(Tiếp theo)
Năm nay tôi dự trại hè vì muốn gặp các anh Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường từ Pháp sang. Tôi ít tuổi hơn các anh, nhưng hân hạnh được các anh kết bạn ảo. Mấy anh em hẹn nhau đến trại. Tôi đọc „Diễn Đàn“ ở Paris và hay trao đổi với anh Tường.
Anh Giao từng giúp phái đoàn Hà Nội suốt quá trình hòa đàm Paris, quen biết những nhân vật chủ chốt trong đoàn. Anh bị CIA xếp vào sổ đen, cấm cửa cho đến năm 1996, sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Chỉ vì quá lo lắng cho tương lai đất nước sau vụ thuyền nhân anh gửi tâm thư cho những người anh đã giúp đỡ tại hội nghị Paris, nhờ họ chuyển lên trung ương. Thế là từ đầu những năm 1980 anh bị cấm cửa, đến năm 2001 mới được về. Đã thế khi về quê hương vẫn bị theo dõi.
Anh không quan tâm điều đó mà còn nhìn sự việc một cách hài hước. „Tôi chằng bao giờ để ý xem ai đang đi theo mình, nhưng bọn trộm cắp thì rất tinh. Chúng biết điều đó và luôn tránh xa vợ chồng tôi. Vì vậy chúng tôi luôn có cảm giác an toàn“.
Tết năm 2020 tôi hân hạnh được làm quen với anh tại Sài Gòn, khi anh mang bình tro của ông Georges Boudarel về quê hương thứ hai của ông để an táng theo nguyện vọng. Ông Boudarel là một nhân vật đầy tranh cãi ở Pháp vì đã hết mình bênh vực và bảo vệ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh. Người này nhìn ông như một anh hùng, nhưng người khác thì kết tội ông là đào ngũ, phản quốc. [1]
Giá như người Việt Nam cũng được tự do tranh luận trên báo chí thì những người như anh Giao, anh André Menras, Linh mục Chân Tín, ông Lê Hiếu Đằng v.v cũng sẽ là những nhân vật đầy tranh cãi, vì họ dám đi giữa hai làn đạn.
…
Ban tổ chức trại thuê một nhà nghỉ thanh niên nên các ông bà già U80 phải nằm giường tầng trong những phòng lớn. Vui là chính. Các chị tổ chức bếp ăn rất khéo, có nhiều món ăn Việt Nam xen với buffet kiểu Đức. Anh Tường bận đột xuất không sang được, nhưng tôi lại được làm quen anh Hà Dương Tuấn, em trai anh. Hai đồng nghiệp điện toán lại có chuyện trao đổi. Ngày cuối cùng có các anh Nguyễn Tường Bách và Tôn Thất Thông cùng phu nhân đến dự. Chuyến đi thật là lãi, vì gặp được hai cây bút có tên tuổi của người Việt ở Đức.
Tôi rất mừng gặp lại nhiều anh chị. Họ nay đã thay đổi. Họ ôn lại các ký ức xưa với tất cả sự hài hước và chua chát. Họ nghiêm khắc nhìn lại mình. Té ra họ sinh ra và lớn lên trong Nam nhưng còn mao-it (maoist) hơn cả „Cậu ấm Cộng“ như tôi. Họ ở Tây Đức lúc đó nhưng nghiêm khắc với nhau hơn tụi tôi sinh hoạt đoàn thanh niên CS ở Hà Nội. Quãng năm 1978 có anh được về thăm Việt Nam, vào cái lúc cây cột đèn cũng chết đói. Đói sau chiến tranh thì ở Đức năm 1948 cũng vậy nên anh thông cảm. Nhưng anh sốc vì sự hà khắc, bởi sự thiển cận, u mê trong điều hành xã hội. Khi anh kể lại những điều đó thì bị nhiều bạn coi là phản bội.
Giờ đây họ không giận nhau vì những va chạm ấu trĩ đó. Tôi chỉ còn cảm nhận ở họ nỗi bức xúc, nỗi buồn bã vì những bất công, bất cập, về sự xuống cấp đạo đức xã hội ở Việt Nam. Anh bạn „Bảo hoàng hơn vua“ năm nay không đến dự nên tôi không biết giờ đây anh còn bảo hoàng nữa không?
Điều thất vọng hiện rõ ở nhiều người bởi họ không làm được gì nhiều cho quê hương, ngoài những chuyện nhỏ như dự án dịch sách hay quyên góp tiền cứu đói, cứu lũ lụt v.v. Tất cả họ đều thành đạt, thậm chí có người còn tạo lập ra công ty tiên phong trong công nghệ máy tính từ những năm 1980 như anh Tiến Tien Nguyen. Giấc mơ của họ sau 1975 là sử dụng vốn trí thức của mình để là gì đó cho quê hương. Nhưng trong những người có mặt ở trại, không ai có sự nghiệp gì ở Việt Nam. Thì ra trình độ cao, lòng nhiệt huyết không phải là cái chìa khóa.
Phần trước tôi tạm chia ra hai phe tả -hữu. Nhưng thực chất hồi đó là „Mâu thuẫn Quốc- Cộng“ giữa hai phe „phò quốc gia“ và „phò cộng sản“. Phe nào cũng có người tả và hữu. Trong con người, bên cạnh lý trí còn có phần tình cảm, còn có trái tim. Ranh giới giữa tả và hữu hay bị xóa nhòa vì vậy.
Ví dụ cuộc „Khủng hoảng Trump“: Có nhiều đảng viên cộng sản bênh ông Trump, chửi bọn „thổ tả“ (nhiều ông „thiên tả“ nay bênh Putin hơn ông cố nội). Ngược lại có những ông chủ tư bản lại đứng về phía bọn „thổ tả“, đả phá các chính sách của ông Trump và bọn cực hữu.
