Thursday, December 4, 2014

Người Việt: Lý Công Uẩn

   Vua Lý Thái Tổ tên Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Lúc nhỏ vua thông minh đĩnh ngộ, lớn lên càng khẳng khái, có đức độ và chí khí hơn người. Năm 31 tuổi được vua Lê Trung Tông Long Việt bổ làm quan trong đội cấm quân. Sang thời Long Đỉnh được phong tứ sương quân phó chỉ huy sứ. Long Đỉnh chết, quần thần tôn phò lên ngôi, khai sáng cơ nghiệp nhà Lý.
   Việc làm đầu tiên của Lý Thái Tổ là thi hành chính sách rộng rãi, bãi bỏ những phép tắc luật lệ hà khắc bạo ngược của tiền triều, miễn giảm các loại tô thuế 3 năm để nuôi dưỡng sức dân, ban thưởng ân trạch gắn kết lòng người và quan trọng hơn hết là định đô đặt đỉnh làm kế ngàn năm.
   Trong 1 lần về thăm quê hương Cổ Pháp, vua thấy thành Đại La đất đai ngàn dặm, bằng phẳng phì nhiêu, trăm họ giàu có, giao thông thủy bộ thuận tiện, là trung tâm của 4 hướng đi về. Địa hình vừa mạnh vừa hiểm, có núi Tản Viên làm lũy, có sông Phú Lương (sông Hồng) làm hào, đáng là chỗ ở của bậc đế vương. Trong khi đó thành Hoa Lư ở nơi hẻo lánh, đất đai chật hẹp ẩm thấp, hay bị lụt lội mất mùa, nhân dân cơ khổ, không đáng làm chốn đế đô. Vua bèn có ý dời về thành Đại La.
   Dời đô là việc hệ trọng có ảnh hưởng đến quốc gia đại sự nên vua xuống chiếu dời đô hỏi ý kiến quần thần. Chiếu viết:
   "Ngày xưa, nhà Thương đến Bàn Canh dời đô năm lần, nhà Chu đến Thành vương ba lần dời đô, phải đâu các vua đời Tam đại [1] ấy theo ý riêng mình mà tự tiện dời đô. Chỉ vì muốn đóng ở nơi trung tâm để mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu mai sau. Trên kính mệnh trời, dưới thể theo lòng dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi. Bởi thế vận nước được dài lâu, nhân dân được phồn thịnh. Thế mà nhà Đinh, nhà Lê lại theo ý riêng mình, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thương, nhà Chu, ở yên nơi ấp đó đến nỗi triều đại không được lâu bền, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật tiêu điều, trẫm rất đau xót, không thể không dời đi nơi khác. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương [2] ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng lượn hổ chầu, đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi, đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng mát, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phồn thịnh. Xem khắp nước Việt chỗ ấy tốt hơn cả. Thực là nơi tụ hội của bốn phương, là nơi kinh sư tốt nhất của muôn đời. Trẫm muốn nhân nơi tiện lợi ấy mà định nơi ở, các khanh xem được hay chăng hãy cho trẫm rõ".
   Quần thần đều tâu: "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu để trên lo cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế ai không dám theo".
   Được quần thần hưởng ứng, vào tháng 7 mùa thu Canh Tuất (1010) vua dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Khi thuyền vua đến chân thành, vua thấy một con rồng từ trong thành bay lên mây, nhân đó đổi tên Đại La ra thành Thăng Long (rồng bay lên). Về kinh đô mới, vua cho xây dựng thêm nhiều cung điện làm nơi ăn chốn ở và làm việc của vua, bá quan và hậu phi cung tần. Vua còn cho xây dựng kho tàng, tu bổ hào lũy và nhiều công trình khác, lại mở rộng 4 cửa thành cho dân chúng ra vào làm ăn buôn bán thuận tiện dễ dàng.
   Việc dời đô của Lý Thái Tổ cho thấy vua là người sáng suốt, mưu lược anh hùng, có tầm nhìn xuyên thế kỷ, vượt núi sông, không chỉ cho 1 vương triều mà còn cho cả đất nước. Nếu Ngô Quyền là người khởi đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc ta thì Lý Thái Tổ là người mở ra thời đại hoàng kim của đất nước. Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn: "Hình thể nước Việt thật không nơi nào được hơn nơi này. Cho nên nhà Đinh nhà Lê bỏ đất đó mà ở Hoa Lư, sau đó nhà Hồ cũng bỏ đất đó vào An Tôn (Thanh Hóa) thì đời làm vua ngắn ngủi, thân bị bắt, nước bị mất là vì không được địa lợi đấy. Lý Thái Tổ lên ngôi chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng thực những vua tầm thường không thể theo kịp. Cho nên truyền ngôi trên 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh dân giàu có thể gọi là đời rất thịnh trị".


   Thăng Long là nơi đi dễ khó về, là vùng "tử địa" của đám quan quân nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh xâm lược nước ta và gần đây là thực dân Pháp và Mỹ cũng phải chịu thua ngay trên bầu trời Thăng Long với trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Vậy mà, đầu thế kỷ 19, vua Gia Long lại từ bỏ thành Thăng Long, cho xây dựng kinh đô mới ở Huế. Không biết có phải vì "không được địa lợi" hay không mà họ Nguyễn chỉ truyền được 4 đời vua thì nước ta bị mất vào tay thực dân Pháp!

(lược trích từ bài "Đất Thăng Long "địa linh nhân kiệt" của Trương Hoàng Minh, KTNN No.710, 2010)

1 comment: