Tiếng Việt, khi niềm tin mất giá
Tôi thấy lạ và bắt đầu để ý là từ mấy năm trước, mỗi khi có các vụ án lớn xảy ra. Đó là việc các vị “lãnh đạo” lên báo chỉ đạo: “Xử lý nghiêm”.
Luật pháp là bộ quy tắc chung, tất cả đã có khung hình phạt cụ thể, phạm tội thì chiếu theo mà XỬ LÝ ĐÚNG, chứ sao lại xử lý nghiêm? Rồi nào là không có vùng cấm, không nể nang, không né tránh, v.v. Tôi cứ nghĩ, những điều ấy phải là hiển nhiên, là mặc định, là “khỏi bàn cãi” chứ?
Tôi bắt đầu quan sát rộng ra, từ các bài diễn văn, nghị quyết, phương hướng cho đến ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ trên facebook… Đa phần có xu hướng đại ngôn, phóng đại, nhấn mạnh…, mà ở đó gia vị nhiều hơn thực phẩm, át cả hương vị vốn có của thực phẩm. Dù khen, dù chê, dù cười cợt hay phản biện, ngôn ngữ luôn có đặc điểm là đi kèm với rất nhiều tính từ có tính thề thốt/khẳng định/cao giọng/chì chiết, v.v. Gọi là “nói vống lên”.
Tại sao có hiện tượng ngôn ngữ lạ lùng này? Ta thử khảo sát một ví dụ:
1. Ở đây có bán gạo
2. Ở đây có bán gạo ngon
3. Ở đây có bán gạo ngon, thương hiệu và uy tín
4, Ở đây có bán gạo ngon, thương hiệu, uy tín, chất lượng.
5. Ở đây có bán gạo ngon, thương hiệu, uy tín, chất lượng. Ăn là nhớ mãi.
Vấn đề nằm ở chỗ, ban đầu tất cả các tiệm bán gạo đều chỉ sử dụng tấm biển 1; rồi theo thời gian, tất cả cùng thay nó bằng các biển 2, 3, 4, 5… Ngôn ngữ mà người Việt đang dùng ngày nay là mang đậm cái phong cách quảng cáo này. Khi hiện thực ngày càng thiếu vắng sự thật thì nó phải được bù lại bằng ngôn ngữ. “Xử lý nghiêm” là bởi trong thực tế nó vốn không nghiêm; “quyết tâm cao” là bởi trong thực tế nó thiếu quyết tâm…
Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang cố hét chứ không phải là một sự nói năng bình thường. Và ta không hạ giọng xuống được nữa. Cứ như thế, càng ngày chúng ta càng phải hét to hơn, phải lên gân mạnh hơn và giữ cái cao độ ấy luôn luôn.
Như việc diễn thuyết trong một cái chợ ồn ào, bát nháo, chúng ta phải gào lên, và gào to hơn nữa. Khi con người không còn đủ tôn trọng nhau và thiếu tin tưởng ở nhau thì lời nói phải trở nên diêm dúa hoặc đe dọa hoặc đại ngôn…
Xin lưu ý, đó tuyệt nhiên không phải là biểu hiện của sự phát triển và giàu có về ngôn ngữ; ngược lại, nó là đặc trưng của sự tha hóa, là biểu hiện của sự rỗng tuếch, vô hồn, vô vị, đôi khi không còn có nội dung gì nữa cả.
Trong một xã hội công chính với chân thiện mỹ, ngôn ngữ thường trung tính, giản dị. Người ta “nói nhỏ”, “nói đủ nghe”, không thừa không thiếu. Ngược lại, ở đâu mà các giá trị căn bản đã bị đổ vỡ hoặc tiêu ma thì ngôn ngữ sẽ “rộn ràng”.
Trong khi một bà mẹ người Pháp chỉ cần nói “không” là đủ cho đứa trẻ, thì một bà mẹ Việt sẽ nói “trời ơi, không được, con muốn chết à, bị làm sao thế, đi vào nhà ngay, thật không hiểu nổi…”. Cứ thế, bà ta tuôn ra từng tràng không dứt, còn đứa trẻ thì vẫn làm theo ý nó! Một chàng trai Mỹ khi nói với bạn gái “mình chia tay đi”, thì đó dường như chắc chắn là sự chấm dứt một tình yêu; còn trai gái Việt cứ buồn buồn là lại nói chia tay, riết rồi cả hai chẳng ai còn tin vào điều đó nữa cả!
Đó chính là con đường đi tới hoang mạc của ngôn ngữ dân tộc, nó có cội nguồn trong sự suy vi của tính tình, luật pháp, phong hóa… Một hoang mạc chỉ có gió, cát, chỉ có cái chết mà không thấy bóng dáng của sự sống. Nguyễn Khải gọi là “ngôn ngữ gỗ”.
P/S: Thật buồn cười, ngay chính những lời trong bài viết này cũng đang phải mang cái sắc thái thê thảm ấy. Dường như ta không thể nói năng bình thường được nữa…
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment