Monday, December 1, 2014

Kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội

   Kiến trúc thuộc địa (L'architecture coloniale/ Colonial architecture) của thực dân Pháp gồm những công trình xây dựng ở vùng Đông Dương, Nam Á và Bắc Mỹ. Những công trình thuộc loại này đều mang đặc tính chung trên khắp thế giới, đó là sự pha trộn chủ yếu từ mẫu kiến trúc của nước mẹ với những đặc điểm của kiến trúc bản địa để tạo thành những "đứa con lai" ở những xứ sở xa xăm.
   Những công trình của người Pháp ở Hà Nội là một “Di sản kiến trúc” vô cùng giá trị, đặc biệt là các giá trị về mặt thẩm mỹ. Nhiều công trình từ khi xây dựng tới nay vẫn giữ được vị trí quan trọng vì đã góp phần tạo nên một diện mạo kiến trúc đặc trưng của thủ đô.

Sau khi bình định về cơ bản khu vực Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất từ năm 1888 đến năm 1920. Trong thời kỳ này, người Pháp tập trung xây dựng mở rộng Hà Nội nhằm biến nơi đây không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế của xứ Bắc kỳ thuộc Pháp mà còn là thủ đô của toàn liên bang Đông Dương. Họ đã để lại những phong cách kiến trúc mà ngày nay các kiến trúc sư đương đại vẫn say mê tìm tòi. Có thể tổng hợp 5 phong cách kiến trúc tiêu biểu như sau: phong cách kiến trúc tiền thực dân, phong cách kiến trúc Tân cổ điển, phong cách kiến trúc địa phương Pháp, phong cách kiến trúc Art Deco, phong cách kiến trúc Đông Dương. 

Phong cách kiến trúc Tiền thực dân 

Phong cách kiến trúc Tiền thực dân là một phong cách hình thành từ thời kỳ trước khi Pháp bình định được miền Bắc Việt Nam và thịnh hành tới cuối thế kỷ 19. Phong cách này thể hiện một xu hướng tìm tòi một phương pháp xây dựng các ngôi nhà phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam ở giai đoạn sơ khởi. Với một số đặc điểm:

Hành lang bao quanh rộng, cầu thang được bố trí ra đầu hồi.

  • Cửa sổ 2 lớp Kính – Chớp.
  • Mặt bằng hình khối đơn giản.
  • Mái ngói, sử dụng vật liệu địa phương.

Phong cách được thể hiện rõ nét trên các toà nhà công cộng và một số ít biệt thự được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 ở Hà Nội, mặc dù giá trị thẩm mỹ chưa ở mức cao nhưng cũng đạt được những thành công nhất định và đặc biệt có giá trị về mặt lịch sử.

                                Trại lính

Phong cách kiến trúc Tân cổ điển 

Trong giai đoạn đầu kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam, phần lớn các công trình công cộng lớn ở Hà Nội đều theo phong cách Tân cổ điển, tạo ra những công trình mang tính hoành tráng, kỳ vĩ có khả năng biểu đạt sức mạnh về mặt chính trị, kinh tế của một đô thị, một quốc gia. Một phong cách mong muốn phục hồi các giá trị kiến trúc Cổ điển cùng những biến thái sau này như Phục Hưng, Baroque hay chủ nghĩa Cổ điển Pháp.

Với các đặc trưng về bố cục không gian - hình khối và tính chất trang trí mang đậm tinh thần cổ điển, các công trình kiến trúc công cộng phong cách Tân cổ điển xây dựng trước năm 1945 là một phần quan trọng hàng đầu trong di sản kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội, có giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về mặt lịch sử - văn hoá.

Mặt bằng theo kiểu Palladio thời phục hưng.
Mặt đứng tuân thủ tính đối xứng nghiêm ngặt, và nguyên tắc tổ chức mặt đứng Đặc–Rỗng.
Tổ hợp các thức cột nghiêm ngặt, sử dụng nhiều họa tiết trang trí.
Khối đặc vững chắc: gồm tầng hầm và tầng 1.

Dinh Toàn quyền Đông Dương/Palais du gouvernement général (Phủ Chủ tịch)

Dinh thống sứ Bắc kỳ/Bắc bộ Phủ/Hôtel de la résidence supérieure du Tonkin (Nhà khách chính phủ)

Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp

Trong thời kỳ tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương, rất nhiều người Pháp mang theo cả gia đình sang Hà Nội làm ăn, sinh sống. Nhu cầu học hành cho con em của họ dẫn tới việc xây dựng một loạt trường học với phong cách địa phương Pháp.
Kiến trúc các công trình công cộng phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu được thể hiện ở thể loại công trình trường học.
Kiến trúc trường học phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu ảnh hướng bởi kiến trúc miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp với hệ thống các họa tiết trang trí trên mặt đứng có sự kết hợp với kiến trúc miền Trung nước Pháp chủ yếu thông qua bộ mái.
Phong cách này chia làm 2 nhóm: Nhóm các trường dành cho học sinh người Pháp như Grand Lyceé, Petit Lyceé, trường Nữ học Pháp mang tính hợp khối cao, nhà học chính đồ sộ và được cấu tạo đầy đủ các bộ phận như chính sảnh, các phòng nghỉ giáo viên… Nhóm các trường dành cho học sinh người Việt như trường Bưởi, trường Đỗ Hữu Vị, trường Henri Russier được thiết kế theo kiểu phân tán với các khối nhà học và các thí nghiệm được thiết kế tương đối đơn giản, công năng không đầy đủ, nhưng lại được xây dựng trong những khuôn viên cây xanh rộng nên tạo ra được những tổng thể trường học mang tính “sư phạm” hơn.

