Tuesday, December 16, 2014

Vấn đề hiện nay: Hôn nhân thời của chúng ta

Hôm nay, tôi muốn các bạn hãy vui tươi như những bông hoa này và chúc các bạn là những bậc thầy tình yêu trong bài viết dưới đây.

                                                                                   Csodálatos fotók

   Tháng 6 là tháng có nhiều đám cưới nhất ở Mỹ (trung bình mỗi ngày có khoảng 13.000 cặp làm hôn lễ ở nhà thờ). Nhưng hiện nay, rất nhiều cuộc hôn nhân thất bại, không chỉ ở Mỹ mà ở các nước tiên tiến và nhiều nước khác đều xảy ra vấn đề này;  không kết thúc bằng ly hôn thì cũng chia tay trong ngậm ngùi cay đắng, nhiều khi với cả thù hận. Để trả lời cho vấn đề bi kịch này thật không đơn giản. "Nghiên cứu cho thấy trong 10 cặp lấy nhau, chỉ có 3 cặp là tiếp tục sống hạnh phúc và lành mạnh đến đầu bạc răng long dù có lúc cũng xung khắc trong cuộc sống chung" (theo nhà tâm lý học Tashiro, 2014). Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về đổ vỡ hôn nhân từ thập niên 70 sau khi họ phát hiện ra: "hôn nhân đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng với tỉ lệ chia tay đạt đến mức cao chưa từng có". Lo lắng về ảnh hưởng của ly hôn đối với con cái, họ quyết định tìm hiểu dưới góc độ khoa học nguyên nhân từ đâu xảy ra "cớ sự" này.


   Những cặp đôi sống trong những cuộc hôn nhân "khốn khổ" có chung 1 biểu hiện "thích chống lại nhau hoặc luôn sống trong tình trạng chuẩn bị "đường ai nấy đi". Quan hệ của họ không phải là sự hợp nhất mà luôn bị rơi vào thế đối đầu. Việc nói chuyện với nhau hoặc ngồi gần nhau là điều nhiều khi vượt khả năng chịu đựng của họ. Sống "đồng sàng dị mộng" như vậy, họ thậm chí còn như cặp thú dữ chực chờ ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Trong 4 thập niên, nhà tâm lý học Gottman đã nghiên cứu hàng ngàn cặp vợ chồng chỉ để xác định xem những gì đã giúp quan hệ vợ chồng kéo dài. Ông và vợ, cũng là 1 nhà tâm lý học, cả hai đều là chuyên viên nổi tiếng về "ổn định hôn nhân" và họ có viện nghiên cứu riêng. The Gottman Institute chuyên dùng những phát hiện khoa học để giúp các cặp vợ chồng xây dựng và duy trì mối quan hệ lành mạnh, bền vững.
   Từ các dữ liệu, Gottman chia các cặp vợ chồng thành 2 nhóm: nhóm "bậc thầy của tình yêu" và nhóm "thảm họa". Biểu hiện của nhóm "thảm họa" được nhận tháy là: ít nói trong khi phỏng vấn, nhưng tình trạng tâm sinh lý của họ đo bằng điện cực lại "kể một câu chuyện khác". Nhịp tim nhanh khiến dòng máu chảy mạnh, các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ, do đó quan hệ hôn nhân của họ nhanh chóng bị hủy hoại. Và vấn đề của những cặp "thảm họa" là họ luôn sẵn sàng chiến đấu với nhau về nhiều vấn đề hoặc bỏ đi chứ không chịu lắng nghe nhau và không hề bao dung, tôn trọng nhau hoặc tỏ ra tử tế trong mối quan hệ của họ.
   Trái lại, những "bậc thầy tình yêu" không bồn chồn nóng nảy khi bị phỏng vấn. Họ bình tĩnh chia sẻ trong từng câu hỏi một cách ấm áp với sự tử tế. Thậm chí cả với sự xung khắc, họ vẫn tỏ ra trân trọng và không để ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ. Không phải họ là là các "bậc thầy giả vờ tốt hơn mà họ đã tạo được không khí tin tưởng và thân mật một cách chủ động khiến cả hai cùng cảm thấy thoải mái" (Gottman).

   Coi thường là yếu tố số 1 giết chết hôn nhân

   Gottman muốn có được khám phá quan trọng từ nhiều khảo sát/thực nghiệm của ông. Tại sao có những cặp chiếm được trái tim của nhau một cách lâu dài và tại sao có những cặp không làm được như thế. Gottman tiếp tục ghi nhận về cách ứng xử của 2 loại người: loại "chỉ biết đến mình" và loại "chỉ muốn chia sẻ với người khác". Theo đó, ở loại trước tỉ lệ tan vỡ là 67% so với 23% ở loại sau.
   "Những bậc thầy tình yêu có đầy đủ các phẩm chất giúp giữ được tình yêu. Radar tình yêu của họ luôn rà tìm cái tốt, cái tích cực của người kia. Trong khi radar của nhóm thảm họa thích rà tìm những sai lầm. Họ tự đánh giá quá cao và khinh thường người bạn đời" và sự khinh thường "không chỉ đơn thuần là khinh thường người khác mà còn tạo ra một không khí gia đình ngột ngạt đến mức không thể chung sống do có quá nhiều chỉ trích và bực tức vô lý" (Gottman). Sự việc kéo dài dễ đưa đối tượng có cảm giác họ là kẻ "vô dụng, có cũng như không" dù thực tế không phải vậy.

   Những yếu tố quan trọng

   Những nghiên cứu cho thấy sức mạnh của sự tử tế với nhau, điều này là yếu tố quan trọng trong những đóng góp lớn lao vào sự mãn nguyện của cả hai vợ chồng và đem lại sự ổn định của hôn nhân. Đây là điều làm cho người bạn đời thấy mình được quan tâm và chăm sóc. Sự tử tế giúp người kia thấy được giá trị và phẩm giá của mình trong tình yêu. Những bậc thầy tình yêu "không bao giờ xét nét nhỏ nhặt trong cuộc sống vợ chồng và không bao giờ bỏ qua những chia sẻ với người kia ngay cả khi mệt mỏi hoặc cảm thấy căng thẳng vì chịu nhiều áp lực. Sự chia sẻ này được người kia đánh giá rất cao và đáp lại bằng tình yêu bền vững" - Julie Gottman nhấn mạnh.
 Sự rộng lượng ở đây liên quan đến cả các ý định của người bạn đời, miễn là nó không vượt qua giới hạn tài chính và giao ước bất thành văn của cuộc sống chung. Keo kiệt vô lối cũng là 1 "hung khí" giết chết tình yêu.
   Nhà tâm lý học Shelly Gable và các cộng sự phát hiện ra 4 loại phản ứng với các tin tốt của nhau: phá đám chủ động, phá đám thụ động, xây dựng chủ động và xây dựng thụ động. Những người xây dựng sẽ hét lên vui mừng trước tin vui, còn kẻ phá đám thì lảng sang chuyện khác hoặc coi tin tốt lành là tin xấu với mình.
   Có nhiều lý do làm mối quan hệ vợ chồng đi đến thất bại, nhưng sự tử tế, sự tôn trọng lẫn nhau và rộng lượng luôn được coi là 3 yếu tố quan trọng hàng ngày để giữ lửa tình yêu trong khi sự khinh thường, ích kỷ và đố kỵ là 3 nguyên nhân chính giết chết tình yêu. Dĩ nhiên "không hợp tính cách", "cám dỗ vật chất", "khác biệt sinh lý", và "đứng núi này trông núi nọ" cũng là các yếu tố phải tính đến.
   Nhưng để đem lại những phần trăm lớn nhất cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc vẫn là sự tử tế, sự tôn trọng lẫn nhau và sự rộng lượng.

Lược đăng từ bài "Khi cuộc sống chung thất bại" của Lê Tây Sơn, KTNN No. 876 (Theo The New York Time)

1 comment:

  1. Nếu "cuộc sống chung" đi đến kết cục thất bại, không phải chỉ "tan cửa nát nhà" mà còn là thảm họa của xã hội.

    ReplyDelete