Sunday, June 2, 2024

GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP THƠ PETŐFI SÁNDOR

Thế là sau nửa năm từ khi ra mắt sách, hôm qua mình mới được cầm vào taz Tuyển Tập thơ Petőfi Sándor do mình tuyển chọn và dịch năm ngoái.

Đại sứ quán Hunagry ở Việt Nam đề nghị mình tuyển chọn và dịch tập thơ này như là một phần của chương trình kỷ niệm 200 năm ngày sinh của  Đại thi hào.

Một hành trình rất thú vị, cả việc chọn các bài thơ nào trong kho tàng đồ sộ gần 900 bài thơ của ông, đọc qua mà choáng ngợp với năng lực sáng tác của ông torng thời gian rất ngắn, với nhiều chủ đề rất da dạng.

Đại sứ quán đã hợp tác với bên xuất bản cho ra một cuốn sách design rất đẹp, bìa cứng sang trọng, cầm trong tay thật đã.

Chia sẻ niềm vui của mình với các bạn.

Xin chép lại đây Lời giới thiệu mình viết cho tập thơ, kèm ảnh tập thơ vừa nhận được

LỜI GIỚI THIỆU

Nói đến thi ca Hungary thì tên tuổi đại thi hào Petőfi Sándor là cái tên đầu tiên độc giả Việt nam nghĩ đến. Thơ của ông đã được dịch ra tiếng Việt bởi các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông…Các bản dịch đó phần lớn qua ngôn ngữ trung gian như tiếng Pháp. Có một số tác phẩm thơ của Petőfi được dịch từ nguyên bản tiếng Hung, như các bản dịch của các dịch giả Vũ Ngọc Cân, Nguyễn Văn Trung, nhưng ít được biết đến hơn.

Năm nay, 2023, là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Petőfi Sándor, nhà thơ của Tự do và Tình yêu, người anh hùng dân tộc và người tình lãng mạn đam mê, một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên và con người, một ánh sao băng vút qua bầu trời thi ca Hungary chỉ với 26 tuổi đời (1823-1849), với hơn 7 năm sáng tác đã để lại cho kho tàng thi ca Hungary và thế giới hơn 850 bài thơ. Tập thơ này chọn lọc và giới thiệu hơn 50 bài thơ của ông, một lát cắt nhỏ từ kho tàng đồ sộ đó.

Chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm tiêu biểu làm nên thần tượng Petőfi anh hùng dân tộc với những lời kêu gọi hào hùng làm bùng lên ngọn lửa cuộc cách mạng Tháng 3 năm 1848:

„Hỡi đồng bào, hỡi tất cả người Hung

Đứng lên đi Tổ quốc gọi oai hùng

Ngày hôm nay hay không bao giờ nữa

Chọn Tự Do hay Nô Lệ bần cùng!”

(Bài ca dân tộc, 1948)

Người thanh niên 25 tuổi Petőfi Sándor không ngẫu nhiên đứng ở tuyến đầu của cuộc cách mạng. Anh đã trăn trở từ năm 23 tuổi:

“Ý nghĩ này không để tôi yên:

Tôi sẽ chết trên giường êm nệm ấm?

Như hoa héo vì bọ, sâu gặm nhấm,

Chết dần mòn dai dẳng với thời gian? ”

(Ý nghĩ này không để tôi yên - 1846)

Anh cầu xin với Chúa Trời để có được cái chết anh hùng có ích cho dân tộc:

“Cho con làm thân cây sét chẻ làm đôi.

Hay gió bão vật ngã ra trật gốc;

Cho con làm mỏm đá nhô ra trên sườn dốc

Rơi xuống vực sâu vì sấm sét đánh bay...

Nơi chiến trận sẽ là nơi tôi chết

Máu đỏ tuôn trào từ trái tim thanh xuân không nuối tiếc

Lời tôi nói cuối cùng cũng sẽ lời vui”

(Ý nghĩ này không để tôi yên - 1846)

Lời nguyện cầu từ trái tim tuổi thanh xuân nóng hổi:

“Số phận, hãy cho tôi cơ hội,

Để tôi làm gì đó với loài người!

Đừng để cho ngọn lửa trong tôi

Cháy vô ích ngọn lửa lòng quý giá.”

(Số phận, hãy cho tôi cơ hội - 1846)

Và anh đã nhìn thấy trước vai trò của mình, ở tuyến đầu cách mạng, với nhân dân:

“Hãy tiến lên, thi sĩ hãy tiến lên

Cùng nhân dân, xông pha nước lửa

Hãy rủa nguyền những kẻ nào vứt bỏ

Cờ nhân dân đang cầm ở trong tay”

(Những nhà thơ của thế kỷ 19 – 1847)

Và khi cách mạng nổ ra, nhà thơ đã viết những câu thơ quyết liệt thế này trong “Bài ca xông trận” (1848)

“Dù cho ta mất cả hai tay

Dù tất cả chúng ta sẽ ngã xuống đất này

Tiến lên!

Nếu phải chết thì ta sẽ chết

Nhưng Tổ quốc ta, ta phải giữ đến cùng.

Tiến lên! ”

Tiếc là chỉ một năm sau, năm 1849, không khí cách mạng ở châu Âu đã đằm xuống, báo hiệu cuộc cách mạng sắp vào hồi kết đau thương:

“Châu Âu lại lặng yên trở lại

Cách mạng qua rồi...

Thật là xấu hổ!

Tất cả lại lặng yên sau một thời bùng nổ

Nhưng không giành được tự do.”

(Châu Âu lại lặng yên trở lại – 1849)

Nhà thơ của Tự do, người góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tháng Ba 1848 cũng ngã xuống, thành người liệt sĩ vô danh như ông từng tiên đoán:

“Họ sẽ gom xương tôi văng vất trên đồng,

Ở đại lễ tang khắp trong cả nước,

Nhạc lễ cử hành, cờ tang theo bước

Tất cả gom về một mộ chôn chung”

(Ý nghĩ này không để tôi yên – 1846)

Có thể xương thịt ông đã được gom vào một mộ chôn chung ở nơi nào đó, đến nay chúng ta vẫn không biết được ông ngã xuống thế nào và ở đâu, chỉ những bài thơ hùng tráng của ông sót lại.

Giữa chiến trường, trái tim mẫn cảm của người lính-nhà thơ vẫn dành cho mình những khoảnh khắc riêng tư nghĩ về người vợ trẻ ở quê nhà:

“Anh ở trên đường, em không có ở đây,

Thiên thần của anh, người yêu xinh đẹp,

Anh biết rằng mỗi bước chân anh bước,

Đều có hồn em theo sát trên đường”

(Anh ở trên đường, em không có ở đây - 1849)

Người vợ trẻ đó là nàng Szendrey Júlia, mới nên vợ nên chồng với nhà thơ nửa năm trước khi cách mạng bùng nổ. Người được nhà thơ trẻ si tình viết tặng cho những câu thơ ngọt ngào thế này:

Anh gọi tên em là gì?

Khi môi em chạm vào môi anh

Tâm hồn ta tan vào nhau trong nụ hôn nồng cháy

Thế giới dẫu bao la cũng biến đi hết thảy

Hạnh phúc vĩnh hằng tràn ngập hồn anh

Anh gọi tên em là gì?”

(Anh gọi tên em là gì - 1848)

Nhưng hình như nhà thơ cũng linh cảm được cuộc hôn nhân của mình với nàng sẽ không bền lâu và trái tim nàng sẽ theo tình mới khi ông mất sớm. Bài thơ “Cuối tháng chín” ông viết trong tuần trăng mật với người vợ mới đã nói lên linh cảm ấy:

“Nói đi em nếu tôi lỡ qua đời

Em có khóc có buồn không em hỡi

Có người mới nào em yêu đến nỗi

Bỏ tên tôi cho tình mới bắt đầu”

(Cuối tháng chín – 1847)

Sự thực đã diễn ra giống như nhà thơ tiên đoán: Chỉ ít lâu sau khi Petőfi qua đời, vợ ông đã tái giá với người khác, không quan tâm đến những chê cười của người đời.

Nhắc đến thơ về tình yêu, chúng ta nhớ đến chuỗi bài thơ khóc người tình 15 tuổi Csapó Etelke của chàng thi sĩ 22 tuổi Petőfi Sándor viết đầu năm 1845. Hai người gặp nhau có 12 ngày, chỉ mới tơ tưởng về nhau thì đã phải chia tay mãi mãi. Nỗi đau tột cùng của trái tim thi sĩ đang yêu đã kết thành chùm thơ 34 bài khóc cho người yêu và cuộc tình bạc phận.

Những câu thơ xé lòng:

“Mộ của em sâu thẳm dưới đất dày

Hố sâu đó với tim anh là địa ngục”

(Nếu em không đến khi anh thức - 1845)

Hay ý muốn quyên sinh:

“Hãy rũ bỏ đi cuộc sống ở trần gian

Lên trên đó, Eltelke đang đợi"

(Ở trên kia một vì sao chói rọi – 1845)

Vì sống ở trên đời có còn gì là ý nghĩa khi mà:

“Trí tưởng tượng của anh đã từng có em là đôi cánh

Em gẫy đi rồi: giờ anh chẳng thể bay

Em đã từng là nóng bỏng máu tim này

Em cứng lạnh: anh bây giờ buốt giá.”

(Em là bông hoa duy nhất của anh – 1845)

May cho nhà thơ và tất cả chúng ta, bởi có “Thời gian là thầy thuốc tuyệt vời” (1845) để nhà thơ trẻ của chúng ta vượt qua nỗi đau tình ái đó. Sự nghiệp thơ của Petőfi mới bắt đầu, phần lớn các tác phẩm của ông ra đời sau đó.

Một phần không nhỏ trong kho tàng đồ sộ của thơ Petőfi là các bài thơ về thiên nhiên và con người. Dưới ngòi bút mẫn cảm của ông, bốn mùa hiện ra thật đẹp.

Cứ mỗi năm “Mùa thu lại đến…” trong thơ ông thơ mộng thế này:

“Ngồi đây hỡi em yêu

Lặng yên trời thu vắng

Tiếng đàn tôi sâu lắng

Bay theo cơn gió chiều

Hôn đi em, nhẹ nào

Môi kề môi ngây ngất

Khéo để đừng tỉnh giấc

Đất trời đang ngủ say”

(Mùa thu lại đến – 1848)

mặc dù:

“Trời mùa thu như cô gái được chiều

Ngúng nguẩy đong đưa sáng rồi chợt tối

Mới vui đây mà lệ rơi ướt gối

Mắt chưa khô lại đã mỉm cười.”

(Chớm thu – 1847)

Mùa Xuân trong thơ ông là “sân khấu muôn màu của mẹ Thiên nhiên”:

“Ra ngoài kia, nhìn mùa xuân đến

Nhìn sân khấu muôn màu của mẹ Thiên nhiên!

Ai yêu opera nơi nhà hát hàng đêm

Sẽ nghe thấy ngoài kia bản nhạc mình yêu mến.”

(Ra ngoài kia, nhìn mùa xuân đến - 1845)

Sẽ là thiếu sót khi chúng ta chỉ biết về Petőfi như một đại thi hào, một nhà cách mạng, nhìn ông như một người của công chúng.  Chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một Petőfi đời thường, có gia đình, bố mẹ, vợ con.

Có lẽ khi ông viết về bố mẹ, gia đình là những khi ta thấy con người bình thường của ông rõ nhất. Cha ông làm nghề mổ thịt, mẹ làm nghề thợ giặt, không ai theo nghiệp văn chương. Bố ông không coi trọng việc ông theo nghiệp văn chương, thậm chí ngăn cản:

„Ông coi thường thành quả

Có con trai nhà thơ

Vô ích mất thời giờ

Những cái trò thơ phú”

(Một tối thăm nhà - 1844)

Thế cho nên những năm đầu rời gia đình đeo đuổi chí hướng riêng, ông phải giấu cha giấu mẹ về những khó khăn của mình:

“Nhắn hộ tôi, Người đừng khóc vì tôi

Con trai mẹ, Trời thương cho may mắn - -

Nếu mẹ biết tôi đang cơ cực lắm

Trái tim Người tan vỡ mất vì tôi!”

(Xa nhà - 1843)

Vậy nên ta thật xúc động, đồng cảm với nhà thơ khi lâu mới về nhà, được mẹ hỏi han:

“Mẹ đi từ trong bếp

Ra hỏi liền trăm câu

Tôi trả lời liên tiếp

Viết được gì nữa đâu

Một khi đã bắt đầu

Biết khi nào kết thúc

Nhưng mà tôi hạnh phúc

Được mẹ già hỏi thăm.”

(Một tối thăm nhà – 1844)

Với hơn năm mươi bài thơ chọn lọc trong tuyển tập này, chúng tôi hy vọng độc giả sẽ cảm nhận được một Petőfi Sándor với những trăn trở vì Tổ quốc, vì dân tộc, một thi sĩ anh hùng nói lên tiếng nói của thời đại, của nhân dân, một tâm hồn thơ lãng mạn tràn đầy tình yêu lứa đôi, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên đất nước, nhưng cũng rất dung dị gần gũi, đời thường.

Petőfi Sándor, ánh sao băng chói rọi đến trần gian 200 năm trước. Ánh sáng thi ca của ông bừng lên ngắn ngủi nhưng còn in dấu mãi đến bây giờ để chúng ta cảm nhận và chiêm ngưỡng.

Budapest, 10/5/2023

Tuyển chọn và dịch

Phan Anh Sơn

No comments:

Post a Comment