Phần giới thiệu
Lời tựa của dịch giả
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt nam“
Từ bé, tôi đã được dạy bài hát này, vì thế bây giờ vẫn thuộc. Lên 8 tuổi, tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng, bà ngoại gọi tôi thảng thốt: “Nam ơi, Bác Hồ mất rồi”, chẳng biết gì nhưng thấy cả nhà khóc tôi cũng òa lên khóc. Lớn dần lên, biết thêm rất nhiều bài hát hay, thỉnh thoảng được khen là “cháu ngoan”,… thấy Bác vẫn là một cái gì đó thiêng liêng, nhưng quả thật giống như một vị thánh chẳng có ích gì nhiều trong cuộc sống. Học xong, về nước, những háo hức của công việc mới lôi đi. Cho đến năm 1999, khi FPT quyết định xuất khẩu phần mềm. Bước ra nước ngoài, hầu như rất ít người biết đến Việt nam là gì, ở đâu, ngoài việc Việt nam gắn liền với chiến tranh và Hồ Chí Minh. Hè năm 2002, Phan Phương Đạt mang về một cuốn sách. “Ho Chi Minh, a life”. Tôi liền mượn đọc. Gấp cuốn sách lại, ký ức nguyên vẹn của buổi sáng năm 1969 lại ùa về. Nước mắt cứ tự nhiên tràn ra. Bỗng nhiên hiểu ra sự cô đơn khôn cùng của Bác trước lúc ra đi, được Trần Hoàn diễn tả lại xúc động trong bài hát của mình. Chợt thấy những tư tưởng của Bác sao mà gần gũi, thật phù hợp cho hoàn cảnh của Fsoft lúc đó khi khách hàng thưa thớt, anh em chán nản. Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần, và quyết tâm dịch quyển sách này ra tiếng Việt. Tôi muốn chia sẻ với vợ tôi, với con gái tôi, với bạn bè tôi, với đồng nghiệp của tôi về những điều tầm thường mà vĩ đại của con người Bác, về những bi kịch và oai hùng của nước Việt nam thế kỷ 20, thế kỷ loạn lạc nhất trong lịch sử loài người. Nhiều bạn bè tôi hay hỏi, liệu lịch sử Việt nam có thay đổi nếu như năm 1945, Bác chấp nhận thỏa hiệp với Pháp để tránh cuộc chiến tranh? Tôi không biết. Nhưng nếu dựa vào những gì Người kịp làm trong năm đầu tiên của nước cộng hòa non trẻ, cũng như những ý nguyện được để lại trong bản di chúc, có thể nói rằng dân tộc ta đã không may, khi không có được một quãng thời gian hòa bình đủ dài để Bác thể hiện tài năng chấn hưng đất nước của mình.
Đọc cuốn sách này, có thể nói bất cứ một người dân Việt nào muốn, đều có thể tìm thấy hinh ảnh mình trong cuộc đời của Bác. Có thể hiểu vì sao, con người Bác lại có sức thuyết phục và lôi cuốn lạ kỳ. Từ ông Tây, ông Mỹ, đến trí thức, dân thường. Mới cách đây mấy tháng khi ở Nhật bản, tôi được biết những người thuyền viên Việt Nam sang Nhật bỏ trốn, đã chọn Bác làm ông tổ nghề, vì theo họ, Bác cũng đã làm thuyền viên và cũng đã bỏ trốn (đang nói đến sự kiện bến Nhà Rồng).
Xin cám ơn tác giả W. Duiker đã đem lại cho tôi một cái nhìn toàn diện về tổ quốc tôi trong thế kỷ XX thông qua tiểu sử của người con ưu tú nhất mà đất nước đã sản sinh ra – Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thành Nam
Lời tựa của tác giả
Tôi (W. Duiker) đã bị hấp dẫn bởi HCM từ giữa những năm 1960, khi còn là một nhân viên đối ngoại trẻ tuổi làm việc tại toà đại sứ Mỹ. Tôi đã bị lúng túng khi phát hiện thấy những du kích Việt cộng trong rừng tỏ ra có kỷ luật và được động viên tốt hơn quân đội chính quy của chính quyền Sài gòn được chúng tôi ủng hộ. Tôi đã để tâm tìm hiểu và tìm ra lời giải thích qua vai trò chiến lược và động lực thúc đẩy của nhà cách mạng Việt nam lão thành HCM
Sau khi ra khỏi chính phủ để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học của mình, tôi đã nghĩ tới việc viết tiểu sử của con người kỳ lạ này, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng trong bối cảnh lịch sử thời đó, chưa thể có đầy đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin. Bởi thế cho đến tận gần đây, khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên cởi mở hơn đã thúc đẩy tôi bắt đầu sự nghiệp khó khăn này.
