1. Tiếng Việt ta có 2 từ dùng hoán đổi lẫn lộn là "tri thức" và "kiến thức". Điều này bất thường trong tình trạng chung là chúng ta rất thiếu thuật ngữ. Rất nhiều từ khác nghĩa "chiếm dụng" thuật ngữ Việt của nhau.
2. Nếu là một từ thông dụng, chỉ vật cụ thể, có thể có nhiều từ chỉ cùng một sự vật, bởi lẽ nước ta thống nhất nhiều vùng miền có văn hóa riêng. Tuy vậy, dường như điều này không đúng đối với "tri thức" và "kiến thức" là hai từ Hán-Việt, đều có gốc ở Hán ngữ. Do đó tôi đoán định rằng, ban đầu, khi du nhập 2 từ này vào tiếng Việt, chúng vẫn có nghĩa độc lập. Tuy vậy, khi hiểu biết của chúng ta về sự hiểu biết kém xuống, không đủ tinh tế để phân biệt, chúng ta mới bắt đầu lẫn lộn.
3. Có lẽ, sự lẫn lộn này bắt đầu từ các dịch giả tiếng Anh-Pháp. Tiếng Anh knowledge, tiếng Pháp là la connaissance đều có nhiều nghĩa khác nhau, mà người Anh, Pháp có văn hóa đều phân biệt được theo văn cảnh. Chúng ta dịch "kiến thức" và "tri thức" ra cùng một từ Anh hay Pháp lâu ngày, cho đến khi dịch ngược lại thì không đủ tinh tế để dịch theo văn cảnh. Rồi lâu ngày, thế hệ mới hoàn toàn không phân biệt "tri thức" và "kiến thức", đó cũng là một thiệt thòi cho tư duy chung của dân tộc.
4. Nếu chúng ta tra từ điển sẽ thấy knowledge có 3-4 nghĩa, nhưng tựu chung có thể có khác biệt rõ nhất là ở "thông tin về sự vật" hoặc sự "nhận thức-hiểu biết về sự vật". Đây là sự khác biệt rất lớn trong nhận thức luận thuộc phạm trù triết học. Thu thập được "thông tin về sự vật" và có được "nhận thức-hiểu biết về sự vật" là hai trình độ khác nhau của nhận thức. Như vậy tiếng Việt có ưu thế để phân biệt hai khái niệm này ngay ở mức độ ngôn ngữ. Nhưng cái nào là cái nào? Thú thực, tôi không thật tự tin để phán xử vấn đề này lắm, vì dù sao tôi cũng là nạn nhân của việc lẫn lộn chung này.
5. Như vậy chỉ còn cách tra cứu. Tra các từ điển Việt sẽ thấy ngay "tri thức" và "kiến thức" lộn nhoèo. Tri thức là kiến thức, kiến thức là tri thức, không thể thấy manh mối nào để phân biệt. Cực chẳng đã phải tra các từ điển của Trung Quốc vậy. Lên baike.baidu thì thấy tiếng Trung hiện đại cũng vẫn có hai từ "kiến thức" và "tri thức" khác nhau, giải nghĩa khá lòng vòng và hũ nút, không nhất thiết phải trùng hoàn toàn với nghĩa "kiến thức" và "tri thức" chúng ta đang dùng trong tiếng Việt. Tuy vậy có thể tóm lược được trong tiếng Trung "tri thức" là phạm trù triết học, có liên quan tới "kiến giải". Trong khi đó "kiến thức" là các cái "biết" cụ thể như "Kiến thức của ngươi về trà và rượu quả nhiên không tầm thường" hay "Đến hỗn danh của ta mà nhà ngươi cũng biết, quả kiến thức không tệ.". Trên cơ sở đó, chúng ta có thể đoán định "kiến thức" tương ứng với "thông tin về sự vật", còn "tri thức" là "hiểu biết-nhận thức về sự vật". Như vậy ta có cơ sở để cho rằng các cụ nhà ta khi đưa cả hai từ này vào tiếng Việt đã có dụng ý phân biệt. Có thể thấy rất nhiều trường hợp chữ Hán có rất nhiều từ sang tiếng Việt bị giản lược thành một từ Hán-Việt. Nhu cầu của các cụ chỉ đến đó, can gì phải dùng nhiều từ cho các đối tượng không có nhu cầu phân biệt.
6. Có hướng rồi, cũng không cần vội chọn lựa ngay. Chúng ta có thể suy nghĩ thêm một chút. Ngôn ngữ có tính chất gợi mở dựa trên từ căn rất mạnh, nếu có thể chiết tự, duy danh định nghĩa thì mới là hoàn hảo. "Tri" là biết. Biết là một quá trình phức tạp dựa trên cảm nhận, nhận biết, nhận thức đến một mức nào đó mới có thể gọi là "biết". "Kiến" là "trông thấy" dựa trên quan sát. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng "kiến thức" cho kết quả của quá trình thu thập thông tin, học tập. "Tri thức" để dành cho toàn bộ phạm trù triết học về nhận thức luận.
7. Thực hành một chút để xem lý luận có hợp lý không: Như vậy chúng ta nói "tích lũy kiến thức" là đúng, nói "tích lũy tri thức" là không đúng mà phải nói là "rèn luyện tri thức".
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment