Con Rồng Cháu Tiên
Châu Á năm 1924 đã khác xa so với thời Q ra đi năm 1911. Mặc dù Thế chiến thứ Nhất không phá vỡ hệ thống thuộc địa tại Nam và Đông Nam Á, Trung quốc đã thay đổi sâu sắc. Mùa thu năm 1911, một cuộc cách mạng đã phá vỡ triều đình Bắc Kinh. Những người nông dân của Tôn Dật Tiên đã nổi dậy lật đổ nhà Thanh nhưng đã không qua mặt được Viên Thế Khải. Tháng 2/1912 TDT đã buộc phải nhường chức tổng thống của nước cộng hoà mới thành lập cho VTK với trụ sở tại Bắc kinh.
Viên thực chất muốn trở thành hoàng đế. Tuy nhiên đảng viên của Tôn, chiếm gần nửa trong nghị viện đã không cho Viên thực hiện điều này. Tháng Giêng năm 1914, Viên giải tán quốc hội và điều hành bằng sắc lệnh. Đảng của Tôn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tôn phải chạy ra nước ngoài. Năm 1916, Viên đột ngột qua đời. Trung Hoa rơi vào vòng loạn đả của các thủ lĩnh địa phương. Mặc dù chính quyền vẫn còn tồn tại một cách mong manh tại Bắc kinh, nhưng men xã hội đã tích luỹ khắp nơi. Tháng 1/1919, sinh viên nổi dậy tại BK và các thành phố lớn. Cũng năm đó, Tôn đổi tên đáng thành Quốc dân Đảng, hùng cứ tại Quảng Châu (dưới sự bảo trợ của một thủ lĩnh địa phương). Tháng 4/1921, Tôn tuyên bố thành lập nước cộng hoà mới và tự phong làm tổng thống. Tại Nga, sau khi tạm yên tình hình trong nước, năm 1920, đảng bộ Viễn đông được thành lập tại Iakurst để lãnh đạo phong trào cộng sản vùng Viễn đông-Thái Bình dương. Grigorin Voitinsky được cử sang TQ. Sau khi ở BK một thời gian ngắn, ông sang Thượng hải và bắt đầu tụ tập các lực lượng cách mạng trong vùng. Mùa hè năm 1922, Đảng cộng sản TQ được thành lập tại Thượng hải. Maring (đảng viên cộng sản người Hà lan), người được cử thay Vointinsky phụ trách Quốc tế cộng sản tại TQ đã rất kiên quyết yêu cầu ĐCS TQ kết hợp với QDĐ. Tháng giêng 1923, hai đảng ký thoả thuận Nội Liên (bloc within) để thành lập mặt trận thống nhất TQ dưới sự hỗ trợ của Nga. Các đảng viên CCP được mời tham dự QDĐ
Tại Đông Dương, tình hình cũng thay đổi nhanh chóng, mặc dù có thể không nhanh như bên Trung Hoa. Dân số ở cả 3 miền tăng từ 7 triệu năm 1880 đến 16 triệu năm 1926 (Tokin: 6, Annam: 5 và khoảng hơn 4 triệu tại Cochin China). Mặc dù vẫn là đất nước nông nghiệp nặng nề, đến giữa những năm 20 đã có khoảng 1 triệu dân sống ở các đô thị, chủ yếu là Hà nội và Sài gòn.
Phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt nam đã hầu như suy sụp. Những nhà cải lương phải im tiếng sau khi PCT bị bắt và đày sang Pháp. Phan Bội Châu khởi đầu khá ấn tượng, lôi kéo được sự hỗ trợ của nhiều nhà yêu nước xuất chúng, cũng dần dần héo hắt sau mấy cuộc khởi nghĩa vội vàng thất bại, đặc biệt sau khi Phan Bội Châu bị bắt ở Nam Trung quốc.
Năm 1911, nghe tin cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn, PBC đã từ bỏ ý định phục hồi chế độ quân chủ, lập ra đảng mới: Việt nam Quang phục Hội. Mục tiêu của Châu là xây dựng mô hình nước cộng hoà kiểu Tôn. Năm 1912, Châu gặp Tôn và được hứa Việt nam sẽ là nước đầu tiên được giúp đỡ một khi cách mạng thành công tại Trung hoa. Đáng tiếc sau đó, Châu bị mấy thủ lĩnh địa phương tống giam vì các hoạt động lật đổ. Năm 1917, khi Châu ra tù, Quốc dân đảng đã bị mất quyền, Tôn thì đã chạy sang Nhật bản. Một lần nữa hy vọng vào sự trợ giúp của nước ngoài bị tan vỡ. Có vẻ như Châu đã hoàn toàn mất hết kiên nhẫn, ông thậm chí còn đề nghị hợp tác với Pháp, hy vọng vào sự cải cách của chế độ thực dân. Đầu những năm 20, bộ máy cách mạng của Châu tại Việt nam thực tế đã tan vỡ. Châu ra sống lưu vong tại Nam Trung hoa với một số những môn đệ gần gũi nhất. Thời kỹ Phan Bội Châu rõ ràng đã đến hồi kết thúc.
Hai Phan thất bại đã cho thấy một sự thay đổi lớn lao trong xã hội Việt nam. Tầng lớp quý tộc-học giả truyền thống, những người đã chi phối nền chính trị Việt nam hàng thế kỷ qua, đã mất dần ảnh hưởng. Mặc dù nhiều học giả đã nhận thức được sự thay đổi của thời cuộc và vai trò ngày càng tăng của quần chúng, như một giai cấp, họ không cảm thấy tự tin. Phan Bội Châu nhắc nhiều đến hình ảnh: “hàng chục nghìn anh hùng vô danh, đánh đuổi thực dân Pháp”, nhưng đảng viên của ông chỉ gồm toàn những học giả với đời sống khá giả. Mặc dù cương lĩnh của đảng là cổ vũ thương mại và công nghiệp, thành phần lãnh đạo đảng lại chủ yếu là các địa chủ. Những nhà quý tộc giàu có khăn áo thướt tha mở cửa hàng để quyên vốn cho đảng, thực chất coi khách hàng bằng nửa con mắt. Khoảng cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, chế độ thi cử kiểu Khổng tử bị bãi bỏ trên khắp Việt nam. Chữ quốc ngữ được phổ biến ở khắp 3 miền. Mặc dù đa số thanh niên vẫn phải học ở các thầy đồ làng truyền thống, con cháu của các quý tộc đã được gửi đi học tại các trường kiểu Pháp như Quốc học. Họ được dạy bằng tiếng Pháp và được tiếp tục đưa sang Pháp đào tạo. Cùng lúc đó, một tầng lớp trung lưu mới được hình thành. Họ là những nhà buôn, chủ hãng hoặc công chức trong các công sở của người châu Âu. Họ ngưỡng mộ lòng yêu nước của Phan và các bạn, nhưng trong lòng họ giễu cợt các quan điểm bảo thủ. Họ mặc đồ Tây, uống vang Bordeaux và nói tiếng Pháp. Nhà văn Pháp Paul Monet miêu tả họ như: “nguyên mẫu của nền văn minh Pháp, bị tách khỏi những tín ngưỡng truyền thống, hoàn toàn coi thường Khổng tử vì họ không hiểu“. Các quan chức thuộc địa Pháp vui mừng vì có những thành quả đầu tiên của quá trình văn minh hoá. Họ không hề ngờ rằng, chính thế hệ này mới là những người thách thức sự thống trị của họ. Những hành động bất nhất của nhà cai trị Pháp vô tình lại tăng thêm nỗi thất vọng của dân Việt. Năm 1919, toàn quyền Albert Sarraut hứa hẹn: “sẽ coi những con dân của mình như người anh em và dần dần phục hồi toàn bộ nhân quyền”. Ngay cả NAQ khi đó đang ở Paris, cũng không khỏi khấp khởi một chút hy vọng mong manh về đất nước đã sản sinh ra khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tuy nhiên sau khi AS được thăng chức đưa về cố quốc, chẳng ai hơi đâu nhớ đến những lời hứa đó nữa. Hệ thống trường học thiếu tiền, cả nước chỉ có khoảng 5000 học sinh trung học. Nếu trước đây trong chế độ phong kiến, có đến 25% dân số có khả năng giải mã được trên những ký tự ngoằn ngoèo của chữ Hán, thì sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tỷ lệ biết chữ (kể cả quốc ngữ hay chữ Hán) chỉ vào khoảng 5%. Những thống kê này đặt một dấu chấm hỏi to đùng lên “Sứ mệnh mang lại nền văn minh” của thực dân Pháp. Mặc dù không ít người Việt nam đã cống hiến cho mẫu quốc trong thế chiến thứ Nhất, họ vẫn không được bộ máy thực dân công nhận ngay tại nước mình. 10000 viên chức Pháp được trả lương cao gấp nhiều lần đồng nghiệp Việt nam. Đại đa số trong hơn 40000 người châu Âu, nhiều người đến Việt nam “trên răng, dưới dép”, nay khá giả nhìn dân bản địa không khác gì một con chó. Chính quyền độc quyền sản xuất muối, thuốc phiện và rượu bán cho dân với giá cắt cổ. Hơn 500 ngàn nông dân không ruộng đất, phải cày thuê cuốc mướn, nộp tô đôi khi tới 50% mùa màng cho khoảng 5 vạn địa chủ. Georges Garros, trong cuốn sách xuất bản giữa thập kỷ Forceries humaines lạnh lùng nhận xét: người Pháp mà rơi vào hoàn cảnh ấy, chắc chắn sẽ làm cách mạng. Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn Ossip Mandelstam năm 1923 tại Moscow, NAQ miêu tả Việt nam như một dân tộc: “bị đẩy vào địa ngục“. Một lớp các nhà hoạt động chính trị mới ra đời khoảng giữa những năm 20 là con đẻ của tâm trạng vỡ mộng của xã hội. Họ được đào tạo theo hệ thống trường Tây, ngưỡng mộ văn hóa Tây, đọc sách báo Tây nhưng phẫn nộ vì sự bất công mà nhà cầm quyền Pháp áp đặt cho đồng bào của mình. Họ đòi hỏi: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” cho dân tộc mình. Những hạt giống phản kháng đầu tiên nảy mầm ở Sài gòn nơi khoảng cách giàu nghèo, bản xứ và ngoại quốc rõ rệt nhất. Sài gòn cũng là nơi tập trung nhiều ngoại kiều và công nhân nhất do sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Người đầu tiên là nhà địa chủ Bùi Quang Chiêu, người mà NAQ đã từng gặp trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình. Ông ra tờ báo La Tribune Indigene và thành lập Đảng Hiến pháp, đảng chính trị đầu tiên ở Đông dương. Mặc dù Chiêu và các đồng sự gây sức ép đòi Pháp cho người Việt nam nhiều quyền hơn nữa trong đời sống chính trị, mục tiêu của các ông là giảm sự thống trị của Hoa kiều trong lĩnh vực kinh tế.
Người mà người Pháp sợ hơn là Nguyễn An Ninh. Ông này là con của một nhà nho Nam bộ, có liên quan đến Trường Tự do Hà nội, sau đó tham gia vào phong trào kháng chiến của Phan Bội Châu. Ninh tốt nghiệp luật ở Paris, đã từng gặp NAQ và tỏ ra rất ham thích chính trị. Về nước đầu những năm 20, Ninh ra báo: La Cloche Felee (Tiếng chuông rè) để kêu gọi tinh thần yêu nước của dân chúng và đòi cải cách chính trị. Cũng như Phan Chu Trinh, Ninh ngưỡng mộ văn hoá phương Tây và coi đó là sự bù đắp cho nền Nho giáo kìm hãm sự sáng tạo của con người. Theo ông đó là nguyên nhân mà ta mất nước. Ông kêu gọi khởi xướng một nền văn hoá mới, không bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng du nhập của Khổng tử và Lão tử. Cũng như Mahamat Ghandi, Ninh cho rằng giải pháp nằm trong vấn đề tinh thần và chỉ có thể tìm thấy trong nhân dân. Ẳnh hưởng của Ninh mạnh đến nỗi đại sứ Maurice Cognacq phải mời lên thẩm vấn. Ngài đại sứ thông báo là các hoạt động của Ninh đã bị theo dõi chặt chẽ và Ninh phải thôi ngay, nếu không ngài sẽ buộc phải có những hành động không hay. Ngài còn châm biếm, dân Việt còn ngu lắm, làm sao hiểu được những điều ông phát biểu, tốt hết là ông hãy đến Moscow. Ninh bỏ ngoài tai và vẫn tiếp tục hoạt động (1).
Khi NAQ đến Quảng đông tháng 11/1924, thành phố đang náo động vì hàng ngàn người đổ ra bờ sông để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tôn Trung Sơn và tiễn tổng thống đi Bắc kinh. Từ tháng giêng năm 1923, theo sự thoả thuận với Maring mật vụ của QTCS, Tôn thi hành chính sách: Nội liên, đưa một số Đảng viên CCP vào những vị trí quan trọng của quốc dân đảng. Sau khi đại diện của QTCS – Mikhail Borodin đến Quảng đông, Quốc dân đảng được tái cơ cấu theo đường lối của Lê nin. Học viện quân sự Hoàng phố được mở ra để đào tạo các sĩ quan trẻ cho cách mạng. Tưởng Giới Thạch, cánh tay phải của Tôn được bổ nhiệm làm Giám đốc, Chu Ân Lai làm chính uỷ học viện. Quyết định của Tôn nghiêng về nước Nga xô viết và hợp tác với CCP làm cho giới ngoại giao và thương mại phương tây ở Quảng đông sôi máu. Mùa hè năm 1924, chính quyền Anh ra lệnh đàn áp các cuộc biểu tình của công nhân trên Đảo Sa điện. Đáp lại, công nhân công bố tổng bãi công. Chính phủ Tôn cử quân đội đến ủng hộ các công nhân bãi công. Hội Công thương Quảng đông (chủ yếu gồm các thương gia phương Tây) thành lập các đội du kích vũ trang để bảo vệ cộng đồng phương tây. Đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa họ và quân đội chính phủ.
Tình hình bắc Trung quốc cũng thay đổi nhanh chóng. “Tướng Thiên chúa” Phương Du Tường lật đổ Vu Bắc Phú ở Bắc kinh. Phương có cái nhìn thiện cảm với chế độ của Tôn và mời Tôn lên Bắc kinh đàm đạo. Tôn đồng ý.
Mặc dù không được giao nhiệm vụ rõ ràng, vừa đến Quảng châu, NAQ đã ngay lập tức bắt liên lạc với Borodin và được ông này mời đến ở cùng với mình tại Bao công Quán, một biệt thự ngay cạnh cơ quan trung ương của QDĐ. Tầng 1 là văn phòng của 20 nhân viên phái bộ QTCS. Tầng 2, Quốc và Borodin ở. Cả hai đã từng gặp nhau ở Moscow, cùng nói được tiếng Anh (Borodin đã ở Chicago) và cùng chia sẻ mục tiêu thúc đẩy cách mạng ở châu á. Vì thế nên họ nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Để che mắt mật thám Pháp, NAQ lấy tên là Lý Thuỵ. Chỉ có Borodin và vợ biết được danh tính của NAQ. Quốc được phân vào phân xã của cơ quan thông tấn Xô viết ROSTA. Trong các bài viết về Moscow, Q thường ký tên Nilovskii. Thỉnh thoảng Q còn làm việc phiên dịch hoặc đại diện cho Quốc tế nông dân. Tuy nhiên, mục đích chính của chuyến trở về của NAQ là xây dựng hạt nhân cho một đảng mới theo kiểu Lenin, từ đó tìm cách đưa phong trào cách mạng Việt nam vào tổ chức, theo ý chỉ của mình.
Sự hiểu biết của các nhà cách mạng Việt nam lúc đó về chủ nghĩa Max và cuộc cách mạng Nga lúc đó hết sức đơn giản. Một nhà dân tuý nói: “Chúng tôi không theo chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi theo những người cộng sản, bởi vì họ hứa sẽ mang lại quyền tự quyết cho các dân tộc. Chúng tôi chờ đợi họ như những vị cứu tinh.” Có người còn ngây thơ: “Nếu phương Tây căm thù người Nga và những người cộng sản, họ phải là những người tốt” (2).
NAQ không hề có một ảo tưởng nào. Từ năm 1922, trong một bài báo viết tại Paris, ông nhận xét, đa số nhân dân tại thuộc địa hiểu Bolsevism là: “Đạp đổ tất cả hoặc tẩy chay nước ngoài. Cả hai cách hiểu đều nguy hiểm”. Quần chúng “đã sẵn sàng nổi dậy, nhưng họ không biết bắt đầu như thế nào”. Việc xây dựng một đảng đại diện cho các tư tưởng Max và Lenin nhưng lại đáp ứng được khát vọng: độc lập dân tộc của đông đảo quần chúng, là một việc cấp bách nhưng vô cùng khó khăn.
Người Việt nam nổi tiếng nhất ở TQ khi đó là Phan Bội Châu. Sau khi ra tù vào năm 1917, Châu đã có một thời ve vãn ý tưởng dàn xếp với Pháp nhưng nhanh chóng vỡ mộng. Ông xoay sang dưỡng lão tại Hàng Châu ở nhà của đệ tử có tên là Hồ Học Lâm. Tuy đã 55 tuổi, lại chẳng có cơ sở nào ở trong nước, nhưng hình ảnh một nhà cách mạng lão thành quắc thước với bộ râu quai nón và cặp kính trắng lạnh lùng vẫn có sức hấp dẫn lớp trẻ. Khoảng đầu những năm 20, một nhóm các thanh niên trí thức Việt nam do Lê Hồng Phong, Lê Văn Phan (sau này gọi là Lê Hồng Sơn), Lê Quang Đạt và Trương Văn Lệnh dẫn đầu đã vượt biên sang nhận Châu làm sư phụ. Một điều thú vị là nhóm này hầu như đều đến từ Nghệ an và sau đều trở thành nòng cốt của tổ chức cách mạng do Quốc thành lập (3).
Nhóm thanh niên kích động này nhanh chóng cảm thấy tù túng với tổ chức của Châu. 8 tháng trước khi Quốc tới Quảng châu, tháng 3/1924, họ tách ra thành lập tổ chức mới lấy tên là Tâm Tâm Xã. Nóng nảy và dễ kích động, họ cho rằng mọi thứ lý thuyết đều vớ vẩn, họ theo đuổi đường lối của Auguste Blanqui ở châu Âu thế kỷ 19, người đã kích động khởi nghĩa tại Pháp, Italia và Tây ban nha. Mục tiêu của tổ chức là tuyên truyền và khủng bố để châm ngòi cho việc lật đổ chế độ cai trị của Pháp.
Người đỡ đầu cho tổ chức là Lâm Đức Thụ. Ông này tuy đã 36 tuổi và giàu có nhờ lấy một bà vợ giàu, nhưng sinh ra trong một gia đình chống Pháp, lại có tiền và quan hệ rộng rãi nên rất có uy tín. Trụ sở của TTX đóng ngay tại hiệu thuốc của vợ chồng Thụ tại Da Trường, một phố nhỏ gần trụ sở QTCS. Một trong những phi vụ đầu tiên của nhóm là đánh bom toàn quyền Đông dương Martial Merlin khi tay này đến thăm Quảng đông tháng 6/1924. Đáng ra chàng thanh niên ngăm đen đẹp trai Lê Hồng Sơn sẽ xử lý vụ này, tuy nhiên anh này với biệt danh “Hit man” quá quen mặt với cảnh sát. Phạm Hồng Thái, một chàng trai mới lò dò từ Đông dương sang được giao nhiệm vụ thay thế. Anh này là con một viên quan đã từng tham gia phong trào Cần vương ở Nghệ An, được tiêm nhiễm tư tưởng cách mạng trong thời gian học tại trường Pháp ở Hà nội. Sau một thời gian làm thợ cơ khí ở ga ra, rồi thợ mỏ, Thái cùng các bạn là Lê Hồng Phong và Hồ Tùng Mậu chuồn sang Trung quốc.
Tối 19/6, khách sạn Victoria trên đảo Sa điện ồn ào những lời chúc tụng nhân đại tiệc chúc mừng toàn quyền Pháp. Đúng 8:30, khi món súp đang được dọn ra thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc đã biến bàn tiệc thành một địa ngục. Năm thực khách chết ngay tại chỗ, hàng chục người khác bị thương nằm la liệt. Trên đường trốn chạy, Thái nhảy xuống sông và chết đuối trên sông Châu Giang. Thoát chết trong gang tấc, Merlin rời Quảng châu ngay hôm sau trong khi đám tang người liệt sĩ trẻ được tổ chức trọng thể. Đây là vụ ám sát một quan chức cao cấp châu Âu đầu tiên ở châu Á. Tiếng bom Sa điện đã gây một cú sốc lớn trong cộng đồng người Pháp và tôn Phạm Hồng Thái lên vị trí “tử vì đạo”. Chính quyền Tôn Trung Sơn quyết định dựng bia tưởng niệm. Phan Bội Châu thì tranh thủ vụ việc để “đánh bóng” lại hình ảnh của mình. Ông này viết một bài tiểu sử về Thái như một cộng sự trong tổ chức của ông (4). Tháng 7/1924, trong chuyến đi dự lễ khai trương bia tưởng niệm Thái, Châu đã trao đổi với một số đệ tử về việc thay Quang Phục Hội bằng Việt nam Quốc dân đảng, theo mô hình đảng của Tôn. Châu trở về Hàng châu tháng 9/1924.
Mặc dù Merlin thoát hiểm nhờ có một thực khách có hình dạng giống ngài toàn quyền một cách kỳ lạ (vị này chết ngay tại chỗ), nhưng vẫn có những nghi ngờ về kẻ phản bội ở trong hàng ngũ. Một thành viên của Tâm Tâm Xã, Lê Quang Đạt, đã công khai đặt vấn đề về vai trò của Lâm Đức Thụ vì những mối quan hệ của ông này với Pháp. Tuy nhiên Lê Hồng Sơn đã gạt đi, và Thụ vẫn tiếp tục cộng tác với tổ chức (5).
Năm tháng sau vụ đánh bom, NAQ đến Quảng châu. Nhưng chỉ ngày hôm sau, ông đã tiếp cận các thành viên TTX trong vai một nhà báo Trung quốc họ Vương. Những hành vi cấp tiến của họ làm Q rất khoái. Việc đầu óc họ còn trong trắng về lý thuyết càng thuận tiện cho việc tuyên truyền những tư tưởng Max-Lenin. Q thích Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu nhưng đặc biệt ưu ái chàng trai chắc nịch Lê Hồng Phong, người được đích thân Châu tuyển mộ.
Với bản lĩnh của mình, có vẻ như Q chẳng gặp khó khăn gì khi dụ khị mấy chàng trai trẻ. Tháng 12/1924, Q báo về Matxcova là đang bắt liên lạc và hợp tác với “một nhóm nhà cách mạng Việt nam”. Tháng 2/1925, Q thành lập nhóm 9 người và đặt tên là Quốc dân đảng Đông dương, 5 trong số đó được ông coi là nòng cốt của Đảng cộng sản tương lai. Q khuyến khích các thành viên về nước chiêu mộ thêm đệ tử, hoặc tham gia quân đội QDĐ Trung hoa, hay gia nhập CCP. Q cần gấp sự hỗ trợ về tài chính và tài liệu tuyên truyền từ Maxcova (6). Mặc dù không nhất trí với các phương pháp đấu tranh của Châu, Q vẫn sử dụng ông này vào việc xây dựng tổ chức của mình. Thông qua các thành viên TTX, Q lần ra mối quan hệ với Châu. Châu có vẻ cũng như đã nhận ra được danh tính của Lý Thuỵ. Vào khoảng giữa tháng 2 và tháng 3, Châu viết cho Q một bức thư có nhắc đến cuộc gặp đầu tiên của hai người ở Kim liên. Châu hoàn toàn ủng hộ đường lối của Q trong việc cải tổ lại đảng của mình. Tuy nhiên Q nhanh chóng nhận thấy rằng Châu và nhiều cộng sự lớn tuổi của ông không thể là hạt nhân cho một tổ chức mới mà Q đang gây dựng. Q thành lập Cộng sản đoàn với 5 hạt nhân ưu tú, trong đó có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu.
Sự xuất hiện của một nhân vật hoạt động tích cực như vậy ở trụ sở QTCS, tất nhiên là gây chú ý cho các mật vụ Pháp. Một đặc vụ với bí danh “Noel” được cử sang từ Paris với mục đích xác định được danh tính của Lý Thuỵ. Kẻ giúp đỡ đắc lực nhất cho Noel chính là Lâm Đức Thụ với bí danh là “Pinot”. Tay này làm điệp viên hai mang cho cả Pháp và các lực lượng cách mạng. Tháng 3, Thụ chụp được 1 tấm ảnh Q cùng với các dồng chí trước cửa trụ sở Quốc dân đảng. Phòng Nhì nhanh chóng xác nhận: Lý Thuỵ chính là Nguyễn ái Quốc.
Sự hình thành của một đảng cách mạng mới đã chín muồi. Tháng 6, tại nhà Lâm Đức Thụ, Q cùng với các nòng cốt trong Cộng sản đoàn lập nên Hội thanh niên cách mạng Việt nam. Cùng vói các hoạt động của Hội, tờ báo Thanh niên mà đa phần các bài là do Quốc viết đã đặt dần dần nền móng của một tầm nhìn mới vượt qua cả chủ đề độc lập dân tộc.
Nhờ mối liên hệ của chính quyền Tôn Trung Sơn với QTCS, