Chuyện bi hài GIÁO DỤC VIỆT NAM
Tôi đi dự Hội nghị tại ĐH Sains, Penang, Malaysia. Một đồng nghiệp nói với tôi rằng:
- Trường tôi có một số SV VN theo học; nhưng tại ĐH Malaya ở Kuala Lumpur thì đông hơn. Tôi có một thắc mắc là tại sao SV VN lại qua du học Malaysia. Tôi nhớ trước năm 1975 thế hệ cha chú chúng tôi qua học ở Sài Gòn nhiều lắm, không hề thấy SV VN qua học Malaysia?
Một câu hỏi đơn giản như thế mà tôi cảm thấy nghẹn ngào!
***
Dạo này mỗi khi đi đâu tôi thường hay đi GRAB. Một hôm có cậu thanh niên đi xe ôm hỏi chuyện khi biết tôi là thầy giáo dạy đại học, cậu ta tâm sự là tốt nghiệp ĐH Sư phạm hơn 2 năm rồi, ra trường làm đủ nghề, bây giờ ổn định nghề xe ôm. Câu chuyện như thế này chắc chắn không bao giờ có trong ý tưởng chứ đừng nói nó có thật ở ngoài đời trong xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975.
Trong giáo dục thời VNCH Sư phạm là ngành “hot” nhất trong vài ngành hot như Kỹ thuật Phú thọ và Y-Dược. Đó là những ngành phải thi tuyển. Sư phạm hot nhất là vì chỉ tuyển theo chỉ tiêu cần thiết của nhà nước, có nghĩa ra trường là chắc chắn được đi dạy vì nhiệm sở đã có sẵn, vấn đề là tốt nghiệp giỏi thì được chọn nhiệm sở theo ý mình còn lại thì được phân công (Không ai phải đi xe ôm). Do đó trong một Viện đại học (University), trường Sư phạm là trường uy tín nhất, nhưng quy mô thì nhỏ nhất. Vì trường Sư phạm chỉ dạy những môn học về Sư phạm, còn môn học chuyên môn chính như Toán, Lý, Hoá, Tin học, Văn học, Ngoại ngữ, vv... thì sinh viên Sư Phạm học chung với sinh viên các trường Khoa học và Văn khoa. Sinh viên Sư phạm tốt nghiệp bằng Cử nhân Sư phạm, ra trường đi dạy; hè năm sau trở lại trường Khoa học hay Văn khoa học những môn theo yêu cầu để hoàn tất chương trình đại học và tốt nghiệp thêm 1 bằng cử nhân chuyên ngành chính của mình. Thầy giáo trung học hồi đó có ít nhất là 2 bằng đại học.
Trong nền giáo dục khả tín đó, Đạo Đức và Nhân Văn là phạm trù cơ bản nhất với triết lý “Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng”.
Với một nền giáo dục miễn phí, bậc tiểu học là bắt buộc; đến lớp 11 tổ chức kỳ thi Tú Tài 1 nghiêm túc với tỷ lệ đậu từ 15 - 35%; đến lớp 12 thi Tú Tài 2 với tỷ lệ đậu tối đa là 45%. Một hệ thống cơ sở dạy nghề và các trường bậc cao đẳng như Cao đẳng Sư phạm, Cán sự Y tế, vv... cho học viên có trình độ tương ứng. Chỉ có 50% học sinh phổ thông đủ trình độ vào đại học. Trường đại học đáp ứng nhu cầu học tập nhiều ngành nghề cho số học sinh đã đạt được thành tích học tập một cách nghiêm túc. Do đó số trường đại học là có hạn vừa đáp ứng đủ sinh viên tốt nghiệp là phục vụ cộng đồng ngay.
Trong phần kết luận câu chuyện “Tôi đi học” trong tập bút ký “Kẻ rao giảng tình yêu”, tôi đã viết: “Cách tổ chức giáo dục thời VNCH được các trường đại học Đông Nam Á học tập. Ngày nay, Việt Nam đi học tập lại các đại học Đông Nam Á nhưng chưa có thể làm tốt được. Bởi vì giáo dục ngoài phạm trù tri thức còn có đạo đức và nhân văn”.
Đạo Đức và Nhân Văn xem ra khá khiêm tốn trong xã hội ta ngày nay. Tôi đã đọc một đoạn trong tạp chí “Tuổi trẻ cười” rằng: “4 tiêu chí theo thứ tự ưu tiên trong kế hoạch thực hiện một dự án ở nước ta hiện nay là:
1. Bao nhiêu tiền?
2. Giải ngân như thế nào?
3. Ăn chia như thế nào?
4. Hiệu quả!”
Ngành Giáo dục cũng thế mà thôi. Nhìn vào tỷ lệ khủng của số trường ĐH và CĐ so với số dân thì biết. Hiện nay cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, với khoảng 2,2 triệu sinh viên (theo “Giáo dục 24”).
Năm 2008 tôi tham quan thư viện ĐH Luật thuộc ĐHQG Singapore. Tôi thấy tại Phòng Tham khảo (Reference) có câu “Phòng Tham khảo thư viện chúng tôi là nơi sử dụng công nghệ để chuyển câu hỏi thành câu trả lời - Không bao giờ nói KHÔNG (Never say NO). Về thư viện trường tôi, tôi bắt chước ghi câu y chang tại Phòng Tham khảo. Sau đó có một độc giả cũng từ Singapore gọi điện hỏi tôi một câu “Ông vui lòng cho biết thống kê số lượng sinh viên Việt Nam ra trường làm việc đúng ngành nghề là bao nhiêu?”. Tôi bó tay và sorry. Tôi vội vàng cho xoá ngay câu “Never say no”. Giá như ông ta hỏi “Vui lòng cho biết có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường ổn định với nghề xe ôm ?” thì tôi có thể trả lời được.
Minh Hiep Nguyen (TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM)
Hoàng Quôc Thành
ReplyDeleteThật sự đau lòng khi cứ ra rả VNCH bán nước , kẻ bán nước có nền giáo dục tuyệt vời ! Còn ta lẹt đẹt theo ko kịp ai . VN mình lạ thật ! 😭😭😭😭😭
Lê Minh
ReplyDeleteỞ Hungary ( trước 1975 khi tôi rời đất nước này ) hệ thống giáo dục Sư phạm cũng như ờ Nam Việt nam . Không có Đại học SP mà nó là một khoa trong các trường đại học tổng hợp . Học khoa này rất nặng !