Câu
cửa miệng “đi tắt đón đầu” chúng ta thường nói mỗi khi muốn phát triển
một ngành nào ở bất cứ lĩnh vực nào. Hiểu nôm na nghĩa là: “người ta đã
phát triển vượt bậc rồi, cứ làm “tàng tàng” vậy thì biết đến bao giờ mới
bằng người ta”. Nhưng làm bóng đá
thì có “đi tắt” được không?. Tôi nghĩ là không ! có nghĩa là chúng ta
phải có chiến lược dài hạn. Nhưng, bấy lâu nay cũng đã có một số người
có trách nhiệm và tâm huyết vạch ra rồi nhưng không thể tiến hành, vì
nhiều lý do khác nhau, chủ quan lẫn khách quan. Một điều quan trọng nữa
là chiến lược vạch ra có đúng đắn không, có cần phải “trưng cầu dân ý”
không? Vậy muốn bằng “người ta thì mình phải xem người ta đầu tư cho
bóng đá như thế nào? Xem người ta làm bóng đá như thế nào? Đừng nói đâu
xa, cứ xem Hàn Quốc, Nhật Bản - những dân tộc có nhiều điểm tương đồng
với chúng ta về thể hình, sắc tộc. Cũng cần nhắc lại, trước năm 1975,
trình độ bóng đá của họ cũng ngang tầm với ta nếu không muốn nói còn kém
ta, bằng chứng là những lần gặp nhau giữa họ và ta tại các giải đấu
quốc tế, lúc đó là đội tuyển Miền Nam Việt Nam. Những góp ý của bạn đọc:
Phải đào tạo bóng đá trẻ, huy động nguồn lực toàn xã hội, chống tiêu
cực trong bóng đá, chuyên nghiệp hóa bóng đá, gửi cầu thủ đào tạo ở nước
ngoài, tận dụng những cầu thủ Việt kiều,…tất cả đều chí lý, nhưng có
một điều chúng ta ai cũng nhận thấy nhưng chưa thấy ai nói ra: Thể hình
của các cầu thủ Việt Nam rất hạn chế, điều đó dẫn tới hệ lụy là các cầu
thủ không đủ sức cho một trận cầu đỉnh cao. Hình ảnh các tuyển thủ chúng
ta lê bước mệt mỏi trước các cầu thủ ngọai quốc to lớn vẫn thường xuất
hiện trên màn ảnh nhỏ trong các giải đấu trong lẫn ngoài nước, những cú
bút phá tốc độ các tuyển thủ chúng ta thường là những người thua cuộc.
Hình ảnh đó làm người yêu mến bóng đá Việt Nam ngậm ngùi. Ra sân mà
không đủ thể lực để chạy 90 phút thi đấu thì nắm chắc phần thua. Chúng
ta vẫn thường tự hào, các cầu thủ chúng ta tuy hạn chế về thể hình nhưng
kỹ thuật khéo léo và đặc biệt là tinh thần thi đấu. Vậy, thử hỏi có cầu
thủ nào khoác trên mình màu áo quốc gia mà không thi đấu hết mình, còn
kỹ thuật thì tôi xin nhường câu trả lời cho các cầu thủ và những nhà
chuyên môn của bóng đá Việt Nam, họ biết hơn ai hết. Sẽ khách quan hơn
cho nhận định trên nếu bây giờ chúng ta liệt kê ra 50 đội tuyển hàng đầu
thế giới sẽ thấy rằng; 99% số đó hơn ta về thể hình, dĩ nhiên là thể
lực cũng hơn hẳn chúng ta. Cách nay 30 năm, người Nhật và người Hàn có
thể hình cũng tương đương người Việt chúng ta, còn hiện nay họ hơn hẳn
chúng ta. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thể hình của dân tộc họ đã
cải thiện rất nhiều so với ta. Hiện nay các cầu thủ Nhật, Hàn Quốc đều
có chiều cao trung bình trên 1m80. Trong các trận đấu tại World Cup, xét
về thể lực các tuyển thủ Nhật, Hàn Quốc không hề thua kém các đội tuyển
đến từ châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, nếu không muốn nói còn có phần trội
hơn. Để làm được điều đó, ngay từ lúc nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy cách
nay 40 năm, nước Nhật đã quyết tâm thực hiện một chương trình: “Toàn dân
tập thể dục” và chương trình này đã được toàn dân hưởng ứng. Mỗi buổi
sáng tiếng kẻng vang lên khắp mọi xóm thôn, khóc phố đánh thức mọi người
dậy tập thể dục. Song song đó là sự cải thiện về chế độ dinh dưỡng, lúc
đó chính Phủ Nhật đã thực hiện chương trình đưa sữa tươi vào trường
học, tất cả học sinh không kể giàu nghèo đều được dùng sữa với sự trợ
giá của chính phủ.
Có
thể khẳng định, điểm yếu cố hữu của các tuyển thủ Việt Nam là thiếu hẳn
nền tảng thể lực. Bây giờ, chúng ta có mời các HLV hàng đầu thế giới về
huấn luyện thì có lẽ cũng khó mà có mặt được tại World Cup trong tương
lai gần nếu những người có trách nhiệm không có cái nhìn xa hơn và hành
động quyết liệt hơn. Xây nhà trên đá, đừng xây trên cát ! Muốn có nguồn
“đầu vào” tốt phải có một “nguồn cung” dồi dào và chất lượng từ xã hội.
Không riêng gì bóng đá, đây là vấn đề mà bất cứ môn thể thao nào cũng
gặp phải ở nước ta hiện nay.
Đã
đến lúc người hâm mộ thấy chán ngắt với những lời bào chữa đại loại
“Thắng hay thua không quan trọng mà đi để học hỏi, rút kinh nghiệm là
chính” từ những người có trách nhiệm sau những kết qủa đáng thất vọng
của đội nhà. Chúng ta đã đi “học hỏi, rút kinh nghiệm” gần 20 năm nay kể
từ SEA Games 14, năm 1989 tại Singapore. Bây giờ là lúc phải cất cánh,
trước tiên là khỏi cái “ao làng” Đông Nam Á này. Có những sự thật chúng
ta phải dũng cảm nhận ra và sửa đổi thì mới mong có một tương lai sáng
sủa hơn. Có những lúc thất vọng trước thành tích của đội tuyển nước nhà,
tôi tự hỏi: Không biết đời mình có may mắn một lần chứng kiến đội tuyển
Việt Nam thi đấu tại World Cup không nữa ! Giấc mơ của tôi cũng là giấc
mơ của hàng triệu con tim yêu mến bóng đá người Việt Nam. Bao giờ thì
giấc ấy thành hiện thực?
THANH DUY
SG 28-11-2006
No comments:
Post a Comment