1. Ontos là "bản thể", một phạm trù triết học để chỉ cái cốt lõi của sự vật, được mặc định là quyết định các thể hiện sự tồn tại của sự vật trong môi trường xung quanh khi tương tác. Siêu hình học của Aristoteles có một nhánh được gọi là "bản thể luận"(ontology) bàn về "bản thể" và các phạm trù liên quan như "thành tố", "thuộc tính", "quan hệ", "trạng thái" và "sự kiện".
2. Các phạm trù này và các quan hệ gắn liền với chúng, được chúng ta gắn liền một cách vô thức với hoạt động tư duy. Chẳng hạn, chúng ta nói về các "thành tố" hoặc các "thuộc tính" của sự vật đã có nghĩa là chúng ta giả thiết sự vật đó có một "bản thể" là chủ sở hữu của các "thành tố" và "thuộc tính" đó. Khi "bản thể" bị thay đổi, một sự vật cho trước sẽ trở thành một sự vật khác. Xa hơn một chút, sự vật tương tác với các sự vật khác hoặc với môi trường xung quanh thông qua các "quan hệ". Mỗi sự vật có thể tìm thấy trong các "trạng thái" khác nhau, hoặc các "sự kiện" xảy ra đối với những sự vật cụ thể. Điều đó có nghĩa là "quan hệ", "trạng thái" và "sự kiện" được xác định gắn liền với sự tồn tại của "bản thể".
3. Câu hỏi quan trọng nhất đối với "bản thể" là "tồn tại". Từ đó triết học phân thành hai quan điểm chính xung khắc lẫn nhau: Quan điểm "duy vật" cho rằng chỉ có vật chất mới có "bản thể" và vì thế "tồn tại", các phạm trù phi vật chất chỉ là thuộc tính của vật chất trong những trạng thái nhất định. Quan điểm duy tâm cho rằng có những sự vật phi vật chất, cũng có "bản thể" tồn tại độc lập với vật chất. Một số nhà vật lý hiện đại theo quan điểm thứ ba phủ nhận sự tồn tại của "bản thể" và đảo lộn mọi thao tác tư duy mặc định của bản thể luận.
4. Episteme được thường được dịch sang tiếng Việt là "nhận thức", thể hiện sự hiểu biết, thuật ngữ tiếng Anh dịch là knowledge, cao hơn perception, mà chúng ta vẫn dịch là "nhận thức" trong những trường hợp tinh tế hơn và có sự khác biệt so với "tri thức'. Tôi rất muốn phân biệt hai phạm trù "tri thức" và "kiến thức" để phân biệt hai nghĩa rất khác nhau của từ knowledge tiếng Anh mà chúng ta dùng lẫn lộn: i. Cái hiểu biết của chúng ta về sự vật (tri thức), và ii) Thông tin mà chúng ta có được về sự vật (kiến thức).
Episteme có thể đối lập với những điều chúng ta mặc định thừa nhận như niềm tin, định kiến, hoàn toàn không liên quan tới lý tính hay lập luận. Lĩnh vực trong siêu hình học bàn về episteme gọi là "nhận thức luận" (tôi muốn đề nghị gọi là "tri thức luận").
5. Cũng như "bản thể luận", sự tồn tại của cái gọi là "tri thức" về một sự vật cũng là mặc định. Trước hết, thế nào được gọi là "tri thức" (hoặc "nhận thức")? Một mặt, "tri thức" gắn liền với chủ thể, tự cho mình là "hiểu biết" sự vật. Mặt khác, sự nhận biết có mức độ, ở mức độ nào có thể được coi là "nhận thức" hoặc "tri thức" được sự vật? Và cuối cùng, liệu có luôn tồn tại cái gọi là "tri thức" đối với sự vật cho trước hay đó chỉ là một ảo tưởng của chủ thể nhận thức.
6. Như vậy, theo siêu hình học và tư duy cổ điển, tư duy thực chất là một mặt tìm hiểu bản chất của thế giới, mặt khác tìm cách tìm hiểu nhận thức của chúng ta về thế giới. Liệu nhận thức (tri thức) của chúng ta về thế giới có luôn đi đôi với bản chất của nó hay không? Và những phạm trù này liệu có luôn tồn tại.
7. Cơ học lượng tử ra đời làm nền tảng cho sự "hiểu biết" của chúng ta về thế giới vi mô. Tuy nhiên, các khái niệm của cơ học lượng tử xung đột với các nguyên lý tư duy mà chúng ta đã chấp nhận một cách mặc định. Mặc dù đa số các nhà vật lý chấp nhận cách giải thích của trường phái Coppenhagen, nhưng ngay cả các tác giả chính trong trường phái này như Niels Bohr, Werner Heisenberg, Wolfgang Pauli cũng thừa nhận là chưa hết vấn đề.
8. Giải thưởng Nobel Vật lý năm nay được trao cho các kết quả được cho là kiểm chứng thực nghiệm cho những quan niệm về "bản thể" và "tri thức". Điều đó có nghĩa là siêu hình học không phải chỉ là một hệ thống quy ước về biện thuyết không thể kiểm chứng mà chỉ có thể lựa chọn. Đó là lần đầu tiên khả năng kiểm chứng của khoa học đã động được đến siêu hình học, tư duy và nhận thức. Cố nhiên, động lực đứng đằng sau nó là tiềm năng lớn về công nghệ. Tuy nhiên, nếu điều này trở nên đúng, một vấn đề khác là cặp phạm trù duy tâm-duy vật liệu có thể kiểm chứng?
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment