Monday, October 31, 2022

Nga là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (3): Cách chống biến đổi khí hậu.

 (Tiếp theo)

Tuần qua chính phủ Đức đã quyết định cho phép công ty hàng hải COSCO của nhà nước Trung Quốc được mua 24,9% cổ phần của một trong 4 bãi container (terminal) ở cảng Hamburrg, bất chấp sự phản đối của 6 bộ trưởng trong liên minh cầm quyền, của cả phe đối lập, thậm chí của cả ba cơ quan tình báo. Thủ tướng Scholz cho rằng với mức tham gia dưới 25% (không phải 35% như dự định) Cosco không được phép đưa người vào ban lãnh đạo, không được phép phủ quyết và tham gia các quyết định. Ngược lại, sự có mặt của nó sẽ giúp cho sức cạnh tranh của Hamburg tăng lên đáng kể so với hai đối thủ Antwerpen (Bỉ) và Rotterdam (Hà-Lan), vốn đã có đầu tư của Cosco. 

Dư luận Đức rất tức giận vì sự việc xảy ra ngay sau khi đại hội đảng cs Trung Quốc củng cố địa vị tuyệt đối của Tập Cận Bình, khẳng định tham vọng bá chủ thế giới của Bắc Kinh. Việc chính phủ Đức phải đi đến thỏa hiệp 24,9% để giảm thiểu rủi ro cho thấy họ đang chịu sức ép ghê gớm từ Bắc Kinh với rất nhiều góc khuất không thể kể hết.

Đó là Đức, cường quốc kinh tế, anh cả đỏ về công nghệ cao, độc lập về địa chính trị mà vẫn phải chịu luồng gió nóng phả vào mặt.

Đối với các lãnh thổ lân bang, luồng khí độc này manh hơn nhiều. Hong Kong đã bị thâu tóm, Lào, Campuchia, Thailand, Myanmar, Sri Lanca… đang chịu sức ép của xâm lược mềm. Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực giải quyết tham vọng lãnh thổ ở Đài Loan, quần đảo Senkaku Nhật Bản và Biển Đông. 

Nhật Bản là đối thủ nặng ký và có kinh nghiệm chống Hán hóa từ lâu nên trước mắt Tập chưa dám manh động. Việt Nam và Đài Loan thì khác. 

Không nước nào chịu sức ép về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của Trung Quốc như ở Đài Loan. Nền dân chủ ở đây cho phép các phong trào thân Trung Quốc, chủ trương „One China“ hoạt động công khai. Không loại trừ khả năng hỗ trợ tài chính, nhân lực và chính trị từ Bắc Kinh đã thâm nhập vào đây. „One China“ không phải là phát minh của đảng CS, mà là tham vọng của Quốc Dân Đảng (KMT) từ 1949. Sau khi ôm đầu máu chạy ra đảo, Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc trên mọi diễn đàn quốc tế và vẫn ôm mộng quay về thống nhất lục địa, cho đến khi gió đổi chiều 1972. 

Sau khi bị hất cẳng khỏi LHQ, nhiều người trong KMT vẫn mong muốn thống nhất với lục địa, một mặt vì những gắn bó „Quốc-Cộng“ trong chiến tranh, vì chủ nghĩa dân tộc nằm trong ADN của đảng này từ khi Tôn Trung Sơn lập ra nó. Mặt khác họ tin vào lời hứa „Một quốc gia-Hai chế độ“ của Bắc-Kinh. Nhưng thực tế đã làm cho người Đài Loan mở mắt và đảng Tiến bộ Nhân dân (PPP), chủ trương độc lập với lục địa đã thắng thế trong các cuộc bầu cử gần đây.

One China không còn chỉ là mối đe dọa cho tương lai Đài Loan mà đang ngoạm dần nguồn lực của nó. Từ hơn 100 lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Taipei, nay con số này chỉ la 14, đa số là các nước nhỏ. Càng ngày sự có mặt của phái đoàn Đài Loan tại các diễn đàn, sự kiên quốc tế càng ít đi.

Về địa lý, Trung Quốc chỉ cách các đảo nhỏ của Đài Loan 2-3 km. Hồi nhỏ tôi thích nghe tin: „ Hôm nay Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nã pháo sang các đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Kim Môn của Đài Loan“. Trong những năm 1950, đã hơn một lần Trung Quốc bị đánh bại khi đổ bộ sang các đảo của Taiwan.  

Cuộc chiến eo biển Đài Loan 1958. Quân đội Quốc dân đảng tải thương

Cuộc chiến eo biển Đài Loan 1958. Quân đôi Quốc dân đảng chuẩn bị đạn dược tấn công quân Giải phóng Nhân dân TQ

Tất cả các mối đe dọa trên đã tạo ra phản ứng tự vệ khiến cho Đài Loan luôn chủ động chấp nhận các thách thức trên. Điều đáng học tập là chưa bao giờ họ đổ lỗi cho lịch sử, cho đồng minh. Thậm chí gần đây nhất, khi WHO không cung cấp tài trực tiếp tài liệu và vakzin Covid 19, bắt phải qua Trung Quốc, Đài Loan đã chủ động  cung cấp ngược kinh nghiệm chống dịch của họ cho WHO. Đài Loan không cần mua vakzin qua Trung Quốc mà vẫn chủ động tiêm chủng và đảm bảo sinh hoạt tự do cho toàn dân. Trong suốt thời gian đại dịch, Đài Loan không những không lockdown trong nước, mà còn mở cửa với Hoa Lục, mỗi ngày có đến 80.000 người qua lại eo biển mà không có thảm họa nào xảy ra.

Nhìn vào chính sách Zero Covid của Tập, người Đài Loan cùng văn hóa Trung Hoa, tuy không hô hào „Thoát Trung“ mà vẫn xây dựng một xã hội tương phản 100% với Trung Quốc.

Việt Nam có lịch sử lâu dài chống lại sự xâm lăng và đồng hóa từ Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta hay nói về „Thoát Trung“, nhưng thực tế thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã ở mức nguy hiểm. Tuy học tập Trung Quốc, nhưng Việt Nam không thể gặt hái dù chỉ một góc những thành quả về công nghiệp hóa của họ. Cùng vùng vẫy ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, nhưng sau 40 năm khoảng cách của nền kinh tế Trung Quốc so với Việt Nam cả về chất, về lượng và cơ cấu là bằng chứng rõ nét nhất của sự tụt hậu mà nhiều chuyên gia cảnh báo. (Nếu so sự tụt hậu của ta với Singapore, Thailand hay Malaysia, sẽ có biện hộ rằng kinh tế tư nhân ở đó không từng bị xóa bỏ bởi CNXH). Năm 1980, cả VN và TQ cùng có thu nhập bình quân đầu người/năm xấp xỷ 200 USD. Năm 2021 với 3.690 USD/năm, mức sống của người Việt chỉ bằng 1/3 người Hoa lục.

Điều duy nhất không tụt hậu so với Trung Quốc là chế độ chính trị, từ cung cách kiểm duyệt báo chí, ngôn luận đến cai quản xã hội. Việc hàng trăm ngàn người lao động bị giam hãm trong các khu nhà trọ ổ chuột ở Sài Gòn, sau mấy tháng không chịu nổi đã đồng loạt đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ bỏ về quê trong đại dịch Covid 2021 đã phơi bày những thất bại của xã hội kiểu hàng rào sắt China. Không phải con virus, mà cách chống dịch, cách đối xử với dân đã khiến nhiều nhà đầu tư không còn coi Việt Nam là mảnh đất thay thế Trung Quốc.

Sau 1949, Lục địa và Đài Loan cùng lạc hậu như nhau. Vì không bị kìm hãm bởi nền kinh tế XHCN nên Đài Loan công nghiệp hóa trước lục địa khoảng 20 năm. Do vậy khi Trung Quốc mở cửa đầu những năm 1980, Đài Loan trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào đó. Người Trung Quốc, dù từ là Đài Loan hay lục địa đều nổi tiếng về tài kinh doanh. Đối với Đài Loan, kinh doanh giỏi là phải thu nhiều lợi nhuận, nhưng không để đối phương học lỏm và lũng đoạn mình. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa tư bản Đài Loan và tư bản Âu-Mỹ. 

Tư bản Trung Quốc coi giỏi là phải thu được nhiều lợi nhuận và tiết kiệm nhiều nhất vốn đầu tư  cho khoa học. Người Đài Loan biết điều này.

Trong bài: Khúc gân Đài Loan, tôi viết về cách mà Đài Loan sử dụng Hoa lục làm nơi kiếm tiền, nơi đầu tư nhưng không để mất ưu thế [1]. 

Cuộc đấu tay đôi giữa hai đại công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) và Công ty nhà nước Trung Quốc SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) là một ví dụ. 

TSMC là một trong ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (sau Intel và Samsung), nhưng là nhà chế tạo bán dẫn thành phẩm đứng đầu thế giới với doanh thu 2020 là 1.339 tỷ Đài tệ, lãi ròng 580 tỷ. Hiện nay TSMC đã làm chủ công nghệ 5nm và đang bước sang nghiên cứu công nghệ 2nm[2].

Trụ sở TSMC ở Đài Loan

Trung quốc hiện phụ thuộc rất nặng vào chips nhập khẩu, chủ yếu từ Đài Loan và Mỹ. Cấm vận của Mỹ về chips đang làm Trung Quốc điêu đứng. Do vậy SMIC nhận được hàng chục tỷ UDS hỗ trợ của nhà nước, nhưng vẫn đang sản xuất chủ yếu 14 nm, mới bắt đầu bước vào 7nm tháng 9.2022. Khoảng cách giữa TSMC và SMIC hiện là 4-5 năm, trong khi chỉ cần ai đi trước sáu tháng là xong. Toàn thế giới: từ Apple, AMD, Intel đến Samsung … sẽ nhập và định hình dây chuyền theo chip ra trước. 

Tỷ lệ đúc bánh waffer (nền chip) toàn cầu 2020 của các ông lớn trong kỹ nghệ vi mạch. TSMC dẫn đầu

Đáng nói là TSMC có vài nhà máy ở lục địa, nhưng ông chủ chỉ thuê nhân công giá rẻ để gia công mà không để mất công nghệ.

Cùng đói nghèo như nhau năm 1949, sau 73 năm, bất chấp sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc suốt 40 năm qua, Đài Loan luôn giữ khoảng cách về mức sống, về trình độ văn minh: Thu nhập đầu người/năm (nominal GDP per capital) của Đài Loan 2021 là 36.000 USD, hơn gấp 3 lần Trung Quốc (gấp 10 lần Việt Nam). Đó là chưa kể đến công bằng xã hội. Đài Loan không có người nghèo như hàng trăm triệu nông dân Hoa lục. Chỉ số phát triển con người (HDI-index) của Đài loan là 0,935, thuộc nhóm các nước phát triển cao (Đứng đầu là Thụy Sỹ với 0,962. Chỉ số lý tưởng = 1). Trong khi đó HDI của Trung Quốc đạt 0,768, xếp thứ 79, nằm trong nhóm các nước đang phát triển (Việt Nam: 0,703 xếp thứ 115/191)

Với tôi, Đài Loan là một tấm gương về tinh thần độc lập dân tộc, cho đối sách đúng đắn đủ để chung sống với kẻ thù hung ác mà vẫn chống lại được ý đồ thanh toán của nó. Đài Loan đang chứng minh rằng: Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Hoa không phải là con đường đi lên duy nhất của các quốc gia chậm tiến, của các xã hội Á châu phong kiến như nhiều người vẫn rao giảng. Đặc biệt Đài Loan còn cho thấy: Một xã hội từng rên xiết dưới ách độc tài vẫn có thể chuyển sang văn minh mà không đổ máu.

Đài Loan là một cái gai trong mắt mà Tập muốn nhổ bằng được. Liệu điều đó có xảy ra? Liệu Đài Loan có chống lại được cuộc xâm lăng đó?

(Còn tiếp)

[1]: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid0mMp7zypyJKo48jzphufa839G5wAgzd9AJHoh3jGMkHwDcPwaWYeWWWgvY2VKht4Rl 

[2]: Trên một diện tích 1cmx1cm (bằng móng tay người) chip 2nm thể chứa đến 50 tỷ bóng bán dẫn

Nguyễn Xuân Thọ

Sunday, October 30, 2022

Miền Nam và Ông già Nam bộ

 TỔ QUỐC LÀ GÌ....?

(Đinh Trực)

Năm 2006..., Ông có đến nhà Từ đường của Gia đình tôi để dự đám giỗ Ông Nội...!

Trong lúc uống trà dư chờ tửu hậu...,  ông bắt chân bó gối trên ghế, chân kia thả xuống đất..., đặc sệt của người bình dân Tây Nam bộ, kéo xệ cặp kính lão xuống, nhìn kĩ xung quanh nhà, nhìn lên mái ngói... rồi nhìn ra cửa....

-"Chú (Ông Nội tôi), học trường Tây, học nghề trường Bá nghệ ở Sài Gòn (L'école des Mécanicihens Asiatiques). Vậy mà xây nhà kiểu Nam Bộ rặc ròi vậy...! Mái ngói âm dương, cửa ba gian, bàn thờ Gia tiên ở chính giữa có hai câu đối hay...!

“Những tưởng cùng nhau tròn Tứ Đức.

Ai ngờ theo trẻ vẹn Tam Tòng."

Rồi ông gật gù như đang ngẫm điều gì đó...

-"Chú không xây nhà theo kiểu lầu vì con cháu đi lại, ăn ở trên đó sẽ “húy thượng”, như đi lại trên đầu Ông Bà...! Như vậy là tốt lắm, là biết ơn Tổ tiên, con cháu biết tôn trọng Cội nguồn...!”

Tôi nhìn ông và hỏi thêm nhà văn Sơn Nam:

- Vậy theo Chú, thì Tổ quốc là gì...?

Ông hớp tách nước trà rồi khà một cái, như đã lắm...

-Tổ quốc như là một mái nhà yên ấm, nơi nó chứa đựng rất nhiều điều thiêng liêng mà mỗi người hướng đến, nó trừu tượng, không ai nhìn thấy nhưng ai cũng cảm được và muốn được...! Ai cũng muốn được chánh quyền che chở...!

Tôi châm thêm nước sôi vào bình, mời ông thêm điếu thuốc thơm, bật lửa cho ông, nhìn thấy hai đầu ngón tay đã vàng vì khói ám..., ông hớp tách trà nóng, ông thong thả nói tiếp...

- Theo tôi, Tổ quốc là một nơi mà: Người ta có thể kiếm sống được bằng một công việc lương thiện, không bị ai làm khó dễ, có vài người bạn chơi được, không bị đâm hơi, không bị nói xóc hông..., được uống cà phê vỉa hè, được ngắm cảnh, được viết lách kiếm tiền, được nghe và thấy những điều buồn vui trong thiên hạ...!

*Xem ra, cái khái niệm về Tổ quốc rất bình dị và đơn giản như vậy mà nó vẫn là khát vọng của hàng triệu... triệu con người....!

Tôi nhìn ông..., một con người ăn nói bộc trực, bình dân và luôn có những từ ngữ, khẩu khí, tính cách khẳng khái, “rặc ròi” của người dân Tây Nam Bộ...

Ngẫm những điều ông nói rất hay và rất đúng...!

TẠI SAO ẤN ĐỘ CÓ NHIỀU CEO CÁC CÔNG TY LỚN TRÊN THẾ GIỚI?

 Ấn độ là nơi sinh sống của gần 1,4 tỷ người. Đây là quốc gia đông dân thứ hai trên trái đất, sau Trung Quốc và dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất trong một vài năm tới. Mặc dù Ấn Độ đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, nhưng nghèo đói vẫn là một thách thức lớn. Gần một phần tư dân số sống dưới mức nghèo khổ 1,90 đô la một ngày theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Họ phải đối mặt với tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém và cơ hội hạn chế. Vì vậy, họ học cách kiên cường, thích nghi và vượt qua vô vàn trở ngại.

Điều này khiến họ trở thành những người giải quyết vấn đề - một tài sản quan trọng trong bất kỳ công ty nào. Sundar Pichai đã phải giải quyết nhiều vấn đề sau khi nắm quyền lãnh đạo Google vào năm 2015… vào thời điểm mà các công nghệ lớn đang bị xem xét kỹ lưỡng về quyền lực mà họ nắm giữ.

Anh ấy đã trở thành hình mẫu của một nhà lãnh đạo tử tế hơn, điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn trong lĩnh vực công nghệ. Pichai có bằng kỹ sư tại một trong những Học viện Công nghệ Ấn Độ. Các IIT giống như MIT của Ấn Độ với tỷ lệ chấp nhận thậm chí còn thấp hơn ở mức là 1% hoặc 2%.

Sau khi Pichai tốt nghiệp, tấm vé đến Mỹ của anh ấy đến với hình thức Thạc sĩ tại Stanford. Đi học ở một trường hàng đầu ở Hoa Kỳ là cách nhiều người Ấn Độ đến với vùng đất của cơ hội. Họ dường như đi theo con đường đầy chông gai này: Họ đã tốt nghiệp đại học tại một trường học lớn ở Ấn Độ. Có bằng Thạc sĩ ở Hoa Kỳ, nơi họ học STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hơn một nửa số sinh viên quốc tế ở Mỹ theo học chương trình STEM trong năm học vừa qua. Nhập cư Mỹ ủng hộ những người có kỹ năng chuyên biệt.

Sau khi tốt nghiệp, Pichai xin visa H1B để làm việc tại công ty tư vấn McKinsey. H1B cho phép các công ty Mỹ sử dụng lao động nước ngoài, nhiều người trong số họ làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến CNTT.

Chính phủ Hoa Kỳ đã trao gần 75% số thị thực này cho người Ấn Độ vào năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc đứng sau rất xa ở vị trí thứ hai, với 12%. Thực tế là rất nhiều người Ấn Độ có thể nói tiếng Anh là một lợi thế to lớn ở phương Tây. Và họ cảm thấy thoải mái với văn hóa kinh doanh của Mỹ, có thể vì nó phản ánh ngành CNTT đang phát triển mạnh ở quê nhà ở Bangalore, Chennai và Hyderabad.

Họ cũng có nhiều khả năng muốn làm việc ở nước ngoài hơn. 80% sinh viên quốc tế Trung Quốc trở lại Trung Quốc sau khi tốt nghiệp, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc. Các doanh nhân Trung Quốc thích thành lập công ty riêng của họ ở quê nhà. Alibaba được mệnh danh là “Amazon của Trung Quốc”. Tencent sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat được 1,2 tỷ người sử dụng. Huawei là một trong những gã khổng lồ của ngành công nghệ.

Sự chuyển đổi của Trung Quốc từ một trung tâm sản xuất sang một trung tâm công nghệ phần lớn được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ. Vào cuối những năm 70, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài thành lập văn phòng tại Trung Quốc, nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp.

Mặt khác, Ấn Độ có vấn đề về quá nhiều nhân tài rời khỏi đất nước để có việc làm tốt. Theo Liên Hợp Quốc, quốc gia này có số lượng người di cư sống ở nước ngoài cao nhất với 17,5 triệu người. Và nhiều người Ấn Độ đã từ bỏ hộ chiếu để trở thành công dân Mỹ nhập tịch vào năm 2020 hơn người Trung Quốc, tiếp tục xu hướng từ những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu chất xám từ Ấn Độ có thể đang bắt đầu giảm dần.

Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ trở thành kỳ lân - có nghĩa là, các công ty này được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Ấn Độ đã tạo ra 47 kỳ lân vào năm 2021. Một bước nhảy vọt đáng kể so với con số 17 vào năm 2020. Và thậm chí những năm trước đó nữa còn ít hơn rất nhiều. Hệ sinh thái công nghệ đang được hỗ trợ bởi các công ty đầu tư mạnh mẽ như Softbank đã và đang bơm tiền vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. Nhưng để lôi kéo nhiều người ở lại quê hương của họ, lương sẽ phải đuổi kịp những người ở phương Tây.

Theo nền tảng tuyển dụng trực tuyến, Dice, một nhân viên công nghệ Mỹ trung bình kiếm được khoảng 98.000 USD một năm. Mức lương công nghệ ở Ấn Độ khác nhau rất nhiều, nhưng trang web việc làm thực sự chốt mức lương công nghệ trung bình từ mức 20.000 đô la Mỹ, lên 33.000 đô la, khiến họ trở thành một trong những người có thu nhập cao nhất ở đất nước của họ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những gì họ kiếm được ở Hoa Kỳ.

Khi mức lương tăng cùng với sự bùng nổ công ty khởi nghiệp của Ấn Độ, điều này có thể có tác động đến số lượng cá nhân đặc biệt mong muốn chuyển ra nước ngoài. Điểm chung của các CEO của những gã khổng lồ công nghệ là nền tảng kỹ thuật vững chắc của họ.

Ngô Mạnh Hùng (Theo Complexob)

Saturday, October 29, 2022

Tận dụng thời gian ntn

 HỌC TẬP QUAN TRỌNG HƠN TIỀN BẠC

Năm 1718, Josiah Franklin quyết định đưa cậu con trai 12 tuổi Benjamin của mình vào công việc kinh doanh nến do gia đình điều hành ở Boston với tư cách là người học việc. Ý tưởng của ông là sau bảy năm học việc và một chút kinh nghiệm, Benjamin sẽ tiếp quản công việc kinh doanh. 

Nhưng Benjamin Franklin(sau này là nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học, nhà phát minh, chính khách, nhà ngoại giao, nhà in, nhà xuất bản và nhà triết học chính trị Mỹ) có những ý tưởng khác. Ông đe dọa sẽ bỏ nhà đi ra biển nếu cha ông không cho ông lựa chọn nơi ông có thể học nghề. Người cha đã mất một đứa con trai khác, người đã bỏ trốn, và vì vậy ông đã mủi lòng. Trước sự ngạc nhiên của người cha, con trai của ông đã chọn làm việc trong một doanh nghiệp in ấn mới mở gần đây của một người bà con. 

Một công việc kinh doanh như vậy có nghĩa là công việc khó khăn hơn và thời gian học việc sẽ kéo dài 9 năm thay vì 7 năm. Ngoài ra, ngành kinh doanh in ấn nổi tiếng là hay thay đổi và nó khá rủi ro đối với tương lai của một người kinh doanh trên đó. Nhưng đó là lựa chọn đã quyết định. Hãy để con người học cách khó khăn. 

Điều mà cậu bé Benjamin đã không nói với cha là cậu quyết tâm trở thành một nhà văn. Hầu hết công việc trong cửa hàng đều liên quan đến lao động chân tay và vận hành máy móc, nhưng thỉnh thoảng ông sẽ được yêu cầu đọc lại và sao chép một cuốn sách nhỏ hoặc văn bản. Và sẽ luôn có những cuốn sách mới xung quanh. 

Trong vài năm trong quá trình này, ông phát hiện ra rằng một số bài viết yêu thích của ông đến từ các tờ báo tiếng Anh mà cửa hàng sẽ in lại. Ông yêu cầu được là người giám sát việc in ấn những bài báo như vậy, cho ông cơ hội nghiên cứu chi tiết những văn bản này và tự dạy mình cách bắt chước phong cách của chúng trong tác phẩm của chính mình. 

Trong nhiều năm, ông đã cố gắng biến đây thành một công việc học nghề viết lách hiệu quả nhất, với lợi ích bổ sung là đã học tốt nghiệp vụ in ấn. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Zurich năm 1900, Albert Einstein 21 tuổi nhận thấy triển vọng việc làm của mình vô cùng ít ỏi. Ông đã tốt nghiệp gần cuối lớp, gần như chắc chắn không có bất kỳ cơ hội nào để có được một vị trí giảng dạy. Hạnh phúc khi rời xa trường đại học, giờ đây ông đã lên kế hoạch tự mình điều tra một số vấn đề trong vật lý đã ám ảnh ông trong vài năm. Nó sẽ là một quá trình tự học việc trong các thí nghiệm lý thuyết và suy nghĩ. Nhưng trong lúc này, ông sẽ phải kiếm sống. Ông đã được mời làm việc trong công ty kinh doanh máy nổ của cha ông ở Milan với tư cách là một kỹ sư, nhưng công việc như vậy sẽ không khiến ông có bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào. Một người bạn có thể đưa ông vào một vị trí được trả lương cao trong một công ty bảo hiểm, nhưng điều đó sẽ khiến ông căng thẳng và tiêu hao năng lượng để suy nghĩ. 

Một năm sau, một người bạn khác đề cập đến một công việc đang mở tại Văn phòng Sáng chế Thụy Sĩ ở Bern. Mức lương không cao, vị trí thấp nhất, thời gian làm việc dài, và công việc chỉ gồm một nhiệm vụ khá nhàm chán là xem xét các đơn xin cấp bằng sáng chế, nhưng Einstein đã chớp thời cơ. Đó là tất cả những gì ông muốn. Nhiệm vụ của ông là phân tích tính hợp lệ của các đơn xin cấp bằng sáng chế, nhiều trong số đó liên quan đến các khía cạnh khoa học mà ông quan tâm. Các ứng dụng sẽ giống như câu đố nhỏ hoặc thí nghiệm suy nghĩ; ông có thể cố gắng hình dung những ý tưởng sẽ thực sự chuyển thành phát minh như thế nào. Làm việc trên chúng sẽ làm sắc nét khả năng lý luận của ông. 

Sau vài tháng làm việc, ông đã trở nên giỏi trò chơi trí óc này đến mức ông có thể hoàn thành công việc của mình trong hai hoặc ba giờ, để lại thời gian còn lại trong ngày để tham gia vào các thí nghiệm suy nghĩ của riêng mình. Năm 1905, ông công bố lý thuyết tương đối đầu tiên của mình, phần lớn công việc đã được thực hiện khi ông đang làm việc tại Văn phòng Sáng chế.

Martha Graham lần đầu tiên được đào tạo như một vũ công tại Trường Denishawn ở Los Angeles, nhưng sau vài năm, bà xác định rằng mình đã học đủ và cần phải đi nơi khác để rèn giũa kỹ năng của mình. Bà kết thúc ở New York, và vào năm 1924 được mời làm vũ công trong hai năm trong một buổi biểu diễn của những người bạn; nó đã được trả rất cao, và vì vậy bà ấy đã chấp nhận. Khiêu vũ là khiêu vũ, bà nghĩ, và bà luôn có thể thực hiện những ý tưởng của riêng mình khi rảnh rỗi. 

Nhưng gần hết nhiệm kỳ, bà quyết định sẽ không bao giờ nhận công việc thương mại nữa. Nó rút cạn năng lượng sáng tạo của bà và phá hủy mong muốn làm việc theo thời gian của bà. Nó cũng khiến bà ấy cảm thấy phụ thuộc vào đồng lương. Điều quan trọng khi bạn còn trẻ, bà ấy quyết định, là rèn luyện bản thân để kiếm được ít tiền và tận dụng tối đa sức trẻ của mình. Trong vài năm, bà làm giáo viên dạy khiêu vũ, giữ số giờ ở mức tối thiểu để tồn tại. Thời gian còn lại bà sẽ tập cho mình phong cách nhảy mới mà bà muốn tạo ra. 

Biết lựa chọn thay thế là nô lệ cho một số công việc thương mại, bà ấy đã tận dụng tối đa từng phút rảnh rỗi, tạo ra nền tảng cho cuộc cách mạng triệt để nhất trong khiêu vũ hiện đại trong vài nămsau đó. 

Sự nghiệp võ sĩ quyền ông của Freddie Roach kết thúc vào năm 1986, ông đã nhận công việc tiếp thị qua điện thoại ở Las Vegas. Một ngày nọ, ông bước vào phòng tập mà chính ông đã tập luyện dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên huyền thoại Eddie Futch. Ông nhận thấy nhiều võ sĩ ở đó không nhận được bất kỳ sự quan tâm cá nhân nào từ Futch. Mặc dù không được yêu cầu, nhưng ông bắt đầu đi quanh phòng tập thể dục mỗi chiều và giúp đỡ. Nó trở thành một công việc mà ông không được trả lương, vì vậy ông  vẫn giữ vị trí tiếp thị qua điện thoại của mình. Làm hai công việc còn lại chỉ đủ thời gian để ngủ. Nó gần như không thể chịu đựng được, nhưng ông có thể chịu đựng được vì ông đang học nghề mà ông biết là định mệnh. Trong vòng vài năm, ông đã gây ấn tượng đủ với các võ sĩ trẻ với kiến ​​thức của mình để thành lập doanh nghiệp của riêng mình, và sớm trở thành huấn luyện viên quyền ông thành công nhất trong thế hệ của ông.

Quy luật đơn giản của tâm lý con người rằng suy nghĩ của bạn sẽ có xu hướng xoay quanh những gì bạn coi trọng nhất. Nếu đó là tiền, bạn sẽ chọn một nơi để học nghề của bạn có mức lương cao nhất. 

Ở một nơi như vậy, bạn sẽ cảm thấy áp lực lớn hơn để chứng minh mình xứng đáng với mức lương như vậy, thường là trước khi bạn thực sự sẵn sàng. Bạn sẽ tập trung vào bản thân, sự bất an của bạn, nhu cầu làm hài lòng và gây ấn tượng với đúng người, chứ không phải vào việc đạt được các kỹ năng. 

Sẽ quá tốn kém nếu bạn mắc sai lầm và học hỏi, vì vậy bạn sẽ phát triển một cách tiếp cận thận trọng, bảo thủ. Khi bạn tiến bộ trong cuộc sống, bạn sẽ trở nên nghiện đồng lương béo bở và nó sẽ quyết định bạn đi đâu, suy nghĩ như thế nào và làm gì. Cuối cùng, thời gian không dành cho việc học các kỹ năng sẽ đuổi kịp bạn, và cú ngã sẽ đau đớn. 

Thay vào đó, nếu bạn phải coi trọng việc học lên trên mọi thứ khác. Điều này sẽ dẫn bạn đến tất cả các lựa chọn đúng. Bạn sẽ chọn tình huống mang lại cho bạn nhiều cơ hội học hỏi nhất, đặc biệt là với công việc thực hành. Bạn sẽ chọn một nơi có những người và cố vấn có thể truyền cảm hứng và dạy cho bạn. Một công việc với mức lương tầm thường có thêm lợi ích là bạn được đào tạo để đạt được ít hơn — một kỹ năng sống có giá trị. 

Nếu thời gian học việc của bạn chủ yếu là thời gian của riêng bạn, bạn sẽ chọn một nơi thanh toán các hóa đơn, có lẽ là nơi giúp đầu óc bạn luôn nhạy bén, nhưng điều đó cũng giúp bạn có thời gian và không gian tinh thần để tự mình làm những công việc có giá trị. Bạn không bao giờ được khinh thường việc học nghề không lương. Trên thực tế, việc tìm được người cố vấn hoàn hảo và cung cấp dịch vụ của bạn với tư cách là trợ lý thường là đỉnh cao của sự khôn ngoan. 

Vui vẻ khai thác tinh thần ham học hỏi của bạn, những người cố vấn như vậy thường sẽ tiết lộ nhiều hơn những bí mật kinh doanh thông thường. Cuối cùng, bằng cách coi trọng việc học là trên hết, bạn sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng khả năng sáng tạo của mình và tiền sẽ sớm đến với bạn.

Ngô Mạnh Hùng

Friday, October 28, 2022

Ký ức miền Nam: Thời đói thiếu

 "Thời tận dụng"  

Đó là một thời kỳ lạ xuất hiện sau năm 1975 ở miền Nam vì chưa bao giờ diễn ra như vậy. Cuộc sống khó khăn ập đến, hiện diện mỗi ngày trong từng gia đình. Mọi nhu cầu đều phải co lại, chỉ còn ưu tiên ăn và mặc.

Thời đó, sợ nhất là bị trộm quần áo. Phơi đồ trên dây sát hàng rào luôn phải trông chừng không chút nào ngơi vì có thể bị móc trộm. Nhà nào có được cái quần jean từ nước ngoài gửi về mà bị mất là méo cả mặt. Loại quần này bận đến bạc phếch vẫn đẹp, rách vẫn có thể tận dụng vải để may nón, túi xách, không bỏ chút gì. Áo sơ mi bận lâu bị sờn cổ hay bị ố vàng vì mồ hôi, sẽ có người nhận lộn cổ áo lại nhìn như mới, hoặc đem nhúng vào dương giấy cho có màu xanh lơ thay vì màu vàng cũ do giặt bằng xà bông đá 65 phần dầu.

Vài cô thợ may nhận vá mông quần của khách bị rách bằng những đường chỉ tạo thành hình vuông hay tròn đồng tâm rất khéo, rất nhuyễn. Nhà nào trong nhà còn trữ đồ lính Việt Nam Cộng Hòa do cha anh để lại thì rất may mắn cho mấy cậu con trai. Quần đem sửa lại cho vừa, nhuộm đen, vừa đẹp vừa bền. Chỉ có điều bất tiện, khi giặt phải để riêng, nếu không màu nhuộm sẽ thôi ra quần áo khác, và khi ủi xong phải lau mặt bàn ủi cho sạch màu đen.

Học trò đi học, sau khi dùng nát mấy cái cặp da, cặp giả da từ mấy năm trước của cha anh bỏ lại, giờ đi học bằng túi vải may từ vải bố. Anh nào giữ thói quen mang khăn mùi xoa trong túi quần thì nhờ người thân cắt miếng vải vuông từ lưng áo cũ, may viền bốn cạnh là có cái khăn lịch sự thỉnh thoảng móc ra chậm mồ hôi trên trán lấy le. Ai giữ được vài xấp vải xoa Pháp, tergan hay dacron là yên tâm để nếu cần đem ra may bận đám cưới, hoặc có thể bán ra mua gạo mà ăn.

Còn ăn uống thì có gì ăn nấy từ số lương thực phân phối, là bột mì, bo bo, khoai mì, khoai lang… ăn không nổi thì đem đổi gạo dù phải chịu thiệt. Mọi gia đình tìm đủ cách xoay xở cho bữa cơm gia đình. Vai trò của phụ nữ trong nhà nổi lên, khi đàn ông vắng nhà đi học tập cải tạo, hoặc thất nghiệp. 

Những người đang bước vào tuổi sáu mươi, ai cũng có câu chuyện của mình khi đã trải qua thời gian đó. Câu chuyện của anh Hùng, bạn tôi trong một buổi họp mặt khiến mọi người như trở lại thời mình mới hơn mười tuổi mà dư vị của một thời quá đậm đà không quên được.

Hùng kể căn nhà của anh ở Bà Quẹo lúc đó có tới mười ba người, ba mẹ và các con. Trong đó, chỉ có vài người anh chị của Hùng đi làm công nhân viên với lương và nhu yếu phẩm bèo bọt. Ba đang lái xe buýt thì sau 1975 bị thất nghiệp vì không còn xăng. Má bán ngoài chợ nhỏ, xoay xở đủ mọi cách để có bữa ăn cho mười ba miệng ăn. 

Chị của Hùng kể lúc ra phía Lăng Cha Cả có gặp một chị bạn hồi trung học lang thang ngoài đó bán khoai lang luộc, đi cùng một cô bạn. Chị ấy trước năm 1975 đang học đại học Luật, gia đình sống trong cư xá dành cho sĩ quan cảnh sát ở Phú Nhuận. Hai chị đó đi bán mà không ai mua, buồn tình đi ngắm chợ trời, ở đó có bán đủ thứ món của Sài Gòn tư bản lấy ra từ các nhà người Mỹ bỏ đi trước ngày 30 tháng 4, hoặc chính người trong nhà đem ra bán để đổi lấy gạo hay quần áo, có từ cái đồng hồ Nhật, Thụy Sĩ đến tủ bàn ghế, máy Akai, dĩa hát, xe đạp, dụng cụ nhà bếp… Chị ấy kể nhiều bữa phải ôm rổ khoai lang bán ế thất thểu ra về, bụng hai chị em đói meo mà không dám mua món gì để ăn.

Ở nhà Hùng, má xoay đủ mọi cách để có bữa cơm tạm được cho cả nhà. Má mua đầu cá thác lác về kho với nước dừa, ngon và béo ngậy, rất hao cơm. Hôm nào chị Hai mua được đầu tôm càng về kho tàu (thân tôm để xuất khẩu) là càng tốn cơm với đám con đang lớn. May là có vườn nhà bà Năm kế bên, hôm nào thiếu thức ăn chỉ cần làm tô nước mắm kho quẹt, ra vườn hái mớ rau để chấm là đủ bữa cơm. Ngon nhất là rau càng cua, đem vô rửa sạch trộn với dấm và trứng luộc xắt khoanh mỏng. Đến Tết, nấu được nồi thịt kho thì bỏ vô nhiều đợt trứng cho thấm hết chất nước giàu đạm và béo, đến khi cạn nước mới thôi.  

Kế bên nhà của Hùng có một khoảnh vườn nhỏ của bà Năm, người trong dòng họ. Bà Năm ở xa nên nhờ ba má Hùng trông giùm khoảnh vườn này. Ở đó, má trồng bông huệ, bông vạn thọ đợi lớn đem ra chợ bán, xoay đủ kiểu để kiếm tiền lo ba bữa cơm. Ba không khỏe, các anh chị lớn đều đi làm nên không thể khai thác được miếng vườn nhiều hơn. Vườn tược trở nên hoang sơ, tối gió thổi lồng lộng vào nhà, đầy tiếng mèo hoang hơn chục con kêu gào từ đó vọng vào.

Một hôm, Hùng vừa bước vào bếp bỗng thấy cả đám mèo từ bên vườn dò dẫm bước qua gian bếp. Trong tủ bếp, má để dĩa cá cho chị Hai đi làm ca về trễ  ăn bữa cơm tối muộn. Hai ba con mèo tinh quái dùng tay khều cái chốt tủ gạc-măng-giê, mở toang cửa và lôi con cá ra thật nhanh. Hùng chạy tới thì cá đã bị mèo ngậm mang đi. 

Tối đó, ba và mấy ông anh ngồi tính toán bàn với nhau. Mấy con mèo phá quá, kêu gào, ăn vụng đủ thứ. Đang lúc khan hiếm chất đạm, thịt mèo cũng là loại thịt ăn được, thì phải tính. Thế là vài hôm sau ông anh lớn mang về một cái bẫy bằng lưới kim loại, nhìn giống bẫy chuột nhưng lớn hơn. Chỉ cần chút mồi là bắt được một con. Mấy anh em xúm lại nhổ lông, làm thịt. Món ragout, xào, rô ti… nấu bằng thịt mèo khá ngon, thịt mèo ngọt, ăn ngon khi còn nóng. Có người hàng xóm còn qua xin gan mèo về làm phá lấu ăn với bánh mì, cho con ăn chữa bệnh suyễn. 

Đợt ăn thịt mèo hoang đó diễn ra khoảng năm 1980. Anh em nhà Hùng ăn mấy đợt, lúc đầu thấy ngon miệng nhưng ăn riết cũng ngán. Nhưng nhờ vậy cả nhà đỡ hốc hác vì thiếu dinh dưỡng. Năm 1980, Hùng thi đậu vào đại học cũng nhờ ăn đủ chất, có sức thức khuya. 

Cuộc sống có lúc như vậy, nhưng khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Một hôm, chị Hai của Hùng đi làm về đến nhà, chở phía sau poọc ba ga xe đạp của chị một cái bao rất lớn nhưng có vẻ nhẹ bổng. Mấy đứa em háo hức mở ra, ỉu xìu ngay vì trong đó chỉ là những cụm bông gòn phế phẩm xỉn màu mà chị xin ở công ty Bạch Tuyết nơi làm việc. Chị Hai mỉm cười, bảo để yên cho chị. Tối đó, chị giở tờ báo Khoa học Phổ thông mượn của ai đó, cắm cúi đọc trong ánh đèn điện leo lét của những năm thời bao cấp, may là hôm ấy điện không bị cúp. 

Cuối tuần, chị Hai lần dò sang vườn bà Năm kế bên nhà. Trên sàn xi măng, chị trải một lớp bông gòn xuống và rắc một lớp meo nấm rơm mà chị đã mua sẵn. Cứ một lớp bông gòn lại đến một lớp meo, xong dùng vải đậy lại cho kín. Đợi một thời gian, mở ra thấy một lớp như màng nhện màu trắng nổi lên là biết thành công, chỉ đợi nấm chui ra. Đến ngày rằm, chị thu hoạch nấm và đem ra chợ bán. Sau, không biết có ai chỉ, vài người thương lái từ Chợ Lớn gặp chị và đề nghị cho đến nhà chọn nấm để mua. 

Năm 1983, cả nước còn ăn độn mà chị Hai làm nấm một vốn tới sáu lời, giá một ký nấm mắc hơn một ký thịt. Nấm được người ta đưa đi bán nhiều lần, riết mà thành thương hiệu “Nấm Bà  Quẹo” một cách tự nhiên mà ai cũng biết là của chị. Bà con gần đó thấy làm ăn được quá, đến xin học nghề. Chị Hai không trồng trực tiếp nữa mà chuyển sang dạy nghề, bán meo, bán gòn. Hãng bông Bạch Tuyết biết chị Hai lấy bông gòn phế phẩm làm meo nấm, làm ăn khá nên họ chỉ bán, không cho lấy nữa. Nhờ chuyện làm nấm của chị mà cả nhà có một khoảng thời gian cả năm sống tươm tất hơn, bữa cơm đỡ ăn độn và có thịt có cá. 

Bây giờ nhớ lại, Hùng bảo có cho vàng cũng không dám ăn thịt mèo. Nhưng câu chuyện một thời như vậy, cần phải được nhớ và kể lại cho những thế hệ sau về cách cha anh họ đã tận dụng mọi cách để tồn tại, đã vượt qua khốn khó thế nào khi gặp phải một chính sách quản lý sai lầm. 

Phạm Công Luận (Báo Người Đô Thị)

Thursday, October 27, 2022

Nam dạ Bắc vâng

NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI SÀI GÒN

Ở Sài Gòn, hình như câu nào người ta cũng dạ.

Chắc tại Sài Gòn ưa ăn ngọt, nên người ta cũng quen nói ngọt theo. Chẳng phải ngọt kiểu xã giao, Sài Gòn ngọt từ những tiếng dạ, thưa, cám ơn, xin lỗi ngay trong đời sống thường ngày.

“Kêu chưa em?” - “Dạ, cho em tô hủ tiếu không hành.”

“Dạ con gởi, cám ơn chú!”

“Mới về hả nhóc?” - “Dạ, con mới về!”

Mỗi tiếng dạ thôi, không biết sao trong cảm giác nghe thấy thương đến lạ… Dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. 

Có những điều nhỏ bé thiệt yêu🧡🧡

Khuc Thuy Du Sưu tầm (Trang Văn chương miền Nam)

Wednesday, October 26, 2022

Ông vua, nghệ sĩ và nghệ thuật

 Paris , Rodin và … Nghệ sỹ Hàm Nghi !

Kinh đô hoa lệ nước Pháp bên cạnh những Tháp Effel Bảo tàng Louvre, Nhà thờ Đức Bà, Cổng Khài hoàn, Điện Elysee hay Phố Pigal… còn lừng danh với Bảo tàng Auguste Rodin - điêu khắc gia chỉ cần 2 trong số kiệt tác của mình đã tạc tên mình vào Lịch sử điêu khắc thế giới !

Thật vậy - là người tiên phong trong nghệ thuật Hiện thực bỏ những lối mòn thần thoại Hy lạp- La mã , những biểu tượng trong Thánh kinh … tự do khỏi những mô phạm quy ước cổ điển chỉ Hai tác phẩm : Nụ hôn và Người suy tưởng Rodin đã khắc hoạ CON NGƯỜI trong hai hoạt động Suy tư và Yêu thương - hai hoạt động Người nhất !

Còn gì Hàm súc hơn ?

Còn gì Sống động hơn ?!

Và Paris cũng là nơi Hoàng tử An nam ( tên ghi trong hộ chiếu ) trong thời gian lưu đày đã đến thọ giáo thày Rodin !

Vua Hàm Nghi - Nghệ sỹ tạo hình đầu tiên của Việt nam đã có Triển lãm cá nhân tại Ba lê với 36 bức sơn dầu, 8 bức pastel và 12 tượng năm 1926 !

Một ngày “ túc duyên “ Huế sẽ đón Ngài về , không chỉ với nước mắt biết ơn cảm phục với Vị Vua yêu nước một kiếp lưu đày mà còn cùng chia sẻ cảm xúc thẩm mỹ cùng Nghệ sỹ Hàm Nghi tác giả một triển lãm xứng tầm…

Sẽ có một ngày…

Ngô Tiến Nhân (ELTE.vidi72)

Nga là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (2)

 Hôm qua thứ bảy 22.10.22, trong phiên đại hội đảng được tường thuật trực tiếp, cả thế giới chứng kiến cảnh Hồ Cẩm Đào, bậc thầy của Tập Cận Bình bị hai nhân viên bảo vệ đưa ra khỏi hội trường. Ông Hồ tranh luận khá lâu với hai nhân viên này nhưng không kết quả, ông quay sang Tập Cận Bình ngồi ghế bên, nhưng chỉ nhận được cái nhìn lạnh lùng. Cuối cùng họ xốc nách đưa ông ra ngoài. Ai cũng biết Hồ Cẩm Đào, người đã đưa Tập lên chức Tổng Bí Thư vào năm 2012, cũng là người đề cao nguyên tắc „Lãnh đạo tập thể“ và điều lệ „Hai nhiệm kỳ“. Rất có thể việc điệu ông thầy ra khỏi đại hội chính là hành động dằn mặt của Tập Cận Bình trước khi đại hội „nhất trí“ bầu ông ta vào chức Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 và tiến tới suốt đời.

Cái nhìn lạnh lùng của ông Tập Cận Bình khi ông Hồ Cẩm Đào muốn phân bua gì đó, trước khi bị áp tải ra khỏi phòng họp đại hội

Với hành động này,Tập đã đưa đảng CSTQ ra khỏi quỹ đạo „tập trung dân chủ“ của các chế độ đảng trị, mở đầu cho chế độ độc tài cá nhân. Nếu chỉ có vậy thì cũng không có gì lạ, vì Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành... đều từng như thế.

Ông trùm tình báo Đức Haldenwang ví mối đe dọa của Trung Quốc như biến đổi khí hậu chính vào lúc đại hội đảng CSTQ khai mạc và đúng khi chính trường Đức đang cãi nhau về vụ cảng Hamburg định bán 35% bãi container cho công ty Cosco của Trung Quốc. Giá bán bao nhiêu không quan trọng, vì kinh tế Đức không đói ăn vài chục tỷ Euro. Quan trọng là khi Cosco đã đầu tư vào đó, tàu Trung Quốc sẽ đến đây nhiều hơn và Hamburg lại đủ sức cạnh tranh với Antwerpen và Rotterdam là hai cảng đã chăn gối với nàng Cosco lâu nay. Cạnh tranh nhau bằng mọi giá vốn là bản chất của CN Tư bản, và đó là lý do mà Trung Quốc đã nắm hơn một chục cảng biển của châu Âu. 

Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh mọi nhà nước TBCN đều rất cảnh giác với đối thủ chính trị và mọi quan hệ làm ăn với bên kia đều bị soi bằng kính lúp.

Để tiêu diệt Liên Xô, thành trì kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa của khối Cộng Sản, Mỹ đã chọn Trung Quốc làm đối tác tay trong và họ đã có lý. Từ lâu Mao vẫn coi Liên Xô là vật cản trên con đường lãnh đạo vô sản toàn thế giới. Đài Bắc Kinh trong những năm 1960 ra rả chửi bọn „Đế quốc xã hội Liên-Xô“. Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mèo trắng-meo đen đã đưa Trung Quốc ra khỏi chế độ cộng sản đồ đá.

Ít ai biết rằng Trung Quốc không chỉ đi đầu trong việc xóa bỏ nền kinh tế công hữu XHCN từ đầu thập kỷ 80, mà còn đi trước Đông Âu gần chục năm trong việc cởi trói văn hóa, tư tưởng. Trong khi Tiệp Khắc đang loay hoay đàn áp phong trào „Hiến chương 77“, trong khi Đông Đức đang lo trục xuất các nghệ sỹ bất đồng chính kiến như Wolf Biermann hay Manfred Krug thì năm 1978 ở Bắc Kinh đã có „Bức tường dân chủ“ để trí thức xả xú-pắp phê phán đảng cầm quyền. Trong khi ở Ba-Lan đang thiết quân luật, còn toàn bộ Đông Âu bị khóa chặt trong bức màn sắt thì năm 1987, bộ phim „Cao Lương Đỏ“ đã thoát khỏi mọi khuôn khổ của nền văn hóa kiểm duyệt tô hồng, trở nên một hiện tượng điện ảnh toàn cầu.

Nói ra chắc ít người tin, nhưng cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chiếm Thiên An Môn của hàng chục ngàn sinh viên Bắc Kinh suốt cả tháng 5 và đầu tháng 6.1989 đã tạo cảm hứng cho hàng triệu người dân Đông Âu. Việc dùng xe tăng đàn áp sinh viên cũng là một giọt nước tràn ly góp phần cho các cuộc „Cách mạng nhung“ bắt đầu từ tháng 9 năm đó ở Đông Âu.

Điểm qua như vậy, người ta thấy đảng CSTQ đã thử nghiệm khá nhiều và cuối cùng họ đã chọn con đường: Xây dựng kinh tế TBCN dưới bàn tay sắt của chế độ phát xít. Các vụ đàn áp đẫm máu người Duy Ngô Nhĩ, những tội các đối với người theo đạo Pháp-Luân-Công và mới đây đối với phong trào dân chủ Hong Kong chỉ là những điều báo chí nói đến.

Cùng thoát khỏi nền kinh tế bao cấp XHCN, nhưng Nga chỉ sống nhờ vào bán tài nguyên, khiến nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như chế tạo máy, điện tử, hóa chất… lụn bại. Người Nga hôm nay chủ yếu sử dụng hàng tiêu dùng nhập khẩu, vì vậy Nga không có học trò. Nhưng Trung Quốc đã thành công không chỉ trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong vòng 40 năm, mà còn hội nhập kinh tế rất sâu, trở thành bạn hàng, khách hàng, nhà cung cấp hàng lớn nhất thế giới. 

Từ chỗ là công xưởng gia công, làm thuê cho toàn cầu, Trung Quốc nay đã lần lượt có mặt trong các ngành khoa học mũi nhọn. Hôm qua có tin Trung Quốc đang thử nghiệm việc tạo ra các đám mây phóng xạ ở các tầng khí quyển nhằm tiêu diệt mạng lưới vệ tinh của đối phương [1].

„Made in China“ từ một khái niệm cho hàng rởm, hàng nhái đang được Trung Quốc biến thành một thương hiệu lớn vào năm 2025.

Khái niệm „Nền ngoại giao pháo hạm“ (Gunboat diplomacy) bắt nguồn từ sự khiếp nhược của nhà Thanh khổng lồ trước các đế quốc phương tây tý hon nhưng có pháo hạm như Bồ Đào Nha, Bỉ, Hà Lan. Giờ đây Trung Quốc đã xây dựng được lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới và bắt đầu tìm kiếm căn cứ khắp năm châu.

Trung Quốc không phát minh ra Trí tuệ nhân tạo, ra Big Data, ra camera, nhưng là nước đầu tiên theo dõi, chấm điểm, kiểm soát và điều khiển hơn một tỷ công dân qua mạng. Không cần cảnh sát, nhưng nhà nước cảnh sát có thể dùng smartphone để cấm những công dân „bất hảo“ không được lên tàu, không được đi học, vào bệnh viện, mua hàng v.v.  Không phát minh ra Internet và thương mại điện tử, nhưng Trung Quốc có hệ thống thanh toán, mua bán điện tử hiệu quả nhất thế giới. Đến gã ăn mày cũng nhận được tiền của người mủi lòng qua QR-Code. Đây chính là nền độc tài số (digital dictatorship) hoàn hảo nhất thế giới.

Thành công lớn nhất của Trung Quốc là đã xây dựng được CNTB mà không cần tự do hóa xã hội, vẫn giữ nguyên chế độ độc tài đảng trị mà không bị cô lập, vẫn tiếp tục bành trướng và xâm lăng mềm mà không bị ngăn chặn. Các đặc điểm này khiến ông Haldenwang coi mô hình Trung Quốc nguy hiểm tiềm tàng như biến đổi khí hậu.

Khi làm ăn với bạn hàng Trung Quốc, ai cũng nghĩ là đang tiếp các nhà tư bản và thế là các thương vụ như cảng Rotterdam của Hà-Lan, hãng Robot Kuka của Đức, như hãng xe Volvo của Thụy Điển cứ ngọt ngào xảy ra. Nhưng tư bản Trung quốc là tư bản nhà nước, là mặt nạ của một chế độ phát xit. Thậm chí các hãng máy bay Trung Quốc đã tuyển dụng được hơn 30 phi công từng phục vụ trong quân đội Anh để lái và góp ý cho các phi cơ chiến đấu họ đang sản xuất. Mức lương trả cho các phi công về hưu này là 276.000 EUR/năm.[2]

Còn nguy hiểm hơn cả là mô hình Trung Quốc đã trở thành tấm gương cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Không ít người có chữ ở Việt nam ca ngợi Đặng Tiểu Bình: Ông ấy không dẹp vụ Thiên An Môn thì làm gì có Trung Quốc hôm nay! Ông Đặng xua quân sang giết hàng chục ngàn người Việt ở Biên giới Việt Trung 1979 và ông Đặng giết con cháu ông ta ở Bắc Kinh 1989 chỉ là một.

Theo mô hình Trung Quốc rủi ro rất nhiều, thất bại đầy rẫy nhưng nhiều người cầm quyền lại ham. Hàng loạt các nước đang phát triển ngắm nghía trầm trồ mô hình này khi thấy nó đang được áp dụng thành công bởi các đế quốc mới trỗi dậy như Qatar, Turkey, Iran. Việc các nhà xuất khẩu vũ khí truyền thống như Nga và Ukraine nay phải mua máy bay của Turkey và Iran và việc Qatar trở thành người cùng quyết định các ván bài ở Syria và Afghanistan là các ví dụ. 

Đến nỗi Viktor Orban của Hungary ca ngợi nền „Dân chủ không cần tự do“ vì thèm muốn cầm quyền suốt đời như vua. Tất cả các thủ lĩnh cực hữu ở phương Tây, từ Meloni ở Italia, Le Pen ở Pháp hay Bolzonaro ở Brazil đều hướng đến con đường Trung Quốc, hướng đến thịnh vượng không cần tự do. Nghe có vẻ mâu thuẫn vì ai đó coi Trung Quốc là cực tả. Nhầm to!

Nhà sử học Mỹ Timothy Snyder từng kết luận: “Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản” [3]

Mô hình Trung Quốc không chỉ phá hoại con đường phát triển của các nước thế giới thứ ba, mà đang đe dọa cả các nền dân chủ già cỗi. Khí độc ở một quốc gia đã lan truyền vào bầu khí quyển chính trị toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu à la China.

Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, tổng tư lệnh quân đội suốt đời Tập Cận Bình

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

--------

[1]: https://www.t-online.de/.../bericht-china-simuliert...

Tuesday, October 25, 2022

Con người là sản phẩm của xh: Văn hoá & Nếp sống hình thành nhân cách

 MỘT DÂN TỘC HÃO DANH

Hão danh len lỏi vào từng ngõ ngách, gia đình người Việt.

Ra thành phố, chẳng có nghề nghiệp đứng ở “chợ người” đợi người ta thuê đi móc bể phốt, dọn phân … Ở quê, hàng xóm hỏi : Thằng Út nhà bà nó đâu rồi?

- Thưa cụ, cháu ra công tác ngoài Hà Nội.

Lao động để kiếm sống chẳng có gì đáng xấu hổ. Nhưng người Việt, con cháu không trở thành ông này, bà kia là một điều tủi nhục.

Làng quê nghèo đói xơ xác, ông trưởng họ lọ mọ lên tận Hà Nội, vào cả thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi họ hàng, dòng tộc quyên góp xây dựng Nhà thờ Họ. Ông buồn rầu, than thở:

- Họ nhà mình mấy đời danh thế, con cháu làm quan, học hành đỗ đạt, mà chẳng có tổ đường thờ cúng. Họ nhà nọ, nhà kia người ta làm nhà thờ họ to lắm, con cháu khắp nơi tứ xứ về đông vui, nhìn thấy mà hổ thẹn cho họ nhà mình.

Tư tưởng làm quan, làm sư, làm thầy mới là làm người, đang cho thấy một xã hội bế tắc, lạc hậu - đương nhiên đó là một dân tộc lụi bại.

“Giàu khoe chó, khó khoe con” cho thấy phân hoá trong xã hội, cũng là phân hoá nhân cách, là một khủng hoảng toàn diện - khủng hoảng giáo dục, đạo đức và lối sống.

Làng quê nào, các dòng họ to nhỏ cũng đua nhau làm nhà thờ họ. Gia phả không biết bới từ đâu ra, đời này, đời kia có ông nghè, ông bảng… thám hoa, tiến sỹ, quan triều này triều kia. Càng bới ra nhiều, càng oai, càng vênh váo.

Đời sống người Việt quanh lũy tre làng, mối quan hệ bó hẹp, nhằng nhịt. Một người thành danh có tý chức sắc không bên cô, thì cũng bên cậu, không bên bác thì cũng bên bá… họ đều cố moi ra, vơ vào. 

Một ông tiến sỹ, một ông quan từ thời tám hoánh tít tắp có khi được đưa vào gia phả, danh sách thờ tự của hàng chục, hàng trăm nhà thờ họ.

Đám hiếu, đám hỷ người ta khoe họ nhà mình lớn, phúc lộc mấy đời, làm ông nọ bà kia. Bệnh hão danh ngày càng nặng, nhà thờ họ mọc lên như nấm.

Khốn nỗi thay, làng quê càng ngày càng xơ xác, văn hoá suy đồi, lũ trẻ bỏ làng ra đi lang bạt đất khách quê người. Cái hão danh chẳng cứu được kiếp người, vì không ai kịp tìm hiểu lịch sử, không biết thân phận thực của các trí thức, quan lại Việt Nam qua các thời kỳ.

Bây giờ xem phim lịch sử, cổ trang thấy chốn cung đình, phủ đường lộng lẫy, các quan viên xa hoa sung sướng, nhưng có biết đâu ngày xưa mang tiếng là ông bảng, ông tiến sỹ, quan huyện, quan tuần… ở Việt Nam vẫn chỉ vài mẫu ruộng, vài con trâu con bò, cùng mấy anh lính lệ cầm giáo đi chân đất lẵng nhẵng chạy theo.

Nhà nước phong kiến tổ chức ba kỳ thi (Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình), các môn thi nói như bây giờ chỉ có các môn xã hội, nội dung đều lấy từ các sách trong tam giáo Trung Quốc (Nhất thiên tự, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh và Ngũ Kinh)

Những ông tiến sỹ, ông nghè, quan này quan kia như thế cũng chỉ là tầng lớp nâng khăn, sửa áo, điếu đóm cho giới cầm quyền, vì họ học theo một khuôn mẫu. Ra làm thầy, làm quan để thành người ăn, người ở cho tầng lớp trên trong xã hội.

Ai đã từng đọc “lều chõng” của Ngô Tất Tố sẽ hiểu.

Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy đã mất tích gần mấy chục năm nay.

 Nhưng mà ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong chốn công đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. 

Lều, chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. 

Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. 

Nho giáo Việt Nam bộc lộ nhiều khuyết tật, cạn kiệt tính sáng tạo, mang đậm tính giáo điều, chuyên chế, lỗi thời và thủ cựu. Hệ tư tưởng Nho giáo là một lực cản đối với sự phát triển xã hội - Các ông Tiến sỹ, ông nghè, ông cử … quan lại từ xưa cho đến nay “bốc mùi” cũng vì cái tính hão danh muốn hơn người, thèm khát ăn trên ngồi trốc của một dân tộc khiếm khuyết trong tư tưởng, thiếu triết lý nhân sinh và nô lệ.

Lại nhớ đến ông Nguyễn Khuyến, người đã đỗ cả ba kỳ thi (thi hương, thi hội, thi đình) được gọi là “tam nguyên Yên đổ” mà ngao ngán thân phận của một nho sĩ với giấc mơ “Trị quốc bình thiên hạ”.

“Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.

Độ năm ba chén đã say nhè”.

Một Bá Kiến trong “Làng Vũ đại” được miêu tả như một phú nông giàu có, đại diện cho tầng lớp cường hào cũng chỉ với nhà ngói ba gian lớn hơn cái chuồng bò.

Giới trí thức, quan lại Việt Nam bần hàn, nhẫn nhục có gì đâu mà vinh danh, ca ngợi.

Một trào lưu cổ hủ, lú lẫn đang được phục hồi, chính là sự bế tắc, làm thêm nhếch nhác văn hoá Việt Nam. 

Những người cộng sản có nguồn gốc từ thành phần bần cố, họ cầm quyền nhưng tư tưởng không thoát khỏi “lũy tre làng” đã phục hồi lại những thứ kìm hãm dân tộc so với sự phát triển văn minh của nhân loại.

Họ cũng học đòi xây dựng những đại gia đình trí thức. 

Hãy nhìn xem những đại gia đình trí thức đó là ai? 

Dòng họ Nguyễn Lân, có lẽ là số một, nói không ngoa cái thực không xứng với cái danh. Cái họ ăn theo mới là cái lợi thực họ thu được, cái họ cống hiến cũng để trang trí tuyên truyền cho chế độ, không xứng tầm với sự vinh danh. 

Sau này, họ cũng được đưa vào sử sách, chói lọi với chức hàm, học vị đọc lên oai như cóc.

 Còn thử tra xem họ để lại sản phẩm khoa học gì, triết lý thâm sâu cống hiến cho quốc kế dân sinh như thế nào? thì chắc như mò kim đáy biển.

Nghiên cứu về nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cho đến nay, trí thức có thể nói đó là một tầng lớp được dán nhãn học hàm, học vị. Một loại người “ăn theo, nói leo” trơ mặt đến thảm hại.

Những người quan liêu vốn là những trí thức, nhưng không phải là những trí thức độc lập, mà là người trí thức dấn thân, gắn bó (hoặc bị trói buộc) chặt chẽ với nhà cầm quyền và hệ tư tưởng thống trị. 

Một tầng lớp “theo voi ăn bã mía. Gió chiều nào che chiều ấy”.

Cũng chính từ đó mà trong nhiều trường hợp, đã dẫn đến hiện tượng tha hoá, biến chất. Qua đó, thân phận người quan liêu đã giết chết nhân cách người trí thức.

 Văn bia Văn Miếu cũng đã từng phê phán nghiêm khắc về một loại quan liêu nho sĩ “xấu xa nhơ nhuốc”, “cái thực kém hẳn cái danh”. 

Ở đây, thể chế đã làm hư hỏng con người, nói cho đúng hơn, tính cứng nhắc của thể chế đã làm thoái hoá nhân cách.

Người ta không nhìn thấy mặt thật của giới trí thức, học giả Việt Nam, chỉ thèm khát một tý bổng lộc, một cái danh hão phủ lên, mà ca ngợi, tôn thờ, trở thành một thứ văn hoá, nếp sống thì đất nước sẽ ngày càng hèn kém, tụt hậu.

Anh Quốc

Sunday, October 23, 2022

Nga là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu (1)

 Loài người đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Biến đổi khí hậu đang làm cho trái đất lúc nào đó sẽ không thể ở nổi. Mọi người đều thấy nhưng tất cả cứ tiếp tục lao vào làm cho quá trình này càng tăng tốc. 

Cuộc chiến tranh man rợ của Nga không chỉ đe dọa diệt chủng dân tộc Ukraine, mà còn đe dọa xóa sổ phần lớn nhân loại bằng hạt nhân. Lời đe dọa sử dụng bom hạt nhân của Putin có thể ai đó xem là thùng rỗng kêu to kiểu chí Phèo. Nhưng nhà máy điện hạt nhân Saporishia thì đúng là một thùng thuốc súng. Đó là một hiểm họa vì sẽ có lúc kể cả Putin cũng không kiểm soát được. 

Hiểm họa có nghĩa là có thể xảy ra hoặc không. Nhưng điều đang xảy ra là Nga đem hết kho vũ khí tích lũy từ sau thế chiến thứ hai ra đốt để tàn sát người Ukraine. Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima có sức nổ 15 Kilo tones, tức là 15 ngàn tấn TNT. Chỉ riêng lượng bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 2 triệu tấn, chưa kể đại bác và mìn. Chiến tranh Ukraine chưa kết thúc, nhưng chắc chắn đế quốc Nga sẽ vượt đế quốc Mỹ về sức phá hủy. Vì hơn 100 năm qua, đất nước này chỉ dẫn đầu trong công nghiệp giết người. Sức tàn phá của Nga hôm nay vượt xa Mỹ vì nó xảy ra vào lúc mà rừng và biển của trái đất đã không còn sức hấp thụ, trung hòa chất độc như cách đây 50 năm.  

778 triệu mét khối khí Metan bị dò rỉ qua các đường ống Nordstream 1 và 2 trong tuần đầu tháng 10 chẳng là cái gì so với lượng khí thải do Nga đốt gas lên trời từ tháng 3.2022 đến giờ. Putin thà hủy diệt thiên nhiên hơn là bán gas cho kẻ thù. 

Nếu thua cuộc chiến này Putin sẽ bị đưa ra tòa án quốc tế, không chỉ vì tội ác diệt chủng chống lại loài người, mà còn vì tội ác phá hủy nguồn sống của nhân loại. Với 75% dân chúng đứng sau các tội ác này, nước Nga sẽ rơi xuống vực thẳm. Ai đó từng nghĩ rằng nước Nga không thể thua vì lòng tự hào, nhưng đúng ra là Nga không dám thua. Thua là tự sát vì bị sỉ nhục.

Đó chính là điều bi thảm thứ nhất. Nga đang thua cả về chiến lược lẫn chiến thuật, đang hụt cả về nhân lực lẫn tinh thần, nhưng thừa bom đạn. Không có chính nghĩa, quân Nga không đươc lòng dân, kể trong cả cộng đồng nói tiếng Nga, nhưng sự man rợ thì có thừa. Khi còn chiếm đóng, quân Nga thả sức giết chóc, hãm hiếp, vơ vét, cướp bóc. Giờ đây khi đang bị đẩy lùi họ thả sức ném bom phá hủy đất nước Ukrane. Hết đạn thông minh, Nga đang vét kho đạn mù tàng trữ từ 1945 để hủy diệt toàn bộ đất nước đối phương. 

Người Ukraine có cách đánh thắng bộ binh, xe tăng của Nga. Sau cả thế kỷ chịu ảnh hưởng học thuyết quân sự lấy thịt đè người của Nga, quân đội Ukraine đang hiện đại hóa theo binh pháp phương tây, đưa sinh mạng lính lên hàng đầu. Cách tổ chức quân đội theo hướng trao quyền quyết định nhiều hơn cho các sỹ quan ngoài mặt trận và việc kết hợp sử dụng các loại vũ khí thông minh đã làm tăng hiệu quả chiến đấu của họ. Hiện nay cục diện chiến tranh đã bắt đầu đổi chiều.

Nhưng trước sự phá hủy mù quáng, điên cuồng của kẻ giàu thuốc nổ nhất hành tinh, Ukraine đang lúng túng. Các dân tộc có lương tâm, yêu chuộng hòa bình đều lên án cuộc xâm lăng cướp đất của Nga. Nhưng ai lại không sợ chiến tranh hạt nhân. Người có đầu óc bình thường đều biết là bom hạt nhân không xoay chuyển được cuộc chiến, càng không chiếm được lòng dân. Ngược lại nó chỉ khiến nước Nga bị hủy diệt. Nhưng liệu Putin có còn là người đầu óc bình thường? Những người tỉnh táo quanh ông ta dám có vượt qua sự khiếp nhược trước uy quyền vốn có của người Nga? Đó là những câu hỏi không có trả lời.

Vì vậy phương tây chỉ dám giúp đỡ Ukraine ở mức độ phòng thủ, không để cho Ukraine tấn công sang Nga (Ví dụ: Mỹ giúp giàn phóng tên lửa HIMARS với tầm bắn tối đa 300km, nhưng chỉ cấp đầu đạn bay xa 70km). Có thể coi phương tây chỉ giúp Ukraine để không bị đè bẹp nhưng khó mà thắng Nga. Đó là điều bi thảm thứ hai.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các nền dân chủ, các quốc gia công nghiệp đã mất đi vai trò chủ đạo. Các nước nhỏ, chậm phát triển như Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) , Iran, Saudi (Ả rập Xê-ut), Indonesia, Brazil... ngày càng có tiếng nói trên bàn cờ thế giới và đang tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của phương tây. Các nước này cùng Trung Quốc, Ấn Độ đã làm cho chiến lược cấm vận Nga trở nên mất hiệu quả. Nga vẫn bán được dầu khí với giá cao và ngân sách chiến tranh vẫn đầy ắp. Đó là điều bi thảm thứ ba.

Nga vẫn có tiền mua 2.400 máy bay không người lái thiêu thân của Iran (Kamikaze-Drone, mỗi chiếc 20.000 USD) và hàng triệu viên đạn đại bác của Bắc Triều Tiên. Những vũ khí này không có gì là thông minh và hiện đại, nhưng đủ giúp cho Nga nhắm mắt hủy diệt Ukraine. Cứ 100 máy bay không người lái Nga phóng vào Kyiv, phòng không Ukraine hạ được 70 chiếc. Nhưng mỗi chiếc trong số 30 chiếc lọt lưới, lao xuống đất với 40kg thuốc nổ đủ gây bao nhiêu tang tóc cho dân thường trong một thành phố lớn. 

Tôi có thể kể thêm nhiều điều bi thảm khác đang xảy ra trong cuộc chiến tranh này, kể cả với những thanh niên Nga đang ngơ ngác làm mồi cho đại bác (cannon fodder). 

Mặc dù luôn ủng hộ nhân dân Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và bảo vệ con đường dân chủ của họ, tôi chẳng thể lạc quan về kết cục cuộc chiến này, như nhiều bạn khác. Cái giá mà người Ukraine phải trả để được sống như mình muốn sẽ rất cao. Cho đến nay hàng chục ngàn người đã phải chết không như mình muốn và con số này có thể tăng lên chóng mặt trong giai đoạn tới. Nhưng tôi không có quyền khuyên người Ukraine dừng lại ở đâu. Chỉ có họ mới biết giá trị của tổ quốc, của nền dân chủ, của cuộc đời tự do.

Cho dù cuộc chiến kết thúc ra sao? Crimea, Donbaz thuộc về ai? Có xảy ra thảm họa hạt nhân hay không? Thì tội ác của Putin và nước Nga cũng đã rõ ràng. Năm 1945, cả dân tộc Đức đã phải chịu trách nhiệm vì để cho Hitler hoành hành. Ngày nay trách nhiệm không chỉ của người Nga, mà của cả những ai ngậm miệng trước tội ác.

Sự tàn phá, giết chóc của Nga chỉ những kẻ đui mù mới không  nhận ra. Nhưng đó không phải là xu thế. Sớm muộn gì đế quốc này cũng tan rã. Ông Haldenwang, Giám đốc cơ quan Bảo vệ hiến pháp Đức cho rằng: Nước Nga chỉ là cơn bão, Trung Quốc mới là biến đổi khí hậu. (Rusland ist der Sturm, China ist der Klimawandel)

Biến đổi khí hậu cứ lừ lừ tiến đến. Con người khó lòng cảm nhận, như con ếch trong nồi nước cứ nóng dần lên. Nhiều người còn vô ý giúp biến đổi khí hậu tăng tốc. Đó chính là hiểm họa lâu dài. Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra nhiều cơn bão, càng ngày càng dữ dội. Tôi nhìn thấy ở đại hội lần thứ 20 đảng CS Trung Quốc khai mạc hôm 16.10 những thách thức nguy hiểm cho khí hậu chính trị toàn cầu.

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

Saturday, October 22, 2022

Thơ Hungary

 [dịch thơ] SỐ PHẬN, HÃY CHO TÔI CƠ HỘI...

Petőfi được biết đến nhiều nhất với thi phẩm "Bài ca Dân tộc", góp phần thổi lên ngọn lửa cách mạng tháng 3 năm 1848 của dân tộc Hung. Để có được thời khắc đó, ông đã chuẩn bị cho mình từ nhiều năm trước. Bài thơ này viết trước đó 2 năm, khi ông mới 23 tuổi là một minh chứng về điều đó.

SỐ PHẬN, HÃY CHO TÔI CƠ HỘI... - Petőfi Sándor (1846)

Số phận, hãy cho tôi cơ hội,

Để tôi làm gì đó với loài người!

Đừng để cho ngọn lửa trong tôi

Cháy vô ích ngọn lửa lòng quý giá.

Lửa tim tôi từ trời cao gửi xuống

Đun sôi lên từng giọt máu hồng

Mỗi nhịp tim, lời nguyện tự đáy lòng

Cầu hạnh phúc cho nhân gian, thế giới

Ôi mong sao không chỉ bằng lời nói

Tôi được nói lên bằng việc tôi làm

Trả giá thế nào tôi cũng chịu cũng cam

Dù thánh giá phải mang trên Đồi Sọ!

Được hy sinh vì lợi quyền nhân loại!

Cái Chết ấy tuyệt vời, hạnh phúc biết bao!

Hạnh phúc, đẹp hơn cuộc sống tầm phào

Với ham muốn thường ngày ích kỷ.

Số phận, hãy nói đi, cho tôi chuẩn bị

Tôi chết thế đúng không, cái chết thánh thần!

Tự tay tôi, sung sướng vô ngần

Sẽ chuẩn bị cho mình cây thánh giá.

(Phan Anh Sơn dịch, 22/10/2022)

Nguyên bản

SORS, NYISS NEKEM TÉRT...

Sors, nyiss nekem tért, hadd tehessek

Az emberiségért valamit!

Ne hamvadjon ki haszon nélkűl e

Nemes láng, amely úgy hevit.

Láng van szivemben, égbül-eredt láng,

Fölforraló minden csepp vért;

Minden szív-ütésem egy imádság

A világ boldogságaért.

Oh vajha nemcsak üres beszéddel,

De tettel mondhatnám el ezt!

Legyen bár tettemért a díj egy

Uj Golgotán egy új kereszt!

Meghalni az emberiség javáért!

Mily boldog, milyen szép halál!

Szebb s boldogítóbb egy hasztalan élet

Minden kéjmámorainál.

Mondd, sors, oh mondd ki, hogy így halok meg,

Ily szentül!... s én elkészítem

Saját kezemmel azon keresztfát,

Amelyre fölfeszíttetem.

Pest, 1846. április 24-30

Một số bài thơ khác đã dịch:  #phananhson_dichtho

Friday, October 21, 2022

Chuyên đề thiết thực

 Green Living

Một Hội thảo chuyên môn thú vị mới diễn ra tối 20/10 tại không gian vườn rất dễ thương tại Thảo Điền q2 HCMC

Tham dự là các Kiến trúc sư , các nhà sản xuất , kinh doanh , đầu tư … trong và ngoài nước

Được dẫn đăt bởi các diễn giả, speakers chuyên nghiệp và… duyên dáng !

Điều thú vị là Hội thảo không dừng ở giới hạn chuyên môn  : các giải pháp nội thất ( interior solutions ) thông minh, chế tạo sử dụng vật liệu tái tạo, tiết kiệm năng lượng- nước điện, bảo vệ môi trường , tích hợp khoa học công nghệ với nghệ thuật ( science meets art ) mà còn đẩy cao mở rộng những ý tưởng về phong cách sống, giá trị sống, nghệ thuật sống ( living artfully )…

Câu chuyện lý thú sôi nổi trong và bên lề hội thảo… 

Tranh luận thế nào mới là luxury living … thế nào là sướng là hạnh phúc …

Có vẻ đồng thuận trong ý nghĩa của Green living

Nó bắt đầu từ : Green thinking !

Hội thảo với chủ đề mở, trong không gian lý tưởng , thêm thức ăn chất , rượu ngon và … nhiều mỹ nhân !

Làm sao không thành công ?!

Hẹn nhé !

Ngô Tiến Nhân (ELTE.vidi72)

Thursday, October 20, 2022

Hiểu ntn

 ĐỘC LẬP 

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” và đăng bài báo “Bỏ cách làm tiền ấy đi!” trên tờ Cứu Quốc, phê phán tệ bán chức và buộc dân góp quỹ. Trong thư, người đứng đầu nhà nước tuyên bố: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Với hạnh phúc và tự do như ngày nay, ý nghĩa của độc lập là gì?

Ngô Mạnh Hùng

Wednesday, October 19, 2022

Ngôn ngữ của chúng ta

 Tiếng Việt và… tư duy

Trong buổi “ trà đàm “ tại Nham Nguyệt Tùng Phong sau Hội thảo khoa học về quan hệ Việt  - Mỹ do Đại học Huế tổ chức cựu Đại sứ VN tại Mỹ ( PĐVN bên LHQ ) - Bùi Thế Giang - một nhà ngoại giao kỳ cựu với hơn 40 năm kinh nghiệm trong công tác phiên djch biên dịch, soạn thảo văn kiện văn bản cấp cao tỏ ra rất băn khoăn về việc hiểu và sử dụng tiếng Việt ( cả nói và viết ) của ta hiện nay…

Nó lại là công cụ để hiểu , giao tiếp và cả tư duy nữa !

Vấn đề là …rất vấn đề !

Khoa học ngôn ngữ Đông lào ?

Hệ thống giáo dục ?

Dân trí ?

Quan trí ?

Ta tư duy kiểu gì và… bằng cái gì ?

Ngổn ngang…!

GS Cao Xuân Hạo - nhà Ngôn ngữ học va Âm vị học hàng đầu Việt nam - là người đủ tư cách - nhân cách - tri thức đã nói thẳng những vấn đề này trong cuốn sách : Văn Việt - Tiếng Việt - Người Việt !

Nhớ có lần Ông “ bật “ lại cấp trên : cái tôi nghiên cứu là Ngôn ngữ học chứ không phải ngôn ngữ học Mácxit- Lêninnit ! Đáng kính !

Còn Triết học đúng nghĩa trong hệ giáo dục chính thống của ta thì… hỡi ôi… nó chưa từng được nghiên cứu và giảng dạy thì lấy gì mà học 

Một người bạn là TS vật lý, từng là Viện trưởng Viện CNTT (ĐHBK)  là chuyên gia kỹ thuật nhưng rất quan tâm tới ngôn ngữ đã từng phát hoảng khi thấy hàng đống “ sạn “ lỗi ( cả hình thức và nội dung ) trong các Văn bản quy phạm pháp luật nên đã kỳ công nghiên cứu ra phần mềm chuyên rà và sửa lỗi !

Ngôn ngữ ( tri thức, khái niệm…) rứa thì tư duy răng ?

Nhớ xưa thi sỹ Tản Đà ( Nguyễn Khắc Hiếu ) từng cảm thán : Dân hai lăm triệu ai người “ nhớn “

Đất bốn ngàn năm vẫn trẻ con

Hay nhà văn- nhà văn hoá Nguyên Ngọc nhận định trong đau đớn :

Xét về mặt tư duy dân tộc Việt là một dân tộc chưa trưởng thành !

Sáng nay mưa lớn

Lan man nghĩ…

Miên man… buồn !

Ngô Tiến Nhân (ELTE.vidi72)

Monday, October 17, 2022

Oan sai và vụ án Bưu điện Cầu Voi

 HỒ DUY HẢI VÀ 17 VỊ THẨM PHÁN

“Tôi ra trước quốc hội cũng không ai cho tôi nói hết… Trước tòa tôi cũng bị công an bắt đuổi đi. Tôi đi đến đâu khiếu kiện và biểu tình thì công an đều đuổi tôi đi. Không ai giải quyết cho con tôi hết.

Bảy năm nay con tôi bị giam cầm trong ngục tối thật sự là oan sai, mà không ai để ý giải quyết giùm. Lần nào tôi đi thăm con tôi đều nói, mẹ ơi, mẹ kêu oan và minh oan cho con.

Trước tòa, con chỉ đọc theo cáo trạng chứ con không thực hiện hành vi đó, tại sao công an bắt nhốt con hoài không tha mẹ ơi. Tôi khóc riết bảy năm nay không còn nước mắt nữa”.

“Bà có đồng ý tiêm thuốc độc cho con trai bà và mang xác con trai bà về nhà hay không?”.

Đây là lời chia sẻ của mẹ tử tù Hồ Duy Hải vào đầu tháng 12/2014. Mình còn nhớ, dạo ấy, đã dấy lên một phong trào rộng và lớn có lẽ chưa từng có, cả trong lẫn ngoài nước, của rất nhiều người không hề quen nhau ngoài đời, chỉ biết nhau qua FB, với chung một mục đích là “kêu oan” cho Hải, cũng là người mà không ai trong số đó quen biết.

Hải có thực sự là thủ phạm hay không, tới giờ không ai biết ngoài Hải (và thủ phạm, nếu là kẻ khác). Nhưng những sai phạm hết sức trầm trọng trong công tác điều tra và thủ tục tố tụng thì ai cũng thấy, và căm phẫn. Luật chơi lẽ ra phải rõ ràng: nếu không chứng tỏ được tội trạng, cho dù chỉ còn một thoáng nghi ngờ, là phải dừng để tránh oan sai.

Oan sai trong các bản án tử hình - mà từ nhiều thập niên nay Châu Âu đã bỏ, và việc xóa án tử hình được coi như sự bảo vệ một trong những giá trị căn bản nhất của Châu Âu - thảm khốc ở chỗ không cách gì có thể “làm lại” được. Không chỉ đối với nạn nhân, mà còn đối với cả gia đình, nhưng cũng có thể nói đó là nỗi đau chung của toàn thể xã hội.

Do đó, phán quyết ngày mai của Hội đồng Thẩm phán (Tòa án Nhân dân Tối cao) quyết định sự sống chết của một công dân, nhưng rất có thể, nó có tầm quan trọng hơn thế nhiều: nó là một phép thử trên con đường rất gập ghềnh dẫn tới một xã hội văn minh hơn, một lằn ranh giữa “rừng luật, nhưng xử bằng luật rừng”, và một nhà nước pháp quyền.

Rất cần biết, những thẩm phán cầm cân nẩy mực trong phiên Giám đốc thẩm ngày mai là những ai? Một điều chắc chắn, tên họ sẽ đọng lại, hoặc là trên “bảng vàng danh dự”, hoặc trên “danh sách ô nhục” của lịch sử tư pháp Việt Nam, đã quá quen thuộc với những “án bỏ túi”, “tòa ngụy tạo” vốn không coi vào đâu chính hệ thống pháp luật của họ.

Cám ơn “Luật Khoa” đã cất công tìm kiếm cho công luận những thông tin quý báu này!

Nguyễn Hoàng Linh

Sunday, October 16, 2022

TÌNH VÀ NGHĨA

 Trong tiếng Việt có chữ Tình và chữ Nghĩa. 

Tình ban đầu thường rất bồng bột, nóng bỏng, có tính đam mê. Khi con người bị năng lượng của tình chiếm cứ thì họ không được an ổn lắm. Ăn không an mà ngủ cũng không an, họ như đang bị đốt cháy. Tình là ngọn lửa. Người nào qua cầu rồi thì mới hay. Vướng vào chữ tình rồi thì khó an trú trong hiện tại. Cứ nghĩ tới giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm người đó, ngồi ngắm đủ no rồi, khỏi ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê đó càng lớn. Trở ngại là chất liệu làm cho tình càng lớn. Dễ dàng quá thì tình không lớn mạnh. Một cặp ở với nhau được lâu dài, cái đó không phải là nhờ tình yêu mà nhờ yếu tố thứ hai. Đó là nghĩa, tình nghĩa. 

Cái tình nó đưa tới cái nghĩa. Nếu cái tình đàng hoàng thì tự nhiên nó đưa tới cái nghĩa. Chính cái nghĩa là keo sơn gắn chặt hai người, để hai người có thể sống được với nhau. Cho nên phải có cái nghĩa để bổ sung cái tình. Người ta không thể sống trăm năm bên nhau với tình được. Bởi tình là một ngọn lửa tàn rất mau, nghĩa trái lại nuôi dưỡng lửa tình âm ỉ cháy. 

Tình yêu mặn nồng mấy rồi cũng nhạt dần qua năm tháng, nhưng thời gian cũng có thể làm cho nghĩa vợ chồng ngày một mặn mà hơn. Cái nghĩa được hình thành và củng cố tấm lòng vợ chồng dành cho nhau. Cùng chung sức vượt qua khó khăn xây dựng vun vén tổ ấm gia đình, bát cháo chén thuốc khi đau ốm, sự quan tâm chu đáo trong những việc nhỏ nhất như cái ăn, cái mặc, tất cả làm nên nghĩa vợ chồng và thành điểm tựa của nhau trong suốt cuộc đời. Có khi chỉ vì yêu một cái lúm đồng tiền mà người đàn ông cưới hẳn cả một cô gái. Nhưng khi nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt thì cái lúm đồng tiền không còn nữa mà chỉ còn cái nghĩa ở đời với nhau. Nghĩa vợ chồng được hình thành từ rất nhiều bao dung, nhiều tha thứ, nhiều chấp nhận. 

Người ta yêu nhau một thời và sống chung với nhau một đời. Khi chữ tình nhẹ dần thì chữ nghĩa nặng hơn, đó là nền móng của gia đình, nền móng này phải được xây dựng từ trong văn hóa sống. 

Paulo Quang Dũng st (Trang Văn chương miền Nam)

Saturday, October 15, 2022

Hồi ký_ Cuộc đời

 Việc kinh doanh ở đây  đang diễn ra thuận lợi, bỗng vào một ngày xấu trời mây đen vần vũ khắp nơi ngay giữa mùa hè đỏ lửa năm 1994, vào lúc 3h chiều tôi nghe r ầm rập những bước chân giầy đinh nện gót trên các bậc cầu thang chói tai, hàng dài cảnh sát đặc nhiệm áo quần rằn ri, mũ trùm bịt mặt nối nhau rải khắp hành lang án ngữ trước mỗi cửa hàng, các lối ra vào. Tiếng bộ đàm vang lên inh ỏi, gấp gáp, tôi chợt hiểu việc gì đang xảy ra tại trung tâm kinh doanh Thủy lợi. Tôi chạy vào phòng đóng chặt cửa lại và vội vàng thu xếp số tiền bán hàng trong ngày mang theo người. Tiếng đập cửa vang vang, tiếng quát: Mở cửa ra mỗi lúc càng tăng, tôi mở cửa sổ định bụng nhảy từ tầng 2 xuống sân sau hòng thoát thân. Tuy nhiên tôi thấy hàng chục tên lính súng ống lăm lăm khống chế cả lối thoát sân sau, lúc này tôi hiểu rằng toàn bộ ốp đã bị bao vây, kiểm soát. Trong nhà chúng thúc cả báng súng và nện thình thịch gót giầy vào cánh cửa rung lên bần bật như muốn toang ra, đồng thời kèm theo tiếng hét: Nếu mày không mở, chúng tao sẽ phá cửa.! Trước tình thế đó tôi tìm cách giấu số tiền bán hàng được vào kiện hàng quần bò tôi cho là kín đáo nhất. Xong xuôi tôi quyết định mở chốt cửa. Hai tên xông vào đấm đá tôi túi bụi làm tôi ngã bổ ngửa vào đống hàng, sau màn trấn áp chúng lôi tôi ra ngoài hành lang, yêu cầu chắp hai tay để sau gáy úp mặt vào tường, để chúng toàn quyền lục soát. Ngoài hành lang, hàng loạt đàn ông, phụ nữ chắp tay sau gáy đứng thành hàng dài dưới sự khống chế của bọn lính vô lại, tàn bạo súng ống lăm lăm trong tay. Tiếng kêu khóc, van xin khắp các tầng, xen lẫn tiếng chửi rủa văng tục của đám người làm việc cho chính quyền nhưng cư xử như đám lục lâm thảo khấu. Sau khi lục soát không từ một thủ đoạn nào kéo dài hơn 2h đồng hồ, bọn chúng lục tục rút đi sau khi áp giải vài ba thanh niên người Việt do giấy tờ không hợp pháp. Tôi bước vào cửa hàng của mình thì cảnh tượng xáo trộn khắp nơi, hàng chục bao tải, hàng trăm túi đựng hàng bị xé nát. Tuy nhiên tôi hy vọng chỗ tôi giấu hơn 10.000 usd sẽ được bảo toàn, tôi hồi hộp dò tìm, tìm mãi nhưng thấy cuộn giấy băng dính quấn gọn cục tiền bị xé nát, số tiền hàng cả vốn và lãi trong ngày đã không cánh mà bay. Quân cướp đốn mạt! Không biết chúng đã cướp đi biết bao nhiêu tiền mồ hôi, xương máu của ốp chúng tôi: có thể 1, 2 triệu đô la, cụ thể là bao nhiêu chỉ có chúng mới biết. Thật đúng như câu ca dao ngày xưa: 

               Con ơi! Nhớ lấy câu này

       Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!

Ở một xã hội vô pháp như thời Liên Xô tan rã, với vị thế của cộng đồng Việt Nam lúc đó thì chính quyền vừa là quan, vừa là giặc quả không sai chút nào. Từ đây tôi được hiểu rõ hơn những khẩu hiệu: “Tình hữu nghị giữa các dân tộc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững! Chính quyền Xô Viết thuộc về nhân dân!” - chỉ là khẩu hiệu mà thôi! Sau hơn 30 năm những bài học xưa kia vẫn còn nguyên giá trị nhất là trong thời đại ngày nay.

   Với cung cách dùng lực lượng cảnh sát đặc nhiệm để kiểm tra hành chính các chợ, các trung tâm thương mại của người nước ngoài mà tuyệt đại đa số là của người Việt tại thành phố Mátxcova mà điển hình chính quyền đã tiến hành trận kiểm tra, bố ráp, vây hãm trung tâm thương mại Sông Hồng (Đôm 11 phố Abinhepxkaia) vào ngày 19.05.1994 hẳn rất nhiều người Việt tại Nga hồi đó còn nhớ.

Trung tâm thương mại Sông Hồng gọi tắt là Đôm 11 nằm trên đường vành đai Abinhepxkaia do một nhóm nghiên cứu sinh mà anh Ng đứng đầu thành lập. Khi ốp Zil tan vỡ thì Đôm 11 nổi lên như một trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Mát vì nó hội tụ mọi yếu tố chuyên nghiệp cần thiết để phát triển. Đó là 2 tòa nhà 4 tầng dài kiểu hành lang giữa với hai bên là các căn phòng bán hàng san sát nhau. Ở đây tập trung hơn 400 hộ kinh doanh bán buôn cho cộng đồng người Việt khắp nơi trên toàn lãnh thổ Liên bang Xô viết tập trung về đây. Hàng ngày có vài chục xe container hàng hóa từ Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt nam, Trung Quốc đổ về đây và cũng từng đấy các phương tiện như xe bus, taxi, xe riêng đến chờ nhập hàng rồi chuyển đi. Các cửa hàng luôn chật cứng hàng vào, hàng ra, hầu như từ sáng sớm đến chiều muộn luôn có hàng nghìn người Việt cũng như  người dân mọi sắc tộc như Nga, Kazak, Trung Hoa, Tacta, Uzbek v.v… đi lại mua bán. Vì vậy mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm tuy nhiên giá chuyển nhượng phòng kinh doanh tại đây đã tăng chóng mặt, có lúc lên hơn 30.000 usd/1 phòng. Thời ấy những người Việt ở Nga những ai kinh doanh thành đạt có tài sản từ 1000 tờ (1 tờ=100 usd) trở nên tương đương 100.000 usd đã được phong cấp là Soái Nga. Số Soái nổi và Soái chìm không nhiều vì thời ấy số tiền đó rất lớn có thể mua 10 căn nhà phố Bà Triệu tại Hà Nội. Điều đó cho thấy số tiền mà người Việt đổ vào Đôm 11 của hơn 400 hộ để kinh doanh lớn như thế nào! Nếu dùng phép so sánh về qui mô doanh thu thì Đôm 11 lớn gấp nhiều lần chợ Đồng Xuân, Hà Nội thời ấy!

   Trung tâm thương mại Sông Hồng đang hoạt động rất tốt mang lại nhiều sự thịnh vượng cho các chủ cửa hàng đồng thời tạo ra công việc cho hàng vạn lao động Việt Nam làm việc theo Hợp đồng Lao động giữa hai Chính phủ Việt Nam-Liên Xô nay đang dần tan rã, nhiều nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa do thiếu nguồn cung và thị trường. Ấy vậy mà vào một ngày đẹp trời 19.05.1994 đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 104 của Bác Hồ -lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và người bạn lớn của nhân dân Liên Xô, chính quyền thủ đô Mátxcova đã huy động hàng chục xe cam nhông với hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm với vũ khí và các khí tài quân sự ngay từ sáng sớm đã tổ chức bao vây, kiểm soát,  khống chế toàn bộ Trung tâm Thương mại Sông Hồng. Họ thiết lập một hàng rào an ninh kiểm soát bởi các tổ nhóm cảnh sát có vũ trang với quần áo rằn ri, mũ đen trùm bịt mặt lạnh lùng sát khí yêu cầu nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Sau đó bắt đầu cái gọi là kiểm tra hành chính: họ dồn đẩy tất cả mọi công dân già trẻ trai gái nam phụ lão ấu xuống tầng 1 vào hội trường đồng thời niêm phong tất cả các cửa hàng. Lúc này là đầu giờ sáng vì vậy số lượng người tại đây chưa phải là nhiều nhất tuy nhiên cũng số người bị kiểm soát, kiểm tra lên đến con số hàng nghìn người trong đó chiếm hơn nửa là các chủ cửa hàng - những người mang theo rất nhiều tiền mặt. Những gương mặt hoảng hốt lo lắng, những ánh mắt đăm chiêu vì toan tính. Họ rỉ tai nhau về việc giấu tiền vào chỗ kín bất kể đàn ông, đàn bà, trẻ con hòng che dấu để tránh bị trấn, cướp khỏi bàn tay lông lá của bọn cảnh sát, quân cướp ngày.

   Ngay sau đó tại tầng 1, bọn chúng bắt đầu tiến hành khám xét: đàn ông, đàn bà chia làm hai phòng riêng biệt, từng người 1 vào xét hỏi. Ở đây họ bị buộc cởi trang phục, giấy tờ, tiền bạc để trên bàn. Giấy tờ hợp pháp sẽ hoàn trả, tiền, đồng hồ, trang sức sẽ bị thu giữ, người có giấy tờ hợp pháp sẽ được thả, người không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị tống lên xe chở về đồn gần đó. Cuối ngày việc lục soát và thu giữ đã xong, tuy nhiên lệnh phong tỏa trung tâm thương mại kéo dài 15 ngày đã được tung ra, mọi người đều lo lắng không biết số phận hàng hóa trong cửa hàng sẽ ra sao? Vì tất cả tài sản của mỗi cá nhân và cộng đồng đều được huy động và tập trung tại đây! Nếu bị cướp nốt họ buộc phải trốn nợ, hoặc tự vẫn mất thôi.

Khi sự việc trên xảy ra cho dù tôi không trực tiếp có mặt tại đây, tuy nhiên bằng các thông tin tôi nhận được cùng với kinh nghiệm đã trải qua cái gọi là “kiểm tra hành chính” của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tôi cũng thấu hiểu những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt méo đi vì lo lắng, u buồn, cùng cực của bà con làm ăn nơi đất khách, quê người khi lâm vào cảnh bị chính quyền cướp bóc mà thân phận họ không được ai bênh vực kể cả Đại sứ quán là cơ quan đại diện cho quyền lợi dân tộc, quốc gia.

   Sau đó chỉ một thời gian ngắn, ở đó diễn ra tình trạng quân hồi vô phèng, dù trung tâm thương mại vẫn trong vòng kiểm soát của Cảnh sát Đặc nhiệm nhưng bất cứ ai chi cho toán trưởng chỉ huy nhóm CS từ 1500-2000 usd đều được phép vào bên trong chở đầy 1 xe tải cỡ 5 tấn, mặc sức lấy bất kỳ loại hàng nào, bất kỳ của ai, dường như đó là tài sản riêng của họ. Vì vậy chẳng mấy chốc cả trung tâm thương mại biến thành khu nhà hoang vô hồn, toàn bộ tài sản của cộng đồng người Việt tại Matxcova gần như bị cướp trắng mà không biết kêu ai!!!

copy từ bài của Toria Tran (Trang Văn chương miền Nam)