Tuesday, October 25, 2022

Con người là sản phẩm của xh: Văn hoá & Nếp sống hình thành nhân cách

 MỘT DÂN TỘC HÃO DANH

Hão danh len lỏi vào từng ngõ ngách, gia đình người Việt.

Ra thành phố, chẳng có nghề nghiệp đứng ở “chợ người” đợi người ta thuê đi móc bể phốt, dọn phân … Ở quê, hàng xóm hỏi : Thằng Út nhà bà nó đâu rồi?

- Thưa cụ, cháu ra công tác ngoài Hà Nội.

Lao động để kiếm sống chẳng có gì đáng xấu hổ. Nhưng người Việt, con cháu không trở thành ông này, bà kia là một điều tủi nhục.

Làng quê nghèo đói xơ xác, ông trưởng họ lọ mọ lên tận Hà Nội, vào cả thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi họ hàng, dòng tộc quyên góp xây dựng Nhà thờ Họ. Ông buồn rầu, than thở:

- Họ nhà mình mấy đời danh thế, con cháu làm quan, học hành đỗ đạt, mà chẳng có tổ đường thờ cúng. Họ nhà nọ, nhà kia người ta làm nhà thờ họ to lắm, con cháu khắp nơi tứ xứ về đông vui, nhìn thấy mà hổ thẹn cho họ nhà mình.

Tư tưởng làm quan, làm sư, làm thầy mới là làm người, đang cho thấy một xã hội bế tắc, lạc hậu - đương nhiên đó là một dân tộc lụi bại.

“Giàu khoe chó, khó khoe con” cho thấy phân hoá trong xã hội, cũng là phân hoá nhân cách, là một khủng hoảng toàn diện - khủng hoảng giáo dục, đạo đức và lối sống.

Làng quê nào, các dòng họ to nhỏ cũng đua nhau làm nhà thờ họ. Gia phả không biết bới từ đâu ra, đời này, đời kia có ông nghè, ông bảng… thám hoa, tiến sỹ, quan triều này triều kia. Càng bới ra nhiều, càng oai, càng vênh váo.

Đời sống người Việt quanh lũy tre làng, mối quan hệ bó hẹp, nhằng nhịt. Một người thành danh có tý chức sắc không bên cô, thì cũng bên cậu, không bên bác thì cũng bên bá… họ đều cố moi ra, vơ vào. 

Một ông tiến sỹ, một ông quan từ thời tám hoánh tít tắp có khi được đưa vào gia phả, danh sách thờ tự của hàng chục, hàng trăm nhà thờ họ.

Đám hiếu, đám hỷ người ta khoe họ nhà mình lớn, phúc lộc mấy đời, làm ông nọ bà kia. Bệnh hão danh ngày càng nặng, nhà thờ họ mọc lên như nấm.

Khốn nỗi thay, làng quê càng ngày càng xơ xác, văn hoá suy đồi, lũ trẻ bỏ làng ra đi lang bạt đất khách quê người. Cái hão danh chẳng cứu được kiếp người, vì không ai kịp tìm hiểu lịch sử, không biết thân phận thực của các trí thức, quan lại Việt Nam qua các thời kỳ.

Bây giờ xem phim lịch sử, cổ trang thấy chốn cung đình, phủ đường lộng lẫy, các quan viên xa hoa sung sướng, nhưng có biết đâu ngày xưa mang tiếng là ông bảng, ông tiến sỹ, quan huyện, quan tuần… ở Việt Nam vẫn chỉ vài mẫu ruộng, vài con trâu con bò, cùng mấy anh lính lệ cầm giáo đi chân đất lẵng nhẵng chạy theo.

Nhà nước phong kiến tổ chức ba kỳ thi (Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình), các môn thi nói như bây giờ chỉ có các môn xã hội, nội dung đều lấy từ các sách trong tam giáo Trung Quốc (Nhất thiên tự, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh và Ngũ Kinh)

Những ông tiến sỹ, ông nghè, quan này quan kia như thế cũng chỉ là tầng lớp nâng khăn, sửa áo, điếu đóm cho giới cầm quyền, vì họ học theo một khuôn mẫu. Ra làm thầy, làm quan để thành người ăn, người ở cho tầng lớp trên trong xã hội.

Ai đã từng đọc “lều chõng” của Ngô Tất Tố sẽ hiểu.

Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy đã mất tích gần mấy chục năm nay.

 Nhưng mà ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong chốn công đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. 

Lều, chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. 

Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. 

Nho giáo Việt Nam bộc lộ nhiều khuyết tật, cạn kiệt tính sáng tạo, mang đậm tính giáo điều, chuyên chế, lỗi thời và thủ cựu. Hệ tư tưởng Nho giáo là một lực cản đối với sự phát triển xã hội - Các ông Tiến sỹ, ông nghè, ông cử … quan lại từ xưa cho đến nay “bốc mùi” cũng vì cái tính hão danh muốn hơn người, thèm khát ăn trên ngồi trốc của một dân tộc khiếm khuyết trong tư tưởng, thiếu triết lý nhân sinh và nô lệ.

Lại nhớ đến ông Nguyễn Khuyến, người đã đỗ cả ba kỳ thi (thi hương, thi hội, thi đình) được gọi là “tam nguyên Yên đổ” mà ngao ngán thân phận của một nho sĩ với giấc mơ “Trị quốc bình thiên hạ”.

“Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.

Độ năm ba chén đã say nhè”.

Một Bá Kiến trong “Làng Vũ đại” được miêu tả như một phú nông giàu có, đại diện cho tầng lớp cường hào cũng chỉ với nhà ngói ba gian lớn hơn cái chuồng bò.

Giới trí thức, quan lại Việt Nam bần hàn, nhẫn nhục có gì đâu mà vinh danh, ca ngợi.

Một trào lưu cổ hủ, lú lẫn đang được phục hồi, chính là sự bế tắc, làm thêm nhếch nhác văn hoá Việt Nam. 

Những người cộng sản có nguồn gốc từ thành phần bần cố, họ cầm quyền nhưng tư tưởng không thoát khỏi “lũy tre làng” đã phục hồi lại những thứ kìm hãm dân tộc so với sự phát triển văn minh của nhân loại.

Họ cũng học đòi xây dựng những đại gia đình trí thức. 

Hãy nhìn xem những đại gia đình trí thức đó là ai? 

Dòng họ Nguyễn Lân, có lẽ là số một, nói không ngoa cái thực không xứng với cái danh. Cái họ ăn theo mới là cái lợi thực họ thu được, cái họ cống hiến cũng để trang trí tuyên truyền cho chế độ, không xứng tầm với sự vinh danh. 

Sau này, họ cũng được đưa vào sử sách, chói lọi với chức hàm, học vị đọc lên oai như cóc.

 Còn thử tra xem họ để lại sản phẩm khoa học gì, triết lý thâm sâu cống hiến cho quốc kế dân sinh như thế nào? thì chắc như mò kim đáy biển.

Nghiên cứu về nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cho đến nay, trí thức có thể nói đó là một tầng lớp được dán nhãn học hàm, học vị. Một loại người “ăn theo, nói leo” trơ mặt đến thảm hại.

Những người quan liêu vốn là những trí thức, nhưng không phải là những trí thức độc lập, mà là người trí thức dấn thân, gắn bó (hoặc bị trói buộc) chặt chẽ với nhà cầm quyền và hệ tư tưởng thống trị. 

Một tầng lớp “theo voi ăn bã mía. Gió chiều nào che chiều ấy”.

Cũng chính từ đó mà trong nhiều trường hợp, đã dẫn đến hiện tượng tha hoá, biến chất. Qua đó, thân phận người quan liêu đã giết chết nhân cách người trí thức.

 Văn bia Văn Miếu cũng đã từng phê phán nghiêm khắc về một loại quan liêu nho sĩ “xấu xa nhơ nhuốc”, “cái thực kém hẳn cái danh”. 

Ở đây, thể chế đã làm hư hỏng con người, nói cho đúng hơn, tính cứng nhắc của thể chế đã làm thoái hoá nhân cách.

Người ta không nhìn thấy mặt thật của giới trí thức, học giả Việt Nam, chỉ thèm khát một tý bổng lộc, một cái danh hão phủ lên, mà ca ngợi, tôn thờ, trở thành một thứ văn hoá, nếp sống thì đất nước sẽ ngày càng hèn kém, tụt hậu.

Anh Quốc

2 comments:

  1. Bùi Đức Ngọc
    Tác giả đã nói đúng thực trạng Việt Nam hiện nay. Thật chua xót!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bùi Đức Ngọc, bao nhiêu năm nay, thành quả chỉ có mấy cái bảng khu phố vh cắm đầy cờ, rất màu mè, hình thức.
      Rất tào lao anh ạ!

      Delete