Tuesday, January 25, 2022

Tội ác man rợ của Khmer đỏ ở Ba Chúc, Bảy Núi, An Giang

 BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ QUỐC 

* Theo ghi chép của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến 

Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không sao quên được những năm tháng quân ngũ của đời mình. Tất cả như vẫn còn đây hiển hiện tươi rói những kỷ niệm ngọt ngào, thương đau và như đang hành trình cùng tôi giữa biết bao lo toan, bộn bề cuộc sống. 

Biên giới An Giang ơi! Một thời để nhớ và một thời để thương. Nỗi nhớ thương mênh mang, cuồn cuộn chảy trong lòng tôi, như dòng sông trào dâng tha thiết.

Nỗi nhớ thương đầu tiên cho tôi xin được cúi đầu, hướng về phương nam, tưởng nhớ và đau lại nỗi đau trước cái chết thương tâm, vô tội của gần hai nghìn đồng bào xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang. 

Tại đây trong những ngày tháng tư năm 1978, bọn đao phủ Pônpốt đã sát hại một cách dã man gần một phần ba dân số của xã. Trong lịch sử nước ta, chưa từng có một cuộc thảm sát dân thường nào do kẻ thù gây ra, lớn như vậy và tàn bạo đến như vậy. Khi đơn vị chúng tôi theo những chuyến xe GMC đến được tận nơi thì bọn đồ tể coi như đã “hoàn thành” cái công việc trời không dung đất không tha ấy đối với đồng bào ta, cũng như mấy năm qua chúng từng thi hành đối với chính dân tộc của chúng: Diệt chủng. 

Và sau cơn say máu tàn sát người vô tội cả một trung đoàn “thiện chiến” Pônpốt đã bỏ chạy tháo thân lên núi Phú Cường hòng lẫn trốn. 

Một chiếc trực thăng của ta vè vè lượn trên đầu, giảm dần độ cao, tìm bãi đáp rồi từ từ hạ xuống. Cánh quạt quay tít tạo nên một cơn lốc hãi hùng. Gió xô ngả những ngọn lau và tạo ra muôn lớp sóng lăn tăn trên cánh đồng lúa ở xa xa. Đâu đó một đàn quạ hoảng hốt vỗ cánh loạn xạ bay lên. 

Tiếng “quà quạ” trong chiều lặng nghe thật rùng rợn, bi ai. Một đoàn nhà báo quốc tế gồm người Liên Xô (cũ), người Pháp, người Nhật, người Ba Lan, người Hunggari... từ trong máy bay bước ra. Họ lặng lẽ bỏ mũ cúi đầu đi chầm chậm đến sân vận động xã là nơi bọn sát nhân dồn gần 600 người tập trung lại để dễ bề giết hại. 

Họ đứng từ xa hướng máy quay phim, máy ảnh về phía đó. Không hiếm người vừa thao tác công việc, vừa rút khăn đưa lên dụi mắt. Họ thực sự bàng hoàng xúc động như đang tận mắt chứng kiến tội ác của bọn Hít le ở Ghét - to -Vác -gia -va (Ba Lan) 35 năm trước nay lại được Pônpốt tái diễn ở một làng nhỏ Việt Nam? Cũng như ở sân vận động, ở bờ kênh Vĩnh Tế xác người còn đông hơn, gần 700 người.

Ở chùa Phi Lai trên 300 người. Trong các đường làng, ngõ xóm, sàn nhà, bờ ao, trường học...nơi nào cũng có người chết. Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Một trăm phần trăm nhà cửa bị chúng đốt cháy, hàng trăm con trâu bò bị chúng bắn chết. 

Cây cối, vườn tược, hoa màu, cái chum đựng nước cũng bị chúng phá phách, đập vỡ. Ở các bãi xác tập thể, đồng bào ta chủ yếu chết do bị dồn lại, bị bắt xếp hàng và bọn lính đứng từ xa dùng đại liên, súng chống tăng B40, B41, M71, M72, súng phóng lựu M79... bắn xả vào. 

Hàng trăm người trong đó có những em bé chưa đầy tuổi bị chúng đập đầu bằng báng súng. Hàng chục thanh niên có lẽ do kháng cự bị chúng cắt cổ, moi mắt, phanh thây, xé xác. Nhiều phụ nữ có thai, nhiều em bé khi chết miệng còn ngậm vú mẹ. Thảm thương nhất là phụ nữ, đa số các cô gái, sau khi bị hãm hiếp, bị bắn chết còn bị chúng lột hết quần áo dùng cọc tre vót nhọn cắm vào cửa mình găm xuống đất. 

Một nhà báo nữ bỗng kêu rú lên, ôm mặt bỏ chạy về phía máy bay khi chị nhìn thấy một bé gái chừng mười hai, mười ba tuổi không một mảnh vải che thân, nằm ngửa, với chiếc cọc tre đâm thẳng xuống người.

Anh Hoàng Đình Mác đại đội trưởng, anh Phạm Thanh Đuyền đại đội phó mặt sắt lại, hai vành môi mím chặt, rướm máu. Chính trị viên phó Bùi Ngọc Giáp chỉ trong vài tiếng đồng hồ mà râu dài ra như trông thấy. Mấy thằng bạn tôi dụi mắt vào vai áo nhau. 

Tôi quỳ xuống, tay cào trên đất, bàn tay tuổi mười chín của tôi xé nát cả vầng cỏ. Trời bỗng như đen đặc lại. Gió ngừng thổi. Một không khí tang thương úp chụp lên cánh đồng. 

Tôi nhìn những chiếc cọc tre dựng chéo đều đều, cách quãng, những xác chết chồng chất lên nhau, bất chấp mùi tử thi xông lên nồng nặc và tự hỏi: Má Sáu Nhơn, bác Hai Ngàn, chị Năm Vui, anh Ba Hoà, bé Ni, bé Nghĩa... nằm chỗ nào? Tại sao phải thế này? 

Bọn đồ tể Pônpốt chúng nó quyền gì động đến đất nước ta, động đến mái nhà, ngọn dừa, con trâu và trước hết là sinh mạng của con người? Tàn sát đồng bào Campuchia chưa đủ hay sao mà còn xâm lược sát hại đồng bào Việt Nam? 

Tôi nhớ vô cùng má Sáu Nhơn có chồng hy sinh hồi chống Pháp, có con hy sinh hồi chống Mỹ đã thương chúng tôi như con đẻ, ngày chúng tôi mới vào, đóng quân trong nhà má. 

Và cả bác Hai Ngàn theo đạo Hiếu Nghĩa, tóc để dài, búi thành búi sau gáy, vác rựa chặt gần hết quả chục cây dừa của nhà mình để lấy nước cho chúng tôi uống sau mỗi đêm chúng tôi bám chốt trở về. 

“Tụi bây ngoài miền Trung vô đây, tuổi còn nhỏ quá ! Đã có đứa nào lấy vợ hay lỡ hứa với người thương chưa ? Chưa có thì ráng bám lại đây, mai kia hết mấy thằng giặc tụi tao gả con gái cho, hay làm mai con gái nhà khác cho rồi cắm nhà, ở rể đây luôn, được hôn?”. 

Má Sáu nói vậy. Còn bác Hai Ngàn thì: “Tụi bay cứ cầm cả đi mà hút. Thuốc rê tao trồng được chớ có mua bán gì mà lo. Mà dẫu có mua, tao cũng đủ sức cho tụi bay xài xả láng”. 

Cả các em nữa. Con gái Bảy Núi xinh đẹp, dịu hiền, dễ thương; làm rẫy suốt ngày, tối về giả bàng đan đệm thâu đêm. Bây giờ thì thế này đây. Chúng tôi xếp hàng, ngả mũ, cúi đầu. Hỡi Pônpốt ... hãy nhớ lấy! Cô bác Ba Chúc ơi, chúng con nguyện trả mối thù này!

Liên tục những tháng sau, các đơn vị vũ trang có mặt trên đất An Giang đã dấy lên phong trào: “ Thi đua giết giặc, bảo vệ biên giới, trả thù cho đồng bào Ba Chúc ”. Nhiều trận đánh đã diễn ra. Sinh lực địch bị đánh đuổi, tiêu hao, buộc phải tháo chạy về bên kia biên giới. 

Có lẽ tiêu biểu nhất là trận núi Phú Cường, chỉ sau vụ thảm sát không lâu. Trận này bộ đội ta đã phối hợp bao vây, đánh một trận tuyệt đẹp, diệt gọn trên 1000 tên xâm lược, lại đánh trúng những kẻ đã trực tiếp gây ra vụ Ba Chúc. 

Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin ngay sau đó. Đại đội 2 ( sau đổi là đại đội 5) của tôi ra đi từ đất lửa Bình -Trị – Thiên trở thành “ quả đấm thép ” của Công an vũ trang An Giang, có nhiệm vụ cơ động, chi viện chiến đấu cho tất cả các điểm chốt biên phòng trên tuyến biên giới An Giang, từ Vĩnh Gia giáp tỉnh Kiên Giang, đến Vĩnh Xương giáp tỉnh Đồng Tháp. 

Thời điểm này bọn Pônpốt cũng phát động “tổng động viên” với quy mô toàn diện hơn. Con bạch tuộc mỗi khi chưa được đập nát đầu thì cái vòi của nó còn ngọ nguậy, chui rúc, nó trở nên tàn bạo, hung hãn hơn lúc nào hết. Và đó đây, máu đồng bào, đồng chí của chúng ta vẫn ngày đêm thấm đỏ đất biên cương.

Nỗi nhớ trong tôi tuần tự trôi theo năm tháng. Tôi nhớ mãi trận chiến đấu phối hợp giữa đơn vị tôi với các đơn vị bạn để lấy lại hai xã Khánh An và Khánh Bình thuộc huyện Phú Châu, vừa rơi vào tay sáu tiểu đoàn chủ lực Khơ me đỏ, mà trong đó có bốn tiểu đoàn vừa được Pônpốt phong tặng danh hiệu “anh hùng”, vì đã có công “chiến đấu dũng cảm”..... ?

Tôi không sao quên được hình ảnh Hoàng Kim Long, người chiến sĩ 19 tuổi, quê Thái Bình đã dùng dao khắc vào khẩu ĐKZ hai chữ “căm thù” để rồi ngày hôm sau, trong một trận chiến đấu không cân sức, cả anh và khẩu súng mãi mãi đi vào huyền thoại, tô thắm trang sử vàng truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam và tiếng thơm ngàn năm cho tỉnh lúa Thái Bình. 

Tôi cũng không sao quên được một đồng hương, đồng đội của tôi: Lê Văn Hoà. Lê Văn Hoà trước khi bị đạn xăm nát mình vẫn còn kịp thời gian dùng hai tay bóp chết tên lính giữ súng máy chỉ vì nó ngoan cố, không chịu đầu hàng. 

Rồi Phan Trung Trẻ, quê ở Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, có biệt hiệu là “anh hề” trong đại đội, trước khi bị đạn M79 cắt gọn một bàn tay, đã kịp dùng bàn tay còn lại ấn nút điện cho quả mìn định hướng ĐH10 nổ tung, làm gần chục tên lính “áo đen” tung lên trời. 

Rồi Võ Ngọc Kế “răng vàng” quê Quảng Bình, thằng bạn thân nhất của tôi, được mệnh danh là “con hổ” của đại đội, chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhanh như sóc. Trong trận ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu một mình nó với khẩu súng AK đã án ngữ tại một chân cầu, không cho địch tràn lên, diệt tại chỗ trên mười tên. 

Rồi thằng Hồ Trọng Bá cũng quê ở Quảng Bình, thường gọi là “Bá béo” vì nó có thân hình cao to nhất đại đội, giữ hoả lực B41, chỉ một phát đạn làm rụi cả một tiểu đội địch. 

Rồi thằng Phúc “rom” chỉ vì quá gầy; thằng Phúc “híp” chỉ vì hay ngủ; thằng Phúc “bãi tha ma” chỉ vì mặt nhiều mụn trứng cá; thằng Ca “khỉ độc” chỉ vì lửa đạn B40 thiêu sém cả mặt mũi, tóc tai; thằng Đờn “Chéc - nơ - mo” chỉ vì nhỏ con nhất đại đội. 

Và tôi cũng có biệt hiệu là “trọc”, do “thủ” tôi có thời gian không còn lấy một sợi tóc “làm duyên”...Thế đấy, một thằng mỗi biệt hiệu khác nhau, nghe có vẻ chướng lỗ tai, nhưng giống nhau là đều chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, huân chương đỏ chói ngực áo quân phục.

Hết P1

 Ảnh: Hàng trăm binh lính Khmer đỏ bị quân ta bắt khi chúng xâm lấn biên giới, giết hại thường dân ở 2 huyện Bảy Núi và Tịnh Biên, tỉnh An Giang (19-1-1978).

No comments:

Post a Comment