Saturday, November 29, 2014

Bản sắc Việt Nam trong Mỹ thuật ứng dụng

Lu mờ

Hiện nay, "rất nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam đang mang nặng các yếu tố nước ngoài, cả phương Đông lẫn phương Tây..."
   Về những mặt hàng đặc sắc của Việt Nam, "dễ nhận ra rằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gỗ, chạm khắc, sơn mài...), dù được sản xuất tại các làng nghề được coi là truyền thống của người Việt với tuổi đời hàng trăm năm, thế nhưng các hình tượng, mẫu mã sản phẩm thường lấy từ các điển tích Trung Quốc (truyện Tam quốc chí, Phong Thần...); đồ thờ tự truyền thống bị thay thế bởi loại mỹ nghệ cùng loại ngoại nhập."
   "Bát Tràng là một trường hợp điển hình của sự pha tạp các nguồn" làm suy giảm về mặt thẩm mỹ và thị trường. "Đây là làng nghề lâu đời nhất Việt Nam, ít nhất có hơn 700 năm phát triển, nếu tính từ thời Trần (1226-1400)."
   Nguyên nhân làm phai mờ bản sắc truyền thống, sụt giảm danh tiếng của gốm cổ Bát Tràng theo Phan Cẩm Thượng gồm: "cơ khí hóa" gốm thủ công, pha trộn mọi kiểu design Tây, Tàu; chạy theo gu "thẩm mỹ trọc phú", thích phô trương của nhà giàu, chuộng sự cầu kỳ vô nghĩa, sùng bái vật chất, sùng bái tâm linh tạp thần v.v.

Con nghê Việt Nam

   "Nghê là con vật biểu trưng, mang yếu tố huyền thoại với mỗi bước nhảy hàng trăm dặm. Nghê thiên biến vạn hóa, nhanh nhẹn, dũng mãnh, tượng trưng cho trí tuệ, là biến thể từ loài sư tử và chó dữ, có sức mạnh như chúa tể muôn loài; khi nghê hóa rồng là biểu tượng cho quyền lực chính trực; khi nghê với mình chó là sự thể hiện lòng trung thành; khi nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến ngọc Như Ý; khi nghê đội giá sớ hoặc bài vị, thường toát ra vẻ cam chịu; khi nghê ngậm ngọc là biểu tượng độc đáo của sự khôn ngoan; khi nghê đứng chầu hai bên, khán thờ toát lên vẻ uy nghiêm giữ đạo; khi nghê đeo lục lạc hoặc giỡn hí cầu... thể hiện sự tinh nghịch lạc quan, vui tươi; khi nghê có lông hình xoắn ốc như trên đầu tượng Phật mà người ta gọi là Phật Ốc, Bụt Ốc thể hiện sức mạnh toàn năng, phi phàm. Con nghê được thể hiện bằng mọi chất liệu gỗ, đá, gốm, đất nung, sành sứ, đồng... với nghệ thuật tạo dáng và kỹ thuật chạm khắc tinh tế, cảm thức sáng tạo và khiếu thẩm mỹ đặc sắc chứng tỏ tạo hình của ông cha ta đã có từ rất sớm và đạt tới trình độ cao, nhất là khi nền văn hóa thuần Việt phục hồi và phát triển sau ngàn năm Bắc thuộc."
   Cùng với nạn "cóp", nhái tràn lan các mô típ, hoa văn, chủ đề, kiểu dáng mỹ thuật Trung Hoa trong đồ mỹ thuật thủ công thì nạn "sư tử Tàu" cũng là điều đáng báo động.
   Cần phân biệt giữa con nghê của Việt nam với con lân (1 trong "tứ linh" của TQ). "Về diện mạo, con lân giống sư tử nhiều hơn, có sừng và thân hình tròn mập, đuôi ngắn, miệng ngậm quả cầu hoặc chống chân lên quả cầu. Trong khi con nghê của Việt Nam có kỳ mà không có sừng, dáng thanh mình thon nhỏ, trông giống như dáng chó, đuôi dài."


Tì hưu vào Việt Nam

"Tì hưu là linh vật ngoại nhập có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, được sử dụng ít nhiều ở các gia tộc giàu có trước đây và đang trở nên phổ biến ở Việt Nam." Theo truyền thuyết thì Tì hưu là một trong chín con của rồng. Tì hưu được chia làm hai loại: Tì hưu một sừng gọi là Thiên Lộc, Tì hưu hai sừng gọi là Tịch Tà. Thiên Lộc chủ về tài lộc, Tịch Tà chủ về đuổi tà trừ ma. Người Trung Hoa cho rằng: thức ăn của Tì hưu là vàng bạc châu báu, do con vật này không có hậu môn nên nó được xem như 1 loại "thần giữ của".

Tìm về bản sắc Việt

"TS Phạm Hữu Công, Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử TP HCM, cho rằng bản sắc Việt in dấu trong văn hóa - mỹ thuật Việt cổ truyền ở 3 nền văn hóa - mỹ thuật: (1) Văn hóa mỹ thuật Văn Lang - Đông Sơn với niên đại trên dưới 4.000 năm (từ năm 179 trước CN) mang những đặc trưng của tộc Âu Việt - Lạc Việt; (2) Văn hóa - mỹ thuật Đại Việt - Đại Nam gần 1.000 năm phát triển (938-1858) với nhiều triều đại phong kiến khác nhau; (3) Văn hóa mỹ thuật CHXHCN Việt Nam (từ 1945 đến nay) vẫn trong giai đoạn định hình."
   Việc chọn lọc và kế thừa (theo khảo cứu từ ví dụ mẫu song sắt và ban công sắt ở Hà Nội qua sự hội nhập văn hóa Việt-Pháp-phương Tây) cho thấy lịch sử phát triển về thẩm mỹ, văn hóa dân tộc, kinh tế và đô thị hóa... mở ra những hướng nghiên cứu về di sản mỹ thuật thủ công - design quan trọng và hữu ích cần triển khai cho mọi ngành nghề truyền thống.
   "Theo Nguyễn Quân, tìm về bản sắc Việt còn là sự gia cố nền tri thức xã hội, nhân văn, văn hóa dân tộc. Thiếu tri thức nền thì không có tầm văn hóa của một trí thức (chỉ là anh thợ cả là cùng). Sự thiếu hụt tri thức nhân văn xã hội và văn minh Việt Nam là nguyên nhân không có các ý tưởng design sâu sắc ở mọi cấp độ (từ tư tưởng, thẩm mỹ, hình khối, kinh tế, thị trường tới các ý tưởng độc đáo về mô-típ, hoa văn, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu..của đồ vật, sản phẩm). Không cảm nhận sâu rộng văn hóa dân tộc, "thuộc lòng" lịch sử mỹ thuật Việt Nam... là nguyên nhân chính của tình trạng tự Hán hóa, sao chép, "cóp" nhái mẫu mã nước ngoài..."
   Văn hóa thuần Việt đã được biết đến ở nước ngoài. "Bảo tàng Guimée ở Paris đã trưng bày một triển lãm lớn Rồng bay có trình bày diễn biến design con rồng từ tượng Đông Sơn, hoa văn trống đồng đến con rồng Lý-Trần-Lê sơ mang tính Đông Nam Á, rất hấp dẫn. Một nghiên cứu khác đính chính pho tượng Quan âm nghìn tay - báu vật của bảo tàng này trước đây bị gán nhãn Trung Hoa, là tác phẩm Việt Nam theo trường phái Bút Tháp cũng rất thuyết phục. Việc khai quật thành cổ Thăng Long cho thấy bản chất Đông Nam Á mạnh mẽ trong cả nghệ thuật cung đình Việt Nam..."
   Vấn đề tìm đúng bản sắc dân tộc, kế thừa và tiếp biến: khai thác và sáng tạo trên nền tảng sẵn có để ứng dụng vào thực tế trong lĩnh vực đào tạo design, chọn lựa chất liệu sản phẩm, nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, văn hóa - du lịch,... liên quan đến các khoa ngành chuyên môn của các trường đại học là điều cần thiết để cảm nhận thật sâu sắc văn hóa và văn minh của dân tộc mới thể hiện được cái bản sắc riêng một cách đa dạng và phong phú ở mọi loại hình trong mỹ thuật ứng dụng. Từ đó mới có được những sáng tạo mang đúng bản chất của nghệ thuật muôn hình muôn vẻ và thật sự có ý nghĩa thực dụng. Tất cả là hiệu quả hữu ích, một bài học kinh nghiệm đã được các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản làm rất tốt.

(Tóm lược từ bài "Lời đáp từ Bản sắc Việt" của Kim Ửng đăng trên KTNN No.875,2014)

No comments:

Post a Comment