Trước đây học đánh vần, đọc chữ là ở lớp Vỡ lòng, nằm trong trường Mẫu giáo. Tôi nghĩ ở bước này không có vấn đề đối với thời đó. Tuy vậy, nội dung có thể không phù hợp với ngày nay, do quá đơn giản và lãng phí thời gian cũng như bộ nhớ.
Ở Tiểu học dạy tiếng Việt chủ yếu là viết tập (tiến đến tập chép) và chính tả. Học sinh viết đi viết lại một số chữ, từ, hoặc đoạn văn vô nghĩa, nhằm luyện chữ, chữ này cao 1 dòng ô li, chữ kia 1 dòng rưỡi, chữ kia nữa 2 dòng rưỡi. Khá lẩm cẩm, nhưng thời đó quả tình không biết dạy gì hơn. Môn chính tả được coi là có chút thách thức, nhưng chán ngắt, khi phải học môn này 4 năm liền. Quan trọng nhất là chép, viết chính tả không liên quan gì đến học nội dung. Các bài tập đọc thường là các đoạn văn trích từ một số tác phẩm văn học, thường là chọn các đoạn ngô nghê, tả cảnh, để phù hợp với học sinh tiểu học theo ý những nhà soạn sách giáo khoa, những người coi trẻ con là những tên ngốc, không hề biết rằng chúng thông minh hơn mình tưởng rất nhiều. Cố nhiên rất nhiều tên chăm học và học giỏi đã cố gắng rèn luyện mình trở thành ngốc thật với những đoạn văn vụn vặt đó. Đặc biệt các đoạn văn hoàn toàn không có liên quan gì với nhau, không được sắp xếp thành một nội dung, tập hợp khái niệm để có thể hình thành bất cứ giá trị tư duy nhân cách nào. Toàn những chim hót trên cành, ông mặt trời mọc, rặng tre, đồng lúa, ống khói, cột điện. Thầy cô chỉ toàn ca tụng các câu sáo rỗng, nghe choang choang kiểu như "trong không khí tưng bừng phấn khởi của XYZ, em đi ra bờ ao", "biến căm thù thành sức mạnh, em ăn hai bát cơm" , nhưng chẳng có khái niệm nào và buộc trẻ phải học thuộc cách hành văn hoặc lập ý vô cùng nhảm nhí. Cảnh thường thấy trong các giờ học giống hệt như trong phim tả các lớp học chữ nho Á Đông thời Trung cổ. Thầy đọc một câu, đập cái thước bẹt xuống bàn và lũ trẻ ê a gào lên nhắc lại, chỉ tội không lắc lư như phim. Tôi thường chỉ nhép môi, ít khi có không khí đi qua thanh quản.
Đối với tôi, tập chép, chính tả, tập đọc thực sự là một cực hình, không phải vì thách thức mà lãng phí thời gian một cách ngu xuẩn, ngu xuẩn một cách buồn thảm, trong khi giờ học ở Tiểu học đáng lẽ phải tươi vui. Những người làm sách giáo khoa đã nhân danh "dễ hiểu", "phù hợp với lứa tuổi" theo cách hiểu của họ để bóp chết óc tiếp thụ, sáng tạo ở tuổi vàng của trẻ, từ 7-10 tuổi, đáng ra 60% tri thức, tư duy và kỹ năng của đời người phải được hình thành.
Nhớ lại thời tiểu học, phần lớn tôi bị phê là đãng trí, không chú ý tới bài học. Rất may là gần cửa sổ lớp 1A, trường Nguyễn Du của tôi có một cây xoan, chim về khá nhiều. Sổ liên lạc của tôi, cô Phương, một cô giáo lớn tuổi rất đáng kính và đáng yêu, có phê việc tôi hay nhìn ra cửa sổ. Nhưng quả tình tôi không nghe và học nhiều ở cô. Có thể đó là may mắn của tôi. Bên cạnh điều may mắn này, tôi có 3 may mắn khác trong việc học hành. Thứ nhất, thời học mẫu giáo, tôi được (bị) gửi vào Trại Nhi đồng miền Bắc nội trú cả tuần từ 3 tuổi. Trong Trại chúng tôi tự quản với nhau là chính. Mỗi tuần được ra Bách Thảo chơi một lần, chúng tôi nhặt những viên "phấn đá", có thể vẽ trên nền xi măng rất đẹp. Trong vô tận những giờ rảnh ở Trại, một số đứa trẻ bắt đầu vẽ xuống sân xi măng những hình ảnh, phải nói là kiệt tác. Đề tài thú vị nhất là Tam Quốc, sau đó là Tây Du Ký. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi những đứa trẻ 4-6 tuổi đó bằng cách nào có thể vẽ đẹp như thế. Vừa vẽ chúng vừa kể chuyện, Triệu Tử Long, Trương Phi, Quan Công, Lưu Bị, cả ngựa nghẽo, vũ khí, đôi khi cả cảnh đánh trận. Triệu Tử Long cầm giáo, có chùm tua gần mũi giáo, đội mũ đâu mâu, có hai cánh bên má, đỉnh mũ có tua lông hoặc chóp nhọn, trước trán có gắn một viên ngọc. Áo giáp chi tiết đến từng chiếc đinh, ngựa từ bờm đến lông đuôi. Trong những buổi chiều tà buồn thảm trong Trại, những bức vẽ và đoạn văn kể bằng miệng, có ấn tượng vô cùng lớn. Các khái niệm, quan hệ con người của tôi hình thành chủ yếu qua đó. Các câu chuyện đều bất tận, mỗi đứa một chút, đôi khi cãi cọ ai khỏe hơn ai. Tất nhiên hơn kém chỉ đo bằng khỏe, như Tào Tháo không khỏe bằng Khổng Minh.
Điều may mắn thứ hai là nhà tôi có một tủ sách không lớn, nhưng khá phong phú. Ở nhà không biết làm gì là lôi sách ra đọc, đọc hết sách thì đọc lại từ đầu. Tôi đặc biệt nhớ hai cuốn Việt Sử Thông giám Cương Mục và Thơ Văn Lý Trần, dù hay dở chưa phân biệt được nhưng đặc biệt dày, tha hồ đọc không lo hết sách khi chưa đã thèm. Đến khoảng lớp 3 tôi đã đọc bộ Cương Mục ít nhất tới lần thứ 3 và thuộc lòng nhiều đoạn tới bây giờ. Có một điều thú vị là ra đường tới phố nào như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo là tôi có thể kể vanh vách đoạn sử đó. Những chi tiết như Ngô Quyền có nốt ruồi ở lưng, Lý Thường Kiệt là hoạn quan, tôi đều nhớ. Vì mê sách, sách nhà không đủ, đi đâu tôi cùng sà vào tủ sách, và đọc với tốc độ khủng khiếp để kịp ngốn càng nhiều càng tốt, khi cha mẹ nói chuyện với chủ nhà. Tôi có thể lật trang sách ra và đã thấy ý chính của trang sách đó để quyết định có đọc hay không và lật ngay sang trang tiếp. Đôi khi tôi lật các trang cuối để biết chắc kết cục trước khi phải về. Sau đó mới quay lại đọc phần giữa. Không ngờ sau này đó là một kỹ năng đọc siêu việt mà tôi tình cờ tự phát minh được. Vì vậy tôi biết rất nhiều chuyện, một số chuyện thuộc lòng từng đoạn, một số chuyện khác chỉ nắm đại thể. Chẳng hạn Natasha yêu Antoli thế nào quả tình tôi chưa hề đọc, chỉ nhớ Andre và Pierre. Tuy vậy có lẽ 50% truyện và sách mà tôi nhớ nhất là đọc thời dưới 10 tuổi, kể cả những quyển rất khó như "Lịch sử ngoại thương Việt Nam" của Thành Thế Vĩ hoặc "Nghiên cứu Thần Thoại Ấn Độ" của Cao Huy Đỉnh, tôi đều ngốn tất và xay nghiền nhiều lần. Vì thế các nội dung tập đọc ở lớp trở nên quá ngây ngô, tôi hầu như không sờ tới, mặc dù tôi không bao giờ là học sinh giỏi.
May mắn thứ ba, mẹ tôi là cô giáo dạy Văn, rất chuẩn mực, khó lòng viết sai chính tả với bà. Tất nhiên nhiều quy định cứng của bà cho tôi ngày ấy hôm nay đã thành lạc hậu như "giòng nước", "sợi giây",.... Tuy nhiên bài học tôi nhớ nhất là cấm dùng "rằng thì là mà". Tôi có hỏi tại sao. Bà nói đơn giản là "cách nói nhà quê". Sau này tôi có ông sếp hay nói "ABC rằng thì là mà XYZ" rất buồn cười. Nhưng tôi có được thói quen hạn chế dùng 4 từ trên bất cứ khi nào có thể. Cha tôi ngược lại, khá cởi mở và khai phóng, thường hay chơi đùa với chữ, hoặc chơi trò mỗi người tìm một chữ theo một đề tài nào đó. Vì thế tôi có được sự cân bằng giữa dùng chữ theo nề nếp và khai phóng.
Trong khi trong gia đình, bạn bè, tôi có tiếng là "đồ gàn", "biết tuốt" hay lý sự, ai cũng tưởng tôi rất sách vở, mẫu mực trên lớp, thực ra tôi không phải là học sinh giỏi. Mẹ tôi luôn mong và hứa thưởng nếu tôi được A2 (học sinh giỏi), tôi không bao giờ vượt mức A3 (khá). Thậm chí có năm lớp 3, tôi xếp thứ 61/63 ở trường làng, vì thường nộp giấy trắng trong giờ Tập Làm Văn vì không hiểu thầy muốn gì. Có lẽ từ nhỏ tôi đã nghĩ điểm số cho tôi đánh giá năng lực nhận biết của thầy, chứ không liên quan đến kiến thức thật của mình.
Nhìn lại, tôi thấy có lẽ việc đọc văn bản khó, kỹ năng kể chuyện kèm hình ảnh, hình thành các khái niệm theo những nội dung, chủ đề có lẽ là quan trọng. Việc sử dụng từ, câu, có lẽ là điểm cộng. Ở bậc tiểu học, tôi may mắn "thoát chết" và lại có được lợi thế, kể cả học không giỏi nhờ các hoạt động không liên quan tới việc học trong trường. Có lẽ vì vậy, sau này quan sát việc học của các con ở Tiểu học ở các nước Âu Mỹ, tôi không thấy quá xa lạ và ngạc nhiên. Chỉ có điều chúng may hơn tôi, được học trong trường một các thích thú và không phải cực hình chính tả và tập chép.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment