Friday, October 7, 2022

[EDU-KIDS] Bắt đầu bằng vấn đề

 Tư duy và giáo dục hướng vấn đề

PHI LỘ

    Lần trước tôi đã có bài "Đem vấn đề tới đây" trong Diễn Đàn Vietnam Physics. Tôi nghĩ không chỉ trong Vật lý, giáo dục trong giai đoạn sắp tới cần cung cấp phương pháp tiếp cận và hướng về các vấn đề nhân sinh, xã hội, phổ quát, để người học tự tìm giải pháp và kiến thức cần thiết. Các chuyên môn hóa quá sớm khi không có nền tảng đại cương, tích hợp vững chắc là đi ngược xu hướng đó, chỉ lạm phát mọt sách và những kẻ thụ động đợi người giao việc trong giới tinh hoa. Giới tinh hoa đã bạc nhược, thì hào quyền mạnh, làm hệ thống giá trị cũ thoái hóa, hệ thống giá trị mới khó hình thành. 

Cần chú ý cách giáo dục phương Tây về code of conduct, họ chỉ đưa ra các giá trị và ý nghĩa của nó, để mỗi cá nhân hành xử tùy theo hoàn cảnh và năng lực, chứ không như Á Đông ta quy định mọi chi tiết, đến khi có tình hình chưa biết là tê liệt thụ động đợi chỉ đạo. 

1. Ngày nay, việc nhồi nhét kiến thức trở nên không cần thiết khi đã có các máy tìm kiếm, ngày càng thông minh, với khi tri thức vượt xa mọi học giả uyên bác nhất. Chê bai và tìm cách vượt máy tìm kiếm ở một ngóc ngách nào đó, cũng nực cười như một chàng lực sĩ muốn thi sức với cần cẩu hạng nặng. Trí tuệ con người vẫn là độc nhất mà trong tương lai gần không có máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào vượt qua được. Chúng ta cần hiểu rõ cấu trúc của trí tuệ để phân biệt thế nào là có năng lực trí tuệ và con người cần phát triển theo hướng nào. 

2. Thời trung cổ, một nho sĩ chỉ cần thuộc lòng vài ngàn "chữ thánh hiền", thuộc lòng dăm pho sách, chắp vá được vài câu văn, thơ, nghị luận đã là biểu tượng của trí thức, tự thổi lên thành "thêu hoa, dệt gấm". Gặp văn minh Tây phương, cái học đó nhanh chóng thấy mình vô dụng. Ngày nay, các thần đồng tính nhẩm nhân các số có 4 chữ số trong nháy mắt, có nên trở thành thần tượng mới của trí tuệ, khi máy tính dân dụng 64 bit, thực hiện hàng tỷ phép tính như vậy trong nháy mắt không hề sai sót. Phân tích cú pháp, dịch tự động, viết essay, thơ, soạn nhạc, vẽ bằng máy,  lập trình theo giải thuật, thậm chí chứng minh toán học phức tạp cũng sẽ được người hỗ trợ tối đa. Thực hiện bằng sức và trí tuệ người chắc sẽ chỉ là các môn thể thao hay giải trí mà không có giá trị thực tiễn.

3. Cách dạy cổ điển là đưa ra một vài tình huống có lời giải sẵn. Học sinh cần học thuộc lòng, rồi đưa ra áp dụng theo phương pháp ngày này trong máy tính gọi là thuật toán look up. Sáng tạo nhất là các tình huống cần kết hợp một số lời giải. Học bảng cửu chương là một ví dụ đầu tiên. Lên đại học, sau đại học thực ra cách học, cách dạy đa phần cũng na ná như vậy. Nhiều cái đã biết, đã học, vào thực tế gặp cũng không nhìn ra, chưa nói những vấn đề đòi hỏi chút suy luận. Nhân lực ngày càng trở nên thụ động và không thể tự đặt vấn đề để giải quyết khi thực tế thay đổi. Điều đó đúng cả trong khoa học xã hội, khi khủng hoảng học thuyết. Người ta không biết vấn đề chính là gì, mục tiêu cuối cùng, giá trị cần đạt được là gì. Trong khi đó kiến thức học vẹt của họ ngày càng vô nghĩa với các máy tìm kiếm.

3. Điều đó thay vì nhồi sọ kiến thức, đào tạo ngày nay nên tập trung vào các vấn đề lớn về nhân sinh, xã hội, kinh tế, phổ quát và các phương pháp tiếp cận. Tất nhiên cần có kỹ năng thực hành trong các điều kiện khác nhau, chủ yếu để nêu rõ phương pháp và các giá trị. Người ta nên biết các vấn đề về năng lượng, môi trường, thiết bị, xã hội, công bằng trước khi giải quyết bằng một chuyên ngành, hoặc đề tài hẹp, với tri thức khoa học hay công nghệ cụ thể. Một người có suy nghĩ trong tương lai không thể nói "đây không phải vấn đề của tôi" như trong truyện tiếu lâm thầy thuốc ngoại khoa chữa cho một anh chàng bị trúng tên bằng cách cắt phần đuôi tên vì phần mũi tên cắm trong người là vấn đề nội khoa.

4. Chuyên môn hóa quá sớm sẽ làm người học không thấy vấn đề và yêu cầu thực tế. Tôi đã phỏng vấn sinh viên đại học chuyên ngành hệ thống thông tin, an toàn thông tin, tự động hóa, họ đều không biết lập trình vì cho đó là chuyên môn của công nghệ phần mềm, không biết thế nào là hệ điều hành, giao thức vì đó là chuyên môn mạng. Kỹ sư công nghệ phần mềm lại không biết kiến trúc máy tính do đó là phần cứng, không biết giải thuật vì cho đó là Toán, không biết IoT vì đó là vật lý. Thậm chí buồn cười đến mức lập trình mobile, không cần biết đến lập trình desktop, client-server hoạt động thế nào, hay còn tệ hơn lập trình Web JavaScript không cần biết đến cơ sở dữ liệu.

5. Điều đó không có nghĩa là đào tạo không cần sâu. Tuy vậy, không cần khóa chết người học vào một vài mảnh kiến thức hay một vài kỹ năng. Những người không thoát được khỏi đề tài hẹp của mình không nên giao trọng trách xã hội hay các bài toán thực tế, bởi sớm hay muộn cũng ăn tàn phá hại, dù bắt đầu có tốt và trung thực. Trước đây 20-30 năm, muốn tiếp cận được tới một đề tài chuyên sâu, cần trên 10 năm. Ngày nay do công cụ, tri thức mở sau 3-4 tháng đã có thể làm việc, 2 năm có thể thành thạo, nếu có nền tảng chắc chắn về phương pháp đủ để hiểu bài toán đang giải quyết, thậm chí có thể đặt ra các bài toán khả thi và tối ưu hơn để có thể giải quyết. 

6. Rất nhiều chuyên ngành đào tạo phải dẹp ở bậc đại học. Điều đó có nghĩa là một số ngành mới phải hình thành theo tư duy hướng vấn đề, chứ không hướng giải pháp như trước. Xã hội sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo rác thải. Đỡ tranh luận vô bổ Mít Xoài dở ông dở thằng.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment