Sau một thời gian chữa trị, mắt ông khá lên. Ông mừng lắm. Ông lại theo học một lớp quay phim chính quy khác. Nhưng lần này ông cũng không được cầm máy quay. Không có con ngựa nào đá ông. Số phận đã đá ông một cú mạnh hơn cú đá của ngựa. Từ đó khát vọng trở thành nhà quay phim vĩnh viễn rời bỏ ông. Không trở thành nhà quay phim nhưng ông vẫn phải sống, phải nuôi con cái. Ông chỉ còn có một việc vừa để kiếm cơm vừa để đỡ dày vò về ước mơ giản dị của mình là quay phim. Thế là ông cầm máy ảnh. Nhưng ông cũng không trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh có ảnh bày trong các triển lãm ảnh nghệ thuật và được những giải thưởng nào đó. Ông trở thành thợ ảnh Habe. Thợ ảnh Habe là tên goị cho có vẻ sang trọng của những người làm nghề chụp ảnh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Habe là tên một hiệu ảnh trong một bộ phim nổi tiếng trước kia. Những người thợ ảnh như ông gọi thế. Còn người đời gọi ông và những đồng nghiệp của ông là thợ ảnh Bờ Hồ. Giữa khát vọng và sự học hành để trở thành một nhà quay phim và nghề chụp ảnh thuê ở Bờ Hồ là một trò đùa của số phận. Nhưng khi nói về những ngày tháng chụp ảnh quanh Bờ Hồ, ông say đắm như một nghệ sĩ lớn nói về cuộc đời sáng tạo của mình. Ông nói với tôi rằng, những người chụp ảnh Bờ Hồ có cùng nhau tổng kết một cách hài hước cái nghề chụp ảnh Bờ Hồ bằng gần sáu mươi cặp L kép. Cụm từ “LL” có nghĩa gì ? Ông mỉm cười :
Đó là lanh lẹn, luồn lách, lặn lội, lí luận, lì lợm, lẳng lơ, lấp liếm, lượn lờ, lưu loát, vv và vv ... Nghĩa là muốn ăn tiền được của thiên hạ bằng cái nghề này thì các tay thợ ảnh Bờ Hồ phải cực nhọc, vất vả, và cũng đầy mưu mẹo. Chụp ảnh Bờ Hồ không chỉ chụp quanh Bờ Hồ mà ông còn đi chụp thuê đám cưới đám ma. Có những bức ảnh vui chụp hơn nửa thế kỉ nay ông vẫn giữ. Đó là bức chụp hai đứa bé sinh đôi đầy tháng đang mở mắt tròn xoe nhìn cuộc đời. Có những bức ảnh buồn ông cũng giữ. Đó là bức ảnh ông chụp một đám tang hai cỗ quan tài để song song của hai vợ chồng cùng chết một ngày. Mà đó là một cái chết bình thường chứ không phải chết bom chết đạn gì. Ông bảo số phận thật kì lạ ...
Mấy chục năm cầm máy ảnh, ông chỉ chụp những gì có thực của cuộc sống này mà không hề có sự bố trí nào. Có những hình ảnh chỉ hiện ra trong đời sống này một lần và không bao giờ thấy lại nữa. Ông chụp chuyến tàu điện cuối cùng của Hà Nội. Ông chụp đủ năm cửa ô Hà Nội được trang hoàng cờ hoa trong ngày những đội quân tiến về Tiếp quản Thủ đô. Ông chụp cả những nghệ sĩ có tên tuổi của Cách mạng đứng trên cầu Thê Húc rồi sau đó lên tàu di cư năm 1954 và rời bỏ Cách mạng, rời bỏ thành phố quê hương. Có người ông chụp lấy tiền. Có ngừơi ông chụp mà không lấy tiền vì họ còn nghèo hơn ông. Có lúc ông phải chụp lén, chụp trộm. Vì trong thời chiến mà cứ mũ phớt, tóc dài, kính râm và thập thò máy ảnh, thì dễ bị người dân nghi là gián điệp.
Ông chụp những người mà ông rất quí trọng và chụp cả những kẻ ông dửng dưng, thậm chí cả những kẻ ông khinh thường. Ông chụp những người quen và cả những người ông không quen biết. Cuộc đời có từng ấy gương mặt thì ông ghi lại từng ấy, một cách trung thực. Không vì thù ghét mà bôi tro trát trấu. Không vì quí trọng mà trát phấn tô son. Cuộc đời thế nào hãy hiện lên như thế : buồn vui, tốt xấu, thật giả, … Ông không phản bội lại hiện thực. Đấy là niềm vui của ông. Một niềm vui bất tận mà mấy ai thấu hiểu. Ông là một nghệ sĩ trong cái công việc mà người đời chẳng mấy ai coi trọng.
- Cha ông có làm nghề chụp ảnh không ?
- Cha tôi là một thương gia thời Pháp thuộc !
Sau này tôi biết, cha ông chính là ông Trịnh Đình Kính*, người mà trong một bài báo người ta đã gọi là "Ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương". Đấy là một người đã làm ra những đồ thủy tinh nổi tiếng, từng mười sáu lần được Huy chương Vàng hội chợ Đông Dương, và là người làm ra thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi nhà của ông Trịnh Đình Kính từng là nơi ăn ở của nhiều đại biểu Quốc hội khóa I. Lúc đó, Chính phủ còn nghèo khó, người dân đã chia cơm sẻ áo cho Cách mạng. Ông Trịnh Đình Kính là một trong những người tham gia tích cực "Tuần lễ vàng" ủng hộ Cách mạng, và trước đó đã từng bị thực dân Pháp bắt bỏ tù vì tội ủng hộ Việt Minh ...
- Ông nội ông có làm nghề chụp ảnh không ?
- Ông nội tôi là Trịnh Đình Thành. Ông nội tôi là một nghĩa quân dũng cảm trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp. Khi quân Cần Vương thua trận ở Bãi Sậy, ông nội tôi ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông tự vẫn, để giữ tiết trung quân và bảo vệ những bí mật không thể rơi vào tay giặc !
No comments:
Post a Comment