Thursday, December 27, 2018

Nói chuyện và thảo luận là động lực suy nghĩ đúng.

Thời đại của những nhà suy nghĩ khổng lồ.

Sáng nay dậy sớm, tình cờ thế nào lại đọc một lúc về cuộc đời của Nicola Tesla. Trước hết rất muốn viết về Tesla, một nhân cách kỳ lạ. Tesla đã nghĩ tới điện thoại di động thông minh, có lẽ là người đầu tiên nghĩ tới đưa thông tin tới từng cá nhân vào năm 1901. Thứ hai, câu chuyện về Tesla đầy rẫy những tên tuổi lớn Edison, Westinghouse, Mark Twain, Kipling,... Hình như New York vào đầu thế kỷ 20 là nơi tụ hội anh tài, đã làm ra nước Mỹ hùng mạnh. Động lực nào đã sản sinh ra một thế hệ như thế. Thứ ba, thấy vai trò của bằng sáng chế như một động lực để khuyến khích sáng tạo. Sĩ phu Việt Nam chỉ quanh quẩn chứng minh định lý A trong trường hợp X1, X2,... hay nói chuyện lý thuyết không thời gian và tâm linh, tưởng rằng chỉ có thuyết tương đối và cơ lượng tử mới có những nhà suy nghĩ khổng lồ. Cuộc chiến về dòng điện ở Mỹ cũng không kém phần vĩ đại. Làm thế nào để người Việt Nam thoát khỏi tâm thức lưỡng lự giữa hai cực đoan: "tìm ra cách MỚI, DỄ, ĂN TO " và "những suy nghĩ tầm cỡ động trời như tâm linh, quan niệm cách mạng mới". Sự thực tâm lý dao động giữa cuồng vĩ và ăn may chỉ là hệ quả của thói lười nghĩ và nhát nhúa của tầng lớp trí thức nghèo tỉnh lẻ. Thứ 4, nhắc đến các bữa trưa brownie back ở New York mới nhớ khoảng những năm 90, mình cũng được mời tới dự các buổi này ở New York, nhưng chưa bao giờ sắp xếp tới được. Ý tưởng rất đơn giản, hàng tuần có một bữa mọi người tự mang đến bữa trưa trong một túi giấy màu nâu, cùng ăn với nhau tại một địa điểm cố định và nói về bất cứ ý tưởng gì. Không ngờ một tập quán như vậy lại có từ thời trước cả Tesla duy trì được cả một thế kỷ. Không biết bao nhiêu ý tưởng vĩ đại và thực tế của nhân loại ra đời trong các bữa trưa túi giấy như thế. Đặc biệt của các trí thức Việt Nam là không có không khí và động lực để nói về ý tưởng khoa học, công nghệ. Có lẽ đối với họ tri thức chỉ là công cụ, bằng cấp và danh hiệu mới là mục tiêu. Có thể đó là vì sao mỗi tuần nói chuyện, gặp gỡ hàng trăm người mà vẫn không thoát được tâm trạng cô đơn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

3 comments:

  1. VN có nhân tài. Nhưng bị thu nhỏ trong mục đích của những phát minh, sáng chế.
    Dân chúng lại ưa dùng hàng ngoại, nên đã nghèo tr1i tưởng tượng lại càng nghèo do ít có những phát minh đi trước thời đại, chỉ ăn theo những gì người ta làm rồi với những sản phẩm đủ nhãn mác gian, giả, nhái... còn chất lượng thì vô tội vạ.

    ReplyDelete
  2. Do Xuan Phuong: Thảo luận, nói chuyện ...vv tạo ra dòng chảy thông tin. Dòng chảy càng mạnh thì càng có khả năng soi sáng những vùng trước đó còn tối tăm ạ.

    Xin đặc biệt cảm ơn anh Aiviet Nguyen - người thủ lĩnh của Cafe Vật lý và nhiều hoạt động giao lưu khoa học vô cùng hiệu quả cho giới chuyên gia cũng như công chúng mấy năm qua. :)

    ReplyDelete
  3. Hùng Phạm: Vụ bữa trưa túi giấy tụi em thay bằng cafe bánh ngọt cụ à, hiệu quả ra phết.

    ReplyDelete