CON CHIM THIÊNG TURUL VÀ LỊCH SỬ CHINH PHỤC ĐẤT NƯỚC CỦA NGƯỜI HUNG (Phần 2)
Chim thiêng Turul trước Cung điện Hoàng gia trên Đồi Buda
Chim Turul huyền thoại của người Hung cổ là loại chim gì? Căn cứ các huyền thoại và bằng cứ về ngôn ngữ, không thể khẳng định được chắc chắn, nó là chim ưng hay đại bàng. Chỉ biết, rất có thể nó là loài chim của dân săn bắn, gắn liền với đời sống của họ tại những vùng thảo nguyên mênh mông Nội Á.
Trong lịch sử của dân tộc Hungary, sử gia lừng danh Kézai Simon trong bộ quốc sử “Gesta Hunnorum et Hungarorum” (Hành sự của người Hung Nô và người Hung” (thế kỷ 13) cho hay, chim Turul đội vương miện từng là biểu tượng trong chiến đấu của các bộ lạc Hung cho tới thời của Vương công Géza.
Huyền thoại cổ của Hungary hai lần nhắc tới vai trò của chim thiêng Turul, và lần thứ nhất là sự tích về giấc mơ báo mộng của bà Emese, mẹ của thủ lĩnh Álmos sau này. Đã từng có cách lý giải, cho rằng chính Turul đã khiến bà Emese thụ thai, khiến bà trở nên là “mẫu hậu” của tất cả người Hung cổ đại.
Những nghiên cứu mới hơn thì cho hay, thật ra Turul xuất hiện trong giấc mộng của một phụ nữ đang có thai, và nhiệm vụ của nó là bảo vệ đứa con trong bụng bà mẹ. Dù thế nào đi nữa, thì sự xuất hiện của Turul với bà Emese khi các bộ lạc Hung còn đang tìm đường tới quê hương mới, là rất thiêng liêng.
Lần thứ hai Turul xuất hiện, là trong quá trình chinh phục đất nước của người Hung. Khi đó, người Hung còn ở Levédia, và thủ lĩnh của các bộ lạc Hung mơ rằng súc vật của họ bị một đàn đại bàng khổng lồ cắn xé, và không làm sao họ chống đỡ nổi vì đàn chim luôn tấn công bất ngờ.
Khi đó, xuất hiện một con Turul can đảm và nhanh như cắt, nó lao từ trên xuống cắn chết tươi một con đại bàng. Thấy thế, lũ đại bàng hoảng sợ chạy trốn. Vì vậy, người Hung quyết định rời Levédia để tìm nơi khác sinh sống: đó là mảnh đất mà Thiền vu A Đề Lạp (Attila) của dân Hung Nô đã để lại cho họ.
Thiền vu A Đề Lạp (Attila), “Ngọn roi của Thượng Đế”
Tuy nhiên, do không biết đường nên người Hung cứ quanh quẩn không tới được đích. Khi đó, Turul lại xuất hiện và bảo thủ lĩnh của người Hung hãy đi theo nó, và rồi nó bay đi mất dạng. Tỉnh dậy sau giấc mơ, người thủ lĩnh đưa các bộ lạc Hung đi tiếp, tới khi một bệnh dịch khiến đàn gia súc của họ bị tiêu tan.
Trên đống xác súc vật, một đàn kền kền bâu quanh kín đặc, nhưng rồi thình lình một con Turul từ xa bay tới đạp chết một con. Người thủ lĩnh nhận ngay ra con chim thiêng mà ông đã thấy trong giấc mơ thuở trước, rồi tất cả các bộ lạc Hung từ đó đồng lòng theo Turul dẫn đường để tìm quê hương mới.
Mỗi khi Turul bay khỏi tầm mắt, người Hung lại dừng lại và cắm lán trại chờ đợi. Khi nào chim tìm được đường và quay trở lại, đoàn người đông đảo lại tiếp bước Turul. Cứ như thế, vào năm 895, người Hung tới Pannónia (bồn địa Kárpát), vùng đất cổ của thủ lĩnh Hung Nô (Hoàng đế Attila) thuở nào.
Tại đây, con chim Turul bay đi vĩnh viễn mà không trở lại, nên người Hung biết rằng, họ đã tìm thấy quê hương mới. Huyền thoại cổ sơ này có một cơ sở thực tế là trên con đường thiên lý dằng dặc và đầy gian khổ từ Phương Đông qua Phương Tây, người Hung đã dừng lại ở nơi mà những đàn đại bàng làm tổ.
Song hành với lịch sử chinh phục đất nước và lập quốc của Hungary, trong chuỗi đại lễ thiên kỷ năm 1896, chính phủ Hung đã cho dựng 7 tượng đài kỷ niệm tại những vùng đất thuộc Vương quốc Hungary, mà ngày nay chỉ còn hai nơi là thuộc lãnh thổ nước Hung. Trong số 7 tượng đài ấy, 3 tượng đài là Turul.
Tượng đài Turul tại TP. Tatabánya, được coi là lớn nhất tại Hungary - Ảnh: termeszetjaro.hu
Nhưng không cần phải đi xa đến thế, vẫn có thể thấy tượng đài Turul nổi tiếng nhất ngay bên cổng Hoàng Thành trên Thành cổ Buda: sừng sững với độ cao 6m, pho tượng do Donáth Gyula hoàn tất năm 1905 mô tả Turul cắp thanh gươm thần chở che cho người Hungary mỗi khi họ xung trận.
Cả một lịch sử bi hùng và lãng mạn của người Hung và nước Hung thời tiền lập quốc tập trung trong hình tượng chim thiêng Turul như thế...
Chim Turul trên đỉnh Cầu Tự do (Budapest)
Nguyễn Hoàng Linh
No comments:
Post a Comment