Việc kinh doanh ở đây đang diễn ra thuận lợi, bỗng vào một ngày xấu trời mây đen vần vũ khắp nơi ngay giữa mùa hè đỏ lửa năm 1994, vào lúc 3h chiều tôi nghe r ầm rập những bước chân giầy đinh nện gót trên các bậc cầu thang chói tai, hàng dài cảnh sát đặc nhiệm áo quần rằn ri, mũ trùm bịt mặt nối nhau rải khắp hành lang án ngữ trước mỗi cửa hàng, các lối ra vào. Tiếng bộ đàm vang lên inh ỏi, gấp gáp, tôi chợt hiểu việc gì đang xảy ra tại trung tâm kinh doanh Thủy lợi. Tôi chạy vào phòng đóng chặt cửa lại và vội vàng thu xếp số tiền bán hàng trong ngày mang theo người. Tiếng đập cửa vang vang, tiếng quát: Mở cửa ra mỗi lúc càng tăng, tôi mở cửa sổ định bụng nhảy từ tầng 2 xuống sân sau hòng thoát thân. Tuy nhiên tôi thấy hàng chục tên lính súng ống lăm lăm khống chế cả lối thoát sân sau, lúc này tôi hiểu rằng toàn bộ ốp đã bị bao vây, kiểm soát. Trong nhà chúng thúc cả báng súng và nện thình thịch gót giầy vào cánh cửa rung lên bần bật như muốn toang ra, đồng thời kèm theo tiếng hét: Nếu mày không mở, chúng tao sẽ phá cửa.! Trước tình thế đó tôi tìm cách giấu số tiền bán hàng được vào kiện hàng quần bò tôi cho là kín đáo nhất. Xong xuôi tôi quyết định mở chốt cửa. Hai tên xông vào đấm đá tôi túi bụi làm tôi ngã bổ ngửa vào đống hàng, sau màn trấn áp chúng lôi tôi ra ngoài hành lang, yêu cầu chắp hai tay để sau gáy úp mặt vào tường, để chúng toàn quyền lục soát. Ngoài hành lang, hàng loạt đàn ông, phụ nữ chắp tay sau gáy đứng thành hàng dài dưới sự khống chế của bọn lính vô lại, tàn bạo súng ống lăm lăm trong tay. Tiếng kêu khóc, van xin khắp các tầng, xen lẫn tiếng chửi rủa văng tục của đám người làm việc cho chính quyền nhưng cư xử như đám lục lâm thảo khấu. Sau khi lục soát không từ một thủ đoạn nào kéo dài hơn 2h đồng hồ, bọn chúng lục tục rút đi sau khi áp giải vài ba thanh niên người Việt do giấy tờ không hợp pháp. Tôi bước vào cửa hàng của mình thì cảnh tượng xáo trộn khắp nơi, hàng chục bao tải, hàng trăm túi đựng hàng bị xé nát. Tuy nhiên tôi hy vọng chỗ tôi giấu hơn 10.000 usd sẽ được bảo toàn, tôi hồi hộp dò tìm, tìm mãi nhưng thấy cuộn giấy băng dính quấn gọn cục tiền bị xé nát, số tiền hàng cả vốn và lãi trong ngày đã không cánh mà bay. Quân cướp đốn mạt! Không biết chúng đã cướp đi biết bao nhiêu tiền mồ hôi, xương máu của ốp chúng tôi: có thể 1, 2 triệu đô la, cụ thể là bao nhiêu chỉ có chúng mới biết. Thật đúng như câu ca dao ngày xưa:
Con ơi! Nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!
Ở một xã hội vô pháp như thời Liên Xô tan rã, với vị thế của cộng đồng Việt Nam lúc đó thì chính quyền vừa là quan, vừa là giặc quả không sai chút nào. Từ đây tôi được hiểu rõ hơn những khẩu hiệu: “Tình hữu nghị giữa các dân tộc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững! Chính quyền Xô Viết thuộc về nhân dân!” - chỉ là khẩu hiệu mà thôi! Sau hơn 30 năm những bài học xưa kia vẫn còn nguyên giá trị nhất là trong thời đại ngày nay.
Với cung cách dùng lực lượng cảnh sát đặc nhiệm để kiểm tra hành chính các chợ, các trung tâm thương mại của người nước ngoài mà tuyệt đại đa số là của người Việt tại thành phố Mátxcova mà điển hình chính quyền đã tiến hành trận kiểm tra, bố ráp, vây hãm trung tâm thương mại Sông Hồng (Đôm 11 phố Abinhepxkaia) vào ngày 19.05.1994 hẳn rất nhiều người Việt tại Nga hồi đó còn nhớ.
Trung tâm thương mại Sông Hồng gọi tắt là Đôm 11 nằm trên đường vành đai Abinhepxkaia do một nhóm nghiên cứu sinh mà anh Ng đứng đầu thành lập. Khi ốp Zil tan vỡ thì Đôm 11 nổi lên như một trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Mát vì nó hội tụ mọi yếu tố chuyên nghiệp cần thiết để phát triển. Đó là 2 tòa nhà 4 tầng dài kiểu hành lang giữa với hai bên là các căn phòng bán hàng san sát nhau. Ở đây tập trung hơn 400 hộ kinh doanh bán buôn cho cộng đồng người Việt khắp nơi trên toàn lãnh thổ Liên bang Xô viết tập trung về đây. Hàng ngày có vài chục xe container hàng hóa từ Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt nam, Trung Quốc đổ về đây và cũng từng đấy các phương tiện như xe bus, taxi, xe riêng đến chờ nhập hàng rồi chuyển đi. Các cửa hàng luôn chật cứng hàng vào, hàng ra, hầu như từ sáng sớm đến chiều muộn luôn có hàng nghìn người Việt cũng như người dân mọi sắc tộc như Nga, Kazak, Trung Hoa, Tacta, Uzbek v.v… đi lại mua bán. Vì vậy mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm tuy nhiên giá chuyển nhượng phòng kinh doanh tại đây đã tăng chóng mặt, có lúc lên hơn 30.000 usd/1 phòng. Thời ấy những người Việt ở Nga những ai kinh doanh thành đạt có tài sản từ 1000 tờ (1 tờ=100 usd) trở nên tương đương 100.000 usd đã được phong cấp là Soái Nga. Số Soái nổi và Soái chìm không nhiều vì thời ấy số tiền đó rất lớn có thể mua 10 căn nhà phố Bà Triệu tại Hà Nội. Điều đó cho thấy số tiền mà người Việt đổ vào Đôm 11 của hơn 400 hộ để kinh doanh lớn như thế nào! Nếu dùng phép so sánh về qui mô doanh thu thì Đôm 11 lớn gấp nhiều lần chợ Đồng Xuân, Hà Nội thời ấy!
Trung tâm thương mại Sông Hồng đang hoạt động rất tốt mang lại nhiều sự thịnh vượng cho các chủ cửa hàng đồng thời tạo ra công việc cho hàng vạn lao động Việt Nam làm việc theo Hợp đồng Lao động giữa hai Chính phủ Việt Nam-Liên Xô nay đang dần tan rã, nhiều nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa do thiếu nguồn cung và thị trường. Ấy vậy mà vào một ngày đẹp trời 19.05.1994 đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 104 của Bác Hồ -lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và người bạn lớn của nhân dân Liên Xô, chính quyền thủ đô Mátxcova đã huy động hàng chục xe cam nhông với hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm với vũ khí và các khí tài quân sự ngay từ sáng sớm đã tổ chức bao vây, kiểm soát, khống chế toàn bộ Trung tâm Thương mại Sông Hồng. Họ thiết lập một hàng rào an ninh kiểm soát bởi các tổ nhóm cảnh sát có vũ trang với quần áo rằn ri, mũ đen trùm bịt mặt lạnh lùng sát khí yêu cầu nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Sau đó bắt đầu cái gọi là kiểm tra hành chính: họ dồn đẩy tất cả mọi công dân già trẻ trai gái nam phụ lão ấu xuống tầng 1 vào hội trường đồng thời niêm phong tất cả các cửa hàng. Lúc này là đầu giờ sáng vì vậy số lượng người tại đây chưa phải là nhiều nhất tuy nhiên cũng số người bị kiểm soát, kiểm tra lên đến con số hàng nghìn người trong đó chiếm hơn nửa là các chủ cửa hàng - những người mang theo rất nhiều tiền mặt. Những gương mặt hoảng hốt lo lắng, những ánh mắt đăm chiêu vì toan tính. Họ rỉ tai nhau về việc giấu tiền vào chỗ kín bất kể đàn ông, đàn bà, trẻ con hòng che dấu để tránh bị trấn, cướp khỏi bàn tay lông lá của bọn cảnh sát, quân cướp ngày.
Ngay sau đó tại tầng 1, bọn chúng bắt đầu tiến hành khám xét: đàn ông, đàn bà chia làm hai phòng riêng biệt, từng người 1 vào xét hỏi. Ở đây họ bị buộc cởi trang phục, giấy tờ, tiền bạc để trên bàn. Giấy tờ hợp pháp sẽ hoàn trả, tiền, đồng hồ, trang sức sẽ bị thu giữ, người có giấy tờ hợp pháp sẽ được thả, người không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị tống lên xe chở về đồn gần đó. Cuối ngày việc lục soát và thu giữ đã xong, tuy nhiên lệnh phong tỏa trung tâm thương mại kéo dài 15 ngày đã được tung ra, mọi người đều lo lắng không biết số phận hàng hóa trong cửa hàng sẽ ra sao? Vì tất cả tài sản của mỗi cá nhân và cộng đồng đều được huy động và tập trung tại đây! Nếu bị cướp nốt họ buộc phải trốn nợ, hoặc tự vẫn mất thôi.
Khi sự việc trên xảy ra cho dù tôi không trực tiếp có mặt tại đây, tuy nhiên bằng các thông tin tôi nhận được cùng với kinh nghiệm đã trải qua cái gọi là “kiểm tra hành chính” của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tôi cũng thấu hiểu những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt méo đi vì lo lắng, u buồn, cùng cực của bà con làm ăn nơi đất khách, quê người khi lâm vào cảnh bị chính quyền cướp bóc mà thân phận họ không được ai bênh vực kể cả Đại sứ quán là cơ quan đại diện cho quyền lợi dân tộc, quốc gia.
Sau đó chỉ một thời gian ngắn, ở đó diễn ra tình trạng quân hồi vô phèng, dù trung tâm thương mại vẫn trong vòng kiểm soát của Cảnh sát Đặc nhiệm nhưng bất cứ ai chi cho toán trưởng chỉ huy nhóm CS từ 1500-2000 usd đều được phép vào bên trong chở đầy 1 xe tải cỡ 5 tấn, mặc sức lấy bất kỳ loại hàng nào, bất kỳ của ai, dường như đó là tài sản riêng của họ. Vì vậy chẳng mấy chốc cả trung tâm thương mại biến thành khu nhà hoang vô hồn, toàn bộ tài sản của cộng đồng người Việt tại Matxcova gần như bị cướp trắng mà không biết kêu ai!!!
copy từ bài của Toria Tran (Trang Văn chương miền Nam)
No comments:
Post a Comment