Cần khẳng định rằng các khái niệm tả-hữu mà tôi nói trong bài 1 chỉ có giá trị trong một xã hội đa nguyên dân chủ, nơi mà cả hai phe được tự do thực hành tư tưởng. Trong các nền chuyên chế, dù do những đảng nhân danh cánh tả hay các tướng lĩnh cánh hữu cầm quyền, phân định tả-hữu bị bóp méo toàn diện. Trong các nền chuyên chế, luôn có một hoặc vài giai cấp, tôn giáo, cộng đồng bị tước đoạt quyền sống nên không thể có bình đẳng bác ái như cánh tả mong muốn cũng như không thể có tự do phát triển năng lực của người giỏi, tự do cạnh tranh như cánh hữu kêu gọi.
Vì ở ta không có cả tả lẫn hữu cho nên dù thiên gì thì cũng phải biết luật chơi mới tồn tại. Một ông phóng viên Tây về Hà Nội, vã mồ hôi hột mỗi khi qua đường. Ông hỏi một cô ca sỹ vốn bị coi là „bất đồng chính kiến“: Cô hát như vậy mà không sợ à?“.
- Ai mà chả sợ, nhưng chẳng lẽ sống mà không ra phố. Muốn tồn tại ở đây phải biết cách qua đường sao cho không bi xe táng.
Ông Tây vã mồ hôi hột lần nữa.
Tôi là dân kỹ thuật được đào tạo dưới mái trường XHCN. Cuộc sống xứ người biến tôi thành kẻ kinh doanh, nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mở công ty ở Việt Nam. Có người chỉ rủ tôi mua một mảnh đất mà tôi cũng không dám. Việt Kiều không được cấp sổ đỏ nhà đất, nhờ người đứng tên thì có ngày mất hết cả tình nghĩa. Bụng bảo dạ.
Vậy nên tôi rất phục mấy ông „Việt kiều tây học“ mà làm ăn thành công ở Việt Nam. Nhiều người phê phán việc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nhân này. Người ta đưa các vụ án kiểu Trinh Vĩnh Bình ra làm ví dụ [2]. Nhiều cáo buộc không phải là vô căn cứ.
Tết 2021 tôi có dịp nhậu tay ba với hai doanh nhân từng tham gia „cánh tả Tây Đức“. Một anh thì tạo ra „đế chế hóa chất“ của anh tại Việt Nam. Anh kia đã từng giúp (nói đúng ra là dạy) Vượng Vincom nhảy vào công nghiệp ô-tô. Tôi không hề khoái cách làm giàu của Vượng, nhưng phải công nhận rằng: Bên cạnh các thành công kinh tế, các anh đã đem về Việt nam khối lượng không nhỏ kiến thức về cơ khí, chế tạo máy, hóa học... và cả công nghệ xanh.
Quá trình công nghiệp hóa, tư bản hóa ở Việt Nam là tất yếu, không còn ai đảo ngược được nữa. Nhưng đó cũng là con đường dẫn đến phá hoại môi trường sống và đẩy mạnh bất công xã hội. Có một điều tôi nhận ra ở các công ty do trí thức Việt kiều tạo dựng: Đó là sự quan tâm đến môi trường và chế độ an sinh, quy tắc an toàn lao động kiểu phương Tây. Tôi phục lăn ông "Vua hóa chất" đã lo lắng chu đáo cho hàng ngàn công nhân của ông trong suốt đại dich covid.
Mâu thuẫn xã hội và tàn phá môi sinh ngày càng trầm trọng. Nhưng nếu không có những điểm son này thì chắc còn tệ hơn nữa. Có nghĩa là còn quá ít ngọn đèn.
Tôi quen anh H. ở Củ Chi. Anh bán chuỗi 26 cửa hàng mỹ phẩm và dược phẩm ở Pháp mang tiền về Việt Nam xây làng điều dưỡng sinh thái. Anh là một nhà tư bản không biết khoan nhượng, chính xác đến từng xu, trên dưới răm rắp. Anh đào giếng sâu đến 10m, mạch nước phụt lên. Chất lượng chưa đạt, anh khoan sâu đến 32m để tìm ra vỉa nước mà tôi uống vào cảm nhận được vị ngọt. Tuy không có cống rãnh, nhưng anh tạo ra một hệ thống xử lý nước thải bằng kênh rạch và cây trồng, rong tảo vi sinh. Ở Đức có mơ cũng không thấy khu điều dưỡng như vậy. Nhưng tôi thích nhất là những con người ở đó. Chỉ mấy ngày nghỉ cũng đủ giúp tôi quen các chị lao công, nấu bếp, các anh bảo vệ. Họ đều là dân làng và gắn bó với ông chủ.
Hôm đó là 22.05.2021, hai anh em ngồi trong vườn uống trà, đàm đạo. Từ xa luôn văng vẳng tiếng loa vọng vào, nói về bầu cử quốc hội. Anh lắc đầu chép miệng rất bức xúc. Không phải vì tiếng ồn, vì loa ở rất xa. Anh bức xúc vì lối tuyên truyền “lấy thịt đè người”. Thế là anh xổ ra hết mọi chuyện bực mình, từ bọn thuế, bọn môi trường đến bọn y tế v.v.
Tôi hỏi: Vậy sao anh lại bỏ cơ ngơi ở Paris để về đây chịu các bức xúc này?
-Tôi về đây không phải vì chế độ nào hay vì ai cầm quyền. Mà tôi về với những ngươi như chị Hoa, cô Trang, cô Thủy đó anh.
Tôi biết anh vốn là dân “Hữu”. Là người thiên tả, nhưng tôi thà chơi với người hữu mà tử tế, hơn là với thằng tả mà đểu.
(Hết)
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment