Thursday, December 18, 2014

Tuổi già

Già là một chuyển biến sinh học nhưng trước hết là một vấn đề văn hóa.

Có nền văn hóa, ở đó người ta ham già, mong chóng già; có nền văn hóa người ta sợ già, trốn già. Đông phương ngày trước, với truyền thống văn minh lúa nước: "kính lão đắc thọ", "già làng", "lão làng", người ta thích già sớm, thích sắm vai ... già; ở phương Tây tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, nên người ta che giấu tuổi già, thích sắm vai trẻ. Cái gì quá mức cũng thành lố bịch. Chưa già mà thành "ông cụ non" đã khó coi, quá già mà muốn "cưa sừng làm nghé" càng khó chấp nhận. Tiếng Việt ta rất hay, có đủ loại từ dùng để chỉ người già cả: già khú, già dê, già dịch, già mất nết...!
... mạch máu như cái ống dẫn cao su, càng lâu càng khô cứng, không còn dẻo dai như lúc mới. Càng lớn tuổi, nó càng căng dòn, huyết áp tăng dần nên lại càng dễ vỡ. Thủy tinh thể ở mắt như 1 cái ống kính thu hình, tự co giãn để điều tiết tầm nhìn, khi có tuổi, độ co dãn không còn linh hoạt nữa, đơ cứng và vì thế phải mang "kính lão"...
   Phim ảnh, tiểu thuyết , kịch nghệ, chuyện cười bên Tây... hễ có 1 ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn 1 bà già thì như là mụ phù thủy độc ác. Ở ta thì khác. Ông Bụt, ông Tiên trong cổ tích luôn là 1 ông già phúc hậu, nhân từ, bà Tiên thì hiền lành xinh đẹp, hiện ra giúp đỡ mọi người.
   Trong thế giới "toàn cầu hóa" hiện nay thì sự phân biệt già Tây, già Ta không còn rạch ròi như trước. Người ta quan tâm đến chất lượng cuộc sống (quality of life) của người già nhiều hơn. Chất lượng cuộc sống là "những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ" (Tổ chức Sức khỏe Thế giới - WHO).
   Ông Khai Trí cho rằng:
   "Khi người ta 20-30, người ta còn quá trẻ;
    30-40 tuổi, đang trẻ;
    40-50, hãy còn trẻ;
    50-60 trẻ không ngờ;
    60-70 trẻ lạ lùng!
    và trên 70 người ta trẻ mãi không già!..." 
   André Maurois thì khác. Ông nói, có những người mới 20 tuổi mà đã già, trong khi có những người ngoài 80 hãy còn trẻ.
   Thật là một sai lầm khi ta nghĩ rằng tuổi già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi... Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên... đột ngột đảo lộn mọi tính toán. Rèn luyện thể lực để duy trì sức khỏe, dinh dưỡng đúng cách để tránh bệnh mạn tính, người già cũng cần sử dụng vi tính để "giao du" với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng. Họ vừa có thể sống trong gia đình với con cháu, vừa sống với bạn bè tâm đầu ý hợp.
   WHO định nghĩa sức khỏe là: "tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh hoặc tật". Đây là 1 định nghĩa chung cho mọi người, còn với tuổi già có khác một chút: sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tinh thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở chỗ đã đưa vấn đề tinh thần lên hàng đầu: phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về mặt tinh thần (mental), sau đó mới đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi ai cũng biết ở tuổi già, thể chất đã dần rệu rã, quá "date" nên chất lượng cuộc sống phần lớn là ở tinh thần có an lạc, hạnh phúc hay không mà thôi.
   Một bà cụ vốn ở quê gần gũi với những cánh đồng, với dòng sông xanh mát, cá kho tộ, canh chua, bông bí chấm kho quẹt được con cháu - nay là đại gia hiếu thảo - đưa về sống ở thành phố trong phòng gắn máy lạnh, đồ ăn thức uống toàn cao lương mỹ vị... chắc chắn sẽ thiếu thốn hương vị quê nhà và buồn khổ không vui, chỉ mong tìm cách trốn thoát.
   Người già còn khỏe, có thể tự lập được, nhưng con cháu hiếu thảo "lo lắng" chăm sóc quá, đút từng miếng ăn, nâng từng bước đi, bắt khám bệnh liên tục, bắt uống thuốc liên tục... sẽ làm cho người già nhanh chóng kiệt quệ và trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào hoàn cảnh.

(lược trích từ những bài viết về tuổi già của BS Đỗ Hồng Ngọc đăng trên Phụ Nữ Thứ Tư)

No comments:

Post a Comment