Khuyến nghị cải cách giáo dục ĐH mà nhóm VED gửi tới các lãnh đạo cấp cao là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn thời gian qua.
GS Vũ Hà Văn giảng bài tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, tháng 6.2015 - Ảnh: Quý Hiên
Nhân dịp về VN công tác, GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ - ảnh), thành viên của nhóm VED đã chia sẻ thêm với Thanh Niên về quan điểm của nhóm xung quanh một số nội dung bản khuyến nghị.
GS Vũ Hà Văn nói: Trong số 5 nhóm vấn đề mà nhóm đưa ra, chúng tôi nghĩ rằng trước mắt các vấn đề dân chủ nội bộ, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, kiểm định chất lượng là có tính khả thi cao.
Như khuyến nghị VED đã mô tả, hiện nay, các định chế dân chủ nội bộ trong các trường ĐH VN còn thiếu hoặc nếu có thì khá sơ sài, trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy thì sự ưu tiên dành cho số lượng thay vì chất lượng, kiểm định chất lượng tuy đã bắt đầu làm nhưng còn ở mức độ sơ khai nên chưa đạt được độ tin cậy khả dĩ. Tuy nhiên, nếu các trường ĐH - đặc biệt là những trường lớn, quyết tâm cải thiện tình hình thì những giải pháp mà chúng tôi đề xuất nằm trong phạm vi xử lý của mỗi trường.
Ví dụ, tự mỗi trường có thể đưa ra định chế để giải quyết qua đối thoại minh bạch những xung đột nội bộ (như hiện nay, có trường hợp phải mượn đến báo chí và công luận, cho dù đó là cách dễ nhất làm giảm uy tín của trường). Trong các ĐH tại Mỹ, mỗi giảng viên có nghĩa vụ phục vụ cho sự phát triển của khoa và trường. Hình thức thông dụng nhất giúp họ thể hiện điều này là thông qua các ủy ban, như ủy ban tuyển dụng hay ủy ban làm chương trình giảng dạy. Nếu các ủy ban này được hoạt động đúng trách nhiệm của họ, những việc gây dư luận như sự không rõ ràng về bằng cấp không thể xảy ra được. Việc thành lập những tổ chức và ủy ban như vậy, và trao trách nhiệm và quyền hạn cho họ, hoàn toàn khả thi nếu có sự ủng hộ của giảng viên toàn trường.
Các nhóm chủ đề còn lại (tự chủ quản lý, tài chính, tự do học thuật) sẽ là những vấn đề mà ĐH VN phải đeo đuổi lâu dài?
Đây là những vấn đề cần được giải quyết ở tầm vĩ mô, cần có sự phối hợp giữa nhà nước, các trường ĐH và toàn xã hội, vì vậy sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Ví dụ, để giải quyết vấn đề tự chủ tài chính, cần có sự tham gia mạnh mẽ của cả nhà nước và xã hội, với một cái nhìn toàn diện về kế hoạch sử dụng nguồn tài chính của các trường. Chẳng hạn như vấn đề tăng mức học phí gây tranh cãi trong thời gian gần đây cần được nhìn nhận trong cả bức tranh lớn về giáo dục. Nếu nhìn một cách đơn lẻ, hiển nhiên việc tăng học phí chỉ mang lại thêm gánh nặng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Theo kiến nghị của chúng tôi, tăng học phí chỉ là một trong số nhiều phương án mang lại sự ổn định tài chính cho các trường. Với khả năng tài chính như hiện nay, phần lớn các trường không thể hỗ trợ được sinh viên nghèo.
Hơn nữa, khả năng tài chính thấp dẫn đến chất lượng giảng dạy ngày càng đi xuống. Đây là một thiệt thòi lớn nhất cho tất cả sinh viên, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn mà việc theo học của họ đòi hỏi một sự hy sinh và nghị lực hết sức lớn của bản thân và toàn gia đình. Một trường ĐH đầu tàu cần có khả năng tài chính tốt để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và có điều kiện giúp đỡ, cấp học bổng cho sinh viên có năng lực nhưng hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm đưa ra đề xuất đưa ĐH về các địa phương quản lý (thông qua các hội đồng ủy thác). Liệu rồi có trường hợp do sự thiếu hiểu biết, thiếu tầm nhìn của lãnh đạo địa phương sẽ "giết chết" ĐH?
Chúng tôi nghĩ tới mô hình của các ĐH tiểu bang bên Mỹ (như hệ ĐH California). Chính quyền địa phương hỗ trợ trường ĐH về đất đai, tài chính. Họ sẽ có đại diện ở hội đồng trường, nhưng không can thiệp sâu vào hệ thống điều hành. Bù lại, trường có chính sách ưu tiên cho học sinh địa phương, như giảm học phí. Trường tốt thì con em trong địa phương sẽ là những người hưởng lợi trực tiếp. Về lâu dài, khi mối quan hệ giữa nghiên cứu và công nghệ trở nên khăng khít hơn, thì các trường ĐH lớn còn trở thành địa chỉ đầu tư cả các công ty hàng đầu. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy các địa phương có kế hoạch đúng đắn để hỗ trợ các trường ĐH của mình.
Nhóm VED là sáng kiến của ai, và tại sao chủ đề đầu tiên các anh chọn lại là đổi mới giáo dục ĐH?
Nhóm VED được hình thành cách đây hơn 2 năm với sáng kiến của các anh Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn. Giáo dục nói chung là chủ đề tâm huyết của chúng tôi, đặc biệt là giáo dục ĐH, vì nó là đầu tàu cho cả nền giáo dục và cũng là điểm tựa của phát triển công nghệ. Ngoài ra, phần đông anh em trong nhóm là giảng viên ĐH, nên đây cũng là chủ đề rất gần gũi.
Quý Hiên (Thanh Niên)
Ngô Chí Đức: Khi nào bổ nhiệm dc GS Châu hoặc GS Văn làm bộ trưởng bộ giáo dục thì em nghĩ sẽ có quyết tâm ạ.
ReplyDeleteBan Pham: Nghe cái tít đã thấy không ăn thua gì, cả bài phỏng vấn không có được một chữ "LUẬT", ở Việt nam hô hào nhau kiểu quyết tâm chính trị cao, rất cao, rất quyết liệt thì nhanh khô cổ cháy họng lắm. Sao các giáo sư không mở hẳn một cái trường ĐH, thay vì nói bọn chúng thay đổi, hãy tự làm, dù là nhỏ. Còn cái đống bát nháo kia bọn nó sẽ từ từ chết các giáo sư ạ.
ReplyDeleteĐồng Bào: Định hướng và cách tiếp cận trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, bằng những cách thích hợp để nguồn lực của nhà nước và xã hội tập trung vào cải cách, nhóm VED cũng phải nghĩ ngay đến việc thu hút vào nhóm này thêm nhiều trí thức có tâm huyết để duy trì công cuộc cải cách có thể lâu hơn tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
ReplyDeleteKien Tran: Việt Nam giờ đang "cải cách" bằng những cách làm không giống ai. Đại học bắt có đề cương chung, đề thi chung, thậm chí slide chung. Toàn là tự chế ra những thứ mà đại học các nước phát triển không có, đi ngược lại hẳn triết lý của giáo dục đại học là tạo ra những cá thể khác nhau.
ReplyDeleteChưa kể có một trào lưu thực hiện CDIO là cách thiết kế chương trình ra đời đã hơn 15 năm ở Mỹ nhưng mới có hơn 100 trường trên thế giới làm theo. Thế mà ở Việt Nam hiện nay chắc phải cả trăm trường đang ồ ạt thực hiện, tốn rất nhiều tiền, nhiều nguồn lực và cũng rất hình thức, làm cho có vì điều kiện đâu có đủ để thực hiện. Chưa kể CDIO ở các trường kia họ làm cho khối kỹ thuật thì mấy ông bà "chuyên gia" ở Việt Nam "thuốc" các lãnh đạo trường khối kinh tế làm sao nên họ tin sái cổ và bắt làm theo hết sức khiên cưỡng. Đôi khi cách "cải cách" tốt nhất là đừng tạo ra thêm những cái dở. Hi vọng GS Châu và nhóm của mình lên tiếng về những "cải cách" ngược kiểu này để các trường đại học Việt Nam đừng phung phí nguồn lực có hạn để tạo ra những thứ không giống ai.
Aiviet Nguyen: Tôi cho là giáo dục phổ thông cần cải cách trước, giáo dục đại học có lẽ cố gắng nâng cấp. Làm cách mạng, làm ngọn trước khó thành công.
ReplyDeleteNgo Hoang: Nhóm đánh giá thấp các tổ chức chính trị trong các trường đại học ở Việt Nam. Tranh nhau cái chức Bí thư của Khoa cũng đã sứt đầu mẻ trán, chia phe phái, nói gì đến hiệu trưởng v.v....Và đương nhiên chỉ lo chăm chú kiếm tiền chứ chất lượng giảng dạy hay sinh viên thế nào chả quan trọng.
ReplyDelete