Cậu bé ấy một năm trước mới lần đầu có mặt tại đội tuyển quốc gia, một năm trước mới được đá chính ở đội U23. Cậu bé ấy từng bị dằn mặt, bị chơi xấu, bị đánh nguội, bị kèm chặt trong từng bước chạy. Cậu bé ấy đã bao lần bị quật ngã để rồi lại đứng dậy, đã bao lần gục xuống, đổ mồ hôi, đổ cả máu.
Mặc kệ tất cả, cậu bé ấy vẫn tỏa sáng.
Màn trình diễn đầy ấn tượng của Quang Hải ở AFF Cup 2018 gợi nhớ tới những khoảnh khắc đáng nhớ của Nguyễn Hồng Sơn ở AFF Cup 1998, Văn Quyến ở SEA Games 2003. Đó là những màn trình diễn hảo hạng đến từ thần tượng mới của bóng đá Việt Nam, người chỉ cao có 1,68 m và năm nay vừa tròn 21 tuổi.
Phải gọi Quang Hải là gì bây giờ? Tiền vệ trung tâm? Tiền vệ cánh? Tiền đạo cánh hay số 10 hộ công?
Một năm ở U23 Việt Nam và tuyển quốc gia đã chứng kiến sự tiến hóa không ngừng nghỉ của Quang Hải. Khởi điểm ở vị trí tiền vệ trái tại CLB Hà Nội, Quang Hải được HLV Park Hang-seo chuyển sang cánh phải để tận dụng những cú cứa lòng chuẩn xác.
Tới ASIAD 18, khi Xuân Trường sa sút, Quang Hải tiếp tục được bố trí đá tiền vệ trung tâm. Tại AFF Cup, khi Văn Quyết không còn là chính mình, Hải được đôn lên vai trò hộ công. Chàng trai mang áo số 19 giống như chất keo vạn năng trong tay chiến lược gia người Hàn Quốc.
Ở đâu đội bóng cần, ở đấy có Quang Hải. Keo Quang Hải dán vào chỗ nào, vết thương nơi đó lập tức liền sẹo. Ngoại trừ vị trí tiền đạo cắm, Hải đã được sử dụng ở tất cả các điểm nóng trên hàng công.
Nhìn Quang Hải thi đấu, BLV Quang Huy phải thừa nhận: “Quang Hải là mẫu tiền vệ tài hoa mà bóng đá Việt Nam tìm kiếm từ rất lâu. Ở mọi vị trí trên hàng công, cậu ấy đều có thể chơi tốt”.
Cầu thủ bình thường cần nhiều tháng để làm quen với vai trò mới, Hải chẳng cần nhiều đến thế. Anh ghi 5 bàn trong vai trò tiền đạo trái trên đất Trung Quốc, 2 lần sút tung lưới đối phương ở Á vận hội trước khi tiếp tục là ngôi sao sáng nhất của tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ba giải đấu lớn là ba vị trí thi đấu hoàn toàn khác biệt.
Lễ bế mạc AFF Cup 2018, Hải bước lên bục nhận giải MVP (cầu thủ hay nhất) trong sự tâm phục khẩu phục của cả đấu trường. Màn trình diễn ở AFF Cup đặt Quang Hải ngang hàng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Quyến - những người hùng lịch sử của tuyển Việt Nam qua các kỳ AFF Cup.
Hải không chỉ thích nghi với vị trí mới, anh còn tự phát triển các năng lực của mình, bổ sung thêm mà không phải hy sinh bất kỳ kỹ năng nào. Hồng Sơn là tiền vệ tài hoa nhưng đã ai thấy anh đá tiền đạo chưa? Văn Quyến tài năng nhưng lười biếng đã thành giai thoại còn Công Vinh phải hy sinh những pha đi bóng thêu hoa dệt gấm để đổi lại bản năng sát thủ đáng sợ.
Quang Hải thì sao? Anh chẳng phải hy sinh điều gì cả. Anh giống như một nhân vật trong trò chơi điện tử, chỉ bổ sung chứ không loại bỏ bất kỳ “item” nào. Chỉ trích Hải khó khăn hơn khen ngợi bởi Hải đã làm quá tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có chăng, Hải chỉ gặp chút vấn đề trong việc hỗ trợ phòng ngự từ xa bởi hạn chế không thể bù đắp về hình thể.
Trên hàng công tuyển Việt Nam, Quang Hải thi đấu nhiều hơn hết thảy. Anh đá đủ cả 8 trận, chơi 719 phút, chỉ kém bộ ba phòng ngự Văn Lâm, Đình Trọng, Duy Mạnh đúng 1 phút. Anh đá nhiều hơn tất cả đồng đội ở hàng công và giữ vị trí không thể thay thế trong mọi sơ đồ.
Dù khối rubik trong tay thầy Park xoay theo chiều nào, Quang Hải vẫn là nhân vật trung tâm. Mọi chuyển động, mọi sắp xếp khác của tuyển Việt Nam đều phải xoay quanh Quang Hải.
Ông Park biết điều đó và đối thủ cũng vậy. Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines và Malaysia đều đã cố gắng ngăn chặn Quang Hải. Khi những phương pháp thông thường không đem lại hiệu quả, họ đã cùng nhau tìm tới lựa chọn cuối cùng: phạm lỗi.
Không biết bao nhiêu lần tại AFF Cup năm nay, Hải bị đánh nguội, bị chơi xấu. Người nhẹ thì kéo áo, đẩy vai, kẻ nặng thì giật cùi chỏ, vào bóng gầm giày. Nói như một bình luận viên truyền hình trong trận chung kết lượt về: “Malaysia sẽ làm tất cả để ngăn chặn cầu thủ quan trọng nhất của tuyển Việt Nam”.
Bao nhiêu lần Hải đứng lên là bấy nhiêu lần anh bị xô ngã. Nhưng mỗi lần ngã xuống, Hải lại bật dậy mạnh mẽ hơn. Đối thủ càng chơi xấu, họ càng khiến Quang Hải nổi giận. Càng nổi giận, Hải càng đá hay.
Trên thực tế, người hùng của tuyển Việt Nam chỉ ghi đúng một bàn trong 4 trận knock-out AFF Cup 2018. Đó là hiệu suất săn bàn tệ nhất của Quang Hải từ đầu năm tới giờ. Nhưng khi Hải không ghi bàn mà vẫn chơi tốt, không lập công mà vẫn tỏa sáng, sự thừa nhận dành cho chàng trai 21 tuổi càng lớn hơn.
Mỗi lần người ta kéo ngã Hải, anh đứng dậy đáp trả đối thủ một đường chuyền sắc lẹm. Mỗi lần ăn một gầm giày, Hải phủi tay, tung chân ra một đường kiến tạo. Đối phương càng hằn học, Quang Hải càng bình tĩnh. Đối thủ càng cố gây ức chế, Hải càng lì lợm, khó ưa. Như một bậc thầy nhu thuật, số 19 của tuyển Việt Nam nhận lấy tất cả đau đớn và trả lại gấp đôi cho đối thủ.
Chung kết lượt đi với Malaysia, Quang Hải lần lượt đặt Đức Chinh, Văn Đức, Tiến Linh vào thế đối mặt với Farizal Marlias. Nhiều tới mức HLV Hoàng Văn Phúc xem trên truyền hình còn phải thốt lên ngờ ngợ: “Nếu tôi nhớ không lầm, cậu ấy đã tạo ra 4 đường chuyền dẫn tới cơ hội mười mươi cho đồng đội”.
Chung kết lượt về, 2 phút sau tình huống bị đánh nguội ở phút thứ 4, Quang Hải qua mặt hàng phòng thủ Malaysia, tung đường chuyền tuyệt vời cho Anh Đức làm nên lịch sử. Trận ấy, Hải “con” một mình mang về 5 quả phạt trong vùng phòng ngự của đối thủ - nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác có mặt trên sân.
Chứng kiến Quang Hải bị chơi xấu, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng từng phải thốt lên: “Khán giả kỳ vọng lớn quá, cứ muốn Quang Hải phải chơi như Messi. Nhưng thực ra cậu ấy nguy hiểm nên đối phương mới kèm chặt. Bị 2, 3 người theo thế thì đến Tây cũng khó đá”.
Anh Dũng nói sai rồi. Bởi khó như thế mà Quang Hải vẫn làm được đấy thôi.
Quang Hải đã bao nhiêu lần ra trận, bao nhiêu lần chiến thắng trong năm nay?
V.League 2018, Hải đá 24 trên 26 trận tối đa, ghi 9 bàn, có tên trong đội hình tiêu biểu và suýt giành giải cầu thủ hay nhất mùa. U23 châu Á, ASIAD và AFF Cup, Hải chơi số trận bằng đúng số tuổi của mình (21), ghi 10 bàn, đạt hiệu suất ấn tượng hơn tất cả những tuyển thủ Việt Nam khác.
Tính cả những trận vòng loại Asian Cup, AFC Cup, Cúp quốc gia..., Hải đã có trên 60 lần ra trận trong 1 năm qua. Cường độ thi đấu ấy ngang ngửa những ngôi sao châu Âu đang chơi bóng tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu.
Ở tập thể nào, Hải cũng bật lên để trở thành người giỏi nhất theo cách không thể tranh cãi. HLV Hoàng Anh Tuấn từng trao băng đội trưởng của Trọng Đại cho Quang Hải trước thềm U20 World Cup 2017.
Ông Park từng loại Đinh Thanh Trung một phần vì đã yên tâm khi có Quang Hải. Ông Nghiêm đưa Hà Nội lên ngôi vô địch V.League trong mùa giải tuyệt vời của đội bóng thủ đô. Tất cả đều có dấu giày Quang Hải.
Trận chung kết với Malaysia vừa qua, Hải chạy không biết mệt trên hàng công. Anh đập tan định kiến về những cầu thủ nhỏ con, kỹ thuật nhưng lười tranh chấp. Hải chạy từ biên phải sang biên trái, từ trước vòng cấm của Văn Lâm tới trước khung thành đội bạn.
Khi Hải tranh chấp với thủ môn Patrick Deyto của Philippines ở bán kết, tất cả những người chứng kiến đã phải bật cười. Bởi dù đã nhảy lên hết cỡ, Hải vẫn còn cách Deyto cả một cái đầu.
Trong đội hình tuyển Việt Nam, Quang Hải cũng là “chú lùn” nhỏ bé. Nhưng ấy là chú lùn “hạt tiêu”, nhỏ con nhưng khí phách phi thường. Màn trình diễn của Hải ở AFF Cup 2018 khiến cả Đông Nam Á nhớ về một người: Chanathip Songkrasin. Họ là những anh chàng tí hon đã khiến “người khổng lồ” phải cúi đầu.
Những phóng viên ảnh tại AFF Cup 2018 thường rỉ tai nhau những câu chuyện về Quang Hải. Họ bảo Quang Hải là nhân vật khó bắt hình nhất trên sân. Bởi Hải chạm bóng quá ít và chuyền bóng quá nhanh.
Từ thời còn ở U19 Việt Nam, Hải đã nổi tiếng với lối chơi không giống ai dù thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh. Khi được chuyển vào trung lộ, Hải càng hoàn thiện phong cách tối giản đặc trưng. Cùng đá “số 10” giống Công Phượng nhưng Quang Hải là một trường phái hoàn toàn khác.
Số 19 có thói quen giữ bóng cực ít, thường xuyên chuyền một chạm, hiếm khi rê bóng quá 3 nhịp. Nhìn Hải thi đấu, ta có cảm giác anh luôn chuẩn bị sẵn vài ba cách xử lý khác nhau trước khi bóng tới chân.
Hải không cần đột phá để tạo đột biến, không cần giữ bóng lâu để thêm thời gian suy nghĩ. Tiền vệ của CLB Hà Nội sáng tạo, rất khó đoán và gần như không thể ngăn chặn tại AFF Cup.
Sự tối giản của Quang Hải trong vai trò một tiền vệ trung tâm là nét chấm phá đặc sắc bên cạnh một Xuân Trường có phần rề rà, luôn cần nhiều thời gian trước khi tung ra những đường chuyền cuối cùng. Có ngạc nhiên không khi thời kỳ hồi phục phong độ của Xuân Trường gắn liền với giai đoạn đá cặp cùng Quang Hải ở vòng bảng AFF Cup?
Nhiều người từng cười khi Fox Sports Asia so sánh Quang Hải với “Messi Thái” Chanathip Songkrasin - người đang khuynh đảo Nhật Bản và có tên trong đội hình tiêu biểu J.League mùa này. Nhưng giờ thì Hải cũng đã là cầu thủ hay nhất AFF Cup như Chanathip 2 năm trước.
Anh cũng vừa bước sang tuổi 21, còn rất trẻ và đầy tiềm năng. Khi Quang Hải bước lên bục cao nhất ở AFF Cup, anh đã buộc cả Đông Nam Á và châu Á phải nhìn về phía mình.
Từ tiền vệ cánh tới hộ công, từ U20 tới tuyển quốc gia, ở đâu Quang Hải cũng là “cầu thủ quan trọng nhất” như Nguyễn Hồng Sơn từng miêu tả. Câu chuyện thành công của Hải vẫn chưa kết thúc vì anh mới 21 tuổi và chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu giới hạn nào.
Khi Hải thăng hoa tột đỉnh ở U23 châu Á, người ta từng nói đấy là màn trình diễn cá nhân hay nhất của một cầu thủ Việt Nam trong lịch sử. Và giờ thì Hải đã lặp lại điều đó thêm một lần nữa.
Biết đâu, đây chỉ là bước cựa mình đầu tiên của hạt đậu nhỏ mang tên Quang Hải. Và những đỉnh cao lên tới bầu trời vẫn đang chờ “hạt đậu” Quang Hải chạm tới.
Ảnh: Thuận Thắng Đồ họa: Hà My
(Zing.vn)
(Zing.vn)
Tôi đã sửa lại tựa bài viết của tác giả "Này hạt đậu, khi nào cậu sẽ vươn tới bầu trời xanh" và 1 chữ trong bài, đó là "cầm bóng". Tôi ghét cái chữ này dù nó được dùng với nghĩa nào. Thứ nhất vì bóng đá là dùng chân, mà "cầm" là dùng tay. Thứ 2: đã có chữ "giữ bóng" từ lâu, chữ này hay, rõ và đúng hơn.
ReplyDeleteChữ với chả nghĩa. Sáng tạo tào lao mà cứ đua nhau dùng ào ào...