Monday, October 17, 2022

Oan sai và vụ án Bưu điện Cầu Voi

 HỒ DUY HẢI VÀ 17 VỊ THẨM PHÁN

“Tôi ra trước quốc hội cũng không ai cho tôi nói hết… Trước tòa tôi cũng bị công an bắt đuổi đi. Tôi đi đến đâu khiếu kiện và biểu tình thì công an đều đuổi tôi đi. Không ai giải quyết cho con tôi hết.

Bảy năm nay con tôi bị giam cầm trong ngục tối thật sự là oan sai, mà không ai để ý giải quyết giùm. Lần nào tôi đi thăm con tôi đều nói, mẹ ơi, mẹ kêu oan và minh oan cho con.

Trước tòa, con chỉ đọc theo cáo trạng chứ con không thực hiện hành vi đó, tại sao công an bắt nhốt con hoài không tha mẹ ơi. Tôi khóc riết bảy năm nay không còn nước mắt nữa”.

“Bà có đồng ý tiêm thuốc độc cho con trai bà và mang xác con trai bà về nhà hay không?”.

Đây là lời chia sẻ của mẹ tử tù Hồ Duy Hải vào đầu tháng 12/2014. Mình còn nhớ, dạo ấy, đã dấy lên một phong trào rộng và lớn có lẽ chưa từng có, cả trong lẫn ngoài nước, của rất nhiều người không hề quen nhau ngoài đời, chỉ biết nhau qua FB, với chung một mục đích là “kêu oan” cho Hải, cũng là người mà không ai trong số đó quen biết.

Hải có thực sự là thủ phạm hay không, tới giờ không ai biết ngoài Hải (và thủ phạm, nếu là kẻ khác). Nhưng những sai phạm hết sức trầm trọng trong công tác điều tra và thủ tục tố tụng thì ai cũng thấy, và căm phẫn. Luật chơi lẽ ra phải rõ ràng: nếu không chứng tỏ được tội trạng, cho dù chỉ còn một thoáng nghi ngờ, là phải dừng để tránh oan sai.

Oan sai trong các bản án tử hình - mà từ nhiều thập niên nay Châu Âu đã bỏ, và việc xóa án tử hình được coi như sự bảo vệ một trong những giá trị căn bản nhất của Châu Âu - thảm khốc ở chỗ không cách gì có thể “làm lại” được. Không chỉ đối với nạn nhân, mà còn đối với cả gia đình, nhưng cũng có thể nói đó là nỗi đau chung của toàn thể xã hội.

Do đó, phán quyết ngày mai của Hội đồng Thẩm phán (Tòa án Nhân dân Tối cao) quyết định sự sống chết của một công dân, nhưng rất có thể, nó có tầm quan trọng hơn thế nhiều: nó là một phép thử trên con đường rất gập ghềnh dẫn tới một xã hội văn minh hơn, một lằn ranh giữa “rừng luật, nhưng xử bằng luật rừng”, và một nhà nước pháp quyền.

Rất cần biết, những thẩm phán cầm cân nẩy mực trong phiên Giám đốc thẩm ngày mai là những ai? Một điều chắc chắn, tên họ sẽ đọng lại, hoặc là trên “bảng vàng danh dự”, hoặc trên “danh sách ô nhục” của lịch sử tư pháp Việt Nam, đã quá quen thuộc với những “án bỏ túi”, “tòa ngụy tạo” vốn không coi vào đâu chính hệ thống pháp luật của họ.

Cám ơn “Luật Khoa” đã cất công tìm kiếm cho công luận những thông tin quý báu này!

Nguyễn Hoàng Linh

No comments:

Post a Comment