Tuesday, July 1, 2025

Sự đời: Tuổi 70

Sống sao cho khỏe (21) 

Dưỡng thân thể có 3 việc lớn: một là giấc ngủ, hai là bài tiết, ba là ăn uống.

Dưỡng sinh từ ăn & uống: Tỏi & sức khỏe 

Hình ảnh chọn từ net

Theo Y học cổ truyền, tỏi có vị cay, tính ôn, quy vào các kinh Phế, Tỳ, Vị, có tác dụng tán hàn, giải độc, hành khí, hoạt huyết, tiêu viêm. Khi tỏi mọc mầm, dương khí phát sinh mạnh hơn, giúp tăng khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm, phòng chống bệnh tật.

Những công dụng tuyệt vời của tỏi mọc mầm:

1. Tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật

Tỏi mọc mầm, đặc biệt là loại đã nảy mầm khoảng 5 ngày, chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn tỏi thường, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Người thường xuyên bị cảm lạnh, ho, nhiễm trùng nếu sử dụng tỏi mọc mầm sẽ giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus hiệu quả hơn.

2. Hỗ trợ tiêu hóa, nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột

Tỏi mọc mầm chứa nhiều prebiotic, giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng và nâng cao chức năng miễn dịch.

3. Bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol

Tỏi mọc mầm có chứa phytochemical, giúp ngăn ngừa mảng bám trong động mạch, hạn chế nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Đồng thời, tỏi còn có tác dụng giảm cholesterol xấu (LDL), ổn định huyết áp, từ đó phòng ngừa bệnh tim mạch, cao huyết áp và xơ vữa động mạch.

4. Giảm nguy cơ đột quỵ, ngăn ngừa cục máu đông

Tỏi mọc mầm chứa anjoene và nitrit, hai hoạt chất có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông và giãn nở động mạch, giúp máu lưu thông tốt hơn, hạn chế nguy cơ đột quỵ.

5. Làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn

Chất chống oxy hóa trong tỏi mọc mầm giúp loại bỏ các gốc tự do, nguyên nhân chính gây ra lão hóa, nếp nhăn, tổn thương tế bào. Ăn tỏi mọc mầm thường xuyên có thể giúp duy trì làn da khỏe mạnh, làm chậm quá trình suy thoái của các cơ quan trong cơ thể.

6. Hỗ trợ giảm cân, kiểm soát đường huyết

Tỏi mọc mầm có khả năng kích thích quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo và kiểm soát cơn thèm ăn, rất tốt cho những người muốn giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, tỏi còn giúp ổn định lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường.

7. Chống viêm, giảm đau nhức xương khớp

Tỏi mọc mầm chứa nhiều hợp chất kháng viêm, giúp giảm viêm toàn thân, đặc biệt là ở những người bị viêm khớp, đau nhức xương khớp mãn tính.

8. Ngăn ngừa ung thư, chống lại tế bào ung thư

Quá trình nảy mầm giúp kích thích sản sinh nhiều chất phytochemical có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời loại bỏ các gốc oxy tự do – nguyên nhân chính gây ung thư.

Bs Lê Hữu Tuấn (Trung tâm Thuốc Dân Tộc)

1 comment:

  1. Tạo hoá luôn luôn sắp đặt cho mầm sống những điều kiện tốt đẹp nhất để phát triển.Tỏi nẩy mầm cũng thế. Lúc nảy mầm tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng cho mầm sống mới. Hoạt chất chính đem lại những lợi ích về y học của tỏi là chất allicin. Đây là hợp chất giàu sulfur có khả năng chống khuẩn, chống virus, nấm, ký sinh trùng mà hầu như không gây tác dụng phụ. Nhưng chất allicin lại không có tự nhiên trong tỏi.

    Trong tỏi có chất alliin và men alliinase. Hai chất này ở trong những tế bào riêng biệt. Khi tỏi bị đập giập thì hai chất này “gặp” nhau, alliin chuyển hóa thành chất allicin.
    Thực vật khi nảy mầm thường dễ bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, hoặc côn trùng. Tỏi cũng thế. Trong quá trình nảy mầm, nhiều chất trong tỏi được chuyển hóa thành những chất có hại cho vi sinh vật và côn trùng, nhưng lại có lợi cho sức khỏe con người. Trong tỏi có sẵn nhiều chất chống oxid hóa có lợi cho sức khỏe. Khi nảy mầm tỏi cũng tạo ra thêm nhiều chất chống oxid hóa hơn nữa. Nghiên cứu cho thấy, những chất chiết xuất từ tỏi sau 5 – 6 ngày nảy mầm có hoạt tính chống oxid hóa cao nhất. Cao hơn nhiều so với tỏi già, tỏi non, và tỏi nẩy mầm chỉ mới 2-3 ngày.

    Khả năng chống oxid hóa của tỏi được gia tăng đạt mức tối ưu sau 5-6 ngày nảy mầm đã làm các nhà khoa học tin rằng, tỏi nẩy mầm có tính kháng viêm, tăng cường miễn nhiễm, bảo vệ tim mạch, và chống ung thư hơn cả tỏi thường. Triển vọng này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.

    Chính chất allicin mới tạo ra mùi tỏi. Và chỉ khi tỏi bị đập giập mới tạo ra chất allicin có mùi đặc trưng. Nhưng phải 15 phút sau khi tỏi bị dập, thì phản ứng mới hoàn tất, và allicin hình thành ở mức cao nhất. Allicin là chất không bền, nên dễ bị chuyển hóa thành những chất khác. Tỏi đập giập để lâu cả tiếng đồng hồ, thì chỉ còn tác dụng như một thứ gia vị tàm tạm, chứ lợi ích cho sức khỏe giảm đi nhiều.

    Tỏi nên mua nguyên củ, và không cần bảo quản trong tủ lạnh. Tỏi gặp môi trường ẩm dễ nảy mầm, vì thế không nên đựng tỏi trong túi nhựa, rồi nhét vào chân tường góc bếp.

    (Vũ Thế Thành)

    ReplyDelete