Monday, December 31, 2018

CÁC CỤ NHÀ TA ... CÓ THỂ ... KHÔNG ĐÚNG!!!!!!

Hồi còn bé tôi ham chơi, tôi và 2 đứa em trai sống với ông bà ngoại ( Ba tôi đicông tác B năm 1964), Má tôi công tác ở Lạng Sơn. Tôi hay trốn học đi chơi, ông bà tôi mắng và câu cửa miệng của các cụ là: Nếu con không chịu khó học thì sau này chỉ ...Đứng đường. Hoặc nếu con không học thì chỉ có... Bốc đất mà ăn!!!
Lớn lên tôi thấy ông bà ngoại tôi ... sai!!!
Cái bọn ... đứng đường bây giờ giàu lắm!!!
Cái bọn .... bốc đất( Đất nhé!) đại giàu. Tất cả Đại gia( da nhiều... thịt ít. Thật tội nghiệp, bọn nó chỉ có... da bọc xương !!!) bây giờ giàu chỉ có... nhờ .... ĐẤT!!!!


Trần Thanh Đàn (ELTE.VIDI72)

Dracula (magyar vámpír) đã nhiều năm ở Pécs

Hầu tước Vlad Tepes là nguyên mẫu để Brahm dựng lên hình ảnh Dracula nổi tiếng. Nghe đồn, Brahm nghe câu chuyện này ở Budapest rồi dựng thành truyện, truyện được dựng thành phim và vampire đã truyền khắp thế giới.
Vlad Tepes vốn là lãnh chúa ở vùng Erdély, thuộc Romania ngày nay. Ông nổi tiếng khát máu do số phận bi thảm của gia đình, họ mạc trong vùng giao tranh của Thổ và liên minh thần thánh Thiên Chúa. Ông tàn sát không ghê tay bằng các đóng đinh câu rút hàng ngàn người, có khi cả một làng, không phân biệt sắc tộc. Tương truyền là ông chấm bánh mì vào máu quân thù để ăn.
Bị quân Thổ lùng bắt, ông đã chạy sang Hung. Vua Matyás hồi đó là nhà bảo hộ của liên minh thần thánh đã giam lỏng Vlad Tepes trên đất Hung và gả em họ cho. Vlad Tepes đã ở chủ yếu là Viselgrad. Tuy vậy gần đây người ta tìm thấy một ngôi nhà ông đã sống nhiều năm ở Pécs.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Nguồn: 

MỘT SỐ KỶ LỤC...

1. Người thính tai nhất Việt Nam là nhạc sĩ Trần Hoàn vì có thể "giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ".
2. Người điếc nhất là anh Kim Đồng vì "đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng anh cứ đi". Và người con gái sông La đồng giữ kỷ lục này vì "em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi; dù bom nổ bên tai em vẫn đứng giữa trời!"
3. Người tinh mắt nhất, và cũng vô duyên nhất là nhạc sĩ Xuân Hồng vì "Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau"
4. Chia nhau giải ảo giác, mù màu là Viễn Phương và Tố Hữu vì "Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ..."
5. Tay dài nhất không ai qua được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay..."
6. Người "khéo nịnh" nhất và cũng tính toán, chi li nhất trong tình yêu là Tố Hữu:
"Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu.."
7. Cây có rễ dài nhất là cây Kơnia vì ở Tây Nguyên mà uống nước xa tuốt luốt ngoài miền Bắc.
8. Người bán hàng xạo nhất là Hàn Mặc Tử với lời rao "ai mua trăng tôi bán trăng cho".
9. Người làm biếng nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì sống cũng phải nhờ người khác "Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi".
10. Người có nhiều máu nhất là anh giải phóng quân trong tác phẩm của Lê Anh Xuân ....
"Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì súng lên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun như lửa đạn cầu vồng"
11. Người đàn ông có giới tính linh hoạt nhất là ông Thọ vì có sữa, và còn có thể dụ thêm cô gái Hà Lan mang sữa về Việt Nam.
12. Người đầu tiên triển khai ý tưởng giờ trái đất chính là cụ Ngô Tất Tố. Từ đầu thế kỷ 20 cụ đã khuyên mọi người phải TẮT ĐÈN!
13. Người vô cảm hay lãnh cảm nhất có lẽ là ca sỹ Mỹ Tâm vì "tình yêu đến em ko mong đợi gì, tình yêu đi em ko hề nuối tiếc.
14. Thần đồng ngoại ngữ là em bé trong thơ Tố Hữu vì "tiếng gọi đầu đời con gọi Xít Ta Lin"
15. Người phụ nữ nặng nhất là "chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình" trong bài hát Hai Chị Em của nhạc sĩ Hoàng Vân.
16. Làng hoàn toàn không có trẻ con là ngôi làng trong bài thơ "Núi đôi" của Vũ Cao:
"Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Ðoài Ðông hai cánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang.."


(st)
( STT NGUYỄN THÀNH TRUNG )
..................
Còn người hoang tưởng nhất không ai ngoài anh 7 nhà ta. Hehe...🤣🤣🤣

Đừng căm phẫn công dân của mình.

152 công dân VN rời đoàn khi du lịch xứ Đài. Chưa biết rõ nguyên nhân, động cơ của họ, nhiều người VN ở trong nước vội lên án mà lẽ ra “quốc gia nào cũng bảo vệ công dân của mình”.
Rời đoàn du lịch chưa phải là vi phạm pháp luật của Đài, nếu: 1,chưa hết hạn visa; 2,visa không hạn chế địa lý di chuyển.
Nếu những nhân sự này rời đoàn chỉ nhằm kiếm việc làm,thu nhập thì họ cũng là những công dân VN đáng thương.
Vì sao?
VN có chủ trương cho dân XK LĐ, dân có nhu cầu tìm việc làm ở Đài, Đài có nhu cầu... Ai đã là trung gian làm khó cung cầu và họ đã làm gì mà người bán sức lao động khốn khổ vậy.
Nếu các quan chức có trách nhiệm với dân,đất nước hãy tìm hiểu tâm trạng những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài không chung ngôn ngữ,không tình yêu;những người ra nước ngoài bán dâm;những người đi học nhưng không trở về đất nước...
Thưa rằng, nên lên án nơi đáng lên án.
Lên án người ”tứ cố vô thân” dễ lắm. Bản chất là lên án người khốn khổ để che dấu trách nhiệm của mình.


NB Trần Quang Vũ
December 29, 2018

Triết lý giáo dục

Năm ngoái có ĐBQH chất vấn Bộ Trưởng Nhạ về Triết lý giáo dục. Mọi người đều tỏ ý coi thường Bộ Trưởng vì ấp úng không trả lời nổi và phải đợi Chủ tịch QH cứu viện. Mọi người cũng cho rằng Chủ tịch Quốc Hội cũng cóc biết Triết lý giáo dục là gì nên mới cứu bồ và lại cho rằng phải nhiều hội thảo. Lúc đó mình cũng nghĩ thế. Mấy thứ sang sang, cao cao như giáo dục rõ ràng hiển nhiên phải có Triết lý chứ.
Nhưng về tự vấn mình, thì phải thật thà mà nói Triết lý giáo dục Việt Nam nó là con khỉ khô gì nhỉ. Thật tình mình cũng đếch biết nốt. Mình luôn tự coi là kiến thức trên mức khá của xã hội, thế mà có cái mấy anh quản lý, chính trị gia (yêu cầu kiến thức ở mức trung bình kém là tốt rồi) phải biết mà mình cóc biết. Thật xấu hổ quá đi mất. Dám cuộc là đám kẻ sĩ cũng như bình dân xì xào "Triết lý giáo dục mà cũng không biết" có tới 99.99% cũng cóc biết.
Sau khi suy nghĩ thì mới hiểu ra một điều sâu xa thế này: Dân Việt làm đếch gì có thói quen triết lý. Lịch sử Việt Nam dài đằng đẵng có triết gia nào đâu. Có ông được gọi là triết gia thì thực tế toàn phán ra sấm, mù mờ chẳng ai biết là định nói gì. Dân ta vốn thích biến báo, đã biến báo thì không thích triết lý, lý luận cũng mang tính cơ hội, cái nào hợp mục tiêu thì dùng, dở mấy cũng cố dùng, còn lại hay mấy cũng cho vào sọt rác.
Như vậy chỉ có 2 liệu pháp thôi. Một là "tát nước theo mưa", không triết lý triết leo gì, chỉ có quy tắc "1-2-3-4 bóp cò". Cách thứ hai là gây shock, cưỡng bức toàn dân học Triết học. Có thói quen và khái niệm cơ sở rồi mới nói triết lý nọ triết lý kia chứ.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Ngày cuối năm ngẫm chuyện cũ

Ngày xưa khi còn đi học, những môn như Văn, Anh Văn, ... được coi là những môn vớ vẩn.
Năm lớp 8 đi thi văn nghị luận cấp Quận được giải. Trong thâm tâm, môn này lải nhãi nhiều quá, toàn những chủ đề vớ vẩn, ví dụ câu nói của ông lãnh tụ về thanh niên phải có ý tưởng, làm thế nào để viết thành vài trang giấy về những thứ mình cũng không biết nó là cái gì và cũng không hiểu nó để làm gì. Mặc dù thế những viết không y sì như vậy thì không có điểm cao hoặc bị điểm liệt, mà viết y sì như thế thì thấy chán, kiểu con vẹt bắt chước không quen được. Lêp cấp ba học các loại thơ Đường, có hôm cô giáo đang giảng bài “Phong Kiều dạ bạc” thấy mình lui cui lo giải toán, nên gọi hỏi xem cô giảng gì - nghe cũng vô lý, cô giảng gì cô biết rồi, hỏi mình làm gì. Đứng phắt lên phát biểu luôn là bài thơ rất vớ vẩn, đậu thuyền thì đậu thuyền, chuông kêu thì chuông kêu, chả có ý tứ gì phải suy luận ở đây, mà cũng chả có logic gì để suy luận. Cô chán, cho điểm 1.
Anh văn dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Phải nói là công phu các thể loại, học ngang, học dọc, học các kiểu văn phạm, chủ đề văn học, ... nhưng hỏi xem mấy cô cậu tốt nghiệp xong hỏi đường đi, gọi món ăn thì ú a ú ớ. Bà cô dạy lớp 11, chưa chồng, hơi quá lứa, nổi tiếng hắc ám. Ông bạn học mình lên trả bài đầu giờ, không thuộc, được cô hỏi ‘zero nhé’ rất thân thương. Lúc cô sướng nhất có lẽ là cho điểm 0, nhất là double zero cho những thằng lắm lời mà không thuộc bài - dạng như mình. Hoặc đơn giản hơn: lớp bẩn, ghế bẩn, ngồi sai chỗ, ... Từ điểm thi đua đến điểm cá nhân đều đi xuống. Thậm chí có lần mình còn bị chì chiết là ‘đừng tưởng thi toán được giải là học Anh văn với tôi được điểm trung bình’. Cuối năm, may quá vừa được 6.0.
Phải nói giáo dục VN những năm sau 75 nặng nề về hình thức, nhồi nhét và đem hành xử khủng bốMỹ Ngụy vào áp dụng lên học sinh. Chán học những môn ‘văn chương, ngôn ngữ’ là phải.
Khỏi phải nói về nghệ thuật, âm nhạc, những thứ xa xỉ này không dưới mái trường mình đã học. Hai loại âm nhạc duy nhất được biết là quốc ca đầu tuần và cassette khi thi ‘hái hoa dân chủ’ - một loại hình bốc thăm trả lời câu hỏi, phiếu làm gắn trên cây như ‘hoa’, dân chủ có lẽ ở chỗ mỗi lần bốc thăm thì được một phiếu. Muốn học ‘nhột’ thì chỉ có đi học ghi-ta, mà nhà mình xưởng mộc, nghe tiếng cưa bào quen, nghe ghi -ta thấy ... không hay. Gia đình, bà con cũng không ai quan tâm đến nghệ thuật, thứ tốn kém, vô ích, không ai cần.
Thú vui duy nhất là đọc sách. Mà sách chỉ có mua chứ mượn đâu ra. Bao nhiêu tiền đi làm ở xưởng mộc dồn vào mua sách, rồi đọc đi đọc lại. Nhân sinh quan hình thành từ Fahasa. Dĩ nhiên cũng không ít những ngộ nhận ngây thơ về nước Nga Xô Viết, các anh hùng mắt xanh râu vàng Sergei, Alexei. Những câu chuyện về các anh chiến sỹ làm những kỳ tích mà đáng lẽ phải đưa và Marvel Universe. Tuy thế, những tác phẩm văn học cổ điển lại có khá nhiều, những thứ mà nếu lớn lên trong ở xứ Bắc Mỹ, chắc ít khi quan tâm - Không Gia Đình, Miếng Da Lừa, Tội Ác vad Trừng Phạt, ...
Nhiều năm sau khi lắc lư trong disco như hình vẽ của Salvador Dali, mới thấy nhận thức của mình què quặt về văn hóa, nghệ thuật. Mái trường XHCN đào tạo ra một loạt những robot giỏi về khoa học cơ bản, lý luật chính trị, phong trào thanh niên, ... Những linh hồn vô tội này không biết gì về nghệ thuật, về văn học nên họ coi thường, khinh rẻ và xa lạ với nó. Không phải vô lý mà nền giáo dục kéo trình đọ hiểu biết và cảm nhận nghệ thuật hết thế hệ này đến thế hệ khác ngày càng đi xuống.
Hai điều nếu mình được học lại, mình sẽ mơ ước được học: hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nghệ thuật và thật giỏi các ngôn ngữ. Hành trang như thế, có lẽ đã có thể cho mình đi xa hơn.
Điều mà nền giáo dục phương Tây khó cạnh tranh được với VN là dạy cho kỹ năng dùi mài sắc bén một vài kỹ năng cơ bản. Ví dụ như toán học sơ cấp. Cách dạy và học Toán, kèm theo một hệ thống thi cử dày đặc và rộng khắp, cùng với tâm lý do gia đình, bạn bè, nhà trường tạo nên, giúp cho học sinh - như mình, có cơ hội phát triển. Dĩ nhiên, việc dạy và học toán không dễ và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên nó giúp cho mình hình thành thói quen lập kế hoạch đường dài và thực hiện từng bước. Thành công trong thi cử không phải lúc nào cũng được - nhưng nói cho cùng đạt kết quả cao trong một kỳ thi quan trọng là đủ, ai quan tâm đến những kỳ thi không được gì? Phải chăng đó là sự động viên quan trọng với trẻ em?
Dạy toán cho trẻ con hơn ba năm, mình nhận ra một chân lý đơn giản - phát triển khả năng tự tư duy và tự học quan trọng hơn nhiều là những mốc thành tích. Mặc dù thành tích kích thích cho việc tự học và ham học.
Ở xứ này, khi trẻ con người Việt không thể dựa trên tiền của cha mẹ, càng không có các quan hệ của cha mẹ người quen để dễ dàng gia nhập xà hội. Ngôn ngữ không thể như người bản xứ, và nói cho cùng da tóc cũng trông không giống với đại đa số. Càng khó cạnh tranh hơn nếu hiểu cộng đồng Việt là nhỏ, yếu, và nói chung là bàng quang so với các cộng đồng Hoa, Ấn.
Hiểu biết về xã hội, có nhận thức về văn hóa nghệ thuật, nhưng quan hệ xã hội và vị trí trong xã hội chỉ có thể tự hình thành bằng công sức lao động hoặc thành quả trí tuệ của bản thân mình.
Năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang. Hy vọng thế hệ còi xương, què quặt về văn hóa, tràn đầy tham vọng kiếm tiền sẽ đạt được ước mơ về một cuộc sống bình an.
Đoàn Hồng Nghĩa (ELTE.VIDI90)

Sunday, December 30, 2018

LƯNG RỒNG, “TÀU” & CHIẾN TRANH 17-2

Tôi không thích Lưng Rồng nhưng vô cùng thất vọng khi nghe nói cuốn sách này bị cấm. Không thích vì nhận thấy Đỗ Hoàng Diệu vẫn còn bị bóng đè, tuy Lưng Rồng không còn là sản phẩm của một cô gái mới về nhà chồng (như trong Bóng Đè) nữa. Ngòi bút điêu luyện của Diệu bóc tách không thương tiếc những khao khát thân xác của một phụ nữ có chồng "lên Biên giới" và cũng ngay lập tức hả hê trước những dằn vặt đoan chính của nàng.
Tấm lưng đĩ thoã của một "hậu duệ Thuý Kiều" bắt đầu được xăm Rồng vào lúc 4 giờ sáng, ngày 17-2.
Sử dụng não trạng tuyên huấn mà đọc văn chương; lấy sự sợ hãi các ám chỉ mà soi xét tính ẩn dụ trong từng con chữ thì giật mình trước Lưng Rồng là không có gì bất ngờ. Nhất là thời điểm tưởng niệm 40 năm cuộc chiến tranh Biên giới.
Tôi không thích Bóng Đè cũng như Lưng Rồng vì chủ nghĩa dân tộc được Diệu nói ở đây vừa rất tự ti, vừa rất yếm thế. Nhưng tôi tôn trọng cái cách mà Diệu nhìn vấn đề "Tàu", không phủ nhận là điều đó tồn tại một phần trong tâm thức người Việt. Tâm thức của người Việt trước Tàu là những điều không chỉ các nhà sử học mà rất cần được cả các nhà văn mổ xẻ.
Điều tôi đang tự hỏi, là bây giờ Cục Xuất Bản cấm Lưng Rồng, liệu vài tuần nữa, Tuyên Giáo có cấm nói về cuộc chiến tranh Biên giới. Chỉ còn 8 tuần nữa là tới ngày 17-2, ngày quân Trung Quốc gây chiến tranh trên Biên giới. Cuộc chiến tranh chưa xa, hàng nghìn liệt sỹ ở Vị Xuyên vẫn chưa tìm thấy xác. Cuộc chiến tranh cũng không còn quá gần để ta phải sợ nó tấy lên, mưng mủ.
Hôm trước tôi có nói đến cuốn Phán Xét; cuốn sách này không mới về tư liệu mà mới ở chỗ, lần đầu tiên một thượng tướng An ninh sử dụng tư liệu lịch sử nhiều nguồn để khẳng định rằng, nguồn gốc Cộng sản của Việt Minh là cản trở quan trọng nhất để các phe phái công nhận độc lập cho chính phủ Hồ Chí Minh và ý thức hệ đóng vai trò quyết định khi đặt VN vào các cuộc chiến sau đó. Phán Xét cũng nói rất nhiều đến vai trò Trung Cộng trong việc chia cắt nước ta ở sông Bến Hải.
Phán Xét cũng nói đến súng đạn và cố vấn TQ, đặc biệt nói đến con số 320 nghìn binh sỹ Trung Quốc từng có mặt ở miền Bắc Việt Nam một thời gian trong thập niên 1960s.
Chúng ta biết rất nhiều về Lê Duẩn với vai trò như một người hùng chống Trung Quốc. Nhưng chúng ta rất ít nói đến vai trò TQ đứng rất lâu sau lưng Lê Duẩn.
Sau 1956, khi Trường Chinh mất chức TBT để cứu uy tín của Đảng trong CCRĐ, Bắc Kinh ngăn cản ứng cử viên Tướng Giáp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách đưa Lê Duẩn ra Bắc. Năm 1957, chiếc xe và lái xe đưa Lê Duẩn đào thoát từ Sài Gòn sang Phnom Pênh là của người Hoa. Một điệp viên người Hoa đón Lê Duẩn ở Phnom Pênh và sau đó một điệp viên người Hoa khác đưa Lê Duẩn về HK rồi Trung Hoa Lục Địa. Bắc Kinh rất quan tâm tới con cái Lê Duẩn và bà vợ thứ Hai của ông trong thời gian bà ở Bắc Kinh.
Trong cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam, ngoài súng đạn, Bắc Kinh trang bị cho bộ đội miền Bắc đến từng cái kim sợi chỉ; cung ứng ngoại tệ cho Lê Duẩn nhiều tới mức, sau ngày 30-4 vẫn còn hơn một trăm triệu đô la tiền mặt chưa dùng đến.
Khúc ngoặt quan trọng nhất của Lê Duẩn với Bắc Kinh là sự kiện Nixon bắt tay với Mao. Nhưng, nếu không có cú bắt tay này, Mỹ có buông miền Nam như thế... Có lẽ Lê Duẩn chỉ nhìn thấy trong sự kiện đó sự "trở mặt" của Bắc Kinh mà không nhìn thấy nó khởi đầu cho một sự thay đổi hoàn toàn bàn cờ thế giới. Sau 1972, quân cờ VN không còn quá quan trọng trong tay hai phe nữa.
Sau Chiến tranh 1979 nổ ra, có "riu mơ", năm 1973 khi Kissinger sang Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc và nói với Lê Đức Thọ rằng, "Từ nay kẻ thù của VN là đây chứ không phải là Mỹ nữa". Năm 2006, tôi mang câu chuyện này hỏi lại Kissinger (khi phỏng vấn ông ở Boston), Kissinger cười, "Tôi tới HN, Lê Đức Thọ dẫn tôi đi thăm bảo tàng lịch sử, khi đó ở đấy chưa có phần nào trưng bày về chiến tranh với Mỹ nhưng có rất nhiều phần trưng bày về chiến tranh với Trung Quốc. Anh nghĩ người VN còn cần tôi dạy họ ai mới là kẻ thù của họ sao".
Ông Trần Việt Phương, Trợ lý cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và là một người rất gần gũi HCM, nói, "Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào ngây thơ (quốc tế vô sản) và mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại HCM". Thay vì cấm đoán những cuốn sách như Lưng Rồng, nên ủng hộ cái nhìn nhiều chiều về văn hoá và lịch sử. Tôi hy vọng Phán Xét là một tín hiệu - phát đi từ trong nội bộ Đảng - cho thấy, chính người Việt Cộng sản cũng đang có nhu cầu mổ xẻ các bài học của mình về cách ứng xử bên cạnh một láng giềng như Trung Quốc.

Trương Huy San

Nham nguyệt tùng phong

Đá, trăng, thông và gió, về đây để sống thật chậm, thưởng thức từng sát na trôi qua. Nhà của bạn tôi, Ngô Tiến Nhân. 
Hai thằng quen nhau lần đầu trên tàu liên vận đến nay đã gần nửa thế kỷ. Có rượu, gió không trăng, chuyện trò hai đứa từ cõi tâm linh tới chuyện đời trần tục. Khung cảnh không gian tuyệt vời. Rượu whisky single malt tuyệt ngon. Đồ nhắm cũng đã đời tất nhiên không phải đồ chay. Nếu cần chay thì đã có sẵn cognac.
Hẹn nhau mấy năm rồi, lần này mới tới được Nham Nguyệt Tùng Phong.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Chuyện đời tự kể của BS Phạm Ngọc Thắng: NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ 120

CHUYỆN MỘT CHUYẾN XUẤT NGOẠI
Năm ấy, nhà có chuyện.
Ông anh rể tự dưng đổ bệnh, chữa chạy khắp nơi. Sang cả Singapore để chữa. Bệnh vẫn nặng lắm.
Mình được tin nhắn, cháu mua vé cho chú, chú sang ngay với anh chị.
Sang thì sang.
Hộ chiếu dân sự, đi đứng tự do sướng âm ỉ, khác hẳn thời cũ, đi đâu cũng phải được phép, xuất ngoại khó bằng lên giời, phải có cho phép của Bộ.
Chuẩn bị đi, ra chợ mua cái quần kaki vàng vàng sâm sẫm như shit ngựa, thêm cái áo phông montagut nữa là diện oách. Đi có mấy ngày, mang theo ba bộ là đủ, cần đếch.
Chuẩn bị đi sang thì bà chị nhắn. Anh thèm ăn nước mắm, củ cải Việt Nam, chú sang nhớ mang nhé.
Mình nghĩ, mang gì, chứ nước mắm nó có cho nhập đâu. Thôi thì cùn vậy, chứ sao.
Bay từ nhà sang Sing có độ tiếng rưỡi, xuống xếp hàng qua cổng có chữ Immigration to tướng chờ đóng dấu.
Đàn bà thì tất tật trình hộ chiếu, lột dày dép, kiểm tra rất kỹ. Còn cô nào dấu đóng chi chít nhập cảnh Sing nhiều lần, soát ví không có đủ 1500 USD thì không cho nhập, chuyển sang phòng bên chờ nói chuyện. Thậm chí out luôn.
Đàn ông đỡ hơn, nhưng mất thời giờ nhất là một thằng tầm tuổi mình, răng vàng khè, dáng còi dí hèn hèn, thằng Mã to như con tịnh mặc áo ghi xám hỏi gì bằng tiếng Anh cũng trả lời: Tôi nà phó giám đốc...(sic!).
Thấy nó cứ kỳ kèo bằng tiếng Việt, trình bày nó là sếp, sang thăm con học... kể rằng nó là phó giám đốc, cơ quan quan trọng lắm trong khi thằng Mã chuẩn bị điên. Mình bảo, ông ơi, nó có biết tiếng Việt đâu mà nịnh, vẫn cãi, tôi nà phó giám đốc. A đú, nó thì cần gì biết mày là quan hay lính, để cho nhanh, ông vào phòng kia kìa, tôi thấy có đứa mặc đồ Sing nhưng nói tiếng Việt.
Mà mày cũng quên mịa nó cái kiểu cười nịnh nọt bẩm sinh kia đi, mất thể diện. Tôi bèn nói với thằng Mã, mày cho nó sang phòng kiểm tra đi, nó nguy hiểm lắm. Thằng Mã cười và gọi người đưa phó giám đốc quan trọng sang phòng kiểm tra thật.
Đến lượt tôi, sau khi chào thì nó hỏi, mày sang Sing làm gì. Sang thăm ông anh bị bệnh.
Ở đâu !?
Bệnh viện Elizabeth.
Bệnh gì!?
Ung thư.
Mày làm gì !?
Anh tao bệnh, tao là Bác sỹ, mang thuốc cổ truyền Việt Nam sang cho anh uống.
Đâu!?
Chìa chai nước mắm đóng trong chai pet Coca Cola ra.
Ở lại lâu không!?
Chỉ muốn mang anh tao về ngay, ở lại lâu làm gì.
Nó bảo: Good good... đóng dấu cái rẹt rồi nói với đứa hải quan gì đấy ( Trình tiếng Anh bằng A học vội không nghe được gì). Thấy chúng nó xì xồ rồi vạch cái bị đồ lủng củng của mình rồi chỉ ra cổng, thế là xong.
Ra đến cổng, ông cháu trố mắt nhìn ông cậu xách nguyên bị su hào, củ cải, khoai tây, nước mắm nghênh ngang bước.
Hỏi: Chú mang nhiều thế mà nó vẫn cho ah.
Ừ, tao không biết. Chém gió: Tao bảo mang cho anh tao ăn, ốm nặng lắm, khéo không về Việt Nam được, nó đồng ý nhập luôn.
Về khu nhà ông anh thuê, tính ở mấy tháng. Khu Toa Payoh có mấy dãy nhà năm tầng, toàn người Việt thuê ở.
Ấn tượng nhất là sạch sẽ. Ấn tượng thứ nhì là tầng trệt để trống dành cho dịch vụ xã hôi, là khu vui chơi cho trẻ và ngồi chơi với nhau của các ông bà già. Chứ không chi chít cửa hàng tạp hóa divutoho lộn xộn, bẩn bẩn như ở ta.
Nhà bên, có cặp vợ Việt, chồng Sing lai. Thấy con vợ mang sang nào bố, nào mẹ, nào mấy em gái, em trai, còn thằng chồng làm lái xe công sở. Cứ chiều tối về nấu cơm vừa làm vừa hát viên mãn lắm. Hỏi thì nó bảo, gái Sing cao giá lắm, nó chỉ lấy bác sỹ, kỹ sư thôi, tao thân thế cô, làm công nhân lái xe, bốc vác, lấy được vợ là may rồi. Lấy vợ, lãi đứa con. Vợ tao chiều chuộng tao lắm. Ừ, không chiều mày thì chiều ai. Nhờ mày, cả họ nhà nó sang đây kiếm ăn rồi kia kìa.
Hỏi kỹ mới biết, cô vợ làm gái, lấy thằng Sing này làm chồng ở lại, rồi đưa em sang lại làm gái. Riết rồi lấy chồng, rồi định cư, chúng nó đưa bố mẹ, các em trai gái sang sinh sống, thành người Sing cả rồi.
Giỏi quá, tao làm bác sỹ mà còn chẳng đưa được bố mẹ, anh em vào Sài gòn cùng ở.
Phụ nữ Việt Nam giỏi lắm, dù có phải làm Thúy Kiều ngàn lần vẫn nhớ đến cha mẹ, anh em trong nhà.
Mình kính phục thực sự. Dù làm nghề gì, phụ nữ Việt Nam vẫn vươn lên mạnh mẽ và vẫn hiếu đễ, lo toan chu đáo cho gia đình.
Có chuyện vui, kể nốt. Chiều chiều mình buồn, xuống sân chơi, thấy hai ông già ngồi trầm ngâm đánh cờ, ghé xem. Thói đánh cờ thì chuộng im lặng, ngồi mãi, buộc miệng, chiếu tướng đi chứ. Một ông bảo, chưa được, nó còn đỡ được, bằng tiếng Việt. Mình mồm há hốc.
Ngoài sân, một cụ ông khác đang quét sân. Việc làm tự nguyện, vừa làm vừa hát. Lại gần, thấy cụ ca Vọng cổ: Từ, là từ phu tướng...
Ôi chao, danh dự quá, cả khu này, con cái mang cha mẹ sang báo hiếu cả rồi.
Việt Nam ơi, Singapore ơi...
Cũng đã lâu lâu, nhớ lại chút chút!

16/3/2018
Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng.
(từ FB-Nghia Doan)

Saturday, December 29, 2018

Lại họp chi bộ

Do có bạn Hưng bay vào nên chi bộ Sài Gòn lại 1 phen chộn rộn họp hành, thảo luận thỏa thích.

Friday, December 28, 2018

Hạnh phúc từ đâu?

Hạnh phúc là tùy hoàn cảnh sống, hay phụ thuộc vào những mối quan hệ và con số ghi trên phiếu lương?

Tính cách con người liên quan rất nhiều đến các khía cạnh của hạnh phúc, trong đó có sự hướng ngoại. Hiện nay, qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh: những người hướng ngoại đạt mức độ hạnh phúc cao hơn.
Trong cuộc sống thực, ko phải là kết quả từ các nghiên cứu, cần được xác minh một cách cụ thể về điều này.
Đi ngược với bản chất tự nhiên, con người sẽ phải trá giá về tính cách của mình do cho rằng: phải làm chủ vận mệnh và có thể trở thành người như ý muốn.
Tính cách quyết định cuộc sống là điều chắc chắn. Và tính cách có thể thay đổi được.
Vậy thì những người hướng nội sẽ phải thế nào?
Nhiều người hướng nội cũng đánh giá cao cách cư xử hướng ngoại và họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi hành xử như những người hướng ngoại. Tuy nhiên, nếu ko thật sự thoải mái, những người hướng nội sẽ cảm thấy: hạnh phúc của họ bị ức chế.
Cũng như tình yêu là ko thể lập kế hoạch. Ko có công thức kỳ diệu nào cho hạnh phúc. Tuy nhiên, cách tốt nhất là con người phải học cách gắn nó vào tính cách của mình.

Viết/tóm lược theo bài “Không có công thức kỳ diệu nào tạo ra hạnh phúc” (KTNN No.1016)

Thursday, December 27, 2018

Xem tử vi

Bây giờ, vào hàng Lục Tuần, đa phần đều có sự nghiệp, nhưng được hạnh phúc hay không, còn tùy vào hành nghiệp của mỗi người trong hiện đời mà trở nên sai biệt. Nếu ăn ở ngay chính, con cái nên danh, gia đình phú túc, sự nghiệp ngày càng hưng vượng. Tuổi già an nhàn, thanh thản. Ngược lại, hành động chỉ biết lợi mình, thu gom về cho gia đình dù phải gây hại cho người... thì tiền của vẫn dồi dào nhưng bản thân thường bị tai nạn, con cái hư hỏng, cuộc sống khó được an vui.

Người đã ám ảnh tôi đến nay...

Nikolai Alexeevich Ostrovsky (Russian: Николай Алексеевич Островский; Ukrainian: Микола Олексійович Островський; 29 September 1904 – 22 December 1936) was a Soviet socialist realist writer, of Ukrainian origin. He is best known for his novel How the Steel Was Tempered.

Ảnh mới: Gặp gỡ @ Nha Trang

Sinh nhật em út tại Trang trại Gấm - Nha Trang. Chúc vui tươi mạnh khỏe đầm ấm bên gia đình và bạn bè thân thiết !

Ảnh đẹp: Bình Minh Myanmar

"Ai Sun rise nào" ? chẳng có ai mua cả!


NGHĨ VỀ THƠ VÀ TÌNH YÊU


Thơ là nguồn cảm hứng yêu
Qua thơ nói được bao điều, trong mơ 
Nhưng tình yêu gửi vào thơ,
Lẫn điều gian dối, ai ngờ được đâu ?

Có nhiều đôi, lúc xa nhau,
Viết thơ: thề thốt, bạc đầu, răng long.
Bao nhiêu tình cảm trong lòng
Ấp ủ hy vọng, ngóng trông tháng ngày.

Cho dù giông bão, tuyết bay,
Cho dù lửa khói bủa vây muôn trùng;
Cho dù cách trở núi rừng,
Cho dù xa đến mấy từng mây xanh.

Thì em vẫn chỉ yêu anh
Thì thơ anh viết, chỉ dành em thôi.
Ôi tình yêu đẹp tuyệt vời
Thơ gắn hai nửa cuộc đời với nhau.

Lúc hạnh phúc, lúc buồn đau;
Thơ vẫn ở giữa, hai đầu mộng mơ.
Nhắc ai đừng mượn vần thơ.
Gửi mối nghi ngờ, đổ tiếng hại nhau.

Thơ chỉ là một cây cầu;
Trung thành ở giữa hai đầu bến mơ.
Xin đừng đổ tiếng cho thơ.
Để cho bên đợi, bên chờ cách nhau.


Tác giả : Nguyễn Văn Phú

Mùa thu 2018.
Mượn hình ảnh trong phim “Lật ngược” của Thế giới trẻ làm minh hoạ.

Nói chuyện và thảo luận là động lực suy nghĩ đúng.

Thời đại của những nhà suy nghĩ khổng lồ.

Sáng nay dậy sớm, tình cờ thế nào lại đọc một lúc về cuộc đời của Nicola Tesla. Trước hết rất muốn viết về Tesla, một nhân cách kỳ lạ. Tesla đã nghĩ tới điện thoại di động thông minh, có lẽ là người đầu tiên nghĩ tới đưa thông tin tới từng cá nhân vào năm 1901. Thứ hai, câu chuyện về Tesla đầy rẫy những tên tuổi lớn Edison, Westinghouse, Mark Twain, Kipling,... Hình như New York vào đầu thế kỷ 20 là nơi tụ hội anh tài, đã làm ra nước Mỹ hùng mạnh. Động lực nào đã sản sinh ra một thế hệ như thế. Thứ ba, thấy vai trò của bằng sáng chế như một động lực để khuyến khích sáng tạo. Sĩ phu Việt Nam chỉ quanh quẩn chứng minh định lý A trong trường hợp X1, X2,... hay nói chuyện lý thuyết không thời gian và tâm linh, tưởng rằng chỉ có thuyết tương đối và cơ lượng tử mới có những nhà suy nghĩ khổng lồ. Cuộc chiến về dòng điện ở Mỹ cũng không kém phần vĩ đại. Làm thế nào để người Việt Nam thoát khỏi tâm thức lưỡng lự giữa hai cực đoan: "tìm ra cách MỚI, DỄ, ĂN TO " và "những suy nghĩ tầm cỡ động trời như tâm linh, quan niệm cách mạng mới". Sự thực tâm lý dao động giữa cuồng vĩ và ăn may chỉ là hệ quả của thói lười nghĩ và nhát nhúa của tầng lớp trí thức nghèo tỉnh lẻ. Thứ 4, nhắc đến các bữa trưa brownie back ở New York mới nhớ khoảng những năm 90, mình cũng được mời tới dự các buổi này ở New York, nhưng chưa bao giờ sắp xếp tới được. Ý tưởng rất đơn giản, hàng tuần có một bữa mọi người tự mang đến bữa trưa trong một túi giấy màu nâu, cùng ăn với nhau tại một địa điểm cố định và nói về bất cứ ý tưởng gì. Không ngờ một tập quán như vậy lại có từ thời trước cả Tesla duy trì được cả một thế kỷ. Không biết bao nhiêu ý tưởng vĩ đại và thực tế của nhân loại ra đời trong các bữa trưa túi giấy như thế. Đặc biệt của các trí thức Việt Nam là không có không khí và động lực để nói về ý tưởng khoa học, công nghệ. Có lẽ đối với họ tri thức chỉ là công cụ, bằng cấp và danh hiệu mới là mục tiêu. Có thể đó là vì sao mỗi tuần nói chuyện, gặp gỡ hàng trăm người mà vẫn không thoát được tâm trạng cô đơn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Wednesday, December 26, 2018

Cảnh báo: Vui chơi với tử thần

Từ lâu, biển Vũng Tàu (BVT) là nơi dân SG và các nơi kéo tới, nhất là vào mùa nóng nực. Nhưng từ khi biết BVT, tôi cũng biết đây cũng là bãi tắm vô cùng nguy hiểm vì đã cướp đi mạng sống rất nhiều người.
Mới đây (23.12.2018) lại có thêm 2 nạn nhân mà tôi biết qua bạn bè (2 cô em của 1 người bạn) bị sóng cuốn khi bước ra chỗ nước chỉ đến ngang đầu gối.
Dù được những người cứu hộ cứu/vớt và sơ cứu chỉ sau 5 phút và được chuyển về BV Chợ Rẫy trong tình trạng tim vẫn còn đập, nhưng cô em út đã ko qua khỏi. Cô em thứ 2 (từ nước ngoài về chịu tang cha) vẫn chưa qua khỏi tình trạng nguy kịch.
Có nên tiếp tục đến tắm ở BVT nữa ko hay chỉ nên đến ngắm biển, ko nên bước xuống bãi tắm chết người này vì đời sẽ bỗng thành vô thường với những cái chết thương tâm như đến nay vẫn xảy ra, ko tránh khỏi?

THẾ HỆ THỨ BA

BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.
Nếu "nhà nước thực sự là của dân" như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang... đều được quy hoạch từ rất sớm.
Nhưng bản chất của "quy hoạch” vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ Văn Kiệt thường nói, "Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình một cái đầu". Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân cận huyết.
Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.
Thế hệ các bậc "công thần khai chế độ", bao gồm những người cho dù xuất thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình.
Thế hệ được lựa chọn này có thể tính từ Phan Văn Khải, Nguyễn Đình Lộc, Đậu Ngọc Xuân... và những người tiếp theo như Đỗ Quốc Sam, Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc... Họ hoặc là có nguồn gốc trí thức hoặc được Đảng cho ăn học nhưng vẫn mang khí chất của những người trí thức.
Cho dù được chuẩn bị để "kế tục sự nghiệp", nhưng khi họ cầm quyền cũng là khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều người trong số họ tự giải phóng đầu óc mình ra khỏi tình trạng "bị cầm tù trong sự giáo điều". Dù nhiều người không hẳn là liêm khiết, khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia, dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Chính họ nhìn thấy sự lầm than chủ yếu vì "lỗi hệ thống" chứ không đổ cho chiến tranh, chia cắt.
Họ khôn ngoan cài cắm các khái niệm tích cực vào các văn kiện, rồi mềm dẻo "thể chế hoá" chúng. Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh Nghiệp 1999..., những chính sách mang dấu ấn của họ, đã thiết lập các hành lang pháp lý để VN có thể đặt chân đến cánh cửa của kinh tế thị trường. Họ là thế hệ thấu hiểu mô hình Xô - Viết, chính họ đã khôn ngoan biến công cuộc đổi mới của Đảng (từ 1986) - khởi xướng bởi những người từng là con đẻ của Xô - Viết - trở thành một công cuộc từng bước đưa VN thoát khỏi mô hình Xô - Viết.
Tiếc thay, họ thường nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Họ thua ngay những người gần như cùng thời với mình như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng...
Thế hệ thứ Ba, không phải không còn những người có khí chất, biết giữ gìn. Tuy nhiên, những người còn chút lòng với đất nước này nhanh chóng bị đẩy vào nhóm thiểu số. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" từng tập trung vào tay Tổng bí thư, trong hai nhiệm kỳ gần như nằm trong tay Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng được cơ cấu vào dự khuyết Trung ương năm 1986, khi đang là Bí thư Hà Tiên. Chẳng phải Võ Văn Kiệt, hay Lê Đức Anh mà chính học thuyết "pháo đài cấp huyện" của Lê Duẩn đã chọn ông, một người chẳng tài cán, chưa công lao, như đã chọn Nguyễn Thị Xuân Mỹ (Quận Lê Chân, Hải Phòng), Trương Mỹ Hoa (Tân Bình)... Cơ hội thực sự của Nguyễn Tấn Dũng là được đón Lê Đức Anh tới thăm Kiên Giang vào ngày 5-5-1993. Chỉ mấy tháng sau, Ba Dũng được đưa ra làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ thay thế Tướng Võ Viết Thanh, trong một ý đồ nắm Bộ sức mạnh này của Lê Đức Anh.
Ai từng biết Ba Dũng trước khi ông ta lên Thủ tướng thì mới thấy đó là một con người hoàn toàn khác, thân thiện với đồng sự; ngoan ngoãn, nhất mực vâng lời các cha chú Anh - Kiệt - Mười. Võ Văn Kiệt thích Ba Dũng vì tính quyết đoán. Đỗ Mười chọn ông ta vì "con liệt sỹ, lại đã kinh qua chiến đấu, kiên định vững vàng". Ông Võ Văn Kiệt nhận ra con người Ba Dũng chỉ sau một năm Ba Dũng trở thành Thủ tướng. Tam nhân chọn lựa nhưng chỉ có Lê Đức Anh là đứng rất lâu sau lưng Ba Dũng.
Hai thập niên ông tướng này bảo vệ đất quân đội cũng vì quyền lực; rồi chính ông để cho Ba Dũng, Phùng Quang Thanh... chia chác đất quân đội cũng vì tiếp tục muốn có ảnh hưởng quyền lực. Trước Đại hội, khi sức đã tàn ông Tướng vẫn còn can thiệp để giữ "anh Ba" ở lại.
Điểm nổi bật của "thế hệ thứ Ba" là hiểu biết rất "ba chớp ba nhoáng" về mô hình Xô - Viết nhưng lại cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu. Những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về "định hướng". Họ tăng trưởng nhanh dưới thời Ba Dũng. Họ không chỉ tự tha hoá mình về mặt con người, mà còn làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm. Giai đoạn sau 2006, Việt Nam thay vì có thể vững chắc đi đến thị trường, con đường tích tụ tư bản của các doanh nghiệp phần lớn bị đặt ở sân sau, hoang dã.
Đúng là lỗi hệ thống nhưng chính những người như Nguyễn Tấn Dũng đã chung chạ bừa bãi với phần lăng loàn nhất của thể chế để "đẻ" ra những Đinh La Thăng, Bắc Hà, Phan Văn Vĩnh... và "khối doanh nghiệp sân sau". Tất Thành Cang không chỉ nằm trong số đó mà còn là truyền nhân nguy hiểm nhất. Cang không chỉ giỏi ton hót Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng... mà còn chơi trong nhóm các cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị, Lê Trương Hải Hiếu... Người dân Sài Gòn không phải không biết Cang là ai. Vấn đề là quy trình cán bộ đưa Cang lên nắm quyền không có vai trò của các đảng viên tử tế, đừng nói chi vai trò của dân.
Đội ngũ lãnh đạo đất nước này phần lớn được lựa chọn trong mười năm qua; nhung nhúc "những đứa con cận huyết". Họ chỉ kém sự du côn của Cang và không được vẫy vùng trong lãnh địa của "anh Hai". Các quy trình đã từng đưa họ lên, khi có cơ hội sẽ đưa họ thành Cang, thành Thăng, thành Vĩnh...
Cả ba thế hệ đều đã lệ thuộc rất nhiều vào cá nhân, thế hệ nào cũng không tránh được sự tha hoá. Đừng để "thế hệ thứ Ba" khi có cơ hội lại đưa đất nước quay lại "thời kỳ Ba Dũng". Phải để những kẻ tha hoá biết sợ dân, sợ thể chế chứ không chỉ sợ một người; phải để cây thành rừng, thành gỗ chứ không chỉ thành củi. Dân chúng hân hoan khi thấy bọn tham nhũng bị tống vào tù; nhưng dân chúng cần có đủ niềm tin vào thể chế để tìm cảm hứng phát triển ngay cả khi "lò" tắt.
Trương Huy San

Tuesday, December 25, 2018

ĐÀN ÔNG HỌ TìNH CẢM LẮM !!!

Gia đình nọ có bà chẳng may bị con ngựa đá chết. Bạn bè đến viếng rất đông. Viếng xong, các bà vợ ngồi nói chuyện, bỗng một bà chỉ tay về góc sân:
- Các ông chồng của chúng ta đang xúm lại chia buồn cùng gia chủ kìa! Cánh đàn ông trông thế mà tình cảm lắm!
Lúc ra về, các bà vợ xúm lại hỏi gia chủ:
- Các ông chồng của chúng tôi chia buồn với anh, họ tình cảm lắm phải không?
- Có gì đâu, họ chỉ xúm lại và nằng nặc hỏi tôi để mượn.....CON NGỰA!!!!


Trần Thanh Đàn (ELTE.VIDI72)

LUẬT AN NINH mạng

Sài Gòn Xưa (18.dec.2018): Như vậy chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là “LUẬT AN NINH” mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 🙂 
-------------

>>> Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 sẽ thông qua Luật An Ninh Mạng ! quý vị thử lên Google search “Luật An Ninh Mạng” xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân như thế nào và kết quả là tất cả các trang có thông tin đó hoàn toàn không xem được ,còn sau này thì ad hong biết nha và có thể mọi chuyện đã rõ trong thời gian tới anh em bạn bè đang chơi Facebook có thể sẽ bị theo dõi bất kỳ lúc nào.

>>> Còn về những người hay check pass " bạn anh X, bạn anh Y " đều bị theo dõi và có thể bị hốt bất cứ lúc nào khi đang check in 😊

>>> Những tin nhắn, alo hẹn đi chơi ăn nhậu, đi mát-sa-ge, hay đi chơi gái ,hẹn nhau đi đâu đó ..vv, chúng ta đều bị an ninh nghe lén, đọc lén hết nhá ? 😂 


>>> Những ai bán hàng trên mạng giờ đây sẽ bị kiểm soát thông tin cả bên bán và bên mua, có thể các hợp đồng giao dịch trên mạng sẽ bị an ninh theo dõi, không còn là bí mật giữa 2 bên nữa và cuối cùng đó là sẽ tiến hành cắt giảm băng thông cho Facebook-Google-YouTube ..,đây là những gì ad biết được trong thời gian qua ,còn tương lai sắp tới ra sao thì phải đợi trong 2 tuần tới sẽ biết hen 👍

😊😊😊😊😊😊

Đây là cách vượt tường lửa để không bị chặn Facebook và nhiều website khác:

1. Trên máy tính thông thường, dùng Hola như 1 add-on trên trình duyệt chrome khá nhanh (miễn phí hoàn toàn), Hotsot Shield (miễn phí vài ngày) hoặc UltraSurf (miễn phí hoàn toàn)

2. Trên điện thoại di động android: dùng Orbot (miễn phí hoàn toàn), TunnelBear (miễn phí dung lượng 500mb, mua hơn 1 triệu mỗi năm), SurfEasy (miễn phí vài trăm Mb) hoặc trình duyệt Opera Mini (miễn phí hoàn toàn)

3. Trên iOS (iphone và ipad) : dùng Free VPN (by VPN Master), (miễn phí hoàn toàn)

Anh chị em share cho người khác kinh nghiệm để thoải mái relax....nên share trên zalo, viber, instagram, forums đồ....Chứ cách vượt FB chỉ share trên FB là pó tay hahahahaha. Cấm cái CC....đủ mẻ mỗi tháng trả đủ tiền net mà cấm nguời ta vào xem .. hờn 😔

Monday, December 24, 2018

QUÂN TỬ NGÀY NAY

Xem phim Bao Công, tôi thích nhân vật Triển Chiêu, người được gọi là Triển đại hiệp hay Nam hiệp Triển Chiêu. Hình tượng Triển Chiêu qua tiểu thuyết và phim ảnh khác với con người thật của ông ngoài đời thế nào khó mà biết được (Nhiều người tiếng tăm lẫy lừng 5 châu 4 biển, sống cùng thời với ta mà nay còn bị ném đá, dìm hàng… do không ai chứng tỏ được người ấy chính là một huyền thoại hay chỉ là kẻ ngụy tạo, huyễn hoặc, gian xảo chẳng đáng gì…).

Những người như Triển hộ vệ đã thuộc về quá khứ. Bây giờ, khi gươm giáo chẳng làm ai sợ hãi, ngày càng nhiều người vứt bỏ những thứ mà đối với họ là ko phù hợp để chọn những tiêu chuẩn/hình mẫu đảm bảo cho họ có được những giá trị gắn với thời đại mới.

Hình mẫu con người lý tưởng hiện nay là gì? Và nền tảng hình thành của họ từ đâu?
Với một xã hội đang biến đổi một cách mau chóng trong vài chục năm đã cho thấy: cái nền tảng giáo dục của VN hiện nay đang tan rã như thế nào. Thật đáng sợ khi người ta từ bỏ giá trị “quân tử” từ thời phong kiến để thành những kẻ sáo rỗng, sống một cách cơ hội và thực dụng.
Hình mẫu xứng đáng hiện nay của một người là thế nào? Có nên bỏ những giá trị được người xưa xem trọng: hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tất vụ lợi cá nhân. Có phải là cổ hủ khi cho rằng: người ta phải có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất, là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời.
Có lẽ, gọi là gì thì bây giờ, người quân tử chắc ko sống nổi, đã tuyệt chủng để một bọn khác lên ngôi trong cái xh mới này.
Cho dù họ ko còn, nhưng tôi muốn cái cốt cách và tinh thần của họ ko mất. Con người hiện nay thường coi nhẹ đạo đức, nhìn nhận đạo đức một cách nông cạn. Hơn nữa còn cho rằng hai chữ “đạo đức” chỉ là một loại thuyết giáo, vốn không có nội hàm chân thật, chỉ nói ngoài cửa miệng mà thôi. Từ đó mà không thể thật lòng thành tín, không biết hàm nghĩa thâm sâu của đạo đức cũng như năng lượng vật chất và tinh thần to lớn của nó. Vậy nên con người hôm nay ngày càng rời xa đạo, thiếu hụt đức, phúc phận mỏng manh, gặp nhiều chuyện không được như ý.

Văn hóa, mà cốt lõi của nó là GIÁO DỤC, như người xưa cho rằng nằm ở chữ “đức”? Chính là không kể có người đang dõi nhìn bạn hay không, có pháp luật truy cứu bạn hay không, hành vi của bạn nếu phù hợp với đạo trời, thì mới là “đức” thật sự.
Người xưa cũng trọng những người khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính, tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến, cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc, có tài trị quốc nhưng cũng thận trọng, giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán, hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa, khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ, cương trực nhưng cũng vẹn toàn, kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa.

Về hành xử: Trong quyển “Thượng Thư – Hồng Phạm”, nói đến ba phẩm đức khác: “Nhất viết chính trực, nhị viết cương khắc, tam viết nhu khắc”. (Tạm dịch: một là cương trực thẳng thắn, hai là lấy cứng rắn giành thắng lợi, ba là lấy mềm dẻo giành thắng lợi).
Trong quyển “Chu Lễ – Địa Quan”, lại có giảng đến 6 phẩm đức: “Tri, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa” ;(tri: tri thức, hiểu biết; nhân: nhân nghĩa; thánh: sáng suốt: nghĩa: chính nghĩa; trung: chính trực; hòa: khiêm hòa). Khổng Tử trong “Luận Ngữ” giảng “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Người xưa vô cùng tôn kính trời đất thần linh, có thể tuân giữ đạo đức, vậy nên có phẩm đức tốt, phúc phận lớn.

Suy cho cùng, để trở thành một người chân chính, một bậc chính nhân-quân tử (cả xưa và nay), đó là sống trọn đời vì Đạo làm người. Ko dễ gì phế bỏ những giá trị cũ để làm cm đưa lên những cái mới để thay thế.

Sunday, December 23, 2018

ĐÓN - ĐƯA ?

Một chú ra ga tàu đón vợ. Lúc gặp nhau, thấy chồng có vẻ buồn buồn, chị vợ hỏi:
- Anh làm sao thế? Vợ chồng mình nửa tháng nay không gặp nhau, lúc gặp phải vui vẻ, háo hức lên chứ? Hãy nhìn cặp vợ chồng đằng kia mà xem, họ quấn quýt bên nhau ôm hôn thắm thiết quá!
- Em nhìn kỹ lại đi! Thằng đó nó đi tiễn vợ nó đấy!!!

Trần Thanh Đàn (ELTE.VIDI72)

Ghê và dữ

Người Bắc nói "thích ghê lắm", người Nam nói "thích dữ lắm". Người Nam nói "Con dzợ tui dữ lắm", người Bắc nói "mụ vợ tôi ghê lắm". Tuy thay thế nhau nhưng gốc gác hai từ này không tương đương. "Ghê" là một trạng thái tâm lý của chủ thể người nói, "ghê người", "sởn gai ốc" "tởn gáy". "Dữ" là trạng thái của khách thể "dữ dằn", "dữ tợn". Người Bắc ưa nói về bản thân, người Nam ưa nói về khách thể. Có thể có lý do lịch sử chăng?

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

KỈ NIỆM MỘT LẦN GẶP VĨ NHÂN

Năm 1988 đi hội nghị ở Ba lan, transit ở Moscow. Sẵn có lá đa trong túi, vào hẳn nhà khách Sứ quán ở cho oai, mỗi ngày mất 1 $, đỡ phiền bạn bè.
Tối, xuống CLB xem TV, thấy có 1 cụ già tầm 75 tuổi mặc áo lông Đức ngồi co ro ở đó. Hết TV, thấy cụ không về, hỏi thì cụ bảo:
- Tôi transit qua đây, vào nhà khách nhưng không có tiền, nên không được ở. Xin mãi, họ mới cho ngồi nhờ ở đây đợi mai đi tiếp. May, vì ngoài phố tuyết rơi, lạnh quá!
Liền mời cụ về phòng ngủ cùng, vì có 2 giường đầy đủ chăn đệm. Đoán cụ đói, nên lấy bánh mì bơ và xúc xích mời cụ ăn, xong mới leo lên giường. Trái múi giờ, 2 ông cháu chưa ngủ được nên nói chuyện mãi. Kì lạ, cụ già cái gì cũng biết, càng nói chuyện càng ngạc nhiên về độ uyên bác phi thường của cụ. Gần sáng, mới tò mò hỏi, cụ đi đâu mà qua cái đất Moscow lạnh lẽo này, và sao mà cụ không có lấy 1 $ để ngủ ở nhà khách. Cụ đáp:
- Tôi được Viện Hàn lâm KH Hungary mời sang báo cáo hội nghị KH. Họ lo vé MB đi lại, ăn ở bên kia chu đáo. Mỗi tiền đi đường thì họ không nghĩ tới, mà hưu rồi nên Nhà nước ta cũng chẳng cấp cho tôi, và tôi cũng chẳng có!
Ngạc nhiên ghê gớm, lúc chia tay hỏi tên, cụ đáp:
- Tôi tên là Trần Đại Nghĩa!
Ôi chao ôi, thì ra đây là nhà khoa học lừng danh, một trong những người chế tạo bom bay V1, V2 nổi tiếng trong Thế chiến thứ 2. Con người này từng theo Cụ Hồ về Việt Bắc, chế tạo bom ba càng, súng không giật SKZ, bazooka, thủy lôi áp suất ABS, đạn bay, ..., góp phần không nhỏ cho đất nước trong cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc. Và, chỉ vì không có 1 $, cụ không được ngủ ở nhà khách Sứ quán VN tại Moscow!


Nguyễn Cảnh Hoàng

Saturday, December 22, 2018

Ít ai ưa và cũng ít ai thử tìm hiểu?

TRUYỆN VUI CUỐI TUẦN – HÉTVÉGI VICCEK (No. 142)

Trong khi cãi nhau, người chồng thét to:
- Nếu bà chết, tôi sẽ viết lên bia mộ của bà là: “Vợ tôi yên nghỉ ở đây, lạnh lùng như thường thấy”.
Người vợ quát lại:
- Còn tôi sẽ viết lên bia mộ của ông là: “Chồng tôi yên nghỉ ở đây, cuối cùng rồi cũng cứng đơ”.
--------------

Veszekedés közben a férj így kiállt a feleségére:
- Ha egyszer meghalsz, azt írom majd a sírkövedre: '' Itt fekszik a feleségem, hidegen, mint általában.''
A feleség visszavág:
- Én meg azt írom majd a tiedre: ''Itt fekszik a férjem, végre mereven.''

Nguyễn Ngô Việt (Debrecen.VIDI73)

Hạt đậu nhỏ bé

Chú lùn ấy nhỏ bé nhưng là bé hạt tiêu, hạt đậu ấy nhỏ con nhưng tầm vóc có thể vươn tới bầu trời. Người ấy là Quang Hải, biểu tượng mới của bóng đá Việt Nam.


Cậu bé ấy một năm trước mới lần đầu có mặt tại đội tuyển quốc gia, một năm trước mới được đá chính ở đội U23. Cậu bé ấy từng bị dằn mặt, bị chơi xấu, bị đánh nguội, bị kèm chặt trong từng bước chạy. Cậu bé ấy đã bao lần bị quật ngã để rồi lại đứng dậy, đã bao lần gục xuống, đổ mồ hôi, đổ cả máu.
Mặc kệ tất cả, cậu bé ấy vẫn tỏa sáng.
Màn trình diễn đầy ấn tượng của Quang Hải ở AFF Cup 2018 gợi nhớ tới những khoảnh khắc đáng nhớ của Nguyễn Hồng Sơn ở AFF Cup 1998, Văn Quyến ở SEA Games 2003. Đó là những màn trình diễn hảo hạng đến từ thần tượng mới của bóng đá Việt Nam, người chỉ cao có 1,68 m và năm nay vừa tròn 21 tuổi.

Phải gọi Quang Hải là gì bây giờ? Tiền vệ trung tâm? Tiền vệ cánh? Tiền đạo cánh hay số 10 hộ công?

Một năm ở U23 Việt Nam và tuyển quốc gia đã chứng kiến sự tiến hóa không ngừng nghỉ của Quang Hải. Khởi điểm ở vị trí tiền vệ trái tại CLB Hà Nội, Quang Hải được HLV Park Hang-seo chuyển sang cánh phải để tận dụng những cú cứa lòng chuẩn xác.

Tới ASIAD 18, khi Xuân Trường sa sút, Quang Hải tiếp tục được bố trí đá tiền vệ trung tâm. Tại AFF Cup, khi Văn Quyết không còn là chính mình, Hải được đôn lên vai trò hộ công. Chàng trai mang áo số 19 giống như chất keo vạn năng trong tay chiến lược gia người Hàn Quốc.

Ở đâu đội bóng cần, ở đấy có Quang Hải. Keo Quang Hải dán vào chỗ nào, vết thương nơi đó lập tức liền sẹo. Ngoại trừ vị trí tiền đạo cắm, Hải đã được sử dụng ở tất cả các điểm nóng trên hàng công.

Nhìn Quang Hải thi đấu, BLV Quang Huy phải thừa nhận: “Quang Hải là mẫu tiền vệ tài hoa mà bóng đá Việt Nam tìm kiếm từ rất lâu. Ở mọi vị trí trên hàng công, cậu ấy đều có thể chơi tốt”.

Cầu thủ bình thường cần nhiều tháng để làm quen với vai trò mới, Hải chẳng cần nhiều đến thế. Anh ghi 5 bàn trong vai trò tiền đạo trái trên đất Trung Quốc, 2 lần sút tung lưới đối phương ở Á vận hội trước khi tiếp tục là ngôi sao sáng nhất của tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ba giải đấu lớn là ba vị trí thi đấu hoàn toàn khác biệt.

Lễ bế mạc AFF Cup 2018, Hải bước lên bục nhận giải MVP (cầu thủ hay nhất) trong sự tâm phục khẩu phục của cả đấu trường. Màn trình diễn ở AFF Cup đặt Quang Hải ngang hàng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Quyến - những người hùng lịch sử của tuyển Việt Nam qua các kỳ AFF Cup.

Hải không chỉ thích nghi với vị trí mới, anh còn tự phát triển các năng lực của mình, bổ sung thêm mà không phải hy sinh bất kỳ kỹ năng nào. Hồng Sơn là tiền vệ tài hoa nhưng đã ai thấy anh đá tiền đạo chưa? Văn Quyến tài năng nhưng lười biếng đã thành giai thoại còn Công Vinh phải hy sinh những pha đi bóng thêu hoa dệt gấm để đổi lại bản năng sát thủ đáng sợ.

Quang Hải thì sao? Anh chẳng phải hy sinh điều gì cả. Anh giống như một nhân vật trong trò chơi điện tử, chỉ bổ sung chứ không loại bỏ bất kỳ “item” nào. Chỉ trích Hải khó khăn hơn khen ngợi bởi Hải đã làm quá tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có chăng, Hải chỉ gặp chút vấn đề trong việc hỗ trợ phòng ngự từ xa bởi hạn chế không thể bù đắp về hình thể.


Trên hàng công tuyển Việt Nam, Quang Hải thi đấu nhiều hơn hết thảy. Anh đá đủ cả 8 trận, chơi 719 phút, chỉ kém bộ ba phòng ngự Văn Lâm, Đình Trọng, Duy Mạnh đúng 1 phút. Anh đá nhiều hơn tất cả đồng đội ở hàng công và giữ vị trí không thể thay thế trong mọi sơ đồ.

Dù khối rubik trong tay thầy Park xoay theo chiều nào, Quang Hải vẫn là nhân vật trung tâm. Mọi chuyển động, mọi sắp xếp khác của tuyển Việt Nam đều phải xoay quanh Quang Hải.

Ông Park biết điều đó và đối thủ cũng vậy. Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines và Malaysia đều đã cố gắng ngăn chặn Quang Hải. Khi những phương pháp thông thường không đem lại hiệu quả, họ đã cùng nhau tìm tới lựa chọn cuối cùng: phạm lỗi.

Không biết bao nhiêu lần tại AFF Cup năm nay, Hải bị đánh nguội, bị chơi xấu. Người nhẹ thì kéo áo, đẩy vai, kẻ nặng thì giật cùi chỏ, vào bóng gầm giày. Nói như một bình luận viên truyền hình trong trận chung kết lượt về: “Malaysia sẽ làm tất cả để ngăn chặn cầu thủ quan trọng nhất của tuyển Việt Nam”.

Bao nhiêu lần Hải đứng lên là bấy nhiêu lần anh bị xô ngã. Nhưng mỗi lần ngã xuống, Hải lại bật dậy mạnh mẽ hơn. Đối thủ càng chơi xấu, họ càng khiến Quang Hải nổi giận. Càng nổi giận, Hải càng đá hay.

Trên thực tế, người hùng của tuyển Việt Nam chỉ ghi đúng một bàn trong 4 trận knock-out AFF Cup 2018. Đó là hiệu suất săn bàn tệ nhất của Quang Hải từ đầu năm tới giờ. Nhưng khi Hải không ghi bàn mà vẫn chơi tốt, không lập công mà vẫn tỏa sáng, sự thừa nhận dành cho chàng trai 21 tuổi càng lớn hơn.


Mỗi lần người ta kéo ngã Hải, anh đứng dậy đáp trả đối thủ một đường chuyền sắc lẹm. Mỗi lần ăn một gầm giày, Hải phủi tay, tung chân ra một đường kiến tạo. Đối phương càng hằn học, Quang Hải càng bình tĩnh. Đối thủ càng cố gây ức chế, Hải càng lì lợm, khó ưa. Như một bậc thầy nhu thuật, số 19 của tuyển Việt Nam nhận lấy tất cả đau đớn và trả lại gấp đôi cho đối thủ.

Chung kết lượt đi với Malaysia, Quang Hải lần lượt đặt Đức Chinh, Văn Đức, Tiến Linh vào thế đối mặt với Farizal Marlias. Nhiều tới mức HLV Hoàng Văn Phúc xem trên truyền hình còn phải thốt lên ngờ ngợ: “Nếu tôi nhớ không lầm, cậu ấy đã tạo ra 4 đường chuyền dẫn tới cơ hội mười mươi cho đồng đội”.

Chung kết lượt về, 2 phút sau tình huống bị đánh nguội ở phút thứ 4, Quang Hải qua mặt hàng phòng thủ Malaysia, tung đường chuyền tuyệt vời cho Anh Đức làm nên lịch sử. Trận ấy, Hải “con” một mình mang về 5 quả phạt trong vùng phòng ngự của đối thủ - nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác có mặt trên sân.

Chứng kiến Quang Hải bị chơi xấu, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng từng phải thốt lên: “Khán giả kỳ vọng lớn quá, cứ muốn Quang Hải phải chơi như Messi. Nhưng thực ra cậu ấy nguy hiểm nên đối phương mới kèm chặt. Bị 2, 3 người theo thế thì đến Tây cũng khó đá”.

Anh Dũng nói sai rồi. Bởi khó như thế mà Quang Hải vẫn làm được đấy thôi.


Quang Hải đã bao nhiêu lần ra trận, bao nhiêu lần chiến thắng trong năm nay?

V.League 2018, Hải đá 24 trên 26 trận tối đa, ghi 9 bàn, có tên trong đội hình tiêu biểu và suýt giành giải cầu thủ hay nhất mùa. U23 châu Á, ASIAD và AFF Cup, Hải chơi số trận bằng đúng số tuổi của mình (21), ghi 10 bàn, đạt hiệu suất ấn tượng hơn tất cả những tuyển thủ Việt Nam khác.

Tính cả những trận vòng loại Asian Cup, AFC Cup, Cúp quốc gia..., Hải đã có trên 60 lần ra trận trong 1 năm qua. Cường độ thi đấu ấy ngang ngửa những ngôi sao châu Âu đang chơi bóng tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu.

Ở tập thể nào, Hải cũng bật lên để trở thành người giỏi nhất theo cách không thể tranh cãi. HLV Hoàng Anh Tuấn từng trao băng đội trưởng của Trọng Đại cho Quang Hải trước thềm U20 World Cup 2017.

Ông Park từng loại Đinh Thanh Trung một phần vì đã yên tâm khi có Quang Hải. Ông Nghiêm đưa Hà Nội lên ngôi vô địch V.League trong mùa giải tuyệt vời của đội bóng thủ đô. Tất cả đều có dấu giày Quang Hải.

Trận chung kết với Malaysia vừa qua, Hải chạy không biết mệt trên hàng công. Anh đập tan định kiến về những cầu thủ nhỏ con, kỹ thuật nhưng lười tranh chấp. Hải chạy từ biên phải sang biên trái, từ trước vòng cấm của Văn Lâm tới trước khung thành đội bạn.

Khi Hải tranh chấp với thủ môn Patrick Deyto của Philippines ở bán kết, tất cả những người chứng kiến đã phải bật cười. Bởi dù đã nhảy lên hết cỡ, Hải vẫn còn cách Deyto cả một cái đầu.

Trong đội hình tuyển Việt Nam, Quang Hải cũng là “chú lùn” nhỏ bé. Nhưng ấy là chú lùn “hạt tiêu”, nhỏ con nhưng khí phách phi thường. Màn trình diễn của Hải ở AFF Cup 2018 khiến cả Đông Nam Á nhớ về một người: Chanathip Songkrasin. Họ là những anh chàng tí hon đã khiến “người khổng lồ” phải cúi đầu.


Những phóng viên ảnh tại AFF Cup 2018 thường rỉ tai nhau những câu chuyện về Quang Hải. Họ bảo Quang Hải là nhân vật khó bắt hình nhất trên sân. Bởi Hải chạm bóng quá ít và chuyền bóng quá nhanh.

Từ thời còn ở U19 Việt Nam, Hải đã nổi tiếng với lối chơi không giống ai dù thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh. Khi được chuyển vào trung lộ, Hải càng hoàn thiện phong cách tối giản đặc trưng. Cùng đá “số 10” giống Công Phượng nhưng Quang Hải là một trường phái hoàn toàn khác.

Số 19 có thói quen giữ bóng cực ít, thường xuyên chuyền một chạm, hiếm khi rê bóng quá 3 nhịp. Nhìn Hải thi đấu, ta có cảm giác anh luôn chuẩn bị sẵn vài ba cách xử lý khác nhau trước khi bóng tới chân.

Hải không cần đột phá để tạo đột biến, không cần giữ bóng lâu để thêm thời gian suy nghĩ. Tiền vệ của CLB Hà Nội sáng tạo, rất khó đoán và gần như không thể ngăn chặn tại AFF Cup.

Sự tối giản của Quang Hải trong vai trò một tiền vệ trung tâm là nét chấm phá đặc sắc bên cạnh một Xuân Trường có phần rề rà, luôn cần nhiều thời gian trước khi tung ra những đường chuyền cuối cùng. Có ngạc nhiên không khi thời kỳ hồi phục phong độ của Xuân Trường gắn liền với giai đoạn đá cặp cùng Quang Hải ở vòng bảng AFF Cup?

Nhiều người từng cười khi Fox Sports Asia so sánh Quang Hải với “Messi Thái” Chanathip Songkrasin - người đang khuynh đảo Nhật Bản và có tên trong đội hình tiêu biểu J.League mùa này. Nhưng giờ thì Hải cũng đã là cầu thủ hay nhất AFF Cup như Chanathip 2 năm trước.

Anh cũng vừa bước sang tuổi 21, còn rất trẻ và đầy tiềm năng. Khi Quang Hải bước lên bục cao nhất ở AFF Cup, anh đã buộc cả Đông Nam Á và châu Á phải nhìn về phía mình.

Từ tiền vệ cánh tới hộ công, từ U20 tới tuyển quốc gia, ở đâu Quang Hải cũng là “cầu thủ quan trọng nhất” như Nguyễn Hồng Sơn từng miêu tả. Câu chuyện thành công của Hải vẫn chưa kết thúc vì anh mới 21 tuổi và chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu giới hạn nào.

Khi Hải thăng hoa tột đỉnh ở U23 châu Á, người ta từng nói đấy là màn trình diễn cá nhân hay nhất của một cầu thủ Việt Nam trong lịch sử. Và giờ thì Hải đã lặp lại điều đó thêm một lần nữa.

Biết đâu, đây chỉ là bước cựa mình đầu tiên của hạt đậu nhỏ mang tên Quang Hải. Và những đỉnh cao lên tới bầu trời vẫn đang chờ “hạt đậu” Quang Hải chạm tới.

Minh Chiến
Ảnh: Thuận Thắng Đồ họa: Hà My
(Zing.vn)