TELLER EDE, “NGƯỜI LUÔN ĐI TRƯỚC BẠN HÀNG NGÀN BƯỚC CHÂN”
Teller Ede (Edward Teller, 1908-2003) thuộc nhóm các nhà khoa học đã tham gia phát triển trái bom nguyên tử đầu tiên (*). Nhưng ông được biết đến nhiều hơn như “Người cha của bom khinh khí” (bom H), nhà bác học có vai trò quyết định khiến Hoa Kỳ trong thập niên 50 đã phát triển thành công loại vũ khí có sức sát thương gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử, và nhờ vậy, vượt Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt thời “Chiến tranh lạnh”.
Hồi nhỏ, mình đọc rất nhiều những cuốn sách kiểu “Thời niên thiếu của các thiên tài”, trong đó có rất nhiều giai thoại, câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và tính cách của các thiên tài, trong đó có nhiều người thuộc nhóm “Người Hỏa tinh” đến từ Hungary, mà tất nhiên sau này mới mới biết. Những câu chuyện ấy, thật ra cũng không biết thực hư, nhưng có lẽ đã mở cho mình và các bạn cùng thế hệ mình cánh cửa vào thế giới của sự hiểu biết.
Câu chuyện sau đây mình còn ghi lại, liên quan tới 2 thành viên thuộc “Nhóm mafia Hungary”ở Mỹ thời đó, Teller Ede và Wigner Jenő (Eugene Paul “E. P.” Wigner, 1902-1995), qua hồi tưởng của Teller Ede. Trong giai thoại này ko thể thiếu hình bóng của Albert Einstein, bộ óc vĩ đại nhất của mọi thời đại, nhà khoa học lớn nhất thế kỷ 20, người mà nhiều thế hệ các nhà bác học trên thế giới đã lấy làm may mắn từng vì được nghe ông giảng bài.
Chuyện kể rằng, sau một bài giảng của Albert Einstein mà Teller Ede “ko hiểu chút gì cả” theo lời ông thuật lại, ông đi dạo cùng các đồng nghiệp và cứ thở dài thườn thượt. Khi đó, cùng đi dạo với Teller Ede, có Wigner Jenő đang giảng dạy tại Berlin và cũng có mặt trong buổi giảng đó. Thấy người bạn thân, người đồng nghiệp cứ buồn rầu thở ngắn thở dài, Wigner hỏi bạn “có chuyện gì thế cậu?”. Teller cay đắng đáp: “Mình ngu xuẩn quá cậu ạ!”.
Wigner Jenő điềm nhiên buông câu trả lời đi vào huyền thoại: “Đúng, đúng. Ngu xuẩn là tính phổ biến của con người mà!”. Tuy nhiên, không hiểu bài giảng của Albert Einstein trong dịp này đương nhiên không phải là một kẻ xuẩn ngốc: ngược lại, Teller Ede có tiếng từ nhỏ là thông minh và đặc biệt. Như lời kể lại, cho đến năm lên 3 tuổi, cậu bé không nói một từ nào, nhưng sau đó bỗng nhiên buông ra những câu nói dài, hoàn hảo và có ý nghĩa.
Sau đó, trong bữa ăn, câu nói cửa miệng của Teller Ede là: “Bố mẹ đừng có quấy, con đang suy nghĩ một vấn đề này!”. Trước khi ngủ, cậu bé rất thích tính nhẩm và bài toán cậu thích thú là tính xem 100 năm có bao nhiêu giây. Sau này, nhà bác học thuật lại, sở dĩ ông thấy bài tập đó thú vị là vì, cứ mỗi lần lại nhẩm ra một kết quả khác nhau! Đặc biệt, từ rất trẻ, Teller Ede đã luyện cho mình tư duy logic và cậu bé thường xuyên có những câu thắc mắc.
Chẳng hạn, trong giờ Giáo lý ở bậc Tiểu học, cậu hỏi: nếu Đức Chúa Trời tạo ra trời và đất, thì ai tạo ra Đấng tạo hóa? Hàng loạt những câu hỏi tương tự khiến thầy cô “bó tay”. Lên các lớp trên, Teller Ede rất chán học toán vì anh vượt xa các bạn cùng lớp, đến mức thầy giáo phải phàn nàn: “Teller, tôi biết cậu là một thiên tài, nhưng... vừa vừa phai phải thôi, tôi không ưa các thiên tài đâu!”. Ở bậc Trung học, anh bị cấm đọc sách về Thuyết Tương đối.
Lý do là ngay các giáo viên Vật lý cũng chỉ hiểu lơ mơ về công trình của Albert Einstein, nên chỉ sau khi tốt nghiệp phổ thông, họ mới cho chàng trai Teller Ede tiếp cận với những kiến thức “búa bổ” này. Mặc dù quan tâm và rất giỏi Toán, nhưng theo lời khuyên của cha, ông theo học Hóa “để dễ kiếm tiền” và sau đó, tại Karlsruhe - “thánh địa” của nền công nghiệp Hóa học Đức - chỉ nghe giảng một lúc Teller Ede đã biết giáo sư muốn nói gì!
Bảo vệ luận án Tiến sĩ với Werner Heisenberg, người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel Vật lý năm 1932, Teller Ede được người thầy hơn mình 7 tuổi khen là “dù tuổi cỏn trẻ nhưng cực kỳ chính xác và kiên quyết trong cả câu hỏi và câu trả lời của mình”. Trí tuệ của Teller Ede luôn đặc trưng bởi tính đa dạng, ông tinh thông nhiều môn khoa học và nhiều ngành nghệ thuật, ông chơi dương cầm xuất sắc và làm thơ không hề tệ,
Điều đặc biệt, nhà bác học cho rằng những thành tựu của ông trong khoa học là nhờ thứ tiếng mẹ đẻ “khó nhất thế giới” - tiếng Hung- như một công cụ phát triển tư duy logic mỗi lần cần sử dụng và “động não”. Thiếu tiếng Hung như ngôn ngữ mẹ đẻ, “tôi chỉ thành một giáo viên trung học bậc trung”, ông thổ lộ, và đây cũng suy nghĩ của nhiều nhà khoa học Hung khác khi lý giải về thành công của những người Hungary đã làm thay đổi thế kỷ 20.
Những công trình lớn mà Teller Ede cùng thế hệ “Người Hỏa tinh” Hungary đã cống hiến cho khoa học thế giới, đã có rất nhiều sách vở đề cập tới. Teller Ede thường được nhắc tới như người đã chở 2 đồng nghiệp “khủng” Szilárd Leó và Wigner Jenő đến gặp “Giáo chủ” Albert Einstein, để thông qua lá thư viết sẵn gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm khởi động dự án phát triển loại vũ khí có sức công phá kinh khủng nhất cho tới khi đó.
Có thể viết rất nhiều về những gì diễn ra sau đó, niềm vui và khổ đau sau Dự án Manhattan khi những trái bom nguyên tử đầu tiên được thả ở Nhật gây nên sự “phân cực” giữa các thành viên chủ đạo của Nhóm, Szilárd Leó mang tư tưởng hòa bình và Teller Ede bị coi là tiếp tục phục vụ xu hướng “diều hâu” của Mỹ. Sống thọ nhất trong số các danh nhân hiện diện trong các biến cố này, cho tới giờ, Szilárd Leó vẫn bị lời chê, bên cạnh tiếng khen.
Một điều chắc chắn: những bộ óc vĩ đại nhất của khoa học thế giới cũng không thể tránh hỏi yếu tố thời cuộc và Teller Ede đã dùng trí tuệ của mình phục vụ cho quê hương thứ hai, Hoa Kỳ, theo niềm tin và cách nghĩ của ông. Các phần thưởng cao quý của nước Mỹ dành cho ông cũng để tưởng thưởng nỗ lực ấy, của một con người “luôn đi trước bạn hàng ngàn bước chân”, “chói lọi hơn tất cả”, theo nhận xét của nhà khoa học James Arnold.
Hôm nay, ngày 15/1/2022, là tròn 114 năm ngày sinh của con người kỳ vĩ ấy...
Nguyễn Hoàng Linh (Bp)
No comments:
Post a Comment