Friday, December 21, 2018

Paris có gì lạ..

Nguyễn Quang Qúy: bài viết, theo tôi, của người biết rõ Paris, và viết chính xác bối cảnh các tệ nạn paris
và thói quen du khách việt đi q13 nhiều hơn paris.

Paris bẩn, đường phố đầy rác rưởi, phân chó. Paris bất an, homeless ngủ đầy đường, đi đâu cũng đụng ăn mày, ăn xin, sểnh ra là bị móc túi. Paris đắt đỏ, nhìn thấy giá cả cũng đủ khiếp. Paris loạn, ngày nào cũng biểu tình, và có biểu tình là có đập phá, đốt xe, như một nước có chiến tranh.
Những nhận xét đó trên facebook của cô Mạc Việt Hồng, Ba Lan, cũng là nhận xét của nhiều người.
Tại sao một thủ đô tự nhận và được coi là ‘’trung tâm ánh sáng ‘’lại tệ hại đến thế ?
Nhiều bạn xúi tôi trả lời. Tôi ngần ngại, vì không muốn trở thành cái máy trả lời. Nhưng có vài phút rảnh, cũng bàn góp, cho vui.
Chuyện dân Pháp đi biểu tình như ta đi chợ, tôi đã đề cập tới nhiều lần. Hôm nay nói chuyện khác.
ĐẮT ĐỎ
Người Việt, nhất là từ Mỹ sang, thấy giá cả ở Paris đều le lưỡi. Sao đắt thế ? Đắt, bởi vì thuế cao. Mỗi lần bạn mua cái gì, làm bất cứ một dịch vụ gì, trong đó có thuế TVA, thường thường là 20 % . Thuế cao, không phải vì đầy tớ dân cần tiền xài, cất lều cho bồ nhí, nhưng bởi vì ngân khoản xã hội, trợ cấp đủ loại quá nhiều, quá nhiêu khê. Thêm vào đó, thương gia cũng lợi dụng, bởi vì Paris là một trong ba thành phố đông du khách nhất thế giới.
PHÂN CHÓ
Cùng với người Anh, người Pháp là người nuôi nhiều chó, mèo nhất. Nhưng quả thực để chó mèo phóng uế tùm lum là một vấn đề tự giác mà người Pháp thua nhiều dân tộc khác. Paris đã có những đội ngũ đi phạt những chủ chó vô trách nhiệm, nhưng thay đổi thói quen không phải dễ . Mỗi năm, thành phố Paris tốn hàng chục triệu euros để cạo rửa kẹo cao su ngoài đường, hàng chục triệu khác để xoá những graffitis trên tường.
Tại sao không phạt nặng như Singapour ? Bởi vì người Pháp không có văn hóa cấm, phạt.
MÓC TÚI
Quả thực, nếu du khách không để ý, dễ tin ( như du khách Nhật chẳng hạn ), sẽ thấy giấy tờ, tiền bạc, iPhone không cánh mà bay.
Móc túi là một nghề độc quyền của các di dân hay ‘’ du khách ‘’ (*) đến từ các nưóc hậu Cộng Sản nghèo, như Bulgarie, Roumanie, Albanie, nhất là những người sống di động, không đinh cư.
(*) người ROM
Tại những nước này, có những làng chuyên về nghề móc túi, huấn luyện dân, nhất là con nít để đưa sang các nước giầu, nhất là Pháp, nơi luật pháp lỏng lẻo nhất.
Luật Pháp cấm giam giữ vị thành niên, trừ trường họp nghiêm trọng. Nếu bị bắt, trẻ em chỉ việc khai tên tuổi, ra khỏi bót cảnh sát lại tiếp tục hành nghề. Khai tên giả, tuổi giả , vì trên người không có giấy tờ gì . Dần dần trở thành một trò chơi. Cảnh sát chán, chẳng muốn bắt nữa.
HOMELESS NẰM ĐƯỜNG
Hiện tượng này có, vì nhà cửa hiếm, giá địa ốc quá cao. Nhưng nhất là số di dân bất hợp pháp càng ngày càng đông. Vào nước Pháp rất dễ. Và khi vào rồi, rất khó trục xuất, vì luật lệ rắc rối. Người SDF ( sans domicile fixe, homeless ) nằm đầy đường, cảnh sát không dám đụng tới. Nếu dùng biện pháp mạnh, các hội nhân quyền sẽ tố cáo tùm lum. Chưa nói tới dân đi đường, sẵn sàng can thiêp, nhiều khi những người phản đối cảnh sát cũng là người than phiền vì đường phố bất an.
Thị trưởng Paris đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát những khu người di dân tụ tập quá đông, nhưng trong trường hợp này , phải có chỗ cho họ ăn ở.
Ở Pháp, bạn thấy rất thường chuyện xe cảnh sát dẫn đầu, giữ trật tự cho những người nhập cư… bất hợp pháp biểu tình đòi giấy tờ.
Mùa đông, thị xã và nhà nước rất sợ có người homeless nằm đường chết lạnh, sẽ lãnh đủ trước dư luận. Họ gởi người, cùng với các hội đoàn thiện nguyện, đưa những người này vào các trung tâm tạm trú. Nhiều homeless từ chối, vì thích nằm đường tự do hơn. Và không ai có quyền cưỡng bắt người khác phải ngủ ở nơi này, nơi khác nếu họ không muốn
ĂN MÀY, ĂN XIN
Không phải là chuyện phạm pháp, nếu không gây rối trật tự công cộng. Cảnh sát chỉ có quyền can thiệp trong trường hợp phạm pháp. Cách đây ít lâu, một thị trưởng quyết định cấm ăn xin ở nhũng nơi có nhiều du khách, vì người ăn xin quá nhiều, đôi khi say rượu, có thái độ hung hăng. Các hội đoàn nhân quyền phản đối tùm lum, ông thị trưởng phải rút lại chuyện cấm đoán.
Tóm lại, giải quyết những vấn đề trên rất tế nhị, cực khó, khi nước Pháp còn nặng lòng với triết lý ‘’ Cấm không được cấm ‘’ ( Il est interdit d’interdire, một biểu ngữ nổi tiếng trong cuộc nổi loạn tháng Năm 1968, Mai 68 ).
Đó, tạm trả lời những thắc mắc trên, mà nhiều người ghé Paris đã đưa ra.
ÁNH SÁNG
Trước đây, một ông viết : tới Paris, tôi chỉ ngồi nhà uống rượu với bạn ; Paris chẳng có gì, ngoài cứt chó. Với ông này thì tôi chào thua, không dám bàn. Người Pháp nói : Cái gì quá lố đều vô nghĩa.
Nhiều người tới Paris, chỉ kéo nhau tới khu Tàu quận 13 (13ème Arrondissement) ăn phở bột ngọt, rồi than Paris chẳng có gì đáng coi. Tôi ở Paris mấy chục năm, hay la cà ngoài đường, vẫn chưa khám phá hết cái duyên của thành phố này.
Mỗi người nhìn một thành phố với một nhãn quan. Với tôi, 3 thành phố lưu luyến nhất là Paris, Tokyo và Sài Gòn trước 75. Cái lưu luyến của ta với một thành phố chẳng có gì khách quan. Chỉ là chuyện tình cảm, liên hệ tới những kỷ niệm, những cái rất riêng tư.
À, bạn có biết tại sao Paris có biệt danh là ‘’ kinh đô ánh sáng ? ‘’. Ngày nay, có nhiều nơi ‘’ sáng ‘’ hơn Paris, đèn đuốc xanh đỏ lập loè, nhất là các thành phố mới bên Tàu. Paris được gọi là kinh đô ánh sáng, vì đó là nơi đầu tiên trên thế giới có đèn đường. Để giảm bớt cướp bóc ban đêm, một ông Tây đã có sáng kiến dựng cột đèn ở những nơi có đông người qua lại./.
tuthuc-paris-blog.com )
—Từ Thức

No comments:

Post a Comment