Tuesday, June 25, 2024

Đọc sách với mục đích kiến tạo

Đọc thế nào và đọc gì? 

     1. Nếu trẻ ham mê đọc sách thì đã là một điều rất quý. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay,  điều đó dường như đang trở nên hiếm, do trẻ có quá nhiều phương tiện giải trí. Và điều quan trọng hơn hết các bậc cha mẹ không có sự ham mê và trân quý đối với sách vở. Bố mẹ rất khó bảo con đọc sách. nếu chỉ kêu gào mà bản thân mình chưa đọc như một văn hóa hay một phong cách sống. 

    2. Tuy vậy, ngày nay sách ngày nay rất sẵn, nếu không biết cách đọc và nhất là không biết lựa chọn sách, trẻ có thể ham mê đọc sách nhưng chưa chắc đã có lợi cho nhân cách và trí lực. Chúng ta dễ dàng thấy, hai người cùng đọc một cuốn sách nhưng hiểu biết có thể khác nhau một trời một vực. Đọc là một chuyện, nhưng đọc như thế nào để hiểu, để nhớ và để biết là một vấn đề khác. 

    3. Tại buổi nói chuyện của tôi tại Cà phê Thứ Bảy tuần trước về "Đọc-Xem-Nghe và khai mở tài năng sáng tạo của Trẻ", có hai ý kiến của hai bà mẹ trẻ về việc đọc của con. Một con say mê đọc, nhưng ngày càng xa rời cuộc sống thực, đắm mình trong thế giới mộng mơ và dường như tư duy và quan niệm về cái đẹp, cái đúng có vẻ khác thường. Một con khác lại không biết lựa chọn đọc gì. Rõ ràng hướng dẫn đọc sách cho cả người lớn và trẻ em vô cùng quan trọng. Người ta vẫn nhầm lẫn hướng dẫn và áp đặt theo cách cổ điển. Ngày nay trẻ có thể, có quyền và nên được lựa chọn, nhưng hướng dẫn vô cùng quan trọng. 

     4. Hai nhà giáo dục nhận thức bậc thầy và là thần tượng của tôi là Jean Piaget và Lev Vygotsky đều chủ trương để trẻ tự phát triển và chủ trương giáo dục kiến tạo. Nhưng Vygotsky nhấn mạnh vai trò của tương tác xã hội, sử dụng ngôn ngữ và việc hướng dẫn thông qua những vùng phát triển gần. Người hướng dẫn không nhất thiết luôn luôn phải là thầy theo nghĩa truyền thống mà có thể là các bậc "huynh trưởng". Vì vậy, vai trò của các câu lạc bộ đọc, các khóa hướng dẫn đọc và văn hóa đọc gia đình vô cùng quan trọng. 

     5. Tôi thấy gần đây các nhà giới thiệu sách, có xu hướng nhờ các doanh nhân cổ vũ văn hóa đọc bằng các lý do có phần lý trí tính toán: đọc để thành công trong kinh doanh, đoc để thành đạt, đọc để lãnh đạo và cổ động đọc chủ yếu là sách phi hư cấu, các bài học mưu mẹo quản lý người, tạo lợi thế cạnh tranh, tri thức mì ăn liền hoặc ngược lại tìm hiểu về tôn giáo, cận tử nghiệm và những thứ huyền hoặc giật gân khác. Để có sự đam mê lành mạnh và thực sự với sách, tri thức, văn hóa và mĩ cảm, tôi nghĩ cần coi đọc là một phong cách sống. Đơn thuần người ta có thể chọn sống sạch sẽ thơm tho, hay bẩn thỉu hôi hám. Vệ sinh, văn minh là vấn đề sau, vì chưa chắc đã có thể chứng minh được người sống sạch sẽ luôn khỏe mạnh hơn. Đọc trước hết phải là một nhu cầu tự thân tới tri thức, tới mĩ cảm như không phải vì mục đích cạnh tranh, tìm hiểu bí quyết gì đó hơn người, kể cả cách làm già,  cách tu thành Phật hay để giải trí. 

       6. Khi đã là một phong cách sống, đọc sẽ là một phẩm hạnh của một con người và điều đó sẽ tạo nên chính con người bạn. Và điều đó sẽ không thể tách khỏi vệc đọc thế nào và đọc gì. Vì đó mới thực sự là văn hóa. Nếu hai người cùng đọc một cuốn sách và có những nhận thức khác nhau, không thể chỉ dẫn các nguyên tắc để một sớm một chiều để học nhận thức có chất lượng ngang nhau, chưa kể không thể, không cần thiết và không nên để các nhận thức giống hệt nhau. Văn hóa tức là các giá trị được lắng đọng nhờ quá trình sống, nó có ký ức và vì thế gìn giữ cả một quá trình lâu dài trong các giá trị đó mà không dễ dầu gì có được. Muốn hình thành các giá trị như thế chúng ta phải vun đắp dần dần, tốt nhất là từ khi còn trẻ, nhưng không bao giờ muộn cả.

     7. Trước hết là mĩ cảm hay gọi chính xác hơn là gout, bởi vì có lẽ mĩ cảm không chuyển tải hết ý nghĩa của nó. Kỹ năng, tri thức thậm chí tư duy có thể luyện tập trong một thời gian ngắn, nhưng mĩ cảm cần phải có quá trình. Tôi có những người bạn rất thông minh, uyên bác, thậm chí đàn hay, hát ngọt, nhưng mĩ cảm rất có vấn đề. Những người nói rằng mĩ cảm là quyền lựa chọn của con người và không thể phán xét. Nói như vậy chỉ đúng một phần và tức là chưa hiểu về mĩ cảm. Nếu vẫn còn thích hò vè, nhạc sến hay nhạc tếu hơn thơ buồn và nhạc cổ điển, thì không thể nói tới một mĩ cảm lành mạnh. Thị hiếu đám đông không thể thay thế mĩ cảm và không thể tạo ra cảm xúc cao quý, tiền đề của tài năng. Nhìn một bức tranh mùa thu vàng, người ta có thể liên tưởng tới thơ Lưu Trọng Lư, tranh Levitan hay nhớ tới "khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thuận lợi cho nông nghiệp" là hai xúc cảm không thể đồng đẳng. 

     8. Đọc đúng ra là một nghệ thuật bởi nó có các kỹ thuật, nhưng gắn liền với tưởng tượng, cảm xúc. Ở một mức độ nào đó trở lên, việc rèn luyện tâm thức khi đọc cũng tinh tế như Thiền. Kỹ thuật thăng hoa cùng cảm xúc chính là nghệ thuật. Nếu khi đọc các cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng được tạo ra trong tâm hồn bạn, một Harry Potter hiện lên rõ ràng, và sẽ chạy nhảy hành động theo con chữ. Tưởng đơn giản nhưng rất khó, nhiều người kể cả người lớn, đọc xong không có một hình dung gì trong đầu. Đa số chỉ có thể đọc sách phi hư cấu, chăm chăm tìm một bài học mì ăn liền để làm bí quyết tranh đấu với đời.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment