Monday, August 31, 2020

Về mặt hạn chế của quyền lực

 VÙNG CẤM

Đầu tháng 6 năm 2016, báo chí được lệnh đồng loạt đăng bài về một vị phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn chiếc Lexus gắn biển xanh. Đánh hơi chuyện chẳng lành, người sử dụng xe biển xanh Trịnh Xuân Thanh cáo bệnh và chuồn sang Đức trốn. Cuối cùng kẻ chạy trốn cũng bị Nguyễn Phú Trọng sai Tô Lâm sang Berlin bắt cóc về trị tội. Với ông Trọng, Trịnh Xuân Thanh tép riu, ông ta dễ dàng đưa tay hớt lên và bóp nát.

Tháng 2 năm 2017, báo chí cũng được lệnh tố bí thư Đà nẵng – Nguyễn Xuân Anh đi xe Toyota Avalon biển xanh giả, vì biển xanh của chiếc xe này trùng với biển trắng của một chiếc Land Rover khác. Nguyễn Xuân Anh cũng trình giấy tờ gốc chứng minh biển số xanh là thật. Nhưng cho dù thật, thì cuối cùng cậu ta cũng bị cách chức thu hồi ghế giao cho Trương Quang Nghĩa. Rõ ràng với Nguyễn Phú Trọng, thì Nguyễn Xuân Anh cũng tép riu và ông ta chỉ dùng tay hất một cái nhẹ là cậu ta văng ra khỏi ghế.

Cũng trong năm 2016, báo chí đồng loạt tố Nguyễn Thanh Nghị dùng một chiếc xe sang Range Rover Evoque biển xanh. Báo chí lúc đó cho biết, họ đã tra cứu trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì không có biển xanh nào có số như chiếc Range Rover Evoque kia. Cũng bài đã đánh Trịnh Xuân Thanh đem áp dụng cho Nghị, nhưng bài đánh chết người kia giờ đây chỉ “gãi ngứa” ông cậu hai nhà Nguyễn Tấn Dũng mà thôi. Kết quả, trung ương chẳng kỷ luật được ai trong tỉnh ủy Kiên Giang. Như vậy rõ ràng, Nguyễn Thanh Nghị không phải là tép riu mà là cá mập. Xung quanh con cá mập trẻ này là vùng cấm không phải ai cũng dám đụng vào.

Không thể đầu hàng nên đầu tháng 4 năm 2018, Nguyễn Phú Trọng đưa thanh tra chính phủ vào Kiên Giang thanh tra những sai phạm đất đai của tỉnh này giai đoạn từ 01/01/2011 đến 31/12/2017. Kết quả thanh tra khui ra sai phạm đến 2.300 tỷ đồng nhưng thanh tra chính phủ né không xử lý, mà giao trách nhiệm xử lý ấy cho cậu hai Nguyễn Thanh Nghị. Trung ương về thanh tra địa phương, phát hiện địa phương sai phạm mà lại giao cho địa phương xử lý sai phạm đó. Đây rõ ràng là cách làm sai quy trình, thế nhưng Trung ương vẫn làm vậy, điều này chứng tỏ họ sợ Nguyễn Thanh Nghị. Vậy lại một lần nữa khẳng định lãnh địa Kiên Giang là vùng cấm đối với cỡ thanh tra chính phủ.

Ngày 21 tháng 9 năm 2018, Trần Đại Quang bị chết khi đang còn đương chức, và sau đó là trò thâu tóm quyền lực của Trọng. Với quyền lực to lớn trong tay, ngày 14 tháng 5 năm 2019 ông ta kéo quân đến Kiên Giang “thăm” cậu Nghị và tía Dũng thì bỗng dưng bị “đột quỵ” ở đây. Cũng may cho ông là Nguyễn Thiện Nhân đã huy động trực thăng bay xuống Kiên Giang chở ông ta về Chợ Rẫy kịp thời. Nhờ chuyến “giải cứu” ấy mà nay ông Trọng may mắn được đi đứng trở lại, mặc dù hiện nay ông ta chỉ đi như “lếch”, nhưng như thế vẫn còn hơn là phải nằm trong một khu lăng tẩm 6,4 ha như Trần Đại Quang.

Năm 2016, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã từng nói “Chống lại có khi chúng tôi chết trước!”, thì Nguyễn Thanh Nghị thuộc loại tham nhũng như thế. Việc thanh tra chính phủ về Kiên Giang 70 ngày lục lọi đủ thứ sổ sách và kết luận sai phạm nhưng không dám kỷ luật đã chứng tỏ điều đó. Trung ương thì ép thanh tra xuống Kiên Giang moi móc, thanh tra khi xuống Kiên Giang thì phải đi nhẹ nói khẽ vì họ biết đây là vùng cấm đối với họ. Vậy nên thanh tra chính phủ kết luận sai phạm nhẹ nhàng rồi rút êm. Đó là một minh chứng cho sức mạnh của cậu hai nhà Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông Nguyễn Phú Trọng đột quỵ tại Kiên Giang lại càng làm cho giới thanh tra phải tái mặt cho dù nguyên nhân đột quỵ đó là gì.

Năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố “Xử lý tham nhũng không vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, và quả thật ông ta không xem vùng nào là vùng cấm thật. Và chính ông ta không xem nơi nào là vùng cấm nên mới xua quân đánh Nguyễn Thanh Nghị từ năm 2016 đến nay. Kết quả là vụ xe biển xanh bị nhận chìm xuồng, thanh tra thì tránh né không dám động chạm. Có lẽ vì chê đám bề tôi bất lực nên Nguyễn Phú Trọng mới “ngự giá thân chinh” xuống Kiên Giang. Và kết thì sao? Kết quả thì Nghị thì vẫn sừng sững còn ông Trọng thì xém chết.

Chống tham nhũng hiệu quả thì bắt buộc phải làm tốt 2 điều: thứ nhất phát hiện tham nhũng, thứ nhì trừng trị tham nhũng. Tại các nước dân chủ, tham nhũng có thể bị phát hiện bởi các đối tượng sau: thứ nhất là nhân dân; thứ nhì là báo chí độc lập; thứ ba là từ cơ quan thanh tra. Và khi tham nhũng bị phát hiện thì qua tố tụng vào cuộc xử lý theo luật pháp chứ không để cho đảng cầm quyền làm những trò mèo như “rút kinh nghiệp”, “kỷ luật” vv… như ĐCS đang làm.

Như ta biết trong một nhà nước dân chủ thì mọi cơ chế hoạt động đều đảm bảo tính minh bạch, thì khi đó, nhân dân và báo chí mới có thể dễ dàng kiểm tra giám sát quan chức chính quyền được. Mà đối với dân và báo chí độc lập thì cứ có tham nhũng là họ tố chứ họ không kiêng nể bất kỳ ai. Thêm vào đó là có tư pháp độc lập xử lý tham nhũng thì việc chống tham nhũng mới được gọi là “không có vùng cấm”.

Thế còn ở Việt Nam thì sao? Tại Việt Nam, việc người dân phát hiện tham nhũng bị nhà nước làm lơ, và từ đó dân bị quan chức trả thù nên có thể nói, tham nhũng là vùng mà ĐCS cấm nhân dân đụng vào. Còn báo chí Việt Nam thì sao? Với 800 tờ báo nhưng chỉ có một tổng biên tập đúng nghĩa, đó là trưởng ban tuyên giáo Trung ương. Vậy nên báo chí Việt Nam không dám tự ý tố giác tham nhũng mà họ chỉ dám đưa những vụ tham nhũng lên mặt báo theo mệnh lệnh của chính quyền. Như vậy, ở Việt Nam, tham nhũng cũng là vùng cấm đối với báo chí.

Riêng tham nhũng ở Việt Nam chỉ được phát hiện bởi thanh tra nhà nước. Mà việc thanh tra này có chọn lọc chứ không thể thanh tra tùy tiện được. Nếu thanh tra tùy tiện và kết luận trung thực thì coi chừng… thanh tra chết trước (như lời ông Nguyễn Trọng Đạt đã nói). Vậy nên, một số đối tượng tham nhũng ở Việt Nam mà đủ mạnh cũng tự thiết lập vùng cấm cho mình. Như Nguyễn Thanh Nghị là một ví dụ.

Chính tham nhũng Việt Nam có quá nhiều vùng cấm như vậy, nên dẫn tới việc bộ máy nhà nước không có khả năng chống được tham nhũng như là kết quả tất yếu. Vậy nên việc chống tham nhũng mới trở thành công cụ thanh trừng phe nhóm. Và câu nói “không có vùng cấm” của ông Trọng chỉ là một câu nói dành riêng cho chính ông ta chứ không dành cho mọi đối tượng trong xã hội như ở các nước dân chủ. Mà nói cho cùng, chính bản thân ông Trọng với tột đỉnh quyền lực còn không xâm nhập được vào vùng cấm Kiên Giang thì có thể nói câu “chống tham nhũng không có vùng cấm” của ông trở nên vô nghĩa. Nó vô nghĩa ngay với người có quyền lực to nhất như ông chứ đừng nói với ai khác.

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/trinh-xuan-thanh-tu-chiec-lexus-bien-xanh-den-ngay-dau-thu-387583.html

https://cafef.vn/da-nang-bac-tin-bi-thu-xuan-anh-di-xe-sang-bien-gia-2017022211413017.chn

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bi-thu-nguyen-thanh-nghi-noi-viec-kien-giang-muon-xe-sang-bien-xanh-338509.html

https://laodong.vn/xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-thanh-tra-dat-dai-khoang-san-moi-truong-tai-kien-giang-599165.ldo

https://nld.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-phong-chong-tham-nhung-la-cuoc-chien-dau-gian-kho-lau-dai-20180816151847959.htm

Fb Đỗ Ngà

https://tuoitre.vn/sai-pham-hon-2300-ti-dong-o-phu-quoc-nhieu-can-bo-sai-pham-chi-rut-kinh-nghiem-20200825075611735.htm

M

Nhật ký yêu nước

Sống bình yên & thanh thản

 1. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm

Cả đời làm việc, cuối cùng chỉ muốn bản thân được an nhàn để hưởng thụ cuộc sống. Con người luôn muốn tìm kiếm sự thanh tịnh ở bên ngoài trong khi không biết rằng đó là cái mà ai cũng có, chỉ cần lấy ra từ trong tâm. Nếu tâm của bạn bớt ham muốn, bớt ganh đua, ghen ghét… thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.

2. Tức giận như cục than nóng đỏ, nó có thể làm tổn thương người khác, nhưng chính mình mới là người bị bỏng đầu tiên.

Có lúc ta nóng giận, nhưng không ngờ điều đó lại làm hại chính mình. Đừng bao giờ nói bất kì câu gì khi bạn tức giận vì thường “Giận quá mất khôn”.

Tha thứ cho người khác là “cởi trói” cho chính mình. Tha thứ không phải là chúng ta làm cho người khác, mà làm cho chính mình.

3. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn

Chúng ta nghĩ thế nào thì con người chúng ta như thế ấy. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ chuyển biến theo trong tâm trí. Từ đó, cuộc sống cũng sẽ ít buồn phiền, vì lúc nào cũng có cái nhìn/đánh giá mọi thứ ta gặp trong cuộc sống theo cách riêng của mình.

4. Biết người là thông minh, biết mình là tự giác ngộ

Chiến thắng bản thân còn hơn là chiến thắng cả ngàn trận đánh. Đó là một bài học sâu sắc mà ai cũng cần biết. Tự chinh phục chính mình là cửa ải lớn nhất mà con người phải trải qua. Do đó, hiểu rõ về chính bản thân mình là điều không dễ thực hiện vì có người đã mất cả đời chỉ để làm điều này thôi đấy! Ai cũng phải rèn luyện nhiều trong thực tế của cuộc sống để trở thành một con người đích thực với bản chất của mình.

5. Thay thế đố kị bằng tôn trọng lẫn nhau

Còn đố kị thì tâm trí vẫn còn mất cân bằng. Tâm bình thản lấy cái hay cái tốt của người khác để học hỏi. Đố kỵ chỉ làm lòng người thêm nhơ bẩn, thậm chí con người có thể biến chất, trở thành người  xấu xa mà đôi khi chính bản thân mình cũng không ngờ tới.

6. Nhân từ 

Luôn có thái độ thể hiện một cách nhẹ nhàng, yêu thương và đồng cảm với người khác, nhân từ với kẻ yếu thế và người lầm lỗi. Ai cũng có lúc rơi vào những hoàn cảnh không mong muốn. Động lòng trắc ẩn với mọi người, kẻ giàu cũng như người nghèo; ai cũng có nỗi khổ. Có người chịu khổ nhiều, có người chịu khổ ít.

Nhân từ để yêu thương và đồng cảm. Vì mỗi người có một nỗi khổ riêng chỉ có họ mới thấu. Nhân từ là điều làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

7. Tùy duyên

Có lẽ, điều cuối cùng chính là để mọi thứ tùy duyên. Cái gì của mình thì nó sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì nó mãi mãi sẽ không thuộc về mình. Vì vậy, nếu muốn nắm bắt gì đó, đặc biệt là tình yêu thì hãy để tùy duyên.

Có thể cố gắng theo đuổi nhưng có lúc ta cũng phải biết buông bỏ nếu mọi chuyện đã quá giới hạn và không còn khả năng cố gắng. Cứ nắm giữ chỉ làm bạn đau khổ rồi vấn vương muộn phiền sẽ là điều không thể né tránh. Tâm sẽ nhẹ nhàng nếu bạn để mọi thứ tùy duyên. Đó là cách để bạn có thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn.

***Hãy sống như hôm nay là ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời!

(ghi lại từ bài "100 người đọc bài viết này thì 99 người sẽ cảm thấy cuộc đời mình nhẹ nhàng và hạnh phúc hẳn lên", Yêu Gia đình)

Đoạn cuối của cuộc cm năm xưa: Đế quốc, kẻ thù cũng ko nguy hại bằng nội tặc

 

Đón Tết ĐỘC LẬP 2-9-2020!

Đọc lại lời của Bác:

"Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại".

(Báo Nhân Dân, ngày 19/8/1997; In lại trong cuốn "Nhân Dân, Tuyển tập các tác phẩm đoạt giải báo chí Hội nhà báo và giải báo chí quốc gia", NXB CTQG_ ST, H 2011, tr 11_12)

copy từ FB-Dũng Quang (Những câu chuyện thú vị)

Sunday, August 30, 2020

Khả năng... và giống/loài mọc sừng

Đôi vợ chồng trẻ du lịch Thái Lan. Trong tour có chương trình thăm sở thú.

Hướng dẫn viên đưa mọi người đến trước chuồng voi và nói:

- Loài voi có khả năng "yêu nhau" đến 45 phút.

Vợ nháy mắt chồng:

- Ông thấy chưa?

Chồng: Im lặng là vàng.

Đến trước chuồng cọp. Hướng dẫn viên giới thiệu:

- Loài cọp có thể "yêu" đến 30 phút.

Vợ lại nháy mắt chồng:

- Ông thấy chưa?

Chồng: Im lặng là vàng.

Đến trước chuồng nai, hướng dẫn viên nói:

- Loài nai chỉ có thể "yêu" 5 phút mà thôi.

Chồng nháy mắt vợ:

- Thấy chưa?

Vợ thủng thỉnh đáp:

- Bởi vậy nó mới mọc sừng đó!

copy từ Phương Elvis (Những câu chuyện thú vị)

Ấn Độ: Từ hôm qua đến ngày mai (13)

DI SẢN KHOA HỌC

Vishwanath S. Naravane

Từ lâu, người ta lầm tưởng rằng: những khuynh hướng duy tâm - thậm chí thần bí - của tư tưởng Ấn Độ hẳn phải cản trở việc quan sát và nghiên cứu tự nhiên 1 cách khách quan. Thế nhưng, chính môn siêu hình học quả quyết rằng: chỉ có Thượng Đế vô biên là thực tại tuyệt đối lại có thể chấp nhận cả thực tại tương đối của thế giới vật chất theo quan điểm thực tiễn và thực nghiệm.

Người Ấn Độ xưa nay cho rằng: mọi vật trong vũ trụ đều có 1 ý nghĩa nhất định nào đó, và vì thế phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong những năm gần đây, sự cống hiến của Ấn Độ vào các ngành khoa học thực chứng như cơ khí, luyện kim, hóa chất, và nhất là toán học, thiên văn học và y học, đã được thừa nhận rộng rãi. Một số người còn một mực ca ngợi cái "trí thức cổ xưa" mà họ coi là đã chứa đựng dưới dạng phôi thai hầu hết các phát kiến của khoa học hiện đại. Nhưng rồi người ta đã dần dần có 1 sự đánh giá đúng mực hơn.

Môn toán học ở Ấn Độ đã có từ thời kinh Veda, khi mà việc xây dựng các đài tế lễ đòi hỏi những sự tính toán chính xác. Người tên tuổi nhất trong môn toán họcẤn Độ là Aryabhatta (cuối thế kỷ thứ 5 sau CN). Ông đã hoàn thiện hệ thập phân mà những người đi trước ông đã đề xuất. Những nhà toán học lỗi lạc khác là Brahmagupta (thế kỷ thứ 7), Mahavira (thế kỷ thứ 9) và Bhaskara (thế kỷ 12). Những người này đã thấu hiểu ý nghĩa của các lượng dương và lượng âm, giải được nhiều phương trình phức và xác lập được các phương pháp khai căn bậc 2 và bậc 3. Họ đã nghiên cứu rất sâu các thuộc tính của số không (shunya) và vô cực. Bhaskara đã chứng minh về mặt toán học rằng vô cực, dẫu có bị chia nhỏ đến đâu, vẫn là vô cực - điều đã được thừa nhận trên bình diện siêu hình ngay ở thế kỷ thứ 6 trước CN trong các tập kinh Upanishad.

Tượng Aryabhatta trong khuôn viên ĐH Thiên văn & Vật lý Thiên văn (IUCAA), Pune

Người Arập thường được coi là đã học của người Ấn Độ hệ thập phân dùng số không (0) và truyền lại cho các nhà khoa học châu Âu. Như vậy là Ấn Độ đã gián tiếp cung cấp nền tảng của toán học, 1 công cụ mà thiếu nó sẽ ko thể ra đời nhiều phát minh khoa học và kỹ thuật quan trọng ở phương Tây.
Cả trong lĩnh vực thiên văn học, Arybhatta cũng lại là 1 thiên tài có nhiều công lao khai phá. Ông đã xác định được độ dài thời gian của năm dương lịch là 365,3596805 ngày, 1 trị số khá sát với những tính toán ngày nay. Ông quả quyết rằng Trái Đất quay quanh trục của nó và chuyển động xung quanh Mặt Trời, 1 quan điểm mà vì nó 1.000 năm sau Galileo đã bị nhà thờ Thiên Chúa giáo kết tội. Một nhà thiên văn vĩ đại khác là Varahamihira, người đồng thời với Aryabhatta. Varahamihira rất am hiểu và sử dụng nhiều khái niệm của thiên văn học La Mã và Hy Lạp, trong đó có các cung của hoàng đạo. Các nhà thiên văn Ấn Độ đã miêu tả các phân điểm, dự báo các hiện tượng thiên thực và tính toán chính xác tới mức đáng kinh ngạc sự chuyển động của các hành tinh mà ko dùng đến kính thiên văn. 

Nếu như thiên văn học và toán học phát triển kết hợp với nhau thì những tiến bộ trong y học sẽ ko thể diễn ra nếu ko có những thành tựu trong hóa học và sinh vật. Ayurveda (Khoa Trường sinh) có từ thời kinh Veda. Các trước tác của Charaka (thế kỷ thứ 1 trước CN) và Suchruta (thế kỷ thứ 4 sau CN) đã đề cập tới hầu hết các khía cạnh của các khoa chẩn đoán và điều trị; Nghiên cứu tỉ mỉ các thuộc tính của các loài dược thảo, khoáng vật và muối, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ko khí và nước trong lành; xây dựng những nguyên tắc đạo đức trong nghề y; phát triển các dụng cụ và kỹ thuật mổ xẻ. Yoga với tác dụng trị liệu quan trọng đã cung cấp những kiến thức quý báu về hô hấp, tuần hoàn máu, hệ thần kinh và các hiệu ứng sinh lý của các trạng thái xúc cảm và thần bí.

Y học Ấn Độ được xây dựng trên các khái niệm dosha (các thể dịch) và guna (các thành tố của tự nhiên). Sự cân bằng giữa 3 dosha (hơi thở, máu và nước bọt) là điều kiện cần thiết để con người khỏe mạnh. Các guna cũng có 3 loại cơ bản: sattva (thanh khiết), rajas (dục vọng) và tamas (vô cảm). Ở người khỏe mạnh thì sattva phải áp đảo 2 yếu tố kia. Vai trò của thầy thuốc là dùng chế độ ăn uống, việc luyện tập thân thể và thuốc men để đạt tới trạng thái đó.

Thầy thuốc luôn luôn là người có uy tín trong xh Ấn Độ. Các guru, tức các lãnh tụ tinh thần, cũng đóng vai trò chữa bệnh. Quan niệm coi mọi sự sống đều là thiêng liêng đã khuyến khích sự phát triển của môn thú y. Đã có nhiều chuyên luận về cách chữa bệnh cho ngựa, voi và các loài chim muông khác

Đài thiên văn Jantar Mantar ở Jaipur, Rajasthan. Đài này do vua Sawai Jai Singh II đồng thời là 1 nhà thiên văn xây dựng vào đầu thế kỷ 18

Saturday, August 29, 2020

Nghĩ quẩn ...nghĩ quanh về thế giới trong 1 hạt cát

Thế giới thực tại đang trải qua những cơn khủng hoảng do ý chí của con người ko chế ngự được sự ích kỷ, điều sinh ra mọi tội lỗi, hủy hoại những điều tốt đẹp, kể cả những gì là thiêng liêng.

Tại sao "life isn't fair", đó là quy luật của vũ trụ hay điều này sinh ra từ con người?

Chúng ta sẽ sống trong cái thế giới bất công này, sẽ luôn phải "get used to it!" hay sẽ phải làm cho nó trở nên đơn giản hơn và đáng sống hơn?

Nếu yêu ai, với ta, người ấy là cả thế giới...

Cái thế giới ấy, chỉ là quan niệm, nhưng quả tình là thế, ko sai. Bởi chỉ khi ấy, ta mới công bằng với tất cả, sống 1 cách nhân từ và bác ái để cảm nhận bằng tình yêu. Bởi chỉ có tình yêu mới làm được điều kỳ diệu.

Ko có tình yêu con người và thiên nhiên, sẽ ko thể nhận ra: thế giới này cần được con người nhận ra từ chính mình. Rằng, dù tiến hóa đến đâu thì vẫn phải giữ được cái bản chất của 1 thực thể trong vũ trụ, đều mang thuộc tính tự nhiên, ko có sự khác biệt lớn hay nhỏ trong giá trị của con người, vì thế ko có khái niệm vĩ đại hay thấp hèn.

Nếu con người nhận ra: cần trở nên nhân từ/bác ái để ko sống 1 cách nhỏ mọn và ích kỷ, thế giới sẽ đổi thay. Tất cả sẽ trở nên hòa hợp, thuận theo lẽ đời. Con người sẽ như muôn loài, phát triển hài hòa với quy luật của tự nhiên. Khi đó, họ có thể sống vô cùng đơn giản, nhưng ko nghèo nàn. Mỗi người là 1 cá thể đặc sắc mà ko vô vị và chẳng có ai lớn, cũng chẳng có ai nhỏ, từ tổng thống hay tbt... đến người dân thường hay người phi thường.

Và sự khác biệt hơn cả là ngay cả người phi thường, cũng ko làm gì khác là tạo nên những giá trị khác thường, nhưng ko phản tự nhiên và phản nhân loại. Khác với những kẻ chỉ muốn vượt trội/trỗi dậy dù phải hủy diệt con người và cuộc sống, bằng mọi giá để trở thành kẻ bá chủ, thống trị tất cả trong cái trật tự xh được thiết lập để tôn trọng đồng tiền hiện nay bằng danh xưng vĩ đại.

Và điều cốt yếu, sức cảm hóa của mọi vấn đề nằm trong việc nhận thức được: đó là vũ trụ ở trong chúng ta và chúng ta là vũ trụ (theo ý tưởng cái vô hạn trong bàn tay của Trịnh Xuân Thuận).

TRUYỆN VUI CUỐI TUẦN – HÉTVÉGI VICCEK (No. 238)

 Trộm ô

---------------

Peti mua được  chiếc ô mới và sợ bị trộm lấy mất. Vì thế, anh ta để một mẩu giấy trên chiếc ô trong phòng để đồ:

"Chiếc ô này là của nhà vô địch quyền Anh hạng trung, người sẽ quay lại sau ba phút.”

Khi quay lại, thay vì ô, anh ta chỉ thấy mẩu giấy với dòng chữ:

"Chiếc ô đã bị nhà vô địch chạy đường dài lấy đi, người sẽ không bao giờ trở lại."

Esernyőlopás

---------------

Peti új esernyőt vesz, és fél, hogy ellopják. Ezért egy cédulát

tesz rá a ruhatárban:

"Ez az esernyő a középsúlyú ökölvivó bajnoké, aki három perc

múlva visszajön."

Mikor indul haza, az esernyő helyén csak egy cédulát talál, amin ez

áll:

"Az esernyőt a hosszútávfutó bajnok vitte el, aki soha nem jön

vissza."

Nguyễn Ngô Việt (DEBRECEN.vidi73)

Bút & Máu

Tập Truyện ngắn chọn lọc Bút máu là tập 12 truyện của nhà văn Vũ Hạnh - NXB Văn học ấn hành. Xin giới thiệu đến bạn đọc.

Truyện ngắn Bút máu ra đời năm 1958 - được xem là tuyên ngôn nghệ thuật cho nghiệp cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh.

Bút Máu

Lương Sinh người ở Mân Châu, con nhà thế phiệt, nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ từ khi tóc để trái đào. Lên tám đã giỏi thơ ca, từ phú, ai cũng ngợi khen là bậc thần đồng. Lên mười có bài "Tơ liễu trong trăng" được tán thưởng nhất mấy câu:

Trăng cũ phô đầu bạc

Liễu tơ chuốt mi dài

Trăng, liễu xa ngàn dặm

Một tối hẹn vườn ai.

Năm lên mười hai, gặp thời loạn ly, cha mẹ đều bị giặc giết, Sinh sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn mất ngủ lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng, luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn máu lửa, sọ xương.

May có người cậu đem về săn sóc đêm ngày. Sau nhờ đạo sĩ họ Trình ở núi Hoa Dương cho bài Hi - di Ninh - thần dùng toàn não tủy một giống Bạch hầu trong núi Nga Lâm, uống thuần với nước viễn trí nên được lành bệnh, tâm thái trở lại an tĩnh điều hòa. Khi lên mười lăm, Sinh được người cậu gửi đến Lã Công, một quan Thủ hiệu bãi chức từ lâu ở nhà mở trường dạy võ. Sinh học rất chóng, nửa năm đã làu thông cả mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã. Lã Công quý mến, một hôm lấy thanh bảo kiếm của mấy mươi đời họ Lã lập công trao cho luyện tập. Giữa buổi Sinh đang múa kiếm, bỗng dừng phắt lại, đưa kiếm lên ngửi rồi cau mày kêu lên:

- Máu người tanh quá!

Đoạn đem thanh kiếm nộp trả, cáo từ mà về.

Đến nhà, lậy cậu thưa lên:

- Võ nghệ không phải là con đường cháu nên theo. Máu người chảy trong cơ thể quý giá vô cùng nhưng dính ra ngoài lại quá hôi tanh. Kẻ cầm lưỡi dao trọn đời sao cho khỏi đổ máu người! Điều tàn nhẫn ấy cháu không làm được.

Người cậu giận lắm, bảo rằng:

- Mày thực cạn nghĩ, phụ cả lòng ta trông đợi lâu nay. Đành rằng máu người là quý, nhưng để máu ấy chảy trong đầu bọn ác nhân thì càng tác quái cho người, lại càng có tội!

Lương Sinh cúi thưa:

- Ai cũng cho mình là phải, lấy đâu để nói xấu tốt rõ ràng? Làm thiện một cách hăm hở mà không ngờ rằng đấy là điều ác, lại càng có tội vì đã lừa mình, lừa người. Trộm nghĩ binh đao là nghề dứt khoát, cháu chưa dứt khoát trong người, tự thấy không dám theo đuổi.

Cậu nói:

- Hoài nghi như thế, e rồi không khéo mày tự mâu thuẫn với mày. Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác, làm sao có thể tự tin mà sống trên đời? Xã hội chưa đâu có thể gọi là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi dao, không thể chỉ thấy một chiều chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên! Ta không có con, từ lâu kỳ vọng nơi mày, nhân thời tao loạn những mong cho mày múa gươm trận địa hơn là múa bút rừng văn. Bây giờ, thế thôi là hết. Từ nay tùy mày định lấy đời mày ta không nói nữa.

Từ đấy, Lương Sinh sẵn có nếp nhà phú túc, chuyên nghề thơ văn, tiêu dao ngâm vịnh tháng ngày. Lời thơ càng gấm, ý thơ càng hoa, tiếng đồn lan xa, lan rộng như sóng trên biển chiều gió thổi. Quan lệnh trấn mới đổi đến địa phương vốn người hâm mộ văn chương, cho vời Sinh đến. Thấy Sinh tướng mạo khôi ngô, lòng quan cảm mến, tiếp đãi hết sức trọng hậu. Sau đó, quan lệnh mượn những thi tuyển của Sinh trong một tháng trường, nhiều khi bỏ cả xử kiện để mà bình thơ. Khi quan giao trả, Sinh thấy sau những bài đắc ý nhất của mình đều có bài họa, văn từ tao nhã, ý tứ thâm trầm, nét chữ uyển chuyển, dưới đề: "Tuyết Hồng tiện nữ chuyển họa". Hỏi, biết Tuyết Hồng là gái đầu lòng của quan. Theo lời nha lại tán tụng thì nàng tài sắc vẹn toàn, khiến Sinh đêm ngày tơ tưởng, cứ thấy giai nhân chập chờn trong cơn mộng ảo. Càng ngày Sinh càng tương tư mê mệt tưởng không có nàng thì không thể nào sống được. Nhiều lần lảng vảng sau tư thất để nhìn cho được Tuyết Hồng, chỉ thấy hoa sau rèm lá chập chờn, lại càng mê đắm tâm thần hơn nữa. Dịp đâu may mắn, quan mời Sinh đến uống rượu, ngỏ ý muốn kén Sinh làm giai tế. Sinh mừng run người, tưởng có thể đội mái nhà bay lên. Bấy lâu, ước ao người đẹp, bây giờ thế là thỏa nguyện.

Trong lễ hôn phối, Sinh mới nhìn rõ Tuyết Hồng: mặt nàng hơi gày, mũi nàng hơi to, lưng nàng hơi cong. Sinh rất buồn lòng, xong nghĩ duyên số tự trời, nhan sắc nàng kém nhưng tài nàng cao cũng là một điều an ủi. Suốt tuần trăng mật, nhiều lần Sinh ép Tuyết Hồng làm thơ xướng họa, nàng đều từ chối. Hỏi sao ngày xưa thi tứ của nàng dồi dào là thế mà bây giờ chẳng cho nghe được một lời nào, thì nàng cúi đầu ngập ngừng giây lâu mới đáp:

- Chàng kén thiếp làm vợ đâu phải để làm thơ? Đạo vợ lại là đạo lớn, e rằng đem hết trí lực chu toàn chưa chắc đã trọn, đâu dám lấy chuyện thơ văn mà làm chểnh mảng. Dù chàng ép nài bao nhiêu, thiếp cũng đành cam chịu lỗi.

Đã thế, nhiều lần Sinh đọc thơ cho nàng nghe bảo nàng góp ý, nàng cũng có vẻ hết sức dửng dưng. Sau cùng, Sinh đâm nghi hoặc, nghĩ thầm có lẽ những bài thơ họa ngày xưa không phải của nàng mà chính là của quan lệnh. Nghĩ thầm chứ không nỡ nói, cũng không dám nói, vì khi giận dữ Tuyết Hồng thường khóa chặt buồng nằm riêng, hai ba đêm liền không tiếp.

Càng ngày Sinh càng chán nản khôn khuây, ảo tưởng vỡ tan, tưởng như tuyệt vọng tình đời. Thiếu thốn hình ảnh giai nhân, cuộc sống tự nhiên cằn cỗi y như nuốt toàn thuốc đắng không có mật đường trợ vị. Nhân tết Nguyên đán, Tuyết Hồng về thăm song thân, Sinh bèn thừa dịp xuân nhật, noi gương Tử Trường ngày xưa phiếm du xuân thủy, tiếp lấy sinh lực muôn vẻ thiên nhiên nuôi cho văn khí thêm phần phong phú, siêu dật.

Bước ra khỏi nhà, Sinh chọn con đường hai bên cỏ non phơi phới, quanh co theo một dòng suối trong veo, lơ thơ bắc đôi nhịp cầu nho nhỏ, mơ màng lá đào rơi rắc, mà vào chốn thiên thai. Xuân ý, xuân tình chứa chan ở trong cảnh sắc, mầu trời, như theo giác quan rào rạt thấm vào mạch tủy, khiến Sinh ngây ngất. Đi đã ba ngày mà không nghĩ đến đường về. Đi được sáu ngày thì sực nhớ đến vợ ở nhà, nhưng vợ cách xa đến sáu ngày đường cũng không đáng sợ bằng những cơn giận dữ. Đi đến mười ngày, tiền lưng muốn cạn túi thơ chừng đầy. Chợt đến một miền tiêu điều dân cư thưa thớt, Sinh chán nản định quay về, nhưng ruột đói lưỡi khô, bèn đi tìm một tửu quán nghỉ chân. Qua ba dặm đồng trơ trọi vẫn chưa thấy một bóng người để hỏi thăm nơi. Bỗng nghe phảng phất tiếng trống, tiếng chiêng, lẫn tiếng reo cười. Dò theo âm thanh vọng lại, lần bước đến nơi, thấy đám hội trước chùa, bèn vào quán nhỏ gần đấy ăn uống. Chủ quán cho biết đã mấy năm rồi ở đây mới có một ngày hội lớn, vì quan Khâm sai triều đình sắp về địa phương nên quan Tổng trấn họ Lý bày ra trò vui để cho dân chúng thỏa thuê ít bữa. Đang ngồi nhắm rượu lại nghe những tiếng hò hét rồi thấy đám người ở cửa dạt ra hai bên có vẻ hết sức sợ hãi. Từ xa tiến đến một chiếc kiệu hoa do bốn người khiêng và thêm chừng mười lính hầu áo mầu lòe loẹt, tiền hô hậu ủng. Kiệu đến trước quán thì bị nghẽn người, dừng lại, Sinh ngước mắt lên, nhìn thấy khuôn mặt đàn bà tuyệt đẹp. Hỏi kẻ chung quanh, biết là Lý Duyên Hương con quan Tổng đốc vùng này. Người đẹp nhìn thẳng về phía trước, mặt hơi vênh lên, như không muốn thấy một ai quanh mình. Vẻ kiêu hãnh và nét sắc sảo của một khuôn mặt tươi hồng khiến Sinh ngây ngất, tưởng như gặp tiên giáng trần, sửng sốt chiêm ngưỡng, tay cầm ly rượu buông rơi lúc nào không biết. Ly rượu chạm vào mặt bàn vỡ tan, tỏa hơi nồng ra bốn phía. Người ngọc nghiêng đầu liếc xuống, thấy vẻ mặt Sinh ngây nhìn, chợt hiểu, bỗng nhoẻn miệng cười. Nụ cười lộng lẫy như hé sáng một trời tình, Sinh lảo đảo đứng lên, không phải say vì rượu, trả tiền cho chủ quán rồi tiến về phía kiệu hoa. Người xem đã giãn, kiệu vào trong chùa, Sinh vội bước theo, cố quên rằng mình đã có vợ ở nhà.

Trong chùa chật ních những người. Phần đông quần áo mùa xuân tươm tất nhưng mặt mày hốc hác mang nhiều vết hằn đau khổ. Ai cũng cố gắng mà vui, hình như không có dịp nào để vui hơn nữa. Lương Sinh chen vào, nghe mùi mồ hôi xông lên khó thở, gượng nghĩ vẫn còn hương thơm người đẹp đi qua sót lại phần nào. Khổ nhọc rất lâu, bước đến thềm trong thì đã thưa người. Thấy Sinh có vẻ nho nhã, người gác để Sinh đi qua. Vào tận trong xa vẫn chưa gặp được người ngọc. Thoạt nhìn lên một bục cao, hương trầm nghi ngút, sực nức mùi thơm, thấy Lý tiểu thơ, vẻ mặt thành kính, đang cùng mấy vị tăng già đàm đạo. Lương Sinh hậm hực đứng nhìn, giận mình từ xưa chẳng chịu thế phát quy y.

Một lát, tiểu thơ quay vào bàn lễ, Sinh ngại nàng vội đi nên bỗng nảy ra một ý. Lại gần biệt phòng bên cạnh, sẵn nghiên bút và hoa tiên để khách thập phương đề vịnh, Sinh bèn thảo phóng mấy câu:

Lá gió đầu xuân, đưa đẩy duyên trời hẹn ước,

Tiên hoa gài mộng, vấn vương đền Phật bâng khuâng

Động biếc, thoáng cười tiên nữ

Rêu xanh, ngẩn lối Lưu Thần

Mặt nước hồ in, xao động bốn mùa sóng gió

Bóng đêm hang thẳm long lanh một vẻ giai nhân.

Rồi bẻ cành hoa kẹp vào. Khi Lý tiểu thơ lễ xong, khoan thai xuống thềm, mọi người sợ hãi bật ra hai bên thì Sinh vội vã đi theo. Đến lúc nàng vừa lên kiệu, Sinh ném cành hoa lên chỗ nàng ngồi. Lính hầu thoáng thấy kêu lên:

- Có người ám hại tiểu thơ.

Lập tức hai ba, rồi chín, mười lưỡi gươm dài vung lên, lính hầu vây lấy Lương Sinh. Những người xem hội thất sắc lùi lại, dồn dập đẩy nhau kêu la náo động. Tiểu thơ ngồi trên, vén rèm nhìn xuống không nói một lời, vẻ mặt hết sức kiêu kỳ. Lương Sinh đã toan mở lời khống chế, nhưng lính xông vào trói chàng.

Đám đông có tiếng thì thào:

- Anh ta chỉ ném có một cành hoa thôi đấy.

- Bấy nhiêu cũng đủ héo cuộc đời rồi.

- Qua dinh Tổng trấn không lấy nón xuống là đã bay đầu, nói chi xúc phạm tiểu thơ vàng ngọc!

Lúc ấy Lương Sinh sực nhớ đã quên từ lâu mười môn võ bí truyền của nhà họ Lã.

Về đến nha môn, lính dẫn Lương Sinh nhốt vào trại giam, rồi tâu trình lên tổng trấn. Nằm trong bốn vách tường đá, Lương Sinh nghĩ cuộc đời bằng phẳng của mình bấy lâu mà lòng rầu rĩ không yên. Chắc là phen này không thể sống thoát, tiếng vang danh sĩ ngày nào bây giờ phải chịu hoen nhục vì không nén được tấm lòng bồng bột phút giây. Đang mơ màng về thế giới bên kia, chợt nghe tiếng người gọi dậy, lập tức được lính dẫn đến công đường. Tổng trấn ngồi giữa, vóc dạng phương phi, hàm én râu hùm, trên tay còn cầm tang vật là mảnh hoa tiên.

Sinh cúi đầu thi lễ, toan tìm lời kêu oan gỡ tội thì quan ra lệnh mở trói. Trước sự kinh hoàng của Sinh, quan bước xuống thềm, dắt Sinh vào trong, kéo ghế bảo ngồi. Sinh chối từ hai, ba lần không được. Quan nói:

- Ta thường ước ao được gặp một người tài đức nay biết người là danh sĩ nên thực hết lòng hâm mộ. Lính hầu sơ xuất phạm điều vô lễ vừa rồi, ta sẽ nghiêm trị. Gác Đằng thuận nẻo gió đưa, người hãy ở đây cùng ta hưởng mấy ngày xuân vui câu xướng họa, cho thỏa tình ta khao khát lâu nay.

Đoạn truyền đem rượu ngon thịt béo ra thết đãi nồng hậu. Lương Sinh tự thấy tài năng của mình thực đã bảo đảm cái mệnh vô cùng vững chắc, hết sức cởi mở tấm lòng, uống rượu say khướt từ sớm đến chiều, mỗi khi chập chờn thức tỉnh lại ngâm thơ sang sảng, tưởng như lúc nào sau rèm cũng có người đẹp nép nghe. Tổng trấn có vẻ đặc biệt kính trọng tài năng của Sinh, luôn luôn nhường lời Sinh thành ra Sinh phải độc xướng, độc họa, độc ngâm suốt ngày. Đôi lúc Sinh muốn hỏi thăm tiểu thơ định trao duyên nơi nào chưa, nhưng thấy Tổng trấn đãi mình như bậc thượng khách nên phải giữ ý làm thinh.

Độ vài hôm sau, quan tổ chức cuộc du xuân, đưa Sinh đi xem cảnh trí trong miền. Nơi nào quan cũng cho thấy kỳ công đại lực của quan tạo lập cho dân: kia là dòng suối quanh co quan khai thông để dân lấy nước cày cấy, nọ là đồng ruộng bao la trước kia toàn là rừng rậm hoang vu quan đã tốn công khai phá cho dân trồng trọt.

Ngồi trên kiệu cao, Sinh nhìn theo ngón tay quan trỏ phía xa xa, mơ hồ thấy suối, thấy đồng nhiều vẻ khác mầu mà miệng không ngừng tán tụng. Hơi men nồng nàn lòng Sinh chứa chan nhiệt tình đối với những bậc "dân chi phụ mẫu" mà xưa nay Sinh thường tỏ ý rẻ khinh.

Đến đâu quan cũng xin Sinh lưu bút để cho khắc vào bia đá, cột đồng, Sinh phóng bút thao thao bất tuyệt, hết lòng ca ngợi tài đức của quan. Mực thơm bút quý, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Trước khi giã từ, Sinh còn lưu lại bài tán tổng kết công đức của quan để khắc ở chốn công đường và bài minh, ký để ghi tạc vào mấy cỗ hồng chung tại các tháp đền quy mô trong hạt. Quan ân cần tiễn chân Sinh ra khỏi nha môn, đưa tặng một cỗ ngựa bạch, mấy nén vàng, nhưng Sinh một mực chối từ không nhận để giữ vẹn lòng thanh khiết.

Giữa mùa xuân ấy, Sinh lâm bệnh nặng, nằm liệt suốt một tháng liền. Tuyết Hồng hết sức săn sóc thuốc thang, nhiều đêm không ngủ. Bây giờ Sinh có lòng mừng là nàng không biết làm thơ, nhưng Sinh ngày đêm khắc khoải vì không cầm được cây bút. Một ngày không viết được một câu nào, Sinh có cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Ngoài nỗi bệnh tật giày vò, sinh còn bị nỗi băn khoăn sáng tạo hành hạ. Bệnh cũ như muốn tái phát, thần kinh rạo rực không yên, giấy ngủ chập chờn ác mộng. Mấy lần chống tay ngồi dậy nhưng lại bủn rủn nằm xuống, hơi thở nóng ran như lửa.

Một sớm đang nằm, nghe tiếng chim hoàng oanh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn. Sinh bỗng hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên, xô mạnh cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên trước thềm, lá xanh tươi màu nhựa mới. Sinh gọi đem nghiên bút và tập hoa tiên. Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc: nghiên mực đỏ tươi sắc máu. Thử chấm bút vào, lăn tròn ngọn bút đưa lên, bỗng thấy nhỏ xuống từng giọt từng giọt thắm hồng như rỉ chảy từ tim. Khiếp đảm, Sinh ngồi sững sờ, tâm thần thác loạn. Cố viết đôi chữ lên giấy, nét chữ quánh lại, lợn cợn như vết huyết khô trên cát. Sinh vội buông bút, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầy. Đưa lên ngang mũi, mùi tanh khủng khiếp. Quệt tay vào áo; đau nhói trong người. Sinh nằm vật xuống, mê man bất tỉnh.

Sau mấy ngày, Sinh tỉnh dậy, lòng khao khát cầm bút. Nhưng nhớ hình ảnh vừa qua, tự nhiên đâm ra e ngại, Sinh cố tập trung thần lực, men đến án thư vừa cầm bút lại thấy lảng vảng sắc máu, không sao đủ can đảm vạch được nét bút nào. Sinh ném bút, hất giấy, vô cùng khiếp sợ tưởng như xôn xao chung quanh vô số hồn oan đòi mạng. Từ đó Sinh gầy rạc hẳn, liệu không sống thoát.

Người cậu của Sinh từ lâu đã vào trong núi Hoa Dương ở với đạo sĩ họ Trình, một hôm tạt về thăm nhà thấy cháu suy nhược rất là lo lắng. Sau khi nghe Sinh thuật hết những điều quái dị vừa qua, ông suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:

- Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên ái tình, khêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ của tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo?

Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dẫy Thiên Sơn? Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chầy ngày.

Lương Sinh nghe xong bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều. Cơn bệnh do đó lui được khá xa. Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao nhãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ kỹ lại vẫn chưa dò được lối máu từ đâu. Bỗng sực nhớ thấy những bài phóng bút viết cho Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Đồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện lên rõ, mấy cánh đồng trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt như sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thực đã trái ngược với những bài tán, bài minh đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở lại chốn cũ để tìm hiểu sự thực.

Sinh đến chỗ cũ vào một buổi chiều nắng vàng thê lương phủ trên cảnh vật tiêu điều, xơ xác. Qua khỏi dòng suối khô cạn, Sinh bước vào trong một thôn trang vắng vẻ, thưa thớt những mái tranh nghèo, không một bóng người thấp thoáng. Đến một gò cỏ úa héo chợt thấy một người nông phu ủ rũ trước nấm mộ, mới liu hiu mấy nén hương tàn. Sinh dừng bước, lại gần ngồi xuống một bên, khẽ hỏi:

- Bác khóc thương thân quyến nào vậy?

Người kia ngước lên không nói, ngắm nhìn lớp bụi đường trường bạc thếch trên quần áo của Sinh, dịu đôi mắt xuống:

- Người nằm dưới mộ không phải bà con quen thuộc của tôi.

Sinh nghĩ: "Chẳng nhẽ người này cũng là một kẻ thi nhân khóc thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh nào chăng". Chưa kịp dò ý, người kia chợt hỏi, ra vẻ hoài nghi:

- Ông từ đâu mà đến đây:

- Tôi ở chốn xa, nhân bước đường phiêu lưu ghé tạt qua thôi. Buồn thấy miền này có vẻ tiêu điều hơn các nơi khác.

Người nông phu bỗng long lanh đôi mắt như không dằn được tấm lòng dồn nén, bật lên những tiếng căm hờn:

- Nói hết cho muôn ngàn khách qua đường cũng chưa hả được dạ này. Ví dù phải chết ngày nay, thân này chẳng tiếc, miễn sao bộc bạch cho được sự thật uất hận từ lâu. Đã bao năm rồi, sống dưới nanh vuốt của tên Thống trấn họ Lý, chính sự độc dữ hơn hùm beo, đồng ruộng gầy khô, dân làng đói rách. Đầu xuân này có Khâm sai đi về, cụ Thôn trưởng của chúng tôi, mặc dù già yếu cũng quyết vì dân làm bản trần tình, can đầu ngựa níu bánh xe mà tỏ bày sự thực. Thế nhưng Khâm sai đi khắp mọi nơi, chỗ nào cũng thấy bia đá cột đồng đầy lời hoa mỹ tán dương công đức Tổng trấn của thằng danh sĩ chết khốn nào đó nên ném bản trần tình, không xét, bảo rằng: "Muôn ngàn lời nói của lũ dân đen vô học đâu bằng mấy vần từ điệu cao xa của kẻ danh nho. Danh sĩ bao giờ cũng biết tự trọng. Tổng trấn đã được hạng ấy tôn xưng, hẳn không phải bất tài". Thế đã thôi đâu, Khâm sai đi rồi, Tổng trấn phái sai nha về tróc nã những người đã đầu đơn tố cáo nó. Bao người phải chế vì nỗi cực hình thảm khốc, vợ góa con côi, một trời nước mắt, ruộng đồng từ đấy đành để nuôi loài cỏ dại mà thôi.

Sinh chết điếng cả người, giây lát mới gượng gạo hỏi:

- Chẳng hay bác có biết... danh sĩ ấy tên gì không?

Người nông phu trợn trừng cặp mắt, gào lên:

- Làm gì mà biết! Mà biết làm gì? Những hạng hiếu lợi, hiếu danh, trốn trong từ chương để tiếp sức cho kẻ ác mà cứ tưởng mình thanh cao, hạng ấy thì đâu chẳng có? Dân làng đây, ai cũng nguyền rủa hắn, mà hắn nào có biết đâu? Nghĩ thương cho cụ Trưởng tôi, mấy lần đứng ra chịu nhận hết tội để cứu bao người, mà bọn chúng chẳng chịu tha, cứ việc tàn sát thẳng tay, lôi đi lớp này rồi đến lớp khác, nên khi bị dẫn qua đây cụ tự móc họng cho trào máy ra mà chết để khỏi bị người đầy đọa. Trước khi nhắm mắt, cụ còn gượng nói: "Được chết trên cánh đồng đã đẫm mồ hôi của ta, của bà con xóm làng ta, thế là quý rồi. Chôn ta ở đây, cho ta gần gũi với các người". Hơi thở gần tàn, cụ nói tiếp: "Tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vun vào mà che lấp sự thực. Đừng oán hờn tên danh sĩ. Đáng thương cho nó, đáng thương cho nó!".

Người nông phu dừng lại, nghẹn ngào rồi tiếp:

- Nhưng bao người khổ ở đây, bao kẻ chết nơi kia, nghĩ còn đáng thương đáng xót gấp trăm ngàn lần!

Đoạn gục đầu xuống mồ, khóc than thảm thiết. Sinh cũng sụp xuống, hòa tiếng khóc theo. Bóng đêm xóa nhòa, gió lạnh như từ cõi âm thổi về rung động bờ lau bụi cỏ. Sinh tưởng như theo cơn gió oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành.

Vũ Hạnh

Friday, August 28, 2020

Bài phát biểu chống TQ, ủng hộ VN của Fidel

Minh Thu: Lùm xùm gần đây về đường 9 vạch, em đột nhiên nhớ đến bài phát biểu của Ngài Fidel Castrol về Trung Quốc và Việt Nam.

Hơn hết những người làm chính trị sẽ thấu rõ hơn về âm mưu và bộ mặt thật của Trung Quốc. 

“Kính thưa đồng bào!

Tôi đã không dự tính sẽ phát biểu trong chương trình hôm nay. Tôi đến đây giống như các bạn, để bày tỏ tình đoàn kết của cá nhân tôi đối với nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Jaime Crombet đã có bài phát biểu rất tốt về vấn đề này (vỗ tay). Nhưng vì tôi đã được đưa lên bục này – mà tôi nghĩ rằng là do quyết định của các đồng chí tổ chức sự kiện – tôi sẽ nói một vài điều.

Sự thực là thời đại mà chúng ta đang sống đây không phải là một thời đại bình thường. Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần. Có quá nhiều vấn đề trên thế giới thời gian gần đây. Nhưng sự việc này chắc chắn là một trong những điều nghiêm trọng nhất, nếu không muốn nói là nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây, thể hiện sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng và là một sự thỏa hiệp to lớn.

Dĩ nhiên, một trong những hành vi ghê tởm, hèn hạ, khốn nạn nhất mà chúng ta từng chứng kiến – và nó sẽ khó lòng bị vượt qua bởi kẻ khác – là sự xâm lược Việt Nam vào lúc này. Đây là một tội ác khủng khiếp. Tội ác này không còn là của những kẻ thực dân, những đế quốc Nhật hay thực dân Pháp, hay đế quốc Mỹ, mà là của một quốc gia vài năm trước đây còn được coi là một bức tường thành của cách mạng thế giới, được xem là một nước xã hội chủ nghĩa, một đất nước chống đế quốc, một đất nước thân thiện với các phong trào cách mạng, một quốc gia – như chúng ta đã nói trước đây – đã thực hiện một cuộc cách mạng đem lại niềm hy vọng của tất cả các dân tộc trên thế giới và tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Chúng ta đã biết chủ nghĩa đế quốc, chúng ta cũng đã biết đến chủ nghĩa thực dân; nhưng một vài năm trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra. Đây là sự phản bội đáng kinh tởm nhất đối với các phong trào cách mạng trong suốt lịch sử của nhân loại.

Tất nhiên, chúng ta sẽ không nói rằng nhân dân Trung Quốc đã gây ra sự phản bội này. Không phải là nhân dân Trung Quốc, không thể là nhân dân Trung Quốc; Là do một lũ tội phạm, một lũ phát xít, những kẻ đã giành lấy quyền lãnh đạo nhân dân Trung Quốc (vỗ tay). Chúng ta thực sự không tin rằng nhân dân Trung Quốc có thể làm điều đó, chúng ta không tin! Ít có dân tộc nào có những phẩm chất và tinh thần cách mạng như nhân dân Trung Quốc. Họ thậm chí không biết điều gì đang xảy ra tại thời điểm này.

Họ không biết rằng lúc này Việt Nam đang bị tấn công, Việt Nam đang bị xâm lược. Những gì họ biết là sự lừa dối cay độc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, phát thanh, truyền hình, báo chí trong tay của bè lũ phản động. Nhưng đâu thể dễ dàng qua mắt cả một dân tộc!

Và vì vậy tôi tự hỏi tại sao lúc này các lãnh đạo Trung Quốc không nói với nhân dân về sự thật cuộc chiến tranh xâm lược, sự xâm lược trắng trợn đang chống lại nhân dân Việt Nam? Ngược lại, họ nói về sự xâm lược của Việt Nam chống lại Trung Quốc, một sự xâm lược của Việt Nam chống lại Trung Quốc; họ nói về sự phản kích tự vệ của Trung Quốc.

Vâng, những điều đó không hề là cường điệu mà chính xác là những gì mà chính phủ Trung Quốc đang nói. Không cần phải nói, chúng ta thậm chí không cần biết những gì đang xảy ra bên trong Trung Quốc; chúng ta không biết: những vấn đề, những chia rẽ mà họ đang có, phe phái nào đang chiếm ưu thế vào lúc này, và những ai chịu trách nhiệm, phe phái nào chịu trách nhiệm về cuộc chiến và cuộc phiêu lưu không thể tin nổi này, mặc dù rõ ràng, rõ ràng, một trong những kẻ chủ mưu của tội ác này, tội ác này, có vẻ là kẻ ngốc này (CƯỜI). Con rối này, kẻ không biết xấu hổ này là Đặng Tiểu Bình, kẻ đã bị thanh trừng một lần, phục hồi một lần, rồi lại bị thanh trừng, lại được phục hồi, và vào ngày nào đó có thể bị thanh trừng lần nữa. Điều đó có thể xảy ra. Chúng ta chưa biết được. Các phe phái đã thanh trừng nhau trong nhiều năm. Chúng sẽ bị thanh trừng, được phục hồi, và cứ tiếp tục thanh trừng và phục hồi cho đến khi nhân dân Trung Quốc thanh tẩy tất cả chúng cùng một lúc. (Vỗ tay) À, nhưng chúng rất nguy hiểm, rất nguy hiểm.

Trong báo “Granma” như đồng chí Jaime đã chỉ ra tối nay, cũng đã nói về những cách thức, những phương pháp, giống như các phương pháp của phát xít, các phương pháp của Hitler, và gợi nhớ cho chúng ta đến một sự kiện cũng bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu quân sự tương tự và kết thúc bằng một cuộc chiến tranh thế giới: cuộc xâm lược Ba Lan của quân đội Hitler vào tháng Chín năm 1939. Một trường hợp giống hệt.

Qua những tài liệu giải mật chúng ta đã biết, những ai đã tham gia, những ai lên kế hoạch cho hoạt động đó, thậm chí có cả những bộ phim giải thích cách thức sự việc này xảy ra, cách thức phát xít Đức dùng các tù nhân bình thường từ các nhà tù, cho họ mặc đồng phục của Ba Lan và tấn công một số đài phát thanh Đức, và làm thế nào họ ngay lập tức kích hoạt các cuộc xâm lược.

Những hành vi quấy rối của Trung Quốc đối với Việt Nam đã được thực hiện trong một thời gian dài.

Còn ai mà không biết người Việt Nam! Khôn ngoan, thận trọng và thông minh, đó là người Việt Nam (vỗ tay). Ai có thể tưởng tượng rằng Việt Nam lại hứng thú với một cuộc xung đột với Trung Quốc? Tuy nhiên, hàng trăm hành vi quấy rối trên biên giới của người Trung Quốc đã diễn ra.

Nhưng kế hoạch này không phải chỉ mới có đây. Kế hoạch này đã được ấp ủ trong một thời gian dài. Và bây giờ nó cho chúng ta thấy tại sao lại có những buổi đánh bóng bàn giữa người Trung Quốc và người Mỹ, những chuyến đi của từ Kissinger đến Nixon tới Bắc Kinh, trong khi vừa tăng cường cuộc chiến xâm lược của đế quốc đối với Việt Nam. Đó là một kế hoạch toàn diện và mưu mô. Người Trung Quốc thực sự không quan tâm đến một nước Việt Nam độc lập, trong một Việt Nam thống nhất và cách mạng. Họ chẳng hề quan tâm.

Vậy họ đã làm gì? Vâng, núp sau cái tên của cuộc cách mạng, trong cái tên của chủ nghĩa xã hội, họ thành lập một trong những chế độ tàn ác nhất đã được biết đến trong thời gian gần đây: họ đuổi người dân ra khỏi các thành phố bằng mũi lưỡi lê. Điều này không có nghĩa là một thành phố không cần thiết phải sơ tán trong một thời điểm, trong một tình huống hay trong một lúc cần thiết nào đó. Một phương pháp cách mạng là thuyết phục người dân, quần chúng, khi có nhu cầu thực sự về quân sự hoặc bất kỳ tình huống bất khả kháng nào khác. Nhưng họ lại sơ tán các thành phố bằng lưỡi lê. Họ tách các thành viên gia đình khỏi nhau, tổ chức các trại tập trung khổng lồ. Họ thậm chí đã đi quá xa đến mức thiết lập các cuộc hôn nhân bằng cách … Tôi không rõ liệu nó có phải là bằng sắc luật hay không. Không, không, nó lạ lắm, những thứ rất kỳ lạ. Họ nói với những người kết hôn rằng cuộc hôn nhân là bắt buộc. Mặt khác, họ tách những người đàn ông khỏi phụ nữ, trẻ em khỏi gia đình, và hầu hết các nhà chuyên môn của đất nước đã bị giết chết, họ thực hiện thảm sát một cách đáng kinh ngạc. Mọi người đều biết điều đó. Đó không phải là mới, đến mức mà người ta nói rằng 3 triệu người đã chết trong hai năm rưỡi hoặc ba năm. Đó là chủ nghĩa Mao trong thực tế, đó là chủ nghĩa Mao, một thứ chủ nghĩa Mao mà người Trung Quốc thậm chí còn không chỉ thực hiện nó ở Trung Quốc mà còn áp dụng nó ở Campuchia. Đó là một cuộc diệt chủng thực sự. Không có chính phủ nào có thể tồn tại trên những nền tảng như vậy. Đó là điều hoàn toàn không thể. Đó là một chính sách một mặt gây chiến tranh hủy diệt, một mặt bao vây cấm vận Việt Nam; Họ xúi giục những kẻ phát xít Campuchia tiến hành xâm lược chống lại Việt Nam. Việc xâm lược đã bắt đầu ở phía nam từ biên giới Campuchia. Có những tài liệu đã phản ánh về các vụ thảm sát hàng chục ngàn người Việt Nam; đàn ông, phụ nữ, trẻ em. Đó là một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất từng được biết đến.

Chế độ đó sẽ phải sụp đổ vào một ngày nào đó, và nó đã sụp đổ. Điều đó không thể được tồn tại ở Campuchia hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Và tôi nghĩ rằng một trong những điều tốt đẹp nhất đã từng xảy ra là sự sụp đổ của tổ chức phát xít diệt chủng Campuchia (vỗ tay), vẫn được biết đến với tên gọi bè lũ Pol Pot – Ieng Sary, bởi sức mạnh của nhân dân. Bè lũ đó đã bị kéo sập giống như một ngôi nhà làm từ những lá bài, và vì vậy điều này không chỉ có nghĩa là Campuchia được giải phóng, người dân không thể tiếp tục sống trong những điều kiện như vậy, mà cũng đồng nghĩa với một thất bại chính trị to lớn cho chính phủ Trung Quốc.

Đế quốc Mỹ đã từng là bậc thầy về sự giả tạo và đạo đức giả – tôi nói họ “đã từng” bởi vì bây giờ đã có kẻ khác giỏi hơn họ nhiều, từ lúc đó bắt đầu kêu khóc đến tận trời xanh, tất nhiên, đó chính là Trung Quốc. Tình hữu nghị Trung Quốc – Mỹ chính là mối tình của hai chế độ cùng hứng thú với việc bao vây cấm vận Việt Nam.

Chính phủ Mỹ nói về nhân quyền, và ngay cả trong Thượng viện Hoa Kỳ đã đề xuất một sự can thiệp quốc tế nhằm chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra tại Campuchia. Ngay cả báo chí thế giới và báo chí Hoa Kỳ đã có không biết bao nhiêu lần nói về những gì đang diễn ra.

Tuy nhiên, ngay sau khi chế độ diệt chủng bị lật đổ, họ đã phát động một chiến dịch toàn cầu mạnh mẽ chống lại Việt Nam, vì sự đoàn kết của Việt Nam với phong trào cách mạng Campuchia, trong một nỗ lực để giới thiệu Việt Nam với dư luận quốc tế như một kẻ xâm lược, một quốc gia đã xâm phạm sự độc lập của dân tộc khác, để phủ nhận một thực tế là chế độ này vốn không bền vững và không thể được duy trì. Tất cả điều này, tôi nhắc lại, có nghĩa là một cú đánh lớn vào giới lãnh đạo của Trung Quốc. Và từ thời điểm đó, những vụ xâm lấn và quấy nhiễu chống lại Việt Nam liên tục xảy ra ở biên giới, đồng thời với việc tập trung lực lượng quân sự. Mọi người đều biết rằng chính phủ Trung Quốc đang tập trung quân trên biên giới với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Đặng Tiểu Bình có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, và ở đó ông tuyên bố, bất chấp đạo lý, rằng ông ta phải trừng phạt Việt Nam và Cuba. Đó là những gì ông nói, rằng chúng tôi phải trừng phạt Việt Nam và Cuba. Ông ta đã đề nghị người Mỹ rằng: Hãy trừng phạt Cuba! Hãy xem chúng ta đã đi đến đâu rồi.

Tất nhiên, từ rất sớm chúng ta đã thấy một số điều kỳ lạ trong đường lối của Trung Quốc. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tháng Mười, khi thế giới đang trên bờ vực của chiến tranh. Trong tình hình rất nghiêm trọng như vậy, người Trung Quốc chỉ giữ im lặng và tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Ấn Độ, để có được một mảnh lãnh thổ Ấn Độ. Nhưng trong suốt thời kỳ của khủng hoảng tháng Mười họ không lề lên tiếng, dù chỉ một lời.

Một thời gian sau đó, họ bắt đầu thực hiện các báo cáo, để cáo buộc và cố gắng mưu đồ về tất cả những vấn đề của cuộc khủng hoảng tháng Mười.

Nhưng có ai ngờ rằng rằng đất nước này, rằng chính phủ của nước này cuối cùng lại nói với người Mỹ rằng: chúng ta phải trừng phạt Cuba, và chúng ta phải trừng phạt Việt Nam. Đó chính là những phát biểu của Đặng Tiểu Bình tại Hoa Kỳ. Và sau đó ở Nhật Bản, ông lặp đi lặp lại về Việt Nam: chúng ta phải trừng phạt Việt Nam.

Và rất nhanh … như hôm nay đã rõ, nhờ một bản tin nội bộ của những cuộc gặp đó đã lọt vào tay của một nhà báo nước ngoài và đã được xuất bản. Vào một ngày sau khi Đặng Tiểu Bình trở về nước, ông ta đã họp mặt Ủy ban Quân sự Trung Ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan mà ông ta chỉ đạo, trong suốt ba hoặc bốn ngày và sau đó đã có quyết định triển khai một lượng lớn quân đội ở biên giới với Việt Nam, và tấn công Việt Nam. Ngay lập tức sau khi vừa trở lại từ Hoa Kỳ.

Đặng Tiểu Bình đã nói gì với Brzezinski? Đặng Tiểu Bình đã nói chuyện gì với Carter? Liệu chính phủ Hoa Kỳ biết hoặc không biết đến kế hoạch gây hấn và xâm lược Việt Nam của Trung Quốc? Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Bạn giải thích ra sao về việc khi vừa trở về từ Hoa Kỳ, ông ta đã vội gặp Ủy ban quân sự và ra lệnh xâm lược của Việt Nam?

Thực tế là chính phủ Hoa Kỳ đã kết hợp chính trị với cuộc xâm lược Việt Nam; đó là sự thỏa hiệp về chính trị. Hơn nữa, một thượng nghị sĩ Mỹ gần đây đã tuyên bố rằng Brzezinski đã nói với ông ta rằng bây giờ Việt Nam sẽ phải rút khỏi Campuchia. Đó là một lời tuyên bố. Và chính phủ Hoa Kỳ, chắc chắn là đứng sau và chắc chắn có liên quan đến cuộc phiêu lưu quân sự này của Bắc Kinh, nói rằng Việt Nam phải rút khỏi Campuchia để đổi lại việc người Trung Quốc rút khỏi Việt Nam. Nói chung đế quốc Mỹ và giới lãnh đạo Trung Quốc đã lên kế hoạch cho cuộc xâm lược này. Họ cùng là nguyên nhân của cuộc phiêu lưu quân sự hoang dã và điên rồ này. Đó là một dấu hiệu cho thấy cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tìm kiếm sự tái lập của chế độ diệt chủng PolPot – Ieng Sary ở Campuchia. Đó là mục tiêu chính trị: tấn công nhằm vào Việt Nam để chấm dứt tất cả sự hợp tác và tất cả sự đoàn kết của Việt Nam với chính quyền cách mạng Campuchia, để thiết lập lại chế độ diệt chủng và bao vây cấm vận Việt Nam, rồi sau đó, cả hai bên một lần nữa, phong tỏa Việt Nam cả ở phía nam và phía bắc. Đây là chính sách của Mỹ mặc dù họ làm như là kẻ ngoài cuộc.

Và bây giờ, trơ tráo, cách mà họ nói với thế giới, cách mà Trung Quốc đã thể hiện: họ đã bị xâm lược bởi Việt Nam, và họ phải phản kích.

Nhưng này, họ chỉ là kẻ học việc tồi tệ của Hitler. Bởi vì, như đã nói, Đặng Tiểu Bình với những gì đã làm đã gần như trở thành, hầu như, không phải là một Hitler, nhưng một loại bản sao khôi hài của Hitler. Bởi vì người ta đã biết về mọi việc nhờ thông tin được công bố từ bản báo cáo nội bộ, trong đó nói rõ về: thời gian tấn công, làm thế nào họ tấn công bất ngờ, thực hiện pháo kích và không kích thế nào vào lúc 3:00 sáng, làm thế nào họ bắt đầu cuộc xâm lược… Trong các báo cáo của họ cũng không che giấu về sự thương vong của họ; không thể giấu được, vì họ đã nói điều đó trong báo cáo bị tiết lộ; có hai điều cần quan tâm, hai điều đáng quan tâm, đó là: họ đã có khoảng 3.000 trường hợp thương vong và điều này cũng tương đồng với thông tin mà phía Việt Nam đã thông báo bấy lâu nay. Tất nhiên, họ đã không nói, về việc đã mất hàng chục xe tăng. Họ cũng không nói về việc họ phải gánh chịu một số thất bại nghiêm trọng. Tất cả những gì họ thông báo là đã có sự phối hợp không tốt giữa các loại vũ khí khác nhau, giữa không quân và bộ binh, và đó là nguyên nhân của việc họ đang gặp khó khăn trong việc tiến quân. Như vậy, trong khi một mặt họ nói rằng họ đã bị tấn công và cuộc tấn công của họ là một sự phản kích, mặt khác họ lại chỉ đưa ra những thông tin nội bộ hạn chế để giải thích về tất cả những gì đang diễn ra.

Nhưng những điều vô lý, những hành vi đáng ngờ ấy quả là sự tương đồng, giống nhau đến mức khó tin với những phương pháp của Hitler, cả trong việc lừa dối và tội ác xâm lược một nước nhỏ cũng như trong việc trình bày vấn đề này với thế giới.

Lúc này đây, một tình huống thực sự nguy hiểm đã được tạo ra, đúng vậy. Họ đã thực hiện một cú nhảy vọt vào không gian. Ý định của họ là gì? Họ có thể đi được bao xa? Bước tiếp theo của cuộc khủng hoảng này là gì? Bao lâu nữa cuộc khủng hoảng này có thể kết thúc khi vì họ đã lao vào một cuộc phiêu lưu hoang dại, thực sự điên rồ và nguy hiểm.

Sự đoàn kết với Việt Nam, sự động viên của tất cả các lực lượng cách mạng cùng nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, không phải là vô ích. Nếu chúng ta không ngừng chung tay với các hành động đoàn kết, tôi chắc chắn rằng không có gì có ý nghĩa toàn cầu hơn và quan trọng hơn là không có gì thực tiễn hơn tình đoàn kết này (vỗ tay).

Điều thực sự cần thiết là các lực lượng tiến bộ, các dân tộc trên thế giới cần phải chung tay để ngăn chặn cuộc phiêu lưu quân sự này, để hạn chế sự nguy hiểm này, để kiềm chế sự điên rồ này, vì cả thế giới có thể sẽ bị cuốn vào tình trạng này. Hậu quả của kiểu phiêu lưu này, không hề phóng đại, có thể là khủng khiếp đối với thế giới. Bởi vì Việt Nam không thể bị hủy diệt như thế này, trong im lặng; điều đó là không thể. Và sau đó, những tên quan kiêu ngạo sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc phải rút chạy, chúng sẽ không có sự lựa chọn nào ngoài việc bị đánh bại. Cần thiết phải nói lên tiếng nói của dư luận thế giới để tác động, để chấm dứt một cuộc phiêu lưu có thể đưa thế giới vào một cuộc chiến thảm khốc.

Và đây chính là lúc để chứng tỏ cho tất cả mọi người trên thế giới rằng thế nào là một nhà cách mạng, thế là người tiến bộ (vỗ tay), và thế nào là người yêu chuộng hòa bình. Bởi vì đây không phải là lúc dành cho sự dao động, sự nhập nhằng, đây không phải là thời kỳ nồng ấm, không phải là lúc có thể xem Việt Nam và Trung Quốc ai cũng như ai đối với cả thế giới này. Đây là một lúc để xác định ai là ai. Bởi vì không có một người yêu chuộng hòa bình nào, không có người tiến bộ nào, không có người cách mạng nào, hoặc những người tự coi mình là người cách mạng nào trên thế giới này là không thể lên án một cách mãnh liệt và vô điều kiện đối với những hành động tội ác này của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh. Chính xác là trong những lúc nguy hiểm lớn nhất đối với thế giới thì chúng ta phải hành động với sự bình tĩnh tối đa và với sự lạnh lùng hết sức, và đó là trách nhiệm của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc tiến bộ của thế giới, hành động với sự bình thản tối đa và bằng cái đầu lạnh. Đây không phải là lúc mất kiểm soát hay mất bình tĩnh, bởi sau khi bất cứ hành động nào được thực hiện, nó có thể sẽ không thể đảo ngược được.

Cuộc xâm lược điên rồ này dứt khoát phải bị đập tan. Bởi vì chúng ta phải đánh bại nó, chúng ta phải đánh bại nó! (Vỗ tay và tiếng hò reo: “Fidel, Fidel, Fidel”) Hãy ngăn chặn những tên tân phát xít mất trí này, bè lũ điên khùng này, đúng vậy, một bè lũ điên loạn, những kẻ tân phát xít đang lãnh đạo Trung Quốc lúc này, hãy kéo thế giới, tránh xa khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhất thiết phải làm chúng thất bại và ngăn cản chúng kích động một cuộc chiến thế giới.

Chúng ta phải quan sát kỹ càng các chuyển biến của tình hình, phải cập nhật mọi thông tin, tất cả các thông tin đến từ Việt Nam.

Chúng ta không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc. Đừng đánh giá quá cao họ. Chúng ta cũng không nên coi thường sức mạnh của Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, từ góc độ quân sự, sau tất cả những sự điên rồ của họ và cuộc “cách mạng văn hóa” của họ, những cuộc thanh trừng nối tiếp thanh trừng, phục hồi rồi lại phục hồi, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì vũ khí kỹ thuật lạc hậu. Một chiếc xe tăng của Trung Quốc không thể sánh với một chiếc xe tăng Việt Nam. (Vỗ tay và hò reo), một tên lửa phòng không Trung Quốc không thể sánh với một tên lửa phòng không Việt Nam, tất cả các loại vũ khí phòng không của Trung Quốc không thể sánh được với vũ khí phòng không của Việt Nam (Vỗ tay và la hét), pháo binh Trung Quốc cũng không thể sánh với pháo binh Việt Nam.

Họ có thể mạnh miệng để nói về dân số hàng trăm triệu và thậm chí 1 tỷ người, nhưng chẳng hề là dễ dàng để đưa một người đến một cuộc chiến. Không hề dễ đâu. Ngoài ra, người lính cần một động lực. Chẳng có gì phải nghi ngờ về việc những người lính Trung Quốc đã chiến đấu chống lại các lực lượng phản động trong cuộc chiến tranh giải phóng, họ là những người lính xuất sắc, những người lính dũng cảm. Chẳng có gì phải nghi ngờ về việc những người lính Trung Quốc đã chiến đấu chống lại quân Mỹ tại Triều Tiên, họ là những người lính xuất sắc, những người lính dũng cảm. Họ đã có động lực chiến đấu, họ đã đối mặt với chủ nghĩa đế quốc và đã có một động lực cách mạng sâu sắc (vỗ tay). Và tôi tự hỏi những kẻ phát xít sẽ cho người lính Trung Quốc động lực gì để họ có thể coi thường cái chết, và nếu những người lính Trung Quốc có thể được truyền cảm hứng để chiến đấu như một người lính dũng cảm, giết chóc phụ nữ và trẻ em Việt Nam, tiêu diệt các gia đình Việt Nam, thực hiện hành vi diệt chủng thì loại lãnh đạo nào có thể khuyến khích quân đội thực hiện những tội ác đó. Và tôi nghi ngờ tinh thần chiến đấu của những người lính Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cho dù người ta đã cố gắng nhiều thế nào để lừa bịp họ. Và một Việt Nam không hề dễ để nắm trong tay, một Việt Nam có một kinh nghiệm chiến đấu phi thường (vỗ tay), một Việt Nam sở hữu những vũ khí tuyệt vời, và một Việt Nam sẽ không phải chiến đấu một mình (vỗ tay và reo hò: “Không!”)

Thật là một tội ác quái đản chống lại dân tộc đó! Họ đã có bao nhiêu chiến công lẫy lừng, bao nhiêu anh hùng chỉ trong vài thập kỷ qua! Đầu tiên là những kẻ xâm lược Nhật Bản, sau đó, là cuộc tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp, sau đó, là những kẻ xâm lược Hoa Kỳ. Và bây giờ, mới nhất: quân xâm lược Trung Quốc. Trải qua những cuộc đấu tranh, người Việt đã gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm. Không có dân tộc nào trên thế giới tinh thông hơn họ về chiến thuật và chiến lược trong các cuộc chiến tranh giải phóng (vỗ tay), bởi vì họ đã phải liên tục đối mặt với những kẻ thù rất mạnh. Và người Việt Nam hiểu rõ hơn về chiến thuật và chiến lược so với Trung Quốc (vỗ tay). Và một cuộc chiến tranh cách mạng không phải là điều tương tự như một cuộc chiến tranh diệt chủng; Không hề có sự giống nhau giữa một cuộc chiến tranh cách mạng như cách Trung Quốc chống lại quân chiếm đóng Nhật và chống lại các lực lượng phản động, với một cuộc chiến diệt chủng, tội ác chống lại một dân tộc dũng cảm đang bảo vệ sự nghiệp của họ, quê hương của họ, cuộc cách mạng của họ, độc lập của họ, sự tồn tại của họ, như nhân dân Việt Nam đang bảo vệ thành quả của họ ngày hôm nay (vỗ tay).

Ngoài ra, người Việt Nam rất khôn ngoan, họ biết những gì họ làm tốt nhất, và họ có thể để cho kẻ thù tiến vào đến đâu, rồi làm sao để chống lại nó và khi nào, bằng cách nào; họ biết những gì họ làm. Và tôi nói với các bạn rằng tôi có một niềm tin vô hạn đối với những phẩm chất của người Việt (vỗ tay). Và mặc dù lũ phát xít mới đang lãnh đạo Trung Quốc luôn mồm nói về dân số 1 tỷ người, tôi cũng không hề ngạc nhiên nếu họ phải chịu một thất bại to lớn ở Việt Nam, không có gì lạ cả.

Và đó là lý do tại sao tôi nói rằng những tên tội phạm đó đã ném mình vào một cuộc phiêu lưu man rợ mà kết thúc chỉ có cái chết mà thôi. Và vì vậy, trước sự nguy hiểm trong tình hình này, đó là, thực vậy, một tình huống nguy hiểm, một tình huống phức tạp, đòi hỏi phải có một sự bình tĩnh tối đa, một cái đầu cực lạnh; Nhưng cũng trong lúc này, chúng ta cũng cần có sự đoàn kết lớn nhất, sự hỗ trợ tối đa cho Việt Nam và sự quyết tâm cực điểm. (Vỗ tay)

Niềm tin của chúng ta ư? Người Việt Nam đã đánh bại Nhật Bản, người Việt Nam đã đánh bại người Pháp, người Việt Nam đánh bại người Mỹ, những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều, vượt trội phát xít Trung Quốc; kể cả khi người Mỹ bao vây đất nước này với những tàu sân bay cùng hàng ngàn chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược, họ vẫn bị đánh bại. Niềm tin của chúng ta là người Việt Nam sẽ đánh bại cuộc chiến tranh của những kẻ phát xít Trung Quốc (vỗ tay). Đó chính là niềm tin của chúng ta! Không thành vấn đề nếu họ xâm nhập 10 hoặc 15km, hoặc nhiều hơn một chút hoặc ít hơn một chút; Nhiều kẻ khác cũng đã đến, và các bạn đã biết chúng đã phải ra đi như thế nào.

Nhân dân ta phải theo dõi chặt chẽ, tôi nhắc lại, từng sự kiện, phải rất chú ý tới mọi thông tin. Báo chí của chúng ta, truyền hình của chúng ta, đài phát thanh của chúng ta, phải phấn đấu để cung cấp cho nhân dân ta càng nhiều thông tin càng tốt để phán xét, và như vậy, nhân dân ta sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ, cho tất cả mọi thứ! (VỖ TAY)

Các cuộc khủng hoảng không phải là mới đối với chúng ta. Chúng ta đã từng trải qua, một vài năm trước đây, cuộc khủng hoảng tháng Mười, khi nhiều tên lửa hạt nhân chĩa vào chúng ta, và chẳng có ai ở đây phải mất ngủ vì điều đó; Tôi không hề biết bất cứ ai như vậy cả. Thậm chí, tôi cho rằng trong những ngày đó, người dân đã ngủ ngon hơn hơn bao giờ hết (vỗ tay). Và bây giờ cũng như vậy: các bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ. Chúng ta không biết cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu. Hiện tại, không ai có thể dự đoán tương lai của nó. Hãy sẵn sàng cho tất cả mọi điều, sẵn sàng cho tất cả mọi thứ! (VỖ TAY)

Hãy tăng cường sự đoàn kết của chúng ta, hãy làm giàu thêm hiểu biết và lương tâm của chúng ta nhưng không để mất đi sự bình tĩnh và không để mất đi những giấc mơ. Hãy cùng hô vang với sự cảm nhận sâu sắc hơn và quyết tâm hơn bao giờ hết: Quốc tế vô sản muôn năm! (ĐỒNG THANH “Muôn năm!”)

Nhân dân Việt Nam anh hùng muôn năm! (ĐỒNG THANH “Muôn năm!”)

Tổ quốc hay là chết!

Chiến thắng!”

Các cơ quan trong cơ thể suy thoái ntn?

 LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÂU GIÀ

Khi nào các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa? Già là một điều không ai tránh khỏi. Hiện nay các viện nghiên cứu y khoa đã cho biết một cách chính xác các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa từ lúc nào.

Các bác sĩ người Pháp đã tìm thấy chất lượng tinh trùng bắt đầu suy thoái từ tuổi 35, bởi thế khi người đàn ông ( người chồng ) 45 tuổi thì một phần ba số lần người vợ mang thai sẽ dẫn đến sảy thai. Angela Epstein đã viết trong DailyMail, tuổi của các bộ phận trong cơ thể bắt đầu suy thoái như sau :

1./ Não bắt đầu suy thoái lúc 20 tuổi. Khi chúng ta trưởng thành, các tế bào não bị giảm dần. Và não cũng teo nhỏ lại. Khởi đầu con người có 100 tỉ tế bào não, nhưng đến tuổi 20 con số nầy giảm dần, và đến tuổi 40 con người mất mỗi ngày 10.000 tế bào ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ và có tác dụng rất lớn đến tâm sinh lý người già.

2./ Ruột bắt đầu suy giảm từ tuổi 55. Ruột tốt có sự cân bằng giữa các vi khuẩn có ích và có hại. Vi khuẩn có ích sẽ giảm đi đáng kể sau tuổi 55, đặc biệt ở phần ruột già. Sau 55 tuổi bộ tiêu hóa bắt đầu xấu đi và sẽ gây hại cho các bệnh đường ruột. Táo bón là một bệnh thông thường của tuổi già, cũng như dịch vị từ bao tử, gan, tuyến tuỵ, ruột non bị suy giảm .

4./ Bọng đái bắt đầu suy thoái từ tuổI 65. Người già thường mất kiểm soát bọng đái. Nó bắt đầu co lại đột ngột, ngay cả khi không đầy. Phụ nữ dễ gặp trục trặc này hơn khi chấm dứt kinh nguyệt. Khả năng chứa nước tiểu của bọng đái một người già chỉ bằng nửa so với người trẻ tuổi, khoảng 2 cốc ở tuổi 30 và 1 cốc ở tuổi 70. Ðiều này khiến người già phải đi tiểu nhiều hơn, và dễ nhiễm trùng đường tiểu.

5./ Vú bắt đầu thoái hóa từ năm 35 tuổi. Khi người đàn bà đến 30 tuổi thì vú mất dần các mô và mở, sự đầy đặn và kích cở của bộ vú bị suy giảm. Khi 40 tuổi núm vú bị teo lại và vú thòng xuống.

6./ Phổi lão hóa từ tuổi 20. Sụn sườn vôi hóa, lồng ngực biến dạng, khớp cứng ảnh hưởng tới thở, nhu mô phổi giảm đàn hồi, giãm phế nang. Dung tích của phổi bắt đầu giảm dần từ tuổi 20. Ðến tuổi 40 có nhiều người đã bắt đầu khó thở vì các cơ bắp và xương sườn buồng phổi bắt đầu xơ cứng .

7./ Giọng nói bắt đầu yếu và khàn kể từ tuổi 65. Phụ nữ có giọng khàn và nhỏ trong khi đàn ông giọng cao và nhẹ.

8./ Mắt lão hóa từ năm 40 và phần lớn phải mang kiếng, không còn nhìn rõ một vật ở xa. Khả năng tập trung của mắt kém hơn do cơ mắt yếu hơn.

9./ Tim lão hóa từ tuổi 40. Khối lượng cơ tim giảm. Tuần hoàn nuôi cơ tim cũng giảm, suy tim tiềm tàng, huyết áp tăng dần. Sức bơm của tim giảm dần vì các mạch máu giảm sự đàn hồi. Các động mạch cứng dần và bị mở đóng vào các thành mạch. Máu cung cấp cho tim cũng bị giảm bớt. Ðàn ông 45 tuổi và đàn bà 55 dễ bị đau tim.

10./ Gan lão hóa từ năm 70. Chức năng chuyển hóa và giải độc giảm. Tuy nhiên gan là một bộ phận gần như không chịu khuất phục tuổi tác. Người ta có thể ghép gan của một ông già 70 tuổi cho một người 20 tuổi.

11./ Thận lão hóa năm 50. Số đơn vị lọc chất thải khỏi máu bắt đầu giảm xuống ở tuổi trung niên.

12./ Tuyến tiền liệt lão hóa vào năm 50. Hệ thống sinh dục nam gồm có: tinh hoàn và bộ phận sinh dục phụ như đường dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tuyến hành niệu đạo, túi tinh và dương vật. Tuyến tiền liệt thường lớn dần theo tuổi tác. Khi tuyến tiền liệt tăng kích thước sẽ ép vào niệu đạo và bàng quang, gây khó khăn cho tiểu tiện. Nó gây nên triệu chứng tiểu ngập ngừng, tiểu nhiều lần, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và tiểu khó.

13./ Xương lão hóa vào tuổi 35. Cho đến giữa những năm 20 tuổi, mật độ xương vẫn còn tăng. Trẻ em xương lớn rất nhanh, cứ mỗi 2 năm lại thay đổi toàn bộ xương cũ nhưng đến tuổi 35 thì xương đã lão, hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già cả tự nhiên.

14./ Răng suy từ tuổi 40. Răng bị hao mòn. Dễ bị bệnh nha chu. Niêm mạc bị teo dần.

15./ Bắp thịt lão hóa từ năm 30. Thông thường bắp thịt khi bị lão hoá thì được tái tạo ngay, nhưng đến tuổi 30 thì tái tạo ít hơn là lão hóa. Ðến tuổi 40, mỗi năm bắp thịt bị sút giảm từ 0.5 đến 2 % . Vì thế người già khó giữ thăng bằng, trở thành chậm chạp, dễ bị ngã và gãy xương.

16./ Nghe [thính giác] giảm đi kể từ giữa năm 50. Rất nhiều người bị lãng tai kể từ năm 60.

17./ Da suy giảm kể từ năm 20. Chúng ta đã giảm dần việc sản xuất chất keo dính của da từ giữa tuổi 20. Việc thay thế các tế bào chết cũng chậm dần.

18./ Vị giác và khứu giác giảm từ năm 60. Thông thường chúng ta có thể nếm được 100.000 vị trên lưỡi. Các vị này chúng ta chỉ nếm được phân nửa khi già và đến tuổi 60 thì không còn ngửi và nếm một cách chính xác được nữa.

19./ Sinh sản mất khả năng từ năm 35. Khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm sau tuổi 35, vì số lượng và chất lượng trứng trong tử cung giảm xuống.

20./ Tóc lão hóa từ tuổi 30. Thông thường cứ 3 năm thì tóc cũ sẽ được thay thế toàn bộ tóc mới. Và đến năm 35 tuổi thì tóc không còn đen nhánh nữa mà ngã màu đen xám và rụng dần đi.

Làm thế nào để làm chậm sự lão hóa ?

Già không phải là một bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển; cần chú ý một số đặc điểm sau:

- Người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, có bệnh dễ phát hiện, nhưng cũng có bệnh rất kín đáo, tiềm tàng, nguy hiểm.

- Triệu chứng ít khi điển hình, không ồ ạt, không rõ rệt, nên khó chẩn đoán, dễ sai lạc nếu ít kinh nghiệm.

- Khả năng phục hồi sức khỏe sau các trận ốm thường chậm hơn so với người trẻ, nên sau điều trị phải có thời gian an dưỡng.

Một số biện pháp làm giảm tốc độ lão hóa:

Học thuyết âm dương của y học cổ truyền chứng minh con người là một chỉnh thể giữa âm dương, giữa khí và huyết. Luôn luôn thăng bằng với nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong theo một quy luật nhất định, để duy trì sự sống của con người được bền vững dài lâu.

Vì thế muốn giảm tốc độ lão hóa cần phải:

Về tư tưởng luôn luôn lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những cái làm ảnh hưởng đến bộ não, hạn chế tối đa nỗi cô đơn, giải quyết tốt nhất mối quan hệ xã hội và gia đình, có triết lý sống đúng; phải chú ý cả 3 vấn đề: lẽ sống, lối sống và hành động sao cho khoa học văn minh để loại trừ 7 nguyên nhân gây bệnh của Ðông y là : hỷ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng.

Muốn được thảnh thơi phải có kiến thức, phải có hiểu biết để nhìn nhận vấn đề sao cho đúng đắn qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình để làm chủ được mình và giáo dục cho gia đình, con cháu giảm các nỗi bực dọc và tự chăm lo cho mình.

Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực như đọc sách báo, nghe đài, xem TV, internet… đồng thời tập thể dục thể thao, đi bộ, tập thở, tĩnh tâm thư giãn, v.v… phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe từng người.

Sinh hoạt điều độ, không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa ngủ và nghỉ, giữa ăn và làm, giữa trí óc và chân tay, giữa trong nhà và ngoài trời, giữa lười và chăm, v.v… cũng rất quan trọng.

Ăn uống đúng và đủ theo khả năng của mình, không nên nghiện bất cứ thứ gì, hạn chế thịt nhất là mỡ, ăn nhiều rau quả tươi, giảm chất bột, giảm bánh kẹo, bảo đảm cân bằng thức ăn âm và dương, giữ người không béo và cũng không gầy. Nên nhớ con người là giống ăn ngũ cốc, nên thức ăn cho người phải 80% là ngũ cốc còn 20% là rau quả và các thứ khác, không nên ăn quá no, người già rất cần đạm ở đậu tương, vừng lạc, tôm cua, ốc hến…

Cần có môi trường sống tự nhiên tốt, phần lớn các cụ sống 100 tuổi trở lên đều ở vùng núi, ở nông thôn còn ở thành phố thì rất ít và gốc cũng không phải thành thị. Hiện nay môi trường sống đang bị tàn phá nghiêm trọng đó là tự hủy hoại mình (chặt cây, phá rừng, chất thải, phân hóa học, thuốc trừ sâu….) đã làm mất đi cảnh thanh bình của thiên nhiên, là điều cũng nên hết sức tránh.

Kiên trì áp dụng 10 bài học về sức khỏe của Nhật Bản, đất nước được mệnh danh là 'vương quốc của tuổi thọ' vì có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay.

10 bài học đó là:

- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau

- Bớt ăn mặn, tăng cường chất chua

- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả

- Bớt ăn chất bột, tăng cường sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần

- Bớt đi xe, đi bộ nhiều hơn

- Bớt phiền muộn, ngủ trước 23h, cố gắng theo đúng đồng hồ sinh học: đêm ngủ, ngày làm.

- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn

- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.

Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan…

Tóm lại:

Biết cách sống, ta có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài được tuổi thọ, có thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ sinh học trong con người chúng ta chạy chậm lại, ta cũng có thể giữ bộ máy cực kỳ tinh vi của ta được bền vững lâu dài hơn.

Hãy để lại biểu tượng cảm xúc khi bạn đọc bài viết này. Nếu thích, bạn có thể lưu hoặc chia sẻ để lan tỏa!!!

Tác giả: Lê Tấn Tài

Quan chức nhà nước và vấn đề tha hoá biến chất

 CÓ BAO NHIÊU ÔNG PHẠM PHÚ QUỐC?

1. Không lâu sau khi nhận chức (tháng 12/1997), cố TBT Lê khả Phiêu đã có được danh sách của hơn bốn mươi lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài. Đây là những lá bài quan trọng của ông Lê Khả Phiêu trong ván bài nhân sự và chống tham nhũng. Nhưng thực tế đã không theo ý muốn của ông Phiêu. Chẳng những không công khai được danh sách để chống tham nhũng, mà còn dẫn đến mâu thuẫn phe nhóm, làm cho ông Lê Khả Phiêu phải rời chức TBT vào tháng 4/2001, nhường chỗ cho ông Nông Đức Mạnh.

Như vậy, Bộ Chính Trị và Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam, ít nhất là từ thời cố TBT Lê Khả Phiêu đến giờ, đều biết một thực tế - là lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở nước ngoài. Tiền ấy ở đâu ra? Tại sao phải che giấu ở nước ngoài? Tại sao lại là đảng viên giữ chức vụ cao cấp? 

Tại sao cố TBT Lê Khả Phiêu lại bất lực trước làn sóng tham nhũng ở hàng ngũ cán bộ cấp cao?

Đến bây giờ thì quốc nạn tham nhũng ở tầng lớp cán bộ trung cao cấp “đếm không xuể” với phạm vi nhiều lần lớn hơn.  Minh chứng cho điều này là các vụ kỷ luật cả gần 100 cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua, trong đó có cả hàng chục tướng lĩnh công an và quân đội.

2. Nhưng sự tha hoá của nhiều cán bộ cao cấp không chỉ là gửi tiền ở nước ngoài. Sự tha hoá đạt đến mức tội phạm, và cả mức ở tội phản bội, khi các tham quan phải trốn chạy khỏi tổ quốc bằng con đường tìm kiếm hộ chiếu nước ngoài.

Phải phân biệt những người muốn có cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài với những kẻ cướp đoạt tiền bạc của nhân dân để trốn chạy ra nước ngoài. Ở đây muốn lưu ý đến 4 nhóm người Việt tìm kiếm cuộc sống ở nước ngoài qua con đường sở hữu hộ chiếu nước ngoài trong 30 năm gần đây.

- Nhóm thứ nhất là những người muốn có một môi trường sống tốt hơn - có thu nhập cao hơn, được thể hiện khả năng tốt hơn, được tôn trọng hơn, được bảo vệ hơn, an toàn hơn, đi lại dễ hơn… Nhu cầu có một môi trường sống tốt hơn là nhu cầu chính đáng. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao môi trường sống ở Việt Nam làm cho họ phải ra đi?

- Nhóm thứ hai là nhóm buộc phải đi kiếm sống. Đây là nhóm người mà hoàn cảnh ở Việt Nam buộc họ phải ra đi để có một điều kiện kinh tế tốt hơn cho cá nhân họ và cho cả người thân của họ đang ở Việt Nam. Trong nhóm người này có bao gồm cả những người vượt biên bất hợp pháp, mạo hiểm cả tính mạng chỉ vì kiếm sống. Điển hình bi thương là trường hợp 39 người bị chết ngạt trong công ten nơ năm 2019. 

- Nhóm thứ ba là nhóm người buộc phải lưu vong do bất đồng chính kiến.

- Nhóm thứ tư là những quan tham, những kẻ tham nhũng từ cơ chế, những kẻ tội phạm muốn lẩn trốn dưới sự che chở của hộ chiếu nước ngoài. Đây là nhóm tội phạm, dù là tội phạm đã bị vạch trần hay đang được che giấu.

3. Hiện đã biết có 33 người Việt Nam sở hữu hộ chiếu Cyprus. Đó là hai loại người: quan tham và tư bản đỏ tham nhũng. 

Còn bao nhiêu người tương tự sở hữu hộ chiếu của các nước khác?

Những quan tham cướp đoạt tiền bạc của nhân dân để trốn chạy ra nước ngoài, đau đớn thay, là những kẻ hàng ngày rao giảng đạo đức, ca ngợi chế độ. Nhưng bên trong thì mục nát, thối rữa, ngấm ngầm tìm cách trốn chạy khỏi chế độ.

4. Trong 496 vị ĐBQH có bao nhiêu ông bà như ông Phạm Phú Quốc?

Trong cả ngàn cán bộ do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, có bao nhiêu ông bà như bà Hồ Thị Kim Thoa?

Trong hàng chục ngàn doanh nghiệp có bao nhiêu ông bà như ông Trịnh Xuân Thanh?

5. Cuộc trốn chạy bằng con đường nhập quốc tịch nước ngoài  của quan tham và tư bản đỏ tham nhũng là nỗi sỉ nhục và nỗi đau của người ở lại.

Bị sỉ nhục là vì: Những kẻ chức cao vọng trọng hàng ngày ngồi lên đầu mình, lãnh đạo mình, rao dạy đạo đức cho mình - cuối cùng thì hoá ra là kẻ tội phạm thối tha đến mức phải trốn chạy khỏi tổ quốc.

Phải đau xót là vì: Tại sao lại đến nông nỗi này?

Nguyễn Ngọc Chu

Thursday, August 27, 2020

Nghĩ quẩn ...nghĩ quanh về 2 thế giới

Từ văn đàn/chữ nghĩa, nói riêng và vh-nghệ thuật nói chung để thấy: dù là tác phẩm tiêu biểu cũng chỉ của 1 thời, chẳng hạn như Đêm Đông của NS Nguyễn Văn Thương (hay thơ văn tiền chiến), dù thời đó là ca khúc hàng đầu của tân nhạc, nhưng đã thuộc về dĩ vãng, đến nay cần biết chỉ để khảo cứu, ko thể cảm nhận hoàn toàn như người xưa, cũng như với những khảo cứu về chữ Quốc ngữ ở thời tiền khởi. Ko thể cứ say sưa mê đắm mãi trong 1 dòng nhạc hay vài tác phẩm văn thơ... như là thứ duy nhất cho vh đích thực. Như thế, chỉ là người hoài cổ, chỉ sống bằng quá khứ, ko bao giờ update/enjoy với hiện tại.

Tuy nhiên, với hiện tại ntn, lại là câu hỏi/vấn đề khác. Đó là vấn đề của con người.

Vh, chữ nghĩa hay bất cứ thứ gì thuộc về sáng tạo tinh thần của con người, ko phải những sản phẩm của xh vô tình và vô tâm, là những di sản của những người đầy nhiệt huyết mang khát vọng vươn lên của con người. Vì thế, có những điều "đến Thượng Đế cũng phải phì cười" hoặc trầm trồ thán phục. Điều có thể thấy rõ qua những di sản/kỳ quan của lịch sử phát triển từ thời cổ đại xa xưa. Đó là xu thế phát triển của thế giới văn minh.

Nhưng, ko chỉ làm Thượng Đế vui vẻ và hài lòng, có lẽ, từ khi ăn trái cấm, theo lý giải của Kinh Thánh, loài người ko còn trong sạch và sống cuộc sống Thiên Đường, từ đó con người bắt đầu làm thần linh nổi giận vì những tội lỗi của mình.

Cùng với tội lỗi, cuộc sống của nhân loại ko còn bình yên với bão tố, đầy tai ương, hiểm họa. Cho đến bây giờ, có lẽ sự nhân từ của Thượng Đế cũng có hạn, bởi tội lỗi của loài người đã đến mức khủng khiếp. Đến 1 lúc nào đó, nếu những người muốn sống cho ra nhẽ ko còn, thế gian toàn bọn vô lại, là lúc trong lòng Thượng Đế chỉ còn bão tố. Chính Ngài, vì ko thể chịu nổi, sẽ phải ra tay trừ diệt cái loài vô tâm/bất nhân mà lại luôn muốn làm Thượng Đế của thiên hạ. Cái thế giới đầy tội lỗi rồi sẽ bị hủy diệt.

Hoa quỳnh

chờ đợi bao ngày chẳng uổng công

Hôm nay quỳnh nở thỏa ước mong

Rượu gạo một chai, trà môt ấm.

Một mình ta với hoa thơm.nồng


Xòe cánh nhung như giải lụa mềm

Một mình một cỏi nở trong đêm

Đong đưa dưới nguyệt, treo rèm lá

Như thể dáng ai nép bên thềm


Có phải ban ngày lắm bụi dơ

Sợ bướm với ong hút phấn mờ

Nên hoa chỉ nở vào đêm vắng

Để tặng cho ai biết đợi chờ


Hay bởi kiếp xưa đành lỗi hẹn

Bởi nhiều trắc ẩn nỗi niềm riêng

Nên hoa về lại trong đêm vắng

Đến với tình nhân giải nỗi niềm


Sống giữa một thời quá đỗi thay

Lòng người thực - giả mấy ai hay

Đêm nay ngồi ngắm hoa quỳnh nở

Rượu đã hết rồi sao chẳng say 


Phạm Trung Quyết-24/8

Wednesday, August 26, 2020

Nghĩ quẩn ...nghĩ quanh về đời người

 2 cuộc đời:

- Trong 1 xh tồi bại (vtv), đời người là cuộc trường chinh của tâm tính thanh khiết ban sơ chống lại những cám dỗ/tác động biến đổi nó trở nên tâm địa ích kỷ, xấu xa.

- Trong 1 xh tốt đẹp, đời người là quá trình vươn lên cao hơn để có nhân cách của 1 người trưởng thành: hoàn toàn độc lập/tự chủ, hoàn toàn tự do và toàn quyền với hạnh phúc của mình và từ đó, đem lại niềm vui cho mọi người.

Về thực trạng của những cuộc cm XHCN: Điều kết luận là gì?

 Thực tế thì các nước hiện nay tự mệnh danh là XHCN còn tồi tệ hơn cái thí nghiệm sau đây!

*Thí Nghiệm XHCN

Một giáo sư kinh tế ở một trường đại học Mỹ cho biết ông chưa từng đánh rớt sinh viên nào, nhưng đã từng đánh rớt hết cả một lớp học.

Vì học sinh lớp này kiên quyết cho rằng, một xã hội có hình thái tổ chức hoàn hảo là một xã hội không ai giàu và cũng không ai nghèo, và đó là một xã hội tuyệt vời.

Thế là vị giáo sư nói:

-“Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm về điều đó.

Từ nay, tất cả các điểm sẽ được cộng lại và chia đều ra, mọi người sẽ nhận được điểm như nhau, vì thế không ai bị rớt và cũng không ai được điểm A cả”.

*Sau bài thi đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên siêng năng rất buồn, còn những sinh viên lười biếng thì rất mừng.

*Qua bài thi thứ hai, điểm trung bình cho cả lớp là D! Không ai vui cả. Vì những sinh viên lười thậm chí còn lười hơn, còn những sinh viên chăm chỉ thì quyết định rằng họ cũng chỉ nên học ít thôi.

*Đến bài thi thứ ba, điểm trung bình là F. Mức điểm không hề tăng lên, mà còn nổ ra các cuộc cãi vã, nghi ngờ, buộc tội nhau. Mọi người đều khó chịu và tức giận, tất cả mọi người không ai còn muốn học để người khác có lợi.

*Bài cuối cùng, tất cả đều rớt, khiến ai cũng ngỡ ngàng …

Giáo sư đã nói với họ rằng:

-“Thông qua kết quả những bài kiểm tra thì các bạn có thể dễ dàng thấy được rằng, kiểu xã hội công bằng mà các bạn đang mong muốn rất khó thành hiện thực, vì dù ý tưởng rất hấp dẫn, nhưng khi đưa vào thực hành thì chẳng ai có động lực muốn làm việc nữa.”

Cuối cùng ông kết luận :

- Bạn không thể làm người nghèo giàu lên bằng cách khiến người giàu nghèo đi.

- Người không làm gì mà vẫn được hưởng, trong khi người phải làm thì lại không được hưởng cái gì.

- Chính phủ cho free ai cái gì, thì phải lấy thứ đó từ người khác.

- Khi một nửa nhân loại thấy rằng họ không cần làm gì vì sẽ có người khác làm cho, còn một nửa kia thì nghĩ rằng họ có làm kiệt xác cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác chiếm mất. Thì đó chính là khởi đầu cho sự kết thúc của mọi xã hội !

Fb Bach Loc

Tuesday, August 25, 2020

Nhớ lại: Đi học nước ngoài thời chiến tranh

KỶ NIỆM 51 NĂM XUẤT NGOẠI ....BẰNG TÀU THUỶ - Теплоход “ ИЛЬИЧ” -

Ngày này 25-8-1969- cách đây 51 năm - khoảng 1200 cô cậu học trò ở miền Bắc từ Bến Sáu Kho - Cảng Hải Phòng lên Tàu Thuỷ ILICH của Liên Xô - Теплоход “ ИЛЬИЧ” - Lần đầu tiên trong đời đi xuất Ngoại sang Liên Xô và các nước Đông Âu để học Đại học...

Ngày 24-8-1969 từ nhà C9 trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội và trường ĐHKT Quốc Dân - chúng tôi gần một ngàn hai trăm cô cậu học trò của miền Bắc trải qua kỳ kiểm tra văn hóa ( môn Toán, Văn) được hàng chục xe ô tô chở ra ga Hàng Cỏ. Đêm hôm đó chúng tôi lên chuyến tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng. Tôi còn nhớ hôm đó trên sân ga có nhiều người nhà của các bạn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đến tiễn con em mình đi học Đại Học  ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tôi và nhiều bạn ở miền Trung tuyến lửa và các tỉnh ở xa Hà Nội không có người nhà tiễn nhưng vẫn cảm thấy rất vui. Tàu đưa chúng tôi đến Bến Sáu Kho – cái tên mà chúng tôi được biết qua các giờ học văn, học sử " Bến Sáu kho rộn rã còi tau,,,". Sau đó chúng tôi được đưa lên tàu thủy của Liên Xô - Теплоход “ ИЛЬИЧ”¬. Trước đó chúng tôi đã bị hoãn nhiều lần đi tàu Liên Vận qua Trung Quốc vì lúc đó đang có chiến tranh ở biên giới Nga – Trung. Ngày 25-8-1969 tàu Теплоход ИЛЬИЧ rời Hải Phòng để đến cảng Nakhodka TP Vladivostok.

 Ngày hôm đó đối với đa số chúng tôi có rất nhiều cái "đầu tiên": 

LẦN ĐẦU TIÊN nhìn thấy Tàu Thủy và được đi tàu thủy; LẦN ĐẦU TIÊN  thấy Biển và được lênh đênh trên biển và được biết thế nào là say sóng biển... Tôi còn có thêm một cái đầu tiên là được ăn "Chuối tiêu xanh" vì trước đó tôi chỉ ăn chuối chín màu vàng do ở quê tôi không có chuối chín màu xanh...

Tôi còn nhớ, trên tàu đã tổ chức liên hoan văn nghệ mừng quốc khánh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 2 – 9 -1969. Tối hôm đó tất cả mọi người đều tập trung lên boong tàu để xem nhảy múa, nghe hát rất vui.

 Sau một tuần lênh đênh trên biển qua eo biển Triều Tiên, đi ngang qua đảo Hải Nam, nhìn thấy rất nhiều tàu thủy của các nước trên biển....tàu đưa chúng tôi đến cảng Nakhodka-TP Vladivostok. Sau khi rời tàu tôi vẫn nhớ như in tiếng còi tàu da diết từ biệt chúng tôi của tàu Теплоход “ ИЛЬИЧ” , Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng còi tàu vang lên hôm đó... Sau khi rời tàu thuỷ , chúng tôi được "tổng vệ sinh cơ thể" để tìm xem thử có ai không bị ghẻ lở, hắc lào không?... 

 Sau đó chúng tôi lên tàu hỏa để tiến về thủ đô  Moscow. Khi lên tàu 2-9-1969 thì đúng lúc Bác Hồ mất, nhưng chưa được thông báo  nên hôm sau tôi thấy các bạn nữ ở các toa khác do biết tin nên khóc. Trên đường tàu chạy khi đến một số ga đòan tàu dừng lại và chúng tôi xuống tàu cùng các Thiếu Nhi  Liên Xô có những phút mặc niệm tưởng nhớ Bác Hồ của chúng ta,

Sau hơn chục ngày trên tàu hỏa, có những ngày tàu chạy quanh hồ Baikal, tàu đến Moscow thì có rất nhiều xe ô tô nối đuôi nhau đưa chúng tôi đi về các bến tàu để tỏa đi tiếp đên các thành phố khác của liên Xô và sang các nước Đông Âu.

Riêng tôi thì về Baku - Azerbaijan

Qua bài viết này tôi muốn kết nối những ai từng có mặt trong chuyến tàu này : bạn tên gì, ở đâu và đến TP nào sau đó học ở đâu, về VN làm gì hiện ở đâu... Có những kỷ niệm hình ảnh nào trong chuyến tàu này thì vô cùng quý giá , Mong gặp các bạn trên FB và ngoài FB..... Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các bạn về sự kiện này.

Trần Viết Thắng

Miskolc-tapolca barlangfürdő

 Wonderful, great experience, recommended to everyone


copy từ csoport Hungarian Treasures

LHS Hungary 84

 Kỷ niệm 36 năm sang Hungary.

36 éve Magyaroszágon vagyunk, néhány képünk a régi időről 

Chúng tôi, sau một năm học tiếng ở ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, hơn ba mươi anh em bay sang Budapest. Vì tiếng Hung được coi khó nên chúng tôi phải vào Viện dự bị Quốc tế để học tiếng thêm một năm nữa. Có nghĩa là muốn nhận được tấm bằng Đại học ở Hungary chúng tôi  phải dùi mài mất 7 năm trời. Nghe nói có vẻ vất vả, sự thật tôi thấy rất nhẹ nhàng, ở Viện dự bị, nơi tôi ở, có tới hàng trăm nước cử sinh viên tới học, vui và đầy mầu sắc các dân tộc. Ngoài hai ba lần được Viện tổ chức cho đi du lich vòng quanh nước Hung, tôi vẫn có được rất nhiều thời gian khám phá Budapest, nước Hung và sau này là châu Âu...

Ở trường Tổng hợp, lớp tôi có hai chiến sĩ Việt Nam, một cậu Nam Tư, một cô bé từ Pháp sang và một nàng tiên từ Mỹ về... còn lại là các bạn người Hung, phần lớn là các cô gái nhỏ bé, xinh xắn, hiền lành. Chúng tôi sống vui vẻ hòa thuận với nhau. Dù đã học tiếng, nhưng đôi khi có những thành ngữ không hiểu, tôi hỏi một cô, hai ba người tra ̉lời, nên nhiều khi cảm động. Mấy năm học ở đây tôi được nếm vị ngọt ngào của tự do ,không phải làm trực nhật, không có lao động XHCN, không có giáo viên chủ nhiêm , không có lớp trưởng, không có giờ đạo đức nhạt nhẽo,  không có  giờ chính trị nặng nề, không có giờ phê bình và tự phê mệt mỏi, Đảng và Đoàn thuộc về sân chơi chính trị, không có vị trí trong trường học và các công sở...Ăn mặc, ai thích râu tóc xồm xoàm thì cứ để, không thích có thể cạo trọc, muốn quần loe thì loe, không thích thì bó, tùy ý mỗi người. Có nghĩa là, những gì thuộc về cá nhân, kể cả chuyện yêu đương, hoàn toàn tự do, không phải xin phép và báo cáo với ai hết...Họ chỉ cần chúng tôi cọ́ kiến thức khoa học, kiến thức vào đầu thế nào tùy thích, có thể ở nhà tự đọc tài liệu, có thể đi nghe giảng,  giờ lý thuyết không bắt buộc, nếu đi nghe, hết giờ, giảng viên lại cúi đầu cảm ơn chứ không bao giờ nặng lời...

Có một điều tôi ngạc nhiên, ngay từ năm thứ nhất, giảng viên đã có các giáo sư, viện sĩ đầu nghành tới thuyết trình những thành qủa nghiên cứu mới nhất, chứ không phải chỉ có các giảng viên nhại đi nhại lại các kiến thức đã thuộc lòng .Có lẽ vì thê,́ thi cử ở đây nghiêm khắc và hầu hết là vấn đáp....Thời gian trôi nhanh. Trước khi tốt nghiệp một năm, hệ thống XHCN tan rã, chúng tôi được Sứ quán thông báo, sau khi học xong, ai muốn về nước thì về, ai thích ở lại làm việc hoặc học tiếp cũng được phép, không bắt buộc phải về như xưa. Thế là sau khi tốt nghiệp, chúng tôi chia tay nhau, phần ở lại, phần về nhà....

Tôi ở lại tiếp có lẽ vì cái tự do ngọt ngào đã được trải nghiệm đó...Những năm sau này bạn bè, hàng xóm láng giềng cũ, mới người Hung của tôi gần gũi như người thân, có điều kiện, bên chén rượu, tách trà đàm đạo sự đời,  gia đình tôi có đi du lịch, tôi trao chìa khóa nhà, nhờ họ trông và cho cá ăn hộ, cây cảnh trong nhà tôi, phần lớn là họ tặng. Vui và thoải mái.

Đất Việt như cha mẹ, ông bà tổ tiên của tôi, đã sinh ra và nuôi tôi lớn khôn, nước Hung ôm tôi vào lòng và cho khỏang trời tự do, cả hai nơi tôi đều yêu qúi và  biết ơn.

Visegrádi várban vagyunk két Magyar tanárnővel
Ảnh chụp ở thành cổ Visegrád trong một chuyến du lich dài ngày do hai cô giáo Hung tổ chức

Hồng Sơn