BÀN VỀ CÁI "DÂM" VÀ CÁI "TỤC" TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
Tôi có thấy trong diễn đàn topic “ Theo gót Hồ xuân hương” của bạn P.H.P. Quá vui mừng tôi đã vào đọc vì tôi là một người đặc biệt yêu thích bà. Buồn thay khi đọc xong trang ấy tôi lại thấy buồn...
Hóa ra một nữ thi sĩ đứng hàng thứ hai của Việt Nam chỉ sau có mỗi cụ Nguyễn Du lại không phải ai cũng hiểu bà. Mà đã không hiểu bà thì làm sao có thể theo chân bà được? Thậm chí đọc topic ấy mà hiểu Hồ xuân Hương như thế thì đã làm méo mó hình ảnh của bà. Đây chính là nguyên nhân tôi viết bài này.
Tôi không có ý định phê phán bạn P.H.P và những bạn đã tham gia vào topic ấy. Quyền viết như thế nào là quyền tự do của các bạn.
Ở bài viết này tôi chỉ muốn nêu lên những tinh hoa của thơ bà để mọi người hiểu bà hơn và nếu có định theo phong cách của bà thì phải theo cho đúng để tên tuổi của bà mãi mãi không bị hoen ố. Còn nếu không thì đừng nên để dòng chữ “Theo gót Hồ xuân Hương” để làm cho những người yêu mến bà phẫn nộ.
***
Nói đến Hồ Xuân Hương là người ta nói đến cái “ Dâm” và cái “Tục” trong thơ của bà. Đúng vậy. Những câu như
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Hay
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Hoặc
Khi dang thẳng cánh bù khi cúi
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi
Có dâm không? Có tục không?
Rất dâm và rất tục nhưng cái dâm và cái tục ở đây bà dùng nó như một thứ vũ khí để tát vào mặt bọn quan lại thống trị, bọn vua chúa, bọn trí thức nghênh ngáo nhưng đã bị tha hóa về mặt đạo đức. Cái “ Chành ra ba góc da còn thiếu” ấy mà làm mát mặt những “Anh hùng” để ”che đầu quân tử” Thì thật chẳng có cái tát nào đau hơn. Nhưng cái tài của bà là ở chỗ: Bị tát đau thì đau thật nhưng không nói được. Hiểu thì hiểu là “ Cái ấy” nhưng nó lại là cái quạt. Phải là người có con mắt sắc sảo, có đầu óc tinh tế mới nhận được ra những cái giống nhau của hai cái rất khác nhau ấy. Tôi đoan chắc với các bạn rằng đến tận ngày nay không phải ai cũng nói chắc được cái phần “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa “ Trong câu thơ là phần nào của cái quạt và phần nào của “Cái ấy” đâu. Và còn điều này nữa không hiểu các bạn có nhận ra không? Trong cái quạt chỉ có hai thứ đó là nan quạt và giấy bồi - giấy bồi lúc thì bà gọi nó là da “Chành ra ba góc da còn thiếu” Lúc thì bà lại bảo nó là thịt “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” Chắc rằng ở “Cái ấy” Có một thứ nhìn thì tưởng là thịt nhưng “Chành ra” Mới biết đó là da. Không biết có đúng không? Các bạn nữ hoặc các bạn nam đã có vợ kiểm tra lại hộ xem. Tôi chưa có vợ nên đoán mò như thế (Đọc đến đây các bạn đừng cho là tôi điêu nhất Việt Nam thư quán nhé. Nếu có điêu thì cũng chỉ điêu thứ nhì thôi vì thứ nhất đã có người nhận mất rồi).
Các bạn thấy chưa muốn học theo bà đâu phải dễ, cần phải sắc sảo và tinh tế lắm
Là một người phụ nữ mà đường tình duyên không mấy thuận lợi lại sống trong một xã hội phong kiến, không thừa nhận tự do yêu đương và người đàn bà nhiều khi bị coi là một thứ đồ chơi - bà đã đồng cảm với khát vọng được thương yêu, được hạnh phúc của những người phụ nữ. Những lúc như thế. cái dâm và cái tục của bà đổi khác.
Chúng ta thử đọc bài “ Đánh đu “ của bà
Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Bài thơ phảng phất (Chỉ phảng phất thôi) cảnh sinh hoạt vợ chồng và bà đã ca ngợi nó bằng những hình ảnh bay bổng,
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song
Không có một chút dâm, không có một chút tục nào ở đây. Bà ngợi ca nó bằng tất cả những khao khát được ái ân, được thỏa mãn mà người đàn bà mong muốn. Đọc câu “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” của bà ta cảm nhận được sự thỏa mãn, cảm nhận được khát vọng yêu đương toát lên trong câu thơ. Cả bài thơ như một bức tranh trong sáng và đẹp đẽ. Nếu ai đó còn muốn nói đến cái tục trong câu “Trai du gối hạc khom khom cật” của bài thơ thì cũng đành phải nói rằng đây là bức ảnh Nude nhưng là Nude nghệ thuật.
Nhưng - câu kết của bài thơ lại đột nhiên lắng xuống
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
Xa xót quá cho thân phận người đàn bà trong chế độ cũ. Một sự đồng cảm? Không! hơn thế nữa. Một tiếng thở dài chắt ra từ chính cuộc đời bà.
Đọc thơ Hồ Xuân Hương chúng ta bắt gặp không ít những sự đồng cảm như thế
Nhắn nhủ ai về thương đấy với
Thịt da ai cũng thế mà thôi
Một cô gái yếu ớt muốn chống lại cả một xã hội hủ bại. Một người đàn bà muốn đứng lên đòi lại cho mình, cho giới của mình quyền được khao khát. Quyền được yêu đương, quyền được thỏa mãn. Người đàn bà ấy đã dùng đến một thứ thuốc nổ, đó là cái dâm và cái tục để muốn phá bỏ đi cái trật tự xã hội cũ. Cái dâm và cái tục của bà trở thành một thứ vũ khí,một phương tiện để chiến đấu cho một mục đích chứ không phải là cái dâm, cái tục thô thiển mà các bạn trong topic “Theo gót Hồ Xuân Hương” đã nghĩ.
Văn hóa phương đông của chúng ta cố tránh nói đến hai từ tình dục. Chinh những vị được goi là “Hiền nhân” “Quân tử” sau khi đã thỏa thuê với năm thê bẩy thiếp,những vua chúa với ba trăm cung nữ, sáu trăm cung tần sau khi đã no xôi chán chè thì lại mặc bộ quần áo đạo đức “ Eo ơi! Kinh quá. Ai lại nói đến cái ấy” và bà đã vạch thẳng mặt bọn đạo đức giả ấy
Chúa dấu vua yêu một cái này
Hay
Hiền nhân quan tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
Muốn nói gì thì nói tình dục đóng một vai tò cực kỳ quan trọng (Nếu như không muốn nói là nhất) trong hôn nhân và trong cuộc sống. Bà là người duy nhất nói thẳng điều đó và ca ngợi nó. Chúng ta đọc lại bài “ Chơi đền Khán xuân”
Êm ái chiều xuân đến khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười
“Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng” Ba từ "xuân gầm sóng” đã ai diễn tả được cái đam mê, cái mãnh liệt, cái khát khao trào dâng được như thế chưa, kể cả các nhà thơ hiện đại ngày nay? Chưa ai cả. Bà là người duy nhất dám nói đến những khát khao trần tục của con người
“Một vũng tang thương nước lộn trời” Có một thứ bé lắm chỉ là một cái vũng nhỏ thôi nhưng có thể làm đảo lộn cả đất trời. Câu thơ có tính khái quát quá sâu sắc. Nó đúng cho từng cá nhân chúng ta nhưng cũng đúng cho cả một xã hội. Đọc hai câu này tôi lại nhớ đến câu
"Nhất tiếu khuynh nhân thành
Tái tiếu khuynh nhân quốc"
Của nhà thơ Đường xưa.
Kể thì đó là một câu thơ hay nhưng còn lâu lắm câu thơ ấy mới sánh được hai câu của bà.
Tôi dẫn bài thơ này ra để các bạn có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm cái “Dâm” và cái ‘Tục” trong thơ của bà. Khi bà dùng cái dâm và cái tục để làm vũ khí thì bà tả “Cái ấy” rất rõ, rất sắc nét ai cũng nhận ra rồi mang” Cái ấy” trùm vào mặt một kẻ nào đó
“Chành ra ba góc da còn thiếu. Mát mặt anh hùng khi tắt gió
----------
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa. Che đầu quân tử lúc sa mưa
Hoặc
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc. Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
...
Hòn đá xanh rì lún phún rêu. Mỏi gối chồn chân vẫn cố trèo
Còn khi bà dùng cái dâm và cái tục để ca ngợi tình dục, tình yêu thì bà không bao giờ tả “Cái ấy”. Nếu có nói đến những bộ phận trên thân thể người đàn bà thì bà lại tả nó một cách ẩn dụ đầy nên thơ và lãng mạn. và bà khẳng định
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười
Với ý thức mà chúng ta tạm gọi là “Dùng cái dâm và cái tục “ để ca ngợi người phụ nữ, ca ngợi tình yêu và tình dục - vô tình bà đã vẽ được một bức tranh khỏa thân đẹp nhất và có thể nói là duy nhất trong văn thơ cổ điển Việt Nam. Chắc có bạn sẽ phản đối tôi và dẫn ra câu
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dày đúc sẵn một tòa thiên thai
Của cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều. Nhưng theo tôi - đây chưa phải là một bức tranh khỏa thân. Cụ Nguyễn Du vẽ Kiều qua chiếc rèm mỏng của buồng tắm, nhưng trong bài “ Vịnh thiếu nữ ngủ ngày” thân thể người phụ nữ được bà tả bằng những hình ảnh đầy diễm lệ
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Hãy đặt “Một lạch đào nguyên suối chửa thông” Bên cạnh “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc” bạn sẽ nhận ra có hai Hồ Xuân Hương trong một thân hình - Một Hồ Xuân Hương đấu tranh và một Hồ Xuân Hương của ái tình
Nhưng dù bất cứ là Hồ Xuân Hương nào thì trong thơ của bà cũng “ Tục mà không tục. Dâm mà không dâm, trong tục có thanh và trong thanh có tục”. Đấy là một nghệ thuật đã đưa bà lên vị trí nhất nhì trong các nhà thơ Việt Nam.
Tôi rất băn khoăn khi đặt bà dưới cụ Nguyễn Du bởi vì kể ra Hồ Xuân Hương đoạt nhiều cái nhất hơn cụ Nguyễn Du.
Thứ nhất: Bà là người duy nhất với phong cách dùng cái dâm và tục để viết về cuộc đời thì trước bà không có ai và sau bà cũng không có ai (Tất nhiên những bạn đang học theo bà thì không kể). Còn với cụ Nguyễn Du thì khác, cái cơ bản để tạo nên văn phong của Nguyễn Du là lời thơ đẹp đến mức mỹ lệ. Dùng cảnh tả tình, Hình ảnh chọn lọc v…v…
Nhưng có một điều Nguyễn Du không phải là duy nhất. Có một truyện Nôm khuyết danh - truyện Hoa tiên. Lời thơ cũng cực đẹp phảng phất như truyện Kiều đến nỗi người ta còn cho rằng Nguyễn du học ở Hoa tiên mà viết nên truyện Kiều. Điều đó đúng hay không thì ở đây ta không bàn đến. Nhưng có một điều khẳng định: “về phong cách viết thì Nguyễn Du không phải là duy nhất”. Không phải tìm kiếm đâu xa, đọc Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm - ta thấy thơ bà cũng đẹp chẳng thua truyện Kiều là mấy
Thứ hai: Về ngôn ngữ thơ - Thơ Nguyễn Du đẹp, mỹ lệ nhưng ông không tạo ra được một ngôn ngữ của riêng mình. Từ ông dùng vẫn là những từ thông thường mà ta vẫn dùng. Nhưng với Hồ Xuân Hương thì khác hẳn. Phải nói rằng bà là người duy nhất sáng tạo ra những từ ngữ mà từ trước đến nay không ai dùng. Những từ này vô cùng độc đáo và thú vị
Đêm khuya tỏm cắc một đôi hồi
Từ "tỏm cắc" không phải là tuyệt bút nữa mà phải gọi là thần bút. Hay câu “Thân này đâu đã chịu già tom”. Chữ “già tom” Hoặc từ "Khéo khéo phòm” trong câu “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm” trong bài động Hương tích v….v...
Những từ như thế rất mới lạ đã nâng tiếng Việt lên thêm một nấc thang mới
Thứ ba: Về tính nhân văn - Đồng cảm với người đàn bà thì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ mà không cần nói thì các bạn cũng đã biết. Nhưng xây dựng nên hình tượng người đàn bà mà bóng của nó trùm lên trên bóng của những người đàn ông thì bà là người duy nhất.
Thân này ví đổi làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?
Hay
Cái tội trăm năm chàng chịu cả
Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Hình ảnh người đàn ông, đấng mày râu, trở thành vô cùng thảm hại khi bà hạ bút viết một câu:
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng
Và - điểm cuối cùng là dám nói lên khát vọng luyến ái. Đề cập đến vấn đề tình dục như một nhu cầu, một khát vọng của con người thì bà cũng là người duy nhất và bà đã đi trước thế hệ của bà hàng vài trăm năm.
Ở bài này tôi chỉ hạn chế trong vấn đề cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương thôi vì về bà còn nhiều điều đáng nói lắm.
Nói đến Hồ Xuân Hương là người ta nói ngay đến cái dâm, cái tục nhưng xin các bạn nhớ cho rằng: những bài như bài Cái quạt trong thơ Hồ Xuân Hương ít lắm, chỉ có khoảng dăm bảy bài thôi nên giá trị của thơ bà không chỉ nằm trong cái dâm, cái tục đâu mà sao các bạn chỉ học theo bà cái dâm cái tục ấy?.
Học theo Hồ Xuân Hương là học theo những tinh hoa của bà. Cái dâm, cái tục chỉ là một phần rất nhỏ ( Và cũng chỉ là cái vỏ để chở bao nhiêu Đạo bên trong các bạn ạ!)
Tác giả: NGUYỄN THẾ DUYÊN - 8/9/2009
Thấy HXH là dâm hay tục, hay như thế nào cũng tuỳ người.
ReplyDeleteCũng như nói về phẩm chất, thế nào là người có vh, đàng hoàng tử tế, thế nào là kẻ thô tục, hèn mọn tiểu nhân.
Và nếu xh phân hoá, thì ngay cả những cái như nhau cũng khác nhau.
Nói như cách so sánh từ 1 anh bạn thì vua chúa vui thú với mỹ nữ là "hành lạc" còn dân đen mà làm vậy là "trụy lạc".
Bây giờ mà hỏi những cán bộ chức to về HXH, về cái dâm cái tục hay cái hay của văn thơ phản ánh trung thực những gì thuộc về cuộc sống và khát vọng thì sẽ được nghe diễn giải như diễn văn theo cách thức của ban vh-tư tưởng vậy.
Rất nhàm và nhảm, bởi nói là 1 chuyện, làm lại là chuyện khác. Rất khó nói vì nó là chuyện nhạy cảm 😎
Cái ko ra gì bây giờ là bất cứ cái gì cũng thế tất, vì là chuyện nhạy cảm, kể cả chuyện Tàu đỏ ăn cướp, đe dọa và xâm lăng chủ quyền, khống chế và kìm hãm VN về mọi mặt, bởi chúng chỉ muốn VN ko thể ngóc đầu lên được và trở thành chư hầu của thiên triều.