Wednesday, June 26, 2024

Sống cân bằng: Hãy biết mình

Học cách “Hãy biết mình” của người Khắc kỷ

Sự khôn ngoan của người Khắc kỷ nằm ở chỗ biết phân biệt cái tốt và xấu, biết được điều gì nằm trong tầm kiểm soát và điều gì không kiểm soát được. Câu nói của Delphic Oracle xứ Apollo đã tạo cảm hứng cho Socrates – “Hãy biết mình” – được người Khắc kỷ diễn dịch thành một huấn thị để liên tục giám sát và kiểm tra tâm trí mình. 

Chúng ta thật sự “biết mình” khi có thể tách biệt giữa cái duy nhất thuộc về con người với những cái ngoại tại hay là điểm chung với các loài vật khác. Biết mình có nghĩa là phân biệt được những điều nằm trong tầm kiểm soát và những điều ta không kiểm soát được. 

Theo người Khắc kỷ, ngẫm nghĩ và hiểu được sự tồn tại của bản thân là một nỗ lực liên tục, đòi hỏi một hình thức “chánh niệm”. Chánh niệm là một khái niệm thường liên quan tới thiền trong Phật giáo nhưng cũng bắt nguồn từ triết học Hy – La cổ. Cũng như sự suy ngẫm mang tính triết học về chính bản chất sự tồn tại của con người, chánh niệm về sự phân biệt giữa cái trong khả năng và cái nằm ngoài khả năng của mình là một trong những phương thuốc chính chữa trị sự đau đớn cảm xúc. Điều này được thể hiện rất súc tích trong “Lời nguyện an tĩnh”, một thể thức nổi tiếng đầu thế kỷ 20, được Alcoholics Anonymous và nhiều nhà trị liệu hiện đại khác sử dụng: Lạy Chúa, xin ban cho con an tĩnh để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, Can đảm để thay đổi những điều con có thể, và Khôn ngoan để biết sự khác biệt.

Điều này thường được diễn giải đơn giản nghĩa là chúng ta nên phân biệt giữa các tình huống và khía cạnh của thế giới bên ngoài mà chúng ta có thể thay đổi với những điều chúng ta không thể thay đổi. Tuy nhiên, đối với người Khắc kỷ, sự khôn ngoan nằm ở chỗ biết được điều duy nhất ta có thể hoàn toàn kiểm soát là những ý muốn của chúng ta, hay sự phán xét và hành động tự nguyện của ta.

Chrysippus có vẻ là người Khắc kỷ đầu tiên nói rõ rằng mục tiêu của cuộc đời cần được hiểu là một nhiệm vụ hai phần: “vừa sống theo bản chất của chính mình, vừa sống thuận theo Tự nhiên toàn thể” .

Nguyên Phong

No comments:

Post a Comment