Saturday, June 27, 2015

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72): Cải cách giáo dục

Cải cách giáo dục bắt đầu từ đâu? Người thì nói cải cách đại học là quan trọng, người thì nói chương trình K-12 cần viết lại. Có lẽ đó là muốn kiếm danh hay lợi thì theo hai cách trên sẽ hiệu quả. Nhưng hệ thống sinh thái như giáo dục, y tế, văn hóa đều thay đổi theo tiến trình adiabatic mới không có tác động phụ và quan trọng nhất là không thể đảo ngược. Nói như thế không có nghĩa là há miệng chờ sung. Nhưng các hô hào cải cách cũng chỉ toàn là chém gió cả, nói to nói nhiều, nào có thấy làm được gì. Cũng như bán hàng, hay lắm, tốt lắm, giá bao nhiêu, hô giá cao, anh không mua.
Ở bậc đại học, rất nhiều thâm căn cố đế lạc hậu, khó thay đổi. Các thầy tiếng là có kiến thức, biết nói tiếng Tây, thạo uống rượu vang, dùng Internet nhoay nhoáy, Mỹ Pháp Nga gì "tao cũng biết rồi, đi rồi", ISI "tao cũng có khối". Nhưng thực ra 2/3 chất liệu vẫn là Bá Kiến. Thay đổi mấy ông này còn khó hơn mấy ông nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL. Các ông ấy cãi nhau hàng chục năm, nhưng không biết cãi nhau chuyện gì. Ông nào cũng đòi cải cách giáo dục, chất lượng quốc tế, xem ra phải là đồng chí, nhưng ghét nhau còn hơn quân thù quân hằn. Thực ra, cải cách phải theo cách của tao, đi trước đi sau đi ngang tao đều là láo, bánh tao đâu. Động vào hũ tương này thì đến mùa quýt vẫn còn nói không làm rồi ru nhau là đang "nâng cao nhận thức chung", "tạo sự đồng thuận".
Thực ra, đại học chỉ có vấn đề cơ chế quản lý, chấm hết. Cũng như cho đường vào lọ, tưởng không vừa, cứ cho vào mà lắc là vừa tất.
Điều quan trọng hơn là cải cách giáo dục ở bậc phổ thông. Tạo ra một lũ dở người ngợm, tống vào đại học, chỉ ra một mớ thịt xay, cải cách đại học cũng tốn công. Nhưng cải cách giáo dục phổ thông thì đắt tiền. Nhiều người quan tâm, nhưng ai cũng có thể có ý kiến, sáng kiến lắm, nhưng tối kiến cũng vô thiên lủng. Người giỏi hùng biện, nhưng thằng ngu nói cũng hay, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Một mớ chỉ rối bắt đầu từ đâu. Các bộ óc thông thái lập tự nghĩ ra việc cho mình, bằng cách viết lại sách giáo khoa và lại thiếu tiền. Thực ra SGK chỉ cần mở cơ chế tự do và có cơ chế quản lý đảm bảo chất lượng minh bạch là xong. Tạo thêm một cơ chế mềm giữa sách tham khảo và sách giáo khoa, khuyến khích đọc, tự học. Sách tham khảo tốt thì thành SGK. Chấm hết. Đơn giản.
Vậy thì làm gì? Đào tạo thầy (tiếng Anh hình như là training trainers quái gì đó). Thầy lương ít, bận đi dạy thêm, có tiền rồi, bận xây nhà, thời gian đâu đi học. Đấy là thầy giỏi. Thầy kém bận bán lạc rang, làm thêm gì đó. Đào tạo cái gì đó phải dễ dễ, ít tốn thời gian học, mà đầu óc đặc lại vẫn có cơ hội tiếp thu. Phải xem học sinh ta kém về cái gì nhất. Kém Toán Lý Văn, Khoa học, Công nghệ? Đâu có. Các giải vàng vẫn ầm ầm. Học sinh của ta kém nhất là về nhân cách. Sau này làm gì? Không biết, để hỏi mẹ. Sau này học gì? Không biết, về hỏi cô. Học để làm gì? Học để lấy điểm, lấy bằng, cùng lắm là thành ông A ông B. Ông A ông B làm gì? Không biết. Thấy ổng chém trên TV, làm bên Tây, bắt tay Thủ tướng chắc sướng. Bố mẹ cũng suýt soa. Đỗ TS về làm gì? Không biết. Lương thấy không làm được. Sao không kiếm việc khác? Không biết. Chẳng khác gì một cái giày thối.
Dạy nhân cách là cấp tốc. Nghe cũ rích như thời cụ Khổng, hay Đoàn Đội vẫn nói, có gì mới. Vấn đề là nội dung của nhân cách phải mới. Cụ Khổng cũ rích thể mà đè đầu cưỡi cổ Á Đông hàng ngàn năm. Đoàn Đội tạo ra thế hệ đánh ngã ngựa cả mấy anh to đùng. Nhưng dẹp mấy thứ đó vào bảo tàng. Nhân cách phải dạy qua kỹ năng, chứ không trả bài như vẹt như trong giờ Giáo dục Công dân được. Kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, Kỹ năng sống chưa hề có trong nhà trường. Ai mà chẳng mềm-cứng-sống-sướng, nhưng nhân cách hình thành nhờ cách thức cụ thể. Nhân bất học bất tri lý. Nếu để tự do thì nhà trường để làm gì. Tại sao ra xã hội, người có nhân cách, có tố chất thành công hơn mấy con mọt sách? Mọt ngồi đáy giếng rồi lại vặn lý sự như các cây đa cây đề bây giờ có mà đói rã họng.
Nói đào tạo nhân cách cũ thực ra là ếch ngồi đáy giếng. Coi nền giáo dục Mỹ, lớp 1 vào tụng ngay 10 điều, đại khái "Bạn sinh ra với một sứ mệnh riêng" (Không cần copy thần tượng thằng chó chết nào. Láo thế). "Bạn là người đặc biệt" "Hãy biết nghe tích cực (active listening)" (Toàn xui trẻ bướng bính khó bảo cả). Sau đó mới học kỹ năng, kiến thức. Đay đi nghiến lại cũng chỉ là mở rộng 10 điều. Lớp 2, lớp 3,4,5 vẫn tụng lại 10 điều đó mà thôi. Học gì cũng chỉ 10 điều đó. Không biết nhân cách thế nào. Chỉ thấy lên đại học sinh viên Mỹ không quay cóp như sinh viên Trung Quốc, Việt Nam,... Cũng chẳng biết đào tạo nhân cách có gì lợi. Nhưng xã hội nó phát triển rào rào, không phải thảo luận mỗi một vấn đề cỏn con cũng hàng chục năm như ta.
Cách đây mấy chục năm, thấy các cụ đi họp về tấm tắc "Mới lắm, kỳ này chủ trương đột phá, chuyển biến lớn". Cái gì kinh thế? Khoa học kỹ thuật là then chốt. Mèng đéc ơi, chuyện cũ rích. Thế mà khối thằng đi tù vì quan điểm, đấu đá gần chết mới đưa được mấy chữ đó vào nghị quyết. Ờ rồi đưa chân lý hiển nhiên vào nghị quyết mấy chục năm làm được gì? Chẳng thấy chuyển biến gì mấy. Giá sử không đưa được vào, chắc hôm nay vẫn phải dùng máy tính, Internet, di động. Đủng đỉnh thế hết cả cuộc đời đợi chờ nhau có làm ra được gì đâu. Nhiều khi vấn đề chỉ đơn giản. Trước hết cải các phổ thông là dạy Đọc-Nghe-Nói-Viết rồi nâng lên Kỹ năng Mềm-Cứng-Sống-Sướng. Có khi lại thành công bằng mấy các chiến lược lăng nhăng. Chiến lược lớn làm nhiều lắm rồi có cái nào thành công. Chưa bao giờ dạy nhân cách sao biết không thành công. Cứ thử xem.

5 comments:

  1. Nguyen Xuan Hoai: Nói đi nói lại em vẫn thấy mệnh đề mình đưa ra là đúng đó là cải cách giáo dục chỉ có thể thành công nếu gắn liền với cải tổ (hay cách mạng) xã hội và việc phải làm đầu tiên là phi chính trị hóa giáo dục. Ngày xưa các trường học châu Âu không tách khỏi nhà thờ thì cũng không pt được như bây giờ và cũng phải gắn với cách mạng tước bỏ quyền lực toàn trị của nhà thờ. Còn nếu nói cải cách giáo dục mà cứ né tránh vùng cấm này thì chỉ có chém gió, đục nước béo cò, thày bói xem voi, cưỡi ngựa xem hoa, thông thái rởm, ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Nguyen Xuan Hoai Anh nghĩ có câu "think big, start small, scale up fast". Kỹ năng - Nhân cách- Tri thức

      Delete
    2. Nguyen Xuan Hoai: Em hiểu, nhưng em làm kh quen nói thẳng. Vấn đề là xã hội vận động theo hướng tất yếu không ai cản nổi và có thể sắp tới sẽ rất nhanh, nên em cảm thấy lạc quan

      Delete
    3. Aiviet Nguyen: Anh cũng thế. Nên thấy nói và làm bây giờ có thể bõ công.

      Delete
  2. Cải cách giáo dục bây giờ là trách nhiệm vô cùng khó khăn vì từ lâu đã sai về mục đích đào tạo 1 cách toàn diện mà thực chất là chạy theo thành tích của 1 số ít (thật sự) và giả hiệu (đa số). Nên nếu căn cứ theo "báo cáo" được up to date thì VN phải đứng đầu TG về giáo dục chứ không phải Phần Lan hay các cường quốc giáo dục khác.

    ReplyDelete