Thursday, October 13, 2022

Xung đột/Chiến tranh Ukraina vs Nga: VỤ NỔ Ở CẦU CRIMEA

Bao Anh Thai

Oct 8

Đêm qua, cây cầu Crimea nối giữa bán đảo Taman và Kerch đã đánh sập một nhịp cầu.  Cây cầu này là cầu nối giữa Crimea và bán đảo Taman của Nga.  Cây cầu này có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn biểu tượng đối với Nga.  Sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014, Ukraine đã tiến hành cô lập bán đảo này bằng cách phong tỏa các tuyến đường bộ và đường sắt từ Nga tới Crimea qua Ukraine.  Vào năm 2016, người Nga bắt đầu xây dựng cây cầu và hoàn thành nó vào năm 2018. 

Video về vụ nổ ở đây: https://www.facebook.com/vuanhn/videos/1046962432642706

Về mặt kinh tế, nó tạo điều kiện cho bán đảo Crimea thoát khỏi sự cô lập về giao thông.  Trong 2 năm trước đó, người Crimea phải tới Nga bằng phà qua eo biển Kerch hoặc đường hàng không.  Việc hoàn thành cây cầu ngoài ý nghĩa kinh tế còn được coi là một biểu tượng cho sự “trở về” với nước Nga của Crimea.  Tổng thống Putin đã tự tay lái một chiếc xe tải đi trên cây cầu này vào ngày khánh thành.

Việc đánh sập một nhịp của cây cầu này có ảnh hưởng tới chiến cục ở Ukraine không?  Câu trả lời, theo tôi, là “có” và “không”.

“Có” là vì chắc chắn việc tập kết quân đội từ Nga qua Crimea rồi từ đó tiến lên phía Nam Ukraine sẽ chậm lại.  Trong mấy ngày qua đã có nhiều video clip cho thấy quân Nga đang đưa nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại sang Crimea qua ngả này.  Về quy mô chiến dịch, việc hỏng một phần cây cầu sẽ dẫn tới việc khó khăn hơn trong việc chi viện cho mặt trận phía Nam Ukraine.

“Không” là về kết quả cuối cùng của cuộc chiến.  Việc sập 1 nhịp cầu Crimea sẽ không dẫn tới sự sụp đổ của mặt trận phía Nam Ukraine. 

Trước hết, chúng ta thấy rằng từ đầu cuộc chiến, người Nga đã có các biện pháp bảo vệ cây cầu này.  Các biện pháp bảo vệ bao gồm tăng cường hỏa lực phòng không và các kết cấu được cho là sẽ gây nhiễu loạn cho tên lửa hành trình của Ukraine.  Đồng thời, người Nga cũng tuyên bố là hành động tấn công vào cây cầu này cũng là hành động tấn công vào nước Nga và họ sẽ giáng trả vào các cơ quan phát ra mệnh lệnh tấn công đó.  Vì tuyên bố này mà phía NATO đã khá cẩn trọng khi cung cấp hệ thống tên lửa HIMARS, hệ thống tên lửa duy nhất mà Ukraine sở hữu có đủ tầm và độ chính xác để đánh trúng cây cầu này.  Tuy nhiên cây cầu này đã bị phá hủy bằng một vụ nổ thông thường.  Video cho thấy vụ nổ không phải là một vụ nổ xe bồn chứa nhiên liệu như thông báo lúc đầu mà là một vụ nổ có sức công phá lớn, đòi hỏi một khối lượng lớn thuốc nổ.  Sau vụ nổ, đã có một số những phát biểu của quan chức và một số cơ quan nhà nước Ukraine trên mạng xã hội ám chỉ rằng họ đã gây ra vụ đó. 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10217090675899055&set=a.1512383829562

Tuy nhiên, ngoài việc phòng bị thụ động, người Nga đã có những chuẩn bị chủ động cho việc phá cây cầu này.  Đó là sau khi cánh quân phía Nam của Nga tiến từ Crimea lên Kherson, họ đã phát triển lên phía Bắc, chiếm Kherson và phía Đông Bắc để chiếm các thành phố Melitopol, Berdyansk và Mariupol chứ không qua phía Tây chiếm Odessa.  Hướng tiến quân Đông Bắc đã tạo ra một tuyến đường liền mạch trên mặt đất nối liền nước Nga với Crimea và được bảo vệ bởi một khoảng cách từ 50 tới 100 km tính từ chiến tuyến giữa hai bên.  Điều này có nghĩa là nếu như cầu Crimea bị phá hủy hoàn toàn thì quân Nga vẫn còn các tuyến đường bộ nối liền từ Crimea qua 4 tỉnh mới chiếm và nối với Nga.  Do đó, mặt trận phía Nam Ukraine của Nga sẽ không sụp đổ chỉ vì một vụ tấn công vào cầu Crimea hoặc thậm chí là khi cầu này bị phá hủy hoàn toàn.  

Thứ hai là khả năng phá hủy hoàn toàn cây cầu này với năng lực vũ khí hiện nay của Ukraine là thấp.  Vũ khí duy nhất có thể vươn tới cây cầu này mà Ukraine có là HIMARS.  Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea sẽ phải được sự đồng ý của NATO.  Cho đến nay, NATO với tuyên bố là không muốn có chiến tranh với Nga.  Do đó, ngoại trừ việc Ukraine “tiền trảm, hậu tấu” thì việc sử dụng HIMARS để tấn công là rất thấp.  Ngoài ra, kể cả trường hợp Ukraine dùng HIMARS thì sức công phá của loại tên lửa này sẽ khó có thể phá hủy hoàn toàn cây cầu này.  Các vụ tấn công liên tục bằng HIMARS vào cầu Antonovsky ở Kherson cho thấy sức công phá của loại đạn này, nếu vượt qua được lưới lửa phòng không của Nga và trúng cầu thì cũng không đủ sức phá hủy các cấu trúc của cầu.  Tôi cũng đoán rằng phía Nga khi xây cầu năm 2016 cũng đã tính tới khả năng cầu bị tấn công bởi các vũ khí chính xác từ xa nên sẽ có các phương án xây dựng hoặc khắc phục nhanh chóng.  Trước mắt, tôi đoán Nga sẽ đóng cửa cây cầu này với giao thông dân sự (giống như họ đã làm ở Kherson sau khi cầu Antonovsky bị tấn công) và giành toàn bộ cho giao thông của quân đội.  Điều này cũng sẽ khiến cho các vụ đánh bom bằng xe tải như vừa rồi sẽ khó xảy ra.

Vậy câu hỏi đặt ra là vụ nổ ngày hôm qua sẽ ảnh hưởng thế nào đối với hai bên về mặt quân sự.

Trước hết, đối với Nga, nó sẽ chỉ làm cho việc vận chuyển khó khăn hơn nhưng không thể cắt giảm được phần lớn lượng hàng hóa hậu cần cung cấp cho mặt trận.  Thực ra, cách ngăn chặn hữu hiệu nhất hoạt động tiếp tế qua cầu này (ngoài việc phá hủy hoàn toàn cầu) là đánh hỏng tuyến đường sắt qua cầu.  Với tuyến đường sắt này còn hoạt động, hàng hóa hậu cần, trang thiết bị quân sự của Nga sẽ được vận chuyển với khối lượng lớn từ Nga qua Crimea dễ dàng hơn nhiều so với dùng xe vận tải quân sự.  Tới nay, khả năng phá hoại đường sắt qua cầu này bằng đánh bom sẽ rất thấp vì người Nga sẽ đề phòng cẩn thận.

Thứ hai, việc đánh sập 1 nhịp cầu sẽ có hiệu quả hơn nếu như phía Ukraine phát động song song với nó là một cuộc tấn công cắt tuyến hành lang trên bộ của Nga.  Điều đó có nghĩa là phía Ukraine phải chiếm được Kherson và từ đó tiến trên một khoảng cách từ 100 tới 200 km để cắt tuyến đường trên bộ của Nga.  Khả năng này không cao vì các lực lượng xung kích của Ukraine đã bị hao mòn sau các đợt tấn công vừa qua và ở vùng này quân đội Nga có lực lượng dự bị chứ không như ở khu vực Belaklyia – Izyum – Kupyansk và Lyman trong 3 tuần trước.  Chính sự có mặt của lực lượng dự trữ Nga đã khiến cho các trận đánh ở Kherson của Ukraine trong thời gian qua không thu hoạch được gì nhiều trong khi ở phía Nam Kharkov họ có một chiến thắng ngoạn mục với việc giải phóng hơn 2.000 km2 khi quân Nga không có lực lượng dự bị ở đó.

Vậy về mặt tinh thần thì ra sao.  Tất nhiên, cả hai phía, Ukraine và Nga sẽ sử dụng sự kiện này theo hướng có lợi nhất cho mình.  Với phía Ukraine thì đây là thắng lợi lớn về mặt tinh thần.  Nếu như việc đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen được coi như là biểu tượng về sự thông minh của người Ukraine trong việc sử dụng các phương hiện chiến đấu hạn chế để đánh chìm biểu tượng quyền lực của hải quân Nga tại Biển Đen (và dẫn tới việc hạm đội này phải rút về Sevastopol và xa hơn nữa về phía Đông) thì việc phá cầu Crimea có ý nghĩa quan trọng hơn.  Nó thể hiện là người Ukraine có thể mang chết chóc, phá hủy tới các mục tiêu chiến lược, được bảo vệ ở mức cao nhất và nằm sâu trong hậu phương Nga.  Điều đó có thể khiến cho những người Nga cảm thấy bất an và suy nghĩ lại về cuộc chiến Ukraine.  Với vụ nổ ở cầu Crimea, họ có thể thấy rằng trong cuộc chiến này không chỉ có Ukraine phải trả giá mà họ cũng có thể phải trả giá cho nó.  Nói một cách khác, chiến tranh không chỉ xảy ra ở một nơi nào đó ngoài biên giới mà thực tế đang diễn ra ngay trước cửa nhà họ.

Về phía Nga, chắc chắn Moscow sẽ tuyên truyền về sự kiện này để cho họ thấy rằng việc Kiev tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng ở Donbass trong 8 năm qua không phải là lời nói dối và sự kiện cầu Crimea cho thấy, nếu Nga không đi tới tận cùng của cuộc chiến thì các vụ tấn công vào nội địa Nga sẽ chỉ có leo thang.  Một sự kiện tương tự đã xảy ra vào tháng 9 năm 1999.  Vào thời điểm này đã có hàng loạt vụ nổ bom nhắm vào các chung cư của Nga tại Moscow và một số thành phố khác.  Moscow đã quy cho lực lượng ly khai tại Chechnya là tác giả các vụ này và từ đó phát động cuộc chiến tranh Chechnya lần 2.  Khác với tâm lý phản kháng trong cuộc chiến tranh Chechnya lần 1 trước đó, sau các vụ đánh bom, người dân Nga đã không còn phản đối việc chính phủ Nga phát động cuộc chiến lần 2 nữa.  Với sự ủng hộ đó, Nga đã bình định được Chechnya. 

Do đó có thể đoán một khả năng cao là Nga sẽ tận dụng vụ nổ cầu Crimea lần này cho các hoạt động tuyên truyền theo hướng tương tự như hồi 2019.  Nếu Nga làm theo hướng này thì có nghĩa là cuộc chiến Ukraine sẽ khó có thể có giải pháp hòa bình nào và khả năng lớn là nó chỉ chấm dứt khi một trong 2 bên bị đánh bại trong cuộc chiến. 

Năm 1991, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của một cường quốc hạt nhân là Liên bang Xô Viết.  Tuy nhiên, sự sụp đổ đó đến từ các mâu thuẫn nội tại và một cuộc chính biến cung đình trong đó lãnh đạo các nước cộng hòa đã hợp tác với nhau để hạ bệ Gorbachev và giải thể Liên bang Xô viết.  Lúc đó, người Xô viết không ở trong một cuộc chiến tranh vệ quốc như giai đoạn 1941-1945 và quân đội đã không có một kẻ thù để chiến đấu.  Tuy nhiên, trong cuộc chiến hiện nay là cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống Nga thông qua Ukraine.  Moscow đã sử dụng các bước đi về mặt pháp lý để biến nó thành một cuộc chiến tranh vệ quốc.  Do đó, sự sụp đổ của Liên bang Nga (nếu có – mặc dù khả năng này rất thấp) trong một cuộc “chiến tranh vệ quốc” với Ukraine sẽ là điều nguy hiểm vì nó sẽ liên quan tới việc một quân đội, một chính thể có vũ khí hạt nhân sẽ phản ứng thế nào khi bị vào bước đường cùng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tổng lực và sẽ chỉ kết thục khi một bên thất bại. Khả năng lớn nhất hiện nay, theo tôi, sẽ là Nga giành phần chiến thắng; Ukraine sẽ trở thành một cái bóng mờ của chính mình so với trước 2014 cả về diện tích, dân số, kinh tế và tiềm lực quân sự.  Cái giá phải trả của cả Ukraine và Nga đều sẽ đắt.  Mức độ đắt giá đến đâu sẽ tùy thuộc vào khả năng tiến hành cuộc chiến tranh của mỗi bên.  

Nguồn: https://baoanhthai.substack.com/p/chien-tranh-o-ukraine-vu-no-o-cau?fbclid=IwAR317k3lXl6JKCuSxHXiRPyC68jSCPcBxgNMpxvt31z4X4PFJLcUuCDZDNk 

1 comment: