Thursday, October 6, 2022

Người dịch truyện chưởng (Kim Dung)

 Tieu su : HÀN GIANG NHẠN (dịch giả truyện kiếm hiệp Kim Dung)

Bất cứ ai từng đọc truyện kiếm hiệp của các tác giả Hồng Kông – Trung Hoa trước 1975 như Kim Dung,  thì phải cảm ơn các dịch giả Hàn Giang Nhạn của thời Sài Gòn cũ . Ngày nào không có truyện là biết ngay báo Hồng Kông giao trễ ...

Hàn Giang Nhạn đã bằng công sức của mình đưa những tác phẩm khó quên này đến với nhiều thế hệ bạn đọc miền Nam …

Tương tự, nếu với Tiểu thuyết võ hiệp của Ngọa Long Sinh, Cổ Long hay Từ Khánh Vân thì phải nhớ tới Phan Cảnh Trung, Từ Khánh Phụng .

… Ngày tôi còn bé, có nhiều khi đón hai chị em một người bạn cùng trường đạp xe từ nhà họ ở đường Bà Hạt sang nhà tôi tại khu Phan Đình Phùng chơi.

Thế nào trong những lần đó, tôi cũng dẫn họ đi ăn chè miền Nam hay mì Tàu trong một con hẻm lớn đâm vào hông chợ. Trên đường ba đứa chúng tôi đi ngang qua dãy nhà đó nằm ở đường Vườn Chuối, bao giờ họ cũng hỏi:

– “K có biết cái nhà có căn gác gỗ kia là của ai không?”.

– “Của ông giáo Trang đấy!”.

– “Ông giáo Trang là ai?”.

– “Ông ấy là Hàn Giang Nhạn”.

… Nếu tôi nhớ không nhầm, bởi vì lúc ấy mình mới 15 tuổi, bé thì ký ức có thể không chính xác, năm 1967 thì bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ đã đến với bạn đọc miền Nam rồi. Tôi có thể hồi tưởng việc đó đôi chút vì ngày ngày, mẹ tôi mua tờ Tiền Tuyến, thì cũng ngày ngày đã thấy phơi-ơ-tông ấy, qua bản dịch của ông Hàn Giang Nhạn.

Đó là một Kim Dung của phơi-ơ-tông, một Kim Dung phải cày cuốc mỗi ngày khoảng 1.500 chữ để đăng từng đoạn truyện trên Minh Báo ở Hương Cảng, một Kim Dung có tác phẩm được leo máy bay đi từ Hương Cảng qua Việt Nam mỗi ngày.

Truyện đó được dịch ra Việt ngữ và đăng cùng lúc trên nhiều tờ nhật báo Sài Gòn, trong đó có tờ Tiền Tuyến.

Có báo đăng trước, có báo đăng sau, nhưng dường như Tiếu Ngạo Giang Hồ là đã chào đời từ gốc trước đó mấy năm, tới khi Tiền Tuyến đăng lại đã qua “mấy nước” rồi, mà vẫn còn ăn khách tới vậy. Có khi chỉ một loạt phơi-ơ-tông đó, đã cứu cho cả một tờ báo tránh khỏi cảnh thoi thóp chỉ vì toàn đăng những tin chiến sự buồn nản.

Sau này tôi biết tới luật sư Nguyễn Văn Tầm, ngày ấy ông còn theo Đại học Luật khoa và chính ông là người thư ký đã giúp ông Hàn Giang Nhạn dịch những tác phẩm Kim Dung.

Trong căn gác nhỏ như đã nói trên đường Vườn Chuối, ông Hàn Giang Nhạn đọc tờ báo gốc đến đâu, là dịch ra đến đấy.

Chàng sinh viên tên Tầm ngồi chờ sẵn, lót 10 tờ pơ-luya và 9 tờ giấy than, viết lời dịch miệng của Hàn tiên sinh bằng một cây bút Bic. Lúc đó dưới căn gác, cả chục người tùy phái của cả chục tờ báo đang ngồi kiên nhẫn đợi và mỗi người sẽ được phát cho một bản viết tay ấy từ chính ông Tầm. Ai may mắn lấy được những bản phía trên thì còn đọc ra chữ, ai vớ những bản phía dưới, càng sau cùng can ra nhạt thếch, thì càng chỉ còn cách xem chữ đoán ý. Sau đó là những cuộc đua thực sự, ai nấy thi nhau gò lưng đạp xe về tòa soạn mình, và thư ký tòa soạn cũng phải đọc và sửa cho thật nhanh, để còn kịp ném bài xuống nhà in, xếp chữ chì. Không ai muốn mình chậm chân cả, vì khi báo ra mà sót một kỳ đứt quãng, thì lỗ thủng nội dung ấy không thể vá nổi dễ dàng trong ngày và chỉ cần sót 2 ngày, người ta sẽ bỏ báo mình, mua báo khác.

Tin tức nơi các lĩnh vực khác dù có hấp dẫn đến đâu, như chuyện “con ma vú dài”, “con gái bà Huệ là con ruột tổng thống Bokassa”, “vũ nữ Cẩm Nhung” thì dù có kéo dây tới đâu, cũng phải có hồi kết. Còn với mỗi truyện Kim Dung, nó có thể nuôi mỗi tờ báo tới cả năm.

So với những người khác cùng giữ một dạng việc là dịch truyện kiếm hiệp như mình, Hàn Giang Nhạn chắc chắn đã nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và cả miền Nam từ trên dưới 60 năm trước.

Ông tên thật Bùi Xuân Trang, sinh 08/05/1909, tuổi Kỷ Dậu, tại Thái Bình. Năm lên 9, ông bắt đầu theo học Hán ngữ với một ông chú họ, rồi học Quốc ngữ với chính bố mình, học cả tiếng Pháp với chú ruột. Tuy gầy yếu nhưng nói về cái sự học, ông đã không được gia đình nương tay chút nào.

Năm 21 tuổi (1930), ông đã đi dạy học tại Phú Thọ, một năm sau thì được chuyển về trường Đồng Trực, Quỳnh Côi, Thái Bình.

Năm 27 tuổi, ông học được thêm tiếng Thái ở miền Bắc.

Rồi chiến tranh, ông về vùng Trung du, dạy học tiếp ở Phương Lung, Kiến Thụy, Kiến An, sau đó lại quay về quê nhà. Người Pháp trở lại, 39 tuổi ông về Hải Phòng, làm việc ở Sở Công chánh. 1954, ông dẫn gia đình vào Sài Gòn, vẫn làm việc bên ngành Công chánh.

Ba năm sau, ông về dạy học tại trường Trần Lục, Tân Định.

Từ đây đến cuối đời, bằng vốn liếng Hoa ngữ của mình, ông bắt đầu kiếm thêm bằng dịch sách. Ông nhận dịch cho Nha Tu thư, Sở Học liệu của Bộ Giáo dục Việt Nam.

Bộ sách đầu tiên mà ông dịch là Thiên Long Bát Bộ, sau đó là Lãnh Nguyệt Bảo Đao (Phi Hồ Ngoại Truyện), Hiệp Khách Hành, Liên Thành Quyết, Tố Tâm Kiếm (Thư Kiếm Ân Cừu Lục), Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký – Tất cả đều là tác phẩm Kim Dung và không theo thứ tự mà nhà văn đã sáng tác bên chính quốc. Ngoài ra, ông còn dịch sách của các nhà văn khác – Cũng đều là võ hiệp – như Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Cổ Long và chính ông cũng sáng tác một số tiểu thuyết võ hiệp.

Lật lại, Hàn Giang Nhạn là người chí thú học hành nhưng gặp nhiều ‘sự cố’ trong đường đời. Năm ông 17 tuổi, bà cụ thân sinh qua đời, ông đành phải bỏ học, kiếm nơi dạy kèm từ tuổi rất sớm như thế làm sinh kế mà vẫn tiếp tục theo học hàm thụ chương trình Trung học.

19 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi vào ngành Sư phạm, cả tỉnh chỉ lấy có 40 giáo sinh, học tại Nam Định.

Ra trường, ông tới Phú Thọ đứng lớp và chính những năm tháng gõ đầu trẻ khắp nơi như thế, đã giúp ông ngẫm ra rằng, nghề giáo tuy cao quý thật nhưng khi người ta đã có gia đình, thì lương bổng sẽ không đủ. Đó là lý do ông đi làm cho Sở Công Chánh ở Hải Phòng, thu nhập có cao hơn nhưng thời cuộc lại đẩy đưa ông vào Nam, vẫn nghề ấy mà lại vẫn phải quay về nghề giáo.

Phải đến gần 50 tuổi (1957), ông giáo Trang mới có đất thực sự dụng võ với vốn liếng Hoa ngữ học từ ông chú họ của mình từ hơn 40 năm trước.

Mảnh đất truyện kiếm hiệp Kim Dung, với Kiều Phong, Đoàn Dự, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến; với Yến Tử Ổ, Đại Yên, Đại Lý, Đại Liêu vây quanh Đại Tống, với chùa Thiên Long và với Nhạn Môn Quan bi hùng trong tác phẩm đầu tay mà ông đã dịch, chính là nơi giúp ông đã tìm được chỗ dừng chân cho đến hết đời.

Như lời từ bạn viết Vũ Hợi của tôi, tức “nhà Kim Dung học” Vũ Đức Sao Biển giải thích, ngay từ đầu ông giáo Trang đã lấy bút danh là Hàn Giang Nhạn chỉ vì trong lá số Tử vi của chính ông có cách “Nhạn quá Hàn giang”, hàm ý chim Nhạn bay qua sông Hàn từ phương Bắc rét mướt về phương Nam ấm áp, như chính đời ông đã vào Nam.

Nhưng theo tôi biết, câu trả lời lại chỉ đúng một phần. Phần còn lại là vì ngay từ truyện đầu mà ông đã dịch, có hình ảnh tuyệt đẹp của Nhạn Môn Quan cứ bàng bạc ám ảnh suốt chiều dài tác phẩm. Đó là cảnh Kiều Phong đáo đi đáo lại nơi ấy nhiều lần để tự vấn trong khổ đau về gốc gác thực của mình, mình là người Đại Hán hay người Khiết Đan.

Hình ảnh bao đàn chim Nhạn bay qua cái cửa núi ấy, mà cũng là mốc đánh dấu biên giới giữa 2 miền đất nghịch nhau như nước với lửa, khi tráng sĩ phát hiện đau đớn rằng mình là người Liêu, hẳn đã in sâu vào sự chọn lựa của ông. Thật ra, tôi biết thế là do khôn vặt chứ chẳng hơn gì người ta bao nhiêu cả, vì lúc đó mình mới 15 thì biết gì về Đại Hán với Đại Liêu; chẳng qua nghe lỏm chuyện người lớn thôi: Mấy lần ông giáo Trang sang nhà tôi uống trà với ông già tôi.

Sinh thời, ông giáo Trang có 3 bút danh. Bút danh Thứ Lang ký cho các tác phẩm dịch văn chương, khảo cứu, học thuật, lịch sử.

Bút danh Vô Danh Khách để ký cho các bài dịch truyện hài hước hoặc các bài ngắn.

Riêng bút danh Hàn Giang Nhạn để chuyên dịch những tác phẩm võ hiệp Kim Dung và các tác giả khác. Nổi danh nhất chính là bút danh Hàn Giang Nhạn, ra đời năm 1963, khi tác phẩm Kim Dung ngày ngày bắt đầu đổ vào Sài Gòn thông qua tờ Minh Báo Hương Cảng.

Bản dịch truyện Kim Dung của ông được đánh giá là tự nhiên, phóng khoáng, tuy là văn phong võ hiệp mà lại thơ mộng. Một số đoạn văn vần trong truyện gốc khi được dịch sang tiếng Việt đã rất nhã, ví như đoạn mở đầu của Tiếu Ngạo Giang Hồ:

Gió Xuân đầm ấm, ngàn liễu xanh tươi,

Hoa phô sắc thắm, hương nức lòng người

hay bài thi Khiển Hoài của Đỗ Mục, trong Lộc Đỉnh Ký:

Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu

Cùng người nhỏ bé ở bên nhau

Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng

Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu

Để ý, niêm luật và quy thức bằng trắc trong đoạn tứ tuyệt này là không thể bắt bẻ vào đâu được.

Từ Hàn Giang Nhạn, trừ những tuyệt phẩm khác như Anh Hùng Xạ Điêu hay Thần Điêu Đại Hiệp và Cô Gái Đồ Long không do ông chuyển ngữ, những chi tiết hay đẹp trong tác phẩm Kim Dung đã đến với biết bao thế hệ bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp xã hội ở Sài Gòn.

Trên bình diện này, bất cứ ai cũng có thể tranh luận như nhau về truyện kiếm hiệp mà người ta đã đọc thấy trên mặt chữ, nếu không phải đào sâu kiến thức sâu xa hơn giữa từng dòng, và nếu không đứng trên nền tảng Triết học Đông phương để mở mang kiến thức giúp nhau. Người ta chỉ cần thấy Đoàn Dự và Du Thản Chi là những kẻ si tình bậc nhất thiên hạ là đủ rồi.

Xa hơn chút nữa, người ta chỉ cần suýt soa khi biết ông bố hờ của Đoàn Dự là Đoàn Chính Thuần ngày xưa từng “ăn mặn” trong ái tình ra sao, để bây giờ con trai ông ấy (Mà thật ra là con của Đoàn Diên Khánh) phải quá “khát nước” để trở thành một kẻ thất tình vĩ đại cho đến phút chót, chỉ khi Mộ Dung Phục hóa điên.

Người Sài Gòn ngày ấy chỉ biết ngỡ ngàng khi nghiệm ra, một bậc cao tăng đức cao vọng trọng như Huyền Từ, phương trượng chùa Thiếu Lâm đã có một “ngày xưa vụng dại” với người đứng thứ hai trong Tứ Ác là Diệp Nhị Nương, để nặn ra một đứa trẻ mồ côi xấu trai như Hư Trúc, xuất gia từ bé mà về sau, qua nhiều lần không thể giữ được giới luật do Trời định, sẽ trở thành phò mã và giáo chủ.

Hàn Giang Nhạn không thể tự mình định ra chữ “duyên” khi vai của ông chỉ là dịch giả, nhưng ông đã giúp đưa chữ “duyên” ấy, từ Kim Dung, hoàn hảo đến với bao người.

Ông mất ở tuổi 72 và 6 năm cuối cùng của đời mình, ông đành gác bút mãi mãi.

Nguồn : Anka Pham trong FB Tâm Nguyen

No comments:

Post a Comment