(Tiếp theo)
Tuần qua chính phủ Đức đã quyết định cho phép công ty hàng hải COSCO của nhà nước Trung Quốc được mua 24,9% cổ phần của một trong 4 bãi container (terminal) ở cảng Hamburrg, bất chấp sự phản đối của 6 bộ trưởng trong liên minh cầm quyền, của cả phe đối lập, thậm chí của cả ba cơ quan tình báo. Thủ tướng Scholz cho rằng với mức tham gia dưới 25% (không phải 35% như dự định) Cosco không được phép đưa người vào ban lãnh đạo, không được phép phủ quyết và tham gia các quyết định. Ngược lại, sự có mặt của nó sẽ giúp cho sức cạnh tranh của Hamburg tăng lên đáng kể so với hai đối thủ Antwerpen (Bỉ) và Rotterdam (Hà-Lan), vốn đã có đầu tư của Cosco.
Dư luận Đức rất tức giận vì sự việc xảy ra ngay sau khi đại hội đảng cs Trung Quốc củng cố địa vị tuyệt đối của Tập Cận Bình, khẳng định tham vọng bá chủ thế giới của Bắc Kinh. Việc chính phủ Đức phải đi đến thỏa hiệp 24,9% để giảm thiểu rủi ro cho thấy họ đang chịu sức ép ghê gớm từ Bắc Kinh với rất nhiều góc khuất không thể kể hết.
Đó là Đức, cường quốc kinh tế, anh cả đỏ về công nghệ cao, độc lập về địa chính trị mà vẫn phải chịu luồng gió nóng phả vào mặt.
Đối với các lãnh thổ lân bang, luồng khí độc này manh hơn nhiều. Hong Kong đã bị thâu tóm, Lào, Campuchia, Thailand, Myanmar, Sri Lanca… đang chịu sức ép của xâm lược mềm. Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực giải quyết tham vọng lãnh thổ ở Đài Loan, quần đảo Senkaku Nhật Bản và Biển Đông.
Nhật Bản là đối thủ nặng ký và có kinh nghiệm chống Hán hóa từ lâu nên trước mắt Tập chưa dám manh động. Việt Nam và Đài Loan thì khác.
Không nước nào chịu sức ép về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của Trung Quốc như ở Đài Loan. Nền dân chủ ở đây cho phép các phong trào thân Trung Quốc, chủ trương „One China“ hoạt động công khai. Không loại trừ khả năng hỗ trợ tài chính, nhân lực và chính trị từ Bắc Kinh đã thâm nhập vào đây. „One China“ không phải là phát minh của đảng CS, mà là tham vọng của Quốc Dân Đảng (KMT) từ 1949. Sau khi ôm đầu máu chạy ra đảo, Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc trên mọi diễn đàn quốc tế và vẫn ôm mộng quay về thống nhất lục địa, cho đến khi gió đổi chiều 1972.
Sau khi bị hất cẳng khỏi LHQ, nhiều người trong KMT vẫn mong muốn thống nhất với lục địa, một mặt vì những gắn bó „Quốc-Cộng“ trong chiến tranh, vì chủ nghĩa dân tộc nằm trong ADN của đảng này từ khi Tôn Trung Sơn lập ra nó. Mặt khác họ tin vào lời hứa „Một quốc gia-Hai chế độ“ của Bắc-Kinh. Nhưng thực tế đã làm cho người Đài Loan mở mắt và đảng Tiến bộ Nhân dân (PPP), chủ trương độc lập với lục địa đã thắng thế trong các cuộc bầu cử gần đây.
One China không còn chỉ là mối đe dọa cho tương lai Đài Loan mà đang ngoạm dần nguồn lực của nó. Từ hơn 100 lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Taipei, nay con số này chỉ la 14, đa số là các nước nhỏ. Càng ngày sự có mặt của phái đoàn Đài Loan tại các diễn đàn, sự kiên quốc tế càng ít đi.
Về địa lý, Trung Quốc chỉ cách các đảo nhỏ của Đài Loan 2-3 km. Hồi nhỏ tôi thích nghe tin: „ Hôm nay Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nã pháo sang các đảo Bành Hồ, Mã Tổ, Kim Môn của Đài Loan“. Trong những năm 1950, đã hơn một lần Trung Quốc bị đánh bại khi đổ bộ sang các đảo của Taiwan.
Tất cả các mối đe dọa trên đã tạo ra phản ứng tự vệ khiến cho Đài Loan luôn chủ động chấp nhận các thách thức trên. Điều đáng học tập là chưa bao giờ họ đổ lỗi cho lịch sử, cho đồng minh. Thậm chí gần đây nhất, khi WHO không cung cấp tài trực tiếp tài liệu và vakzin Covid 19, bắt phải qua Trung Quốc, Đài Loan đã chủ động cung cấp ngược kinh nghiệm chống dịch của họ cho WHO. Đài Loan không cần mua vakzin qua Trung Quốc mà vẫn chủ động tiêm chủng và đảm bảo sinh hoạt tự do cho toàn dân. Trong suốt thời gian đại dịch, Đài Loan không những không lockdown trong nước, mà còn mở cửa với Hoa Lục, mỗi ngày có đến 80.000 người qua lại eo biển mà không có thảm họa nào xảy ra.
Nhìn vào chính sách Zero Covid của Tập, người Đài Loan cùng văn hóa Trung Hoa, tuy không hô hào „Thoát Trung“ mà vẫn xây dựng một xã hội tương phản 100% với Trung Quốc.
Việt Nam có lịch sử lâu dài chống lại sự xâm lăng và đồng hóa từ Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta hay nói về „Thoát Trung“, nhưng thực tế thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã ở mức nguy hiểm. Tuy học tập Trung Quốc, nhưng Việt Nam không thể gặt hái dù chỉ một góc những thành quả về công nghiệp hóa của họ. Cùng vùng vẫy ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, nhưng sau 40 năm khoảng cách của nền kinh tế Trung Quốc so với Việt Nam cả về chất, về lượng và cơ cấu là bằng chứng rõ nét nhất của sự tụt hậu mà nhiều chuyên gia cảnh báo. (Nếu so sự tụt hậu của ta với Singapore, Thailand hay Malaysia, sẽ có biện hộ rằng kinh tế tư nhân ở đó không từng bị xóa bỏ bởi CNXH). Năm 1980, cả VN và TQ cùng có thu nhập bình quân đầu người/năm xấp xỷ 200 USD. Năm 2021 với 3.690 USD/năm, mức sống của người Việt chỉ bằng 1/3 người Hoa lục.
Điều duy nhất không tụt hậu so với Trung Quốc là chế độ chính trị, từ cung cách kiểm duyệt báo chí, ngôn luận đến cai quản xã hội. Việc hàng trăm ngàn người lao động bị giam hãm trong các khu nhà trọ ổ chuột ở Sài Gòn, sau mấy tháng không chịu nổi đã đồng loạt đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ bỏ về quê trong đại dịch Covid 2021 đã phơi bày những thất bại của xã hội kiểu hàng rào sắt China. Không phải con virus, mà cách chống dịch, cách đối xử với dân đã khiến nhiều nhà đầu tư không còn coi Việt Nam là mảnh đất thay thế Trung Quốc.
Sau 1949, Lục địa và Đài Loan cùng lạc hậu như nhau. Vì không bị kìm hãm bởi nền kinh tế XHCN nên Đài Loan công nghiệp hóa trước lục địa khoảng 20 năm. Do vậy khi Trung Quốc mở cửa đầu những năm 1980, Đài Loan trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào đó. Người Trung Quốc, dù từ là Đài Loan hay lục địa đều nổi tiếng về tài kinh doanh. Đối với Đài Loan, kinh doanh giỏi là phải thu nhiều lợi nhuận, nhưng không để đối phương học lỏm và lũng đoạn mình. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa tư bản Đài Loan và tư bản Âu-Mỹ.
Tư bản Trung Quốc coi giỏi là phải thu được nhiều lợi nhuận và tiết kiệm nhiều nhất vốn đầu tư cho khoa học. Người Đài Loan biết điều này.
Trong bài: Khúc gân Đài Loan, tôi viết về cách mà Đài Loan sử dụng Hoa lục làm nơi kiếm tiền, nơi đầu tư nhưng không để mất ưu thế [1].
Cuộc đấu tay đôi giữa hai đại công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) và Công ty nhà nước Trung Quốc SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) là một ví dụ.
TSMC là một trong ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (sau Intel và Samsung), nhưng là nhà chế tạo bán dẫn thành phẩm đứng đầu thế giới với doanh thu 2020 là 1.339 tỷ Đài tệ, lãi ròng 580 tỷ. Hiện nay TSMC đã làm chủ công nghệ 5nm và đang bước sang nghiên cứu công nghệ 2nm[2].
Trung quốc hiện phụ thuộc rất nặng vào chips nhập khẩu, chủ yếu từ Đài Loan và Mỹ. Cấm vận của Mỹ về chips đang làm Trung Quốc điêu đứng. Do vậy SMIC nhận được hàng chục tỷ UDS hỗ trợ của nhà nước, nhưng vẫn đang sản xuất chủ yếu 14 nm, mới bắt đầu bước vào 7nm tháng 9.2022. Khoảng cách giữa TSMC và SMIC hiện là 4-5 năm, trong khi chỉ cần ai đi trước sáu tháng là xong. Toàn thế giới: từ Apple, AMD, Intel đến Samsung … sẽ nhập và định hình dây chuyền theo chip ra trước.
Đáng nói là TSMC có vài nhà máy ở lục địa, nhưng ông chủ chỉ thuê nhân công giá rẻ để gia công mà không để mất công nghệ.
Cùng đói nghèo như nhau năm 1949, sau 73 năm, bất chấp sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc suốt 40 năm qua, Đài Loan luôn giữ khoảng cách về mức sống, về trình độ văn minh: Thu nhập đầu người/năm (nominal GDP per capital) của Đài Loan 2021 là 36.000 USD, hơn gấp 3 lần Trung Quốc (gấp 10 lần Việt Nam). Đó là chưa kể đến công bằng xã hội. Đài Loan không có người nghèo như hàng trăm triệu nông dân Hoa lục. Chỉ số phát triển con người (HDI-index) của Đài loan là 0,935, thuộc nhóm các nước phát triển cao (Đứng đầu là Thụy Sỹ với 0,962. Chỉ số lý tưởng = 1). Trong khi đó HDI của Trung Quốc đạt 0,768, xếp thứ 79, nằm trong nhóm các nước đang phát triển (Việt Nam: 0,703 xếp thứ 115/191)
Với tôi, Đài Loan là một tấm gương về tinh thần độc lập dân tộc, cho đối sách đúng đắn đủ để chung sống với kẻ thù hung ác mà vẫn chống lại được ý đồ thanh toán của nó. Đài Loan đang chứng minh rằng: Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Hoa không phải là con đường đi lên duy nhất của các quốc gia chậm tiến, của các xã hội Á châu phong kiến như nhiều người vẫn rao giảng. Đặc biệt Đài Loan còn cho thấy: Một xã hội từng rên xiết dưới ách độc tài vẫn có thể chuyển sang văn minh mà không đổ máu.
Đài Loan là một cái gai trong mắt mà Tập muốn nhổ bằng được. Liệu điều đó có xảy ra? Liệu Đài Loan có chống lại được cuộc xâm lăng đó?
(Còn tiếp)
[1]: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid0mMp7zypyJKo48jzphufa839G5wAgzd9AJHoh3jGMkHwDcPwaWYeWWWgvY2VKht4Rl
[2]: Trên một diện tích 1cmx1cm (bằng móng tay người) chip 2nm thể chứa đến 50 tỷ bóng bán dẫn
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment