Friday, October 14, 2022

Lưu lại về một thời kỳ của đất nước

 "BÊN THẮNG CUỘC" KHÔNG TÌM SỰ TÁN ĐỒNG TỪ MỘT PHÍA 

Từ tối qua, nhiều người gửi tôi bài viết này của giáo Giáo sư Sử học Olga Dror. Rất cám ơn các nhà Việt Nam học vẫn tiếp tục nói về cuốn sách của tôi, sau 10 năm. Nhưng, Bên Thắng Cuộc được viết cho người Việt. Điều tôi quan tâm nhất là người Việt vẫn tiếp tục tìm đọc nó.

Khi viết cuốn sách này, tôi không tìm sự tán đồng từ một phía. Ngay trong những tuần đầu tiên, một nhóm người Việt ở California đã biểu tình để chống tờ báo xuất bản nó. Trong nước, báo chí cũng có rất nhiều bài phê bình.

Lịch sử thế kỷ 20 của Việt Nam là lịch sử của một đất nước bị chia cắt với tư cách là một thực thể địa lý; bị chia rẽ sâu sắc trong tâm thức từng người và trong từng cộng đồng. Không có cuốn sách nào nói về giai đoạn này có thể làm hài lòng trăm triệu đồng bào. 

Người Việt rất cần sự hòa giải nhưng hòa giải không thể được kiến tạo dựa trên sự giả dối.

May mắn của tác giả là vẫn nhận được phản hồi từ người đọc, đặc biệt là những phát hiện để bổ sung, để sửa chữa những sai sót. Tác giả cũng dành chỗ cho những người không đọc vào đây để trút nỗi hận lịch sử của mình.

Do nhiều bạn không thể vượt tường lửa nên tôi xin copy nội dung bài viết đưa vào đây. Xin cám ơn BBC và đặc biệt cám ơn Giáo sư Olga Dror:

"BÊN THẮNG CUỘC" CỦA HUY ĐỨC: ĐI TÌM SỰ ĐA DẠNG CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM 

Năm 2012, bộ sách hai tập Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức được in ở nước ngoài, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả khi đó. 10 năm đi qua, hai học giả nước ngoài có bài viết nhận định về ý nghĩa và ảnh hưởng của Bên thắng cuộc.

Bài đầu tiên là của Giáo sư Lịch sử Olga Dror, viết từ Hoa Kỳ.

Năm 2012, Huy Đức đã dành tặng một món quà cho tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam và lịch sử của Việt Nam với việc xuất bản cuốn sách Bên thắng cuộc.

Ban đầu là tập “Giải phóng”, không lâu sau đó là tập thứ hai “Quyền bính”. Trọng tâm chính của Bên thắng cuộc là đường lối chính trị của đảng và chính phủ từ thời chiến tranh đến năm 2011.

Chủ đề của cuốn sách vô cùng phức tạp và Huy Đức cung cấp cho chúng ta một kim chỉ nam để định hướng trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Là người miền Bắc sinh năm 1962, Huy Đức còn quá trẻ để tham gia vào cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Nhưng ông được nuôi dưỡng trong guồng máy giáo dục và xã hội nhằm hình thành tâm trí con người theo hai màu đen trắng của Chính nghĩa Cộng sản chống lại những kẻ ác ở miền Nam Việt Nam, những người Mỹ và những người Việt chống cộng.

Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ Việt Nam tại Campuchia, Huy Đức trở thành nhà báo, tìm hiểu lịch sử và tình hình đương đại ở đất nước mình.

Sự quen biết của Huy Đức với miền Nam Việt Nam nói riêng và cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung đã giúp ông nhận ra rằng lịch sử chiến tranh và xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất sau chiến tranh còn đa sắc hơn những gì ông đã được dạy.

Ông quyết định khám phá những điều phức tạp này. Huy Đức đã từng đăng nhiều suy tư của mình trên nhiều trang báo tiến bộ Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp thị cũng như trên blog OSIN, và bị chính phủ chỉ trích. Nhưng sách Bên thắng cuộc mới là đỉnh cao thực sự trong sự nghiệp nghiên cứu và biểu đạt của ông.

Bản chất đa sắc của nền chính trị Việt Nam được mô tả trong cả hai tập hoàn toàn trái ngược với bìa sách của mỗi tập.

Tập đầu tiên, “Giải phóng”, bắt đầu từ sự kết thúc chiến tranh năm 1975, có chút nhắc lại thời kỳ chiến tranh, và mô tả giai đoạn thống nhất hai miền Nam - Bắc cho đến đầu thời kỳ “Đổi mới”.

Một trong những chương mà Huy Đức gọi là “Giải phóng”, đặt dòng chữ “Giải phóng” trong dấu ngoặc kép. Ở đó, ông giải quyết câu hỏi liệu việc tiếp quản miền Nam của lực lượng cộng sản có thực sự là một “cuộc giải phóng” hay không.

Tương tự, Huy Đức tập trung vào cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam vào năm 1979, xem đó là một kiểu “giải phóng” hay “xuất khẩu cách mạng”.

Trên nền trắng của tập này, chúng ta thấy một cụm loa hướng về các phía khác nhau đại diện cho tuyên truyền được áp đặt trong và sau chiến tranh.

Tập hai “Quyền bính” đưa chúng ta đi từ đầu thời kỳ “đổi mới” đến năm 2011.

Trong thời gian này, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế và một số tiến bộ trong hệ thống chính trị.

Trên bìa có hai màu trắng và đen, chúng ta thấy một chiếc ô tô Lada của Liên Xô và tín hiệu giao thông. Tuy không phải là một chiếc xe tuyệt vời, Lada vẫn là một dấu hiệu hiếm hoi về vị thế tại một Việt Nam sau chiến tranh, ít ô tô với đầy xe đạp và số lượng xe máy ngày càng tăng sau khi bắt đầu “khôi phục”.

Sau này, khi ô tô có nhiều hơn tại Việt Nam, đó không còn là những chiếc Lada hay những chiếc xe Liên Xô hay Nga nữa. Trên trang bìa của Huy Đức, chiếc Lada và đèn giao thông tượng trưng cho sự trì trệ của hệ thống chính trị Việt Nam không thể tách khỏi hệ thống quản lý miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau chiến tranh.

Huy Đức cho rằng dù nền kinh tế thị trường có thay đổi đất nước thì Việt Nam vẫn tụt hậu so với kinh tế quốc tế, mặc dù vấn đề đã được chỉ ra từ năm 1994.

Ông viết rằng Đảng cầm quyền, thay vì nắm bắt được tư duy của thời đại và ý chí của con người, thì chỉ có thể quẩn quanh trong một vòng lặp tự vẽ.

Bên thắng cuộc là một cuốn sách độc đáo.

Huy Đức chắc chắn không phải là nhà phê bình đầu tiên nói về phương pháp và tuyên truyền của nhà nước Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, những nhà văn lớn hơn Huy Đức cả chục năm tuổi và có những năm tháng tuổi trẻ rơi vào thời kỳ chiến tranh, đã thể hiện một cách ấn tượng sự vỡ mộng của họ qua văn học. Họ đã phản ánh sáng tạo về kinh nghiệm của chính họ.

Là một đứa trẻ trong chiến tranh, Huy Đức, một nhà báo tài năng và một nhà nghiên cứu đam mê, đã dành nhiều năm để tìm ra sự đa sắc mà ông đã bị tước đoạt. Ông không chỉ đọc nhiều sách mà - và có lẽ điều này quan trọng và hấp dẫn hơn nhiều - ông có cơ hội đáng kinh ngạc để trò chuyện với hàng trăm người đã tham gia hoặc chỉ đạo các sự kiện được mô tả trong sách, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của đất nước.

Ông đã hình thành ý kiến của mình, mà cuối cùng lại khác xa với những gì được truyền đi qua “loa đài” của Đảng và chính phủ.

Tuy nhiên, như nhiều người làm việc trong lĩnh vực lịch sử truyền miệng đều biết, để viết dựa trên các cuộc phỏng vấn và hội thoại luôn có những khiếm khuyết của nó.

Ký ức của mọi người không hoàn hảo và mang tính chủ quan. Nó được kết hợp bởi thiên vị của riêng mọi người, khi trình bày các sự kiện nhất định theo một khía cạnh nhất định.

Huy Đức bổ sung nhiều tài liệu đã xuất bản, nhưng chủ yếu là nhật ký hoặc hồi ký có thể gặp những vấn đề tương tự như phỏng vấn và trò chuyện.

Ông cũng sử dụng một số tác phẩm học thuật, phần lớn bằng tiếng Việt, do đó, thiếu những gì mà học thuật bên ngoài Việt Nam đã có thể khám phá.

Nhưng Huy Đức không bao giờ tự nhận mình là nhà sử học. Tác phẩm của ông là một tác phẩm báo chí chuyên nghiệp xuất sắc, chứng minh rằng ngay cả trong điều kiện đen-trắng hạn chế, vẫn có những người sẵn sàng dành nhiều năm cuộc đời để chứng minh tính đa sắc của lịch sử đất nước họ.

Tôi thực sự hy vọng rằng cuốn sách này sẽ xuất hiện qua các ngôn ngữ khác. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất về chính trị Việt Nam và là nguồn tài liệu không thể thiếu cho các học giả.

Tiến sĩ Olga Dror là Giáo sư Lịch sử ở Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ, và hiện có một năm nghiên cứu tại Collegium de Lyon – Insitut d’études avancées, Pháp (2022-2023). Bà là tác giả, dịch giả của năm cuốn sách. Tác phẩm mới nhất, Making Two Vietnams: Youth Identities during the War, 1965-1975 được NXB Đại học Cambridge ấn hành năm 2019. Hiện bà đang dự định viết một cuốn sách về ký ức và sự tôn sùng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

copy từ FB-Huy Đức

nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjjv4pd047v 

No comments:

Post a Comment