Sunday, January 23, 2022

LÂU ĐÀI HUNG GA RI CỔ PHỤC SINH NHỜ TÀI TRÍ VIỆT

 Tình cờ trong một chuyến đi dã ngoại, vợ chồng Phan Bích Thiện thấy thông báo của chính phủ Hung ga ri rao bán tòa lâu đài Fried bên cạnh thành Simontornya, cách thủ đô Budapest khoảng 120 km về phía Nam, cách đỉnh Bắc hồ Balaton nổi tiếng chỉ hơn 40 km về phía Đông Nam.

Lâu đài thuộc sở hữu của Imre Fried (28 tháng 1 năm 1887) và vợ là Margit Gottlieb, được hoàn thành vào năm 1926. Imre Fried là chủ xưởng đồ da do cụ cố nội Fried Salamon (đến Imre là đời thứ 5) thành lập từ năm 1780 danh tiếng không chỉ ở Hung ga ri mà còn ở hầu hết các nước ở châu Âu, thậm chí cả bên ngoài lục địa già. Năm 1931, ông còn được nhà vua phong chức danh Cố vấn trưởng của nhà vua (a magyar királyi főtanácsos Cím).

Tuy nhiên trong chiên tranh thế giới thứ 2, Imre đã bị đưa vào trại tập trung của phát xít và chết ở đó, lâu đài bị quốc hữu hóa và được chính phủ rao bán trong chương trình khôi phục các kiến trúc xưa với giá ưu đãi nhưng phải thỏa mãn điều kiện khôi phục lại dáng vẻ ban đầu.

Trong cảnh hoang tàn của lâu đài sau một quãng thời gian dài bị biến thành nơi ở không những không được quan tâm giữ gìn còn bị biến cải vô tội vạ đến xuống cấp thảm hại do nhiều lần thay đổi chủ, vợ chồng Phan Bích Thiện vẫn nhìn ra tiềm năng từ bóng dáng hoành tráng của "Người đẹp ngủ trong rừng". Năm 2002, họ quyết định xuống tiền mua lại và đầu tư, dù phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định giữ nguyên hình dáng bên ngoài ban đầu, không được cơi nới và đảm bảo sự hài hòa của kiến trúc. Vợ chồng chị Thiện quyết tâm thực hiện ý tưởng biến lâu đài thành khách sạn và một khu nghỉ dưỡng hấp dẫn để hút khách tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp lịch sử và vẻ thơ mộng của một khu vực không xa không gian du lịch Balaton danh tiếng, góp phần quảng bá cho ngành công nghiệp xanh của đất nước Hung ga ri quyến rũ.

Suốt 3 năm trời, dựa vào những tài liệu thu thập được, vợ chồng chị Phan Bích Thiện-Thuróczy László đã giữ được hình dáng nguyên bản ban đầu của lâu đài, nhưng nội thất bên trong lại toàn những đồ tinh xảo do bàn tay khối óc những người thợ Việt tạo nên, nhưng là theo mẫu của chính chị thiết kế cho từng căn phòng có kích thước hình dạng khác nhau, thậm chí cả từng chi tiết hoa văn vừa phù hợp với điều kiện thời tiết khác biệt của châu Âu, lại toát lên nghệ thuật thuần Việt ... Cho đến khi hoàn thiện, chị còn dùng các tranh thêu của thợ Việt để bài trí mang phong cách rất quyến rũ, độc đáo và gợi cảm ...

Với chủ trương hình thành khu nghỉ dưỡng thân thiện và hấp dẫn, vợ chồng chị Phan Bích Việt không bố trí quá nhiều phòng để tạo không gian thư thái, thoải mái. Với tổng số 50 phòng đảm bảo tối đa 150 khách mỗi lượt, toàn bộ khuôn viên rộng chừng 19 ha gồm 3 không gian:

- Lâu đài khách sạn Fried không chỉ có bể bơi, phòng họp hội nghị cho mùa Đông khi du lịch trầm lắng hơn, phòng tổ chức tiệc cưới ... mà còn có phòng gim, bàn bi a, bàn bóng bàn, sân chơi cho trẻ em ...

- khu “Người đi săn” nằm ngay gần khu rừng săn bắt quốc gia lớn nhất Hungary nên rất nhiều khách tới đây vào mùa săn bắn

- khu nghỉ dưỡng spa “Hoa Huệ” do EU tài trợ 40% được bố trí một khoảng vườn rộng rãi thoáng đãng có hầm rượu, đồi nho, khoảng trống để vui chơi nghỉ dưỡng với nhiều chim, thú thân thiện ...

Chỉ mới hoạt động từ 2005 mà ngay năm 2010 lâu đài khách sạn đã giành giải thưởng "Khách sạn đẹp nhất Hung ga ri", rồi ngay năm sau, 2011, đã là giải "Khách sạn của năm", 2014 đã đoạt giải "Chất lượng" của Tổng cục du lịch Hung ga ri và cơ quan du lịch của Liên minh Châu Âu ...

Không những thế, hằng năm, vợ chồng chị Thiện còn cùng lãnh đạo thành phố và ca sĩ nổi tiếng Hungary Csepregi Eva tổ chức các chương trình gây quỹ thiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được xã hội Hung ga ri đánh giá rất cao và vinh danh.

Thêm một điều lý thú là chị Phan Bích Thiện lại là du học sinh ở Liên Xô và lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Nga. Nữ doanh nhân xinh đẹp đã được nhận cúp Bông hồng vàng kèm danh hiệu 'Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2010, "Nữ doanh nhân xuất sắc" của tạp chí "Nữ doanh nhân Hung ga ri". Và đặc biệt Phan Bích Thiện còn là một nhà thơ xuất sắc với 3 tập thơ đã xuất bản (Tình yêu không đáy, Khoảng khắc, Cánh chim Lạc Việt), một dịch giả có tiếng, thậm chí còn là nguyên mẫu của bài thơ "Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng" của nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật viết tháng 12 năm 1987, khi chị mặc áo đỏ đi đón các nhà thơ về nói chuyện với các lưu học sinh giữa trời tuyết trắng:

.... Tuyết thì trắng chưa bao giờ trắng thế

Còn áo em rực đỏ giữa trời

Bởi như thế em trở thành ngọn lửa

Ấm một vùng tuyết lạnh xứ xa xôi.

Luôn hướng về Việt Nam quê hương, 19 tháng 9 năm 2018, Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam Phan Bích Thiện vừa khánh thành chùa Đại Bi trên ngọn đồi thuộc địa phận của Simontornya. Chị là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam 3 khóa liền,  khóa VII (2009-2014); khóa VIII (2014-2019) và khóa IX (2019-2024), Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary – Việt Nam; Phó chủ tịch Hiệp Hội người Việt Nam tại Hungary; Chủ tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Hungary.

Thêm 1 chi tiết, hai cô con gái trong gia đình là những học sinh xuất sắc, những vận động viên bơi nghệ thuật tuyệt đỉnh, đều tham gia đội tuyển bơi nghệ thuật của Hung ga ri. Karolina MyLan tại giải vô địch thế giới năm 2017, và Viktória LyAnh tại giải thế giới lứa tuổi vị thành niên năm 2016.

Ảnh sưu tầm

Nhữ Đình Ngọc

HN 23*1*2021

No comments:

Post a Comment