Sunday, April 22, 2018

JEANS: Chiếc quần huyền thoại từng bị cấm đoán

Với mục đích tất cả để chiến thắng đế quốc Mỹ của Đảng Lao động VN, về mặt văn hóa-tư tưởng, đi cùng chính sách "bế quan tỏa cảng" thời chiến là những quy định đối với thanh niên nói chung và nhất là đối với các "lưu học sinh" ở nước ngoài như: không xem phim tư bản, không để tóc dài, không mặc quần jeans và yêu đương linh tinh v.v.  Đúng ra, tuổi trẻ của chúng tôi còn đẹp hơn nhiều nếu không bị trói buộc như thế. Và biết đâu, nhờ thế mà chúng tôi thăng hoa/phát triển cực đỉnh để bây giờ có nhiều tài năng hơn, cống hiến cho đất nước nhiều hơn chứ không chỉ có thế này?


Ra đời tại California (Mỹ), chiếc quần Jean dành cho những người thợ mỏ đã trở thành một hiện tượng thời trang trải qua 3 thế kỷ. Thật khó hiểu vì sao gọi là "jean"? Cái tên jean xuất xứ từ "genes", tên gọi các chiếc quần dày, nặng nề mà những thủy thủ xứ Genoa mặc khi đi biển. Dần dần, jean là những chiếc quần may, cắt theo cách đặc biệt với các đường may của nó. Jean đẹp phải ôm sát vòng ba, phải tán rivet các chiếc nút cực bền đúng những điểm nhấn cần thiết.


Tại Butteinhem (Đức), nơi Levi Strauss sinh ra, trong bảo tàng Levi Strauss hiện trưng bày chiếc quần jean nguyên mẫu/đời đầu được xác định năm "khai sinh" là 1847. Levi Strauss, một người nhập cư gốc Bavaria đã dùng vải bạt che toa xe để may một cái quần bền chắc dùng mặc khi lao động. Giấc mơ Mỹ luôn dành phần thưởng cho ai chịu khó, cần cù, sáng tạo và thợ may Levi đã được nhận phần thưởng đó.


Thật không ngờ, những người phiêu lưu đi tìm vàng rất thích mặc jean của Levi Strauss. Vì dùng loại vải thô, dệt bằng chất liệu cotton của vùng Nimes (Pháp) nên về sau, loại vải may jean được gọi chung là "Serge de Nimes".

Những chiếc đinh tán rivet không phải là sáng kiến của Levi mà ra đời từ một khách hàng có tên là Jacop Davis Reno, làm thợ may ở Nevada. Jacop muốn cộng tác với một đối tác kinh doanh để chia lợi tức. Rất nhạy bén, Levi đồng ý. Họ đăng ký bảo hộ sáng kiến này vào ngày 20.5.1873, thuộc sở hữu của thương hiệu Levi Strauss & Company. Levi Strauss cho tán rivet những đường viền quanh túi quần, miệng túi để các thợ mỏ bỏ đá quý khai thác vào trong túi không bị rơi mất khi lao động.

Phất lên với mấy trăm đô la dằn túi, chàng thợ may Levi không bỏ lỡ thời cơ nào. Sau cuộc nội chiến Mỹ chấm dứt, phong trào tìm vàng, tìm mỏ dầu lửa đạt đến cao trào, Levi nhảy vào ký hợp đồng cung cấp quần jean cho các mỏ vàng, mỏ dầu, rồi bán lẻ cho những chàng cao bồi Texas. Jean's Levi nhanh chóng nổi tiếng khắp nơi, tiền bạc thu vào như nước.

Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ 2, quần jean's Levi chỉ dành cho người lao động trong lĩnh vực quốc phòng. Phải mất nhiều năm sau, những người trẻ tuổi sinh vào thời hậu chiến mới đưa chiếc quần jean từ lĩnh vực lao động sang lĩnh vực thời trang.

Những bộ phim cao bồi miền Viện Tây cũng tạo ảnh hưởng rất lớn cho quần jean. Đối với thế hệ trẻ những năm 50s, jean rất hấp dẫn, cuốn hút qua điệu bộ ngang tàng, lãng mạn của các chàng cao bồi lãng tử, oai hùng trong phim của các nhà sản xuất từ Hollywood mà tiêu biểu là James Dean, Marlon Brando, John Wayne, Henry Fonda, Gary Cooper.

Marlon Brando - 1973

"Ông hoàng nhạc rock'n roll" Elvis Presley thường mặc nguyên bộ jean khi trình diễn trên sân khấu, vì thế, Elvis đã lôi kéo hàng triệu "tín đồ" nhạc rock trên thế giới lao vào trào lưu mua mặc jean.

Ở châu Âu, với chủ thuyết hiện sinh, Jean - Paul Sartre đã gieo mầm Hippie. Những anh chàng, cô nàng Hippie ở Mỹ và châu Âu thích mặc jean và để tóc thật dài với vẻ "bụi bặm", phong cách này để biểu lộ sự độc lập, yêu hòa bình, phản đối chiến tranh với khẩu hiệu "Make love not war".


Cùng với phong trào hippy, jean trở thành một hiện tượng thời trang bùng nổ của thế kỷ 20. Theo các nhà xã hội học, với thế hệ trẻ thời đó, jean không chỉ là thời trang mà còn là thái độ của giới trẻ, là sự bày tỏ ý thức phản kháng, chống lại mọi áp bức, gò bó theo khuôn khổ có tính giáo điều.

Qua những năm 70s, jean thay đổi theo xu hướng "ống loe" rồi "chân voi" (quần patte). Dòng đời của jean cũng không phẳng lặng, jean chìm nổi theo thời cuộc và sở thích cho đến những năm 90s, quần jean trở lại vị thế dẫn đầu của nó.

Đời sống của jean có thể chia thành các thời kỳ như sau:

- Thời kỳ "nguyên thủy": Từ năm 1750-1915
- Thời kỳ "lao động": Từ 1915-1940
- Thời kỳ "thời trang": Từ 1940-1975
- Thời kỳ "super" (Top): 1975-1994

Hiện nay, các chính trị gia hàng đầu thế giới thích mặc jean có thể kể Tổng thống Ronald Reagan, George Bush, Bill Clinton, Barack Obama, Putin, Thủ tướng Trudeau. Còn ở Hollywood thì không kể hết được các ngôi sao yêu thích jean.

(Lược trích từ bài "Khám phá huyền thoại Jean's Levi" của Vũ Hào - KTNN No.991)

1 comment:

  1. Chỉ vì là 1 sản phẩm của TB, lại xuất xứ từ Mỹ là nước kẻ thù số 1 của VN và của CNCS, nên cái quần jean mới bị buộc tội tầy đình, không được mặc. Tóm lại, vào những năm 60-70s mà mặc jeans và để tóc dài là biểu hiện của sự đua đòi/chậm tiến và thậm chí là biểu hiện của sự sa đọa về tư tưởng, không thể chấp nhận đối với thế hệ trẻ VN.

    ReplyDelete