Saturday, June 8, 2024

Cuộc sống gấp rút

Chúng ta đã vô thức tồn tại trong trạng thái gấp rút suốt một thời gian dài (gấp rút biết chữ, gấp rút vào lớp 1, gấp rút tốt nghiệp cấp 3, gấp rút thi vào đại học, gấp rút ra trường, gấp rút theo đuổi sự nghiệp, gấp rút ổn định cuộc sống, gấp rút có mọi đáp án cho cuộc đời…) và gần như luôn có cảm giác phải hướng về tương lai và nghĩ trước cho những điều chưa xảy ra, mà hiếm khi thực sự đặt sự tập trung vào hiện tại để biết ơn và phản ánh bản thân:

Mình đang theo đuổi thứ gì? 

Vì sao mình lại theo đuổi nó? 

Vì sao mình lại muốn nó đến như vậy?

Thời nay, những thứ từ từ đến và từ từ lớn lên ngày càng ít. Cái gì cũng tới càng lúc càng nhanh, nếu không nhanh sẽ bỏ lỡ hay sẽ trở thành kẻ thất bại. Đến những chú lợn con hay một khúm rau vườn nhà cũng phải được kích để lớn cấp tốc suốt bốn mùa, để không trở thành “kẻ chậm chân” trên những chuyến xe chở hàng ra chợ hay “thua cuộc” trên thị trường mua bán. 

Nhịp sống khiến con người ta lo âu, hối hả, mất phương hướng, thậm chí quên đi cuộc sống của bản thân. Vì sao chúng ta muốn mọi thứ phải thật nhanh? Có phải vì chúng ta cảm thấy tự ti, mặc cảm và bất an? Có phải vì chúng ta muốn mọi người nghĩ mình “đã làm được”, nếu không lòng tự tôn của chúng ta sẽ bị đe dọa? 

Tất cả những hành động ấy đều có thể xuất phát từ tư duy khan hiếm – là một loại cảm giác “không đủ” bao trùm lấy cậu, dù đó là về thời gian, của cải hay sự kết nối. Rằng tài nguyên và cơ hội trong cuộc sống là hạn hẹp và phải cạnh tranh khốc liệt mới có được thứ mình muốn. Rằng cậu nhất định phải có hoặc làm được điều gì đó vào “thời điểm này”, nếu không thì… nếu không thì chẳng là gì nữa. 

Trong khi, nếu chuyển đổi góc nhìn và biết rằng thế giới này thực ra có đủ tài nguyên, cơ hội và sự sáng tạo cho tất cả mọi người – tức tư duy thịnh vượng, cậu sẽ giải phóng bản thân khỏi nỗi bất an thường trực và sự tự nghi hoặc để bình tĩnh nhìn ra lý do hay động cơ đúng đắn và có ý nghĩa cho những lựa chọn của mình. 

Hơn nữa, đừng chạy đuổi với thời gian, vì chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ thắng. Hãy sống cùng nó, hiểu nó và tìm cách hợp lý và hiệu quả để khiến nó phục vụ cho mình, theo cách của mình. 

Khi hiểu được những điều trên, cậu sẽ nhận ra nếu cậu không làm được việc này trong độ tuổi 20, cậu có thể làm nó trong độ tuổi 30, 40, 50 hay thậm chí là sau đó nữa. Chỉ cần chủ động tận tâm và từ tốn chăm sóc động cơ đó của mình, dù là “sớm” hay “muộn” cậu cũng sẽ đến được nơi mà cậu cần đến. 

Nhưng, chúng ta không đến đây để lo âu và chạy tốc lực về tương lai, vì tương lai chỉ là ảo ảnh được tạo ra từ cái tôi của con người nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm soát. Chúng ta đến đây để khiêu vũ trên sân khấu cuộc sống, từng nhịp từng nhịp ngay tại đây, vào lúc này. Và trong quá trình khiêu vũ, cậu cũng sẽ chỉ tập trung lắng nghe giai điệu và cảm nhận những bước nhảy, đồng thời tìm ra và phát huy phong cách riêng của bản thân, mà không hoang mang, lo sợ hay có cảm giác ganh đua, không phải cố để chạm tới chỗ này trong căn phòng rồi dịch chuyển sang chỗ khác. 

Chúng ta thường sợ mình sẽ lỡ nhịp của cuộc sống, mà quên mất rằng nhịp của cuộc sống không quan trọng bằng nhịp của bản thân. 

Hy vọng cậu có thể tìm thấy cho mình bản nhạc và vũ điệu khiến thời gian như không còn tồn tại. 

TnBS FC (Nguồn: Internet)

No comments:

Post a Comment