Hôm nay, sau hơn 2 thập kỷ trăn trở, tôi muốn cám ơn các con gái tôi Laura và Claire đã không phàn nàn kêu ca, lắng nghe cha chúng thuyết giảng hàng giờ về Việt nam. Tôi vô cùng biết ơn vợ tôi Yvone, người đầu tiên đọc bản thảo, người đã kiên nhẫn chấp nhận HCM như một thành viên của gia đình chúng tôi.
Danh sách các tổ chức được nhắc đến trong cuốn sách này:
Đảng cộng sản Annam (ACP): đảng được thành lập tại Đông dương năm 1929 sau khi Hội thanh niên cách mạng bị giải thể. Sau đó được sát nhập vào Đảng cộng sản Việt nam tháng 2/1930
Đội tuyên truyền giải phóng quân (APB): tiền thân chính thống của quân đội Việt nam
Cứu quốc quân: các đơn vị vũ trang được tổ chức hoạt động chống Pháp và Nhật, sau đó được sát nhập vào APB thành quân giải phóng Việt nam (VLA)
Quân đội Việt nam cộng hòa: quân đội của chính quyền miền Nam từ 1956-1975 Quốc gia Liên hiệp Việt nam (ASV): chính quyền của Bảo đại được hiệp định Elysee năm 1949 thừa nhận. ASV hợp tác với Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp – Việt minh.Sau hiệp định Geneva ASV bị chính quyền miền Nam độc lập thay thế
Tâm Tâm Xã (Association of like mind): tổ chức cách mạng cực đoan do một số phần tử di cư thành lập ở Nam trung quốc năm 1924. Sau này bị Q biến thành Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội
Hội nghiên cứu chủ nghĩa Max: Hội trên giấy do đảng cộng sản đông dương lập ra khi tự giải tán và rút vào bí mật tháng 11 năm 1945.
Cao đài: một tôn giáo hổ lốn phát sinh ở Nam bộ vào cuối thế chiến thứ nhất. Cao đài chống lại tất cả các chính quyền muốn kiểm soát nó. Hiện vẫn đang còn hoạt động
Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (CPRP): một trong 3 đảng thừa kế đảng Cộng sản Đông dương bị giải tán năm 1951. Các lực lượng vũ trang của CPRP được gọi là Khơ me đỏ. Giữa những năm 60,Đảng cộng sản Khơ me thay thế CPRP.
Trung ương cục miền Nam (COSVN): cơ quan đầu não của đảng cộng sản ở phía Nam trong hai cuộc chiến tranh. Thành lập năm 1951 và giải tán sau năm 1975 Quốc tế cộng sản: tổ chức cách mạng được thành lập tại nước Nga Xô viết năm 1919, lãnh đạo hoạt động của các đảng thành viên. Giải tán năm 1943. Đảng CS Đông dương gia nhập năm 1935.
Đông dương cộng sản Đảng (CPI): Tổ chức chết yểu, gồm những phần tử ly khai khỏi Thanh niên Hội năm 1929. Đầu năm 1930, lại hợp nhất với Tân Việt và Hội thành đảng Cộng sản Việt nam.
Đảng hiến pháp: đảng chính trị ôn hòa do một số phần tử cải lương thành lập ở Nam bộ đầu những năm 1920. Đảng này chủ trương dành quyền tự trị dưới sự bảo trợ của Pháp. Lãnh đạo là Bùi Quang Chiêu hay lên tiếng phê phán đảng Cộng sản và bị thủ tiêu trong thời gian cách mạng tháng 8.
Đảng Đại Việt: thành lập trong thời kỳ thế chiến 2, theo Nhật chống Pháp. Đảng này tồn tại ở Nam Việt nam đến tận năm 1975.
Việt nam dân chủ cộng hòa (DRV): chính phủ do HCM lập ra ngày 2/9/1945. Hiệp định Geneva năm 1954 thừa nhận chủ quyền của DRV ở miền Bắc VN. Năm 1976 đổi thành CH XHCN Việt nam
Đông kinh nghĩa thục (Hanoi Free School): trường học do một số nhà yêu nước lập ra ở Hà nội để thúc đẩy cải cách trong thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Sau khi bị Pháp đóng cửa, những nhà sáng lập đã truyền đạt ý tưởng vào trường Dục Thanh ở Phan thiết, nơi Q đã từng dạy năm 1910.
Việt nam cách mạng Đồng minh Hội (Đồng minh Hội): con đẻ của tướng Quốc dân đảng Trương Phát Khuê, liên kết một số đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, thành lập tháng 8/1942. Khuê định dùng liên minh này để chống Nhật ở Đông dương. Mặc dù Q đã tranh thủ lợi dụng cho mục đích của mình, sau thế chiến II, Hội này quay ra chống Đảng cộng sản đông dương kịch liệt. Khi cuộc chiến với Pháp nổ ra tháng 12/1946, Hội này coi như giải tán.
Mặt trận Tổ quốc: thành lập năm 1955, thay thế cho mặt trận Liên Việt và trước đó là Việt minh
Hòa hảo: cũng là một tôn giáo hổ lốn do nhà sư Huỳnh Phú Sổ thành lập năm 1939. Cực kỳ chống Pháp, và chống cả Cộng. Hiện vẫn đang hoạt động
Thanh niên cao vọng: một tổ chức dân tộc do Nguyễn An Ninh lập ở Sài gòn giữa những năm 1920. Chết yểu.
Đảng cộng sản Đông dương (ICP): do HCM và các đồng chí thành lập tháng 10/1930. Trước đó là đảng cộng sản Việt nam. Tự giải tán năm 1945. Thành lập lại năm 1951 dưới tên Đảng lao động Việt nam.
Liên bang Đông dương: kế hoạch của ICP để thống nhất Đông dương. Sau năm 1951, kế hoạch này được gọi là “mối quan hệ đặc biệt” giữa ba nước.
Liên hiệp Đông dương: tổ chức hành chính do Pháp lập ra cuối thế kỷ 19 để bảo đảm luật lệ của Pháp ở khu vực.
Ủy ban kiểm tra quốc tế: giám sát thực thi hiệp định Geneva, gồm có Canada, ấn độ, Ba lan
Đảng nhân dân cách mạng Lào: đảng do ĐCS Việt nam bảo trợ, thành lập đầu năm 1950, còn hay được gọi là Pathet Lào
Mặt trận Liên Việt: do ICP thành lập năm 1946 để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng với đảng, sát nhập với Việt minh năm 1951, đến năm 1955 bị Mặt trận Tổ quốc thay thể
Quốc học: trường trung học uy tín ở Huế, thành lập năm 1896, đào tạo các quan lại thế hệ mới, dạy tiếng Pháp và các môn văn minh phương Tây. Q học trường này từừ 1908.
Vệ quốc quân: tên khác của Giải phóng quân (VLA) sau CMT8, được chọn để tránh rắc rối với lực lượng Tàu đang chiếm đóng.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (NLF): liên minh rộng rãi nhiều nhóm chống đối tại miền Nam, thành lập năm 1960 dưới sự bảo trợ của DRV, giải tán năm 1976. ủy ban giải phóng dân tộc: thành lập ở Tân trào để chuẩn bị cho CMT8. H làm chủ tịch Tân Việt:đảng cách mạng chống Pháp, thành lập cuối những năm 1920, sau đó sát nhập vào với ICP
Quân đội nhân dân Việt nam: thành lập ở DRV sau 1954, thừa kế Giải phóng quân Việt nam hoạt động trong chiến tranh chống Pháp.
SEATO: liên minh do Mỹ thành lập để ngăn chặn sự bành trướng của CNCS ở Đông Nam á.
Thanh niên tiền phong: do Phạm Ngọc Thạch thành lập trong thời gian thế chiến 2, được Nhật ủng hộ. ICP đã dùng lực lượng này để hỗ trợ CMT8 tại Sài gòn.
Việt cộng: tên miệt thị để chỉ quân giái phóng miền Nam Việt nam, lực lượng vũ trang của NLF
Việt minh: do ICP đứng ra thành lập tháng 5/1941. Lực lượng chính trị chủ yếu trong chiến tranh với Pháp sau 1945
Đảng cộng sản Việt nam: do H thành lập tháng 2/1930. Sau đó đổi thành ICP. Đến tháng 12/1976 mới lấy lại tên này.
Đảng dân chủ Việt nam: tập hợp những phần tử yêu nước không cộng sản trong thành phần Việt minh. Tồn tại đến sau năm 1976
Quân đội quốc gia Việt nam: tên chính thức của các lực lượng vũ trang của Quốc gia liên hiệp do Bảo đại cầm đầu. Năm 1956 được Quân đội Việt nam cộng hòa thay thế.
Việt nam quốc dân đảng: đảng dân tộc không cộng sản, thành lập ở Bắc kỳ năm 1927. Trong nhiều thập kỷ là đối trọng chính trị chủ yếu của ICP. Nay đã bị giải tán.
Việt nam quang phục Hội: đảng chống thực dân do Phan Bội Châu thành lập năm 1912. Mục tiêu thay thế chế độ quân chủ bằng nền cộng hòa. Sau mấy cuộc nổi dậy thất bại, đảng bị mất uy tín và tan rã.
Mở đầu
Sáng 30/4/1975, từng đoàn xe tăng Liên xô do các chiến binh Bắc Việt với mũ cối gắn sao vàng vẫy cờ của PRG vượt qua những vùng ngoại ô Sài gòn tiến thẳng tới dinh Độc lập. Đoàn xe từ từ vượt qua Toà Đại sứ Mỹ, nơi những chiếc trực thăng đang di tản những người Mỹ cuối cùng. Chiếc tăng đầu tiên do dự đôi chút rồi húc đổ cánh cổng sắt tiến thẳng vào sảnh. Viên chỉ huy lao ra, leo lên nóc toà nhà thay thế lá cờ ba que của Việt nam cộng hoà bằng lá cờ xanh đỏ của PRG. Cuộc chiến dai dẳng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã đến hồi kết sau gần 1 thập kỷ ác liệt và đẫm máu, cướp đi hơn 58 ngàn sinh mạng.
Chiến thắng của cộng sản tại Sài gòn là kết quả của sự quyết tâm và tài năng của VWP dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn cộng với sự hy sinh của các chiến binh – bộ đội (tương tự như người Mỹ gọi các người lính là GI) , những người đã chiến đấu và ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng trong các cánh rừng và đầm lầy Việt nam. Nhưng cao hơn tất cả, chiến thắng đó được xác định bởi một tầm nhìn, ý chí và sự lãnh đạo của một con người: HCM. Đặc vụ của QTCS tại Matxcơva, thành viên của phong trào cộng sản quốc tế, người kiến tạo cho thắng lợi của Việt nam, không nghi ngờ gì nữa, HCM là một trong những nhà chính trị có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Đồng thời, ông cũng là một trong những con người bí hiểm nhất, một nhân vật mờ ảo mà lý lịch và động cơ của ông luôn gây nên những cuộc tranh luận không ngừng.
Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa hay là một người cộng sản? Hình ảnh một con người giản dị và quên mình là chân thật hay đơn giản chỉ là kết quả của các ngón kỹ xảo? Với những người ủng hộ, Hồ là biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, người cống hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của đồng bào và các dân tộc bị áp bức. Với những người đã được tiếp kiến ông, Việt nam hay nước ngoài, ông là một người hết sức nhã nhặn, một nhà yêu nước quên mình, luôn đau nỗi đau chung của dân tộc. Những người phê phán lại vạch ra những hành động cách mạng quá trớn được thực hiện dưới tên ông, tố cáo ông là con thằn lằn hoa, là sói đội lốt cừu.
Câu hỏi về tính cách và động cơ của HCM là tâm điểm của các cuộc tranh luận tại Mỹ về đạo lý của cuộc chiến ở Việt nam. Với những nhà phê phán chính sách của chính phủ Mỹ, ông đơn giản là một nhà cách mạng đấu tranh vì độc lập của Việt nam, một đối thủ mạnh mẽ của chủ nghĩa đế quốc trong Thế giới thứ ba. Những người ủng hộ cuộc chiến thì lại nghi ngờ về động cơ yêu nước, cho rằng ông là đặc vụ của Stalin.
Đối với người Mỹ, cuộc luận chiến về sự đam mê của HCM dần dần đã thành quá khứ. Nhưng đối với Việt nam, nó gợi lên những câu hỏi có tính chất nền móng, bởi vì nó định nghĩa một trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt nam: mối quan hệ dựa sự tự do của con người và bình đẳng kinh tế trong Việt nam sau chiến tranh. Từ sau cuộc chiến, nhiều đồng chí hiện đang cầm quyền đã mượn uy ông để biện hộ cho mô hình cộng sản phát triển đất nước. Họ nói rằng, mục tiêu cuối cùng của ông là kết liễu sự bóc lột toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới theo những viển vông của K. Marx. Nhưng cũng có một vài giọng chống đối đã phản biện rằng, thông điệp lớn nhất của cuộc đời ông là xoa dịu quy luật đấu tranh giai cấp của Marx bằng cách hoà trộn nó với đạo đức Khổng tử và thuyết ba ngôi của cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Họ dẫn lời của ông: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Sự phức tạp trong tính cách của ông thể hiện sự phức tạp của thế giới thế kỷ 20, thế kỷ của chủ nghĩa dân tộc, cách mạng, chủ nghĩa bình đẳng và cuộc đấu tranh cho tự do. Dù tốt hay xấu, HCM là hiện thân của hai thế lực chủ yếu đang điều khiển xã hội hiện đại: sự khát khao độc lập dân tộc và cuộc tìm kiếm công lý xã hội và bình đẳng kinh tế. Đã đến lúc phải phơi bày nhân vật bao trùm thế kỷ 20 này cho sự phân tích lịch sử. Tuy cái tên HCM được hàng triệu triệu người biết đến, nhưng không phải dễ dàng có thể kiểm tra được các nguồn thông tin về ông. Như một nhà cách mạng chống Pháp ông luôn luôn phải sống trong bí mật, sử dụng nhiều tên tuổi khác nhau. Thống kê cho thấy ông đã sử dụng hơn 50 cái tên trong cuộc đời và các bài viết. Bản thân HCM cũng làm vấn đề thêm phức tạp bằng cách tự sáng tạo ra những huyền thoại về cuộc đời mình. Vào cuối những năm 1950, một số tiểu sử của HCM được công bố và chỉ đến gần đây các nhà nghiên cứu mới xác nhận được những tác phẩm đó thực sự là của HCM. Phong cách lãnh đạo của ông cũng làm các nhà nghiên cứu chú ý. Mặc dù là người sáng lập ra Đảng cộng sản Đông dương (ICP), nhưng khác với Lênin, Stalin hay Mao Trạch Đông, HCM thường lãnh đạo bằng cách thuyết phục và đồng thuận thay cho việc áp đặt ý chí của mình. Ông cũng rất kín đáo với những tư tưởng và động cơ bên trong của mình. Trái với các nhà cách mạng nổi tiếng khác, ông không sa đà vào các cuộc tranh luận về hệ triết học tư tưởng mà tập trung toàn bộ tâm trí của mình để giải quyết các vấn đề cụ thể để giải phóng Việt nam và các dân tộc bị áp bức khỏi ách đô hộ của phương Tây. Trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi sao ông không bao giờ viết các chuyên luận về tư tưởng, HCM đã trả lời rằng ông muốn nhường việc đó lại cho Mao. Trong những năm cuối của ông, các tác phẩm nghiêm túc về học thuyết đều do những học trò của ông như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh hay Lê Duẩn viết.
Bao giờ cũng có những yếu tố huyền thoại bao quanh những con người nổi tiếng. Không phải ai cũng biết cách tạo và hưởng thụ những huyền thoại như HCM. Từ vị trí trong đền thờ của những vị thánh cách mạng, HCM chắc sẽ rất vui lòng được biết rằng, hương khói huyền thoại bao quanh ông vẫn còn nguyên trong cuốn tiểu sử này.
Vào những năm cuối của những năm 50 và những năm 60, trong khi các nước XHCN ở châu Á như Triều Tiên, Trung Quốc rầm rộ tiến hành "Đại cách mạng văn hóa", suy tôn/sùng bái lãnh tụ thì ở Việt Nam tình hình vẫn không đi quá mức cho đến khi Cụ mất. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam vẫn chỉ ở mức tuyên truyền sâu rộng để vừa giữ được hình ảnh "khiêm tốn" của lãnh tụ, vừa đủ thực hiện mục đích tập trung toàn lực để giải phóng đất nước, khẳng định lập trường "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Tôi cho rằng, đây là ý chí của một người lãnh đạo và không thể phủ nhận rằng nó đồng nghĩa với những gì là ý chí của cả dân tộc được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 02.09.1945. Hồ Chủ tịch đã là nhân vật thuộc về một thời kỳ của quá khứ, một con người và huyền thoại với những sự thật và những thêu dệt đầy mê hoặc phải được nhìn nhận theo cách Á Đông chứ không thể theo cách của Tây-Âu được. Chúng ta cần nhìn nhận về Cụ với một thái độ thật khách quan, căn cứ trên những tư liệu xác thực/đầy đủ và như cách đánh giá những nhân vật thời Tam Quốc sau hàng trăm năm với những mưu toan khi cần thôn tính đất đai, những cách thức để thu phục lòng người kể cả phải dùng đến thủ đoạn/tiêu diệt vì mục đích cuối cùng; không chút thù hận/oán thán, không hề vùi dập/phủ nhận, không gợn những gì nhỏ nhen và hèn hạ. Nếu muốn phán xét Cụ, riêng tôi cho rằng: chúng ta không đủ tư cách dù chúng ta chính là một phần của lịch sử - là sản phẩm/nhân chứng thuộc về thời đại Hồ Chí Minh.
ReplyDeleteTrong những ngày chiến tranh gian khổ nhất, Hồ Chủ tịch là linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam, là niềm tin và hy vọng của hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Tôi chưa bao giờ thích thơ Tố Hữu vì tôi thích thơ Hồ Xuân Hương và Chế Lan Viên hơn; nhưng cũng trích dẫn ở đây vài dòng thơ mà Tố Hữu đã viết về tấm lòng của nhân dân đối với vị Cha già của dân tộc khi ấy:
"Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam"
Chúng ta là những thế hệ kế thừa di sản của Cụ để lại, cả những điều tốt đẹp và những gì còn phải hoàn thiện. Đây là một sự thật/hai mặt phải chấp nhận của Việt Nam vì hai lẽ: thứ nhất, vì phải "hy sinh tất cả để chiến thắng"; thứ hai, vì dân tộc Việt Nam chưa phát triển đúng về mặt ý thức và tư tưởng của thời đại, dù "đảng lãnh đạo" muốn đưa "tư tưởng Hồ Chí Minh" trở thành "kim chỉ nam" cho đường lối phát triển (được gọi là "sáng tạo" và nay đang trở thành "chủ nghĩa ngoại lệ" như tên gọi của các nhà nghiên cứu nước ngoài) của cách mạng Việt Nam, nhưng thực tế, dù mang tên "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" nhưng chưa bao giờ Việt Nam là một nước dân chủ phát triển cả về chế độ, văn hóa và kinh tế nên còn nhiều hạn chế của một nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Á, chỉ theo đuổi những lý tưởng cao đẹp ở dạng "bánh vẽ" thô thiển nhất. Và phải nhìn nhận một sự thật, ở vào thời Cụ còn trẻ, hấp thụ những gì là tinh hoa của dân tộc và thế giới để giải phóng dân tộc, giành lại Đất Nước là điều khó ai có thể làm nổi.