                        Trường Lycée Albert Saraut  (Ban Đối ngoại trung ương Đảng) 

Phong cách kiến trúc Art Deco

Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của người Pháp được tiến hành tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp cùng một số doanh nghiệp nhỏ của người Hoa, người Việt đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch, nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội. Số lượng người Pháp tới đây làm việc ngày càng nhiều nên một số trường học, bệnh viện, công trình dịch vụ cũng được xây thêm.

Trong những năm 1920 – 1945, rất nhiều công trình công cộng lớn theo phong cách Art Deco được xây dựng ở Hà Nội: nhà in IDEO, trụ sở công ty AVIAT, trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản (Crédit Foncier), chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, trụ sở Phòng Thương mại (Chambre du Commerce),  nhà thương René Robin, nhà hàng Godard....

Trào lưu của Art Deco xuất hiện ban đầu như một phản ứng chống lại những gì bị coi là “yếu mềm”, “nhu nhược” của Art Nouveau xuất hiện trước đó ở Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức… Những gì mà Art Deo thể hiện là sự hướng tới nhữg tuyến hình đơn giản, những khối hình học kinh điển trong bố cục không gian, lấy cảm hứng từ hội hoạ lập thể và chủ nghĩa kết cấu trong kiến trúc. Art Deco cũng chủ trương biểu hiện một nghệ thuật của thời đại cơ khí với những trang trí điêu khắc, sử dụng các vật liệu hiện đại như kim loại, kính. Những băng cửa rộng chạy theo chiều ngang hay chiều dọc trên mặt đứng chính là biểu hiện của công nghệ xây dựng mới bằng bê tông cốt thép đang thịnh hành lúc bấy giờ.

Về tổ hợp hình khối không gian thì biệt thự Art Deco ở Hà Nội thường sử dụng các khối hình vuông hoặc chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với các khối hình bán nguyệt hoặc đa giác là nơi bố trí các không gian phụ như  lồng cầu thang, ban công… Cấu trúc phi đăng đối cùng việc các khối được bố trí ở độ cao khác nhau tạo ra những hình khối kiến trúc năng động và ngập tràn sinh lực đối lập với vẻ đăng đối khô cứng của các biệt thự Tân cổ điển thời kỳ trước đó.
Phần mái bằng được cấu tạo đặc biệt dể phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam cùng là những đặc trưng quan trọng của biệt thự Art Deco ở Hà Nội. Mái được cấu tạo bởi hai lớp bê tông cốt thép đổ tại chỗ cách nhau khoảng 0,4 đến 0,6 m, giữa hai lớp này là các lỗ thoáng được đặt ở hai phía đối diện hoặc ở cả 4 phía của ngôi nhà, bên ngoài được trang trí bằng cả chất liệu và màu sắc rất thú vị. Lần đầu tiên khái niệm sân thượng được đưa vào kiến trúc nhà ở Việt Nam. Sân thượng cho phép người ở có những hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên vào buổi sáng và buổi tối ngay tại nhà mình, một điểm rất đáng lưu ý trong cuộc sống đô thị.

Phong cách kiến trúc Đông Dương

Từ sau 1920, Phong cách kiến trúc Tân cổ điển mất dần vị trí độc tôn: Một mặt là sự xâm nhập của trào lưu kiến trúc hiện đại Pháp vào Việt Nam, mặt khác là sự xuất hiện của những xu hướng tìm tòi, kết hợp khai thác kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự hình thành một phong cách mới, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hoá Pháp với truyền thống văn hoá và kiến trúc bản địa là xu hướng tất yếu. Bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng thấy được sự áp đặt những giá trị văn hoá từ chính quốc vào một đất nước cũng vốn có truyền thống văn hoá lâu đời là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, sau một thời gian khai thác các công trình mang phong cách thuần tuý châu Âu cho thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam.

Điều đáng chú ý nhất ở những ngôi nhà này là cách xử lý bộ mái theo hình thức dân tộc. Bộ mái của ngôi nhà gồm mái chính, mái che hàng hiên phía trước, mái tiền sảnh và mái che các cửa sổ phía sau nhà. Các mái đều có bộ vươn ra khá lớn so với mặt nhà nên có khả năng che nắng và chống mưa hắt rất tốt. Mái được đỡ bởi các con sơn gỗ, các góc mái uốn cong lên phía trên tạo thành đầu dao theo hình thức mái thuần Việt. Các góc mái và đầu nóc đều được trang trí bằng các gờ chữ triện, mái nhỏ che ống khói cũng được xử lý phù hợp đường nét của mái chính.

                                Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử) 

Các biệt thự này đều tập trung ở bộ mái ngói nhiều lớp. Các góc mái ở một số biệt thự được uốn cong kết thúc bởi đầu dao, các góc mái và đầu nóc được trang trí bởi các gờ chữ triện gần giống với phong cách Kruze “tiền kỳ” thế hiện ở các biệt thự và nhà ở do ông thiết kế trên các phố Lý Nam Đế, Trần Phú, Ngọc Hà. Ở số một số biệt thự khác mang tính cách điệu nhiều hơn, các góc mái không còn uốn cong nữa mà chỉ còn các gờ mái trang trí được uốn cong ít nhiều. Hầu hết các hồi mái đều được trang trí bằng những hình đắp nổi lấy cảm hứng từ các hình tượng nghệ thuật Phương Đông, cùng với những hình thức trang trí trên tường, con sơn đỡ mái, cửa vòm bán nguyệt, lan can ban công … cho chúng ta ấn tượng rõ rệt về một hình thức biệt thự Việt Nam.

(Nội dung và hình ảnh từ bài "Kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc tại Hà Nội" của kiến trúc sư Nguyễn Văn Kiên, có chỉnh sửa)

No comments:

Post a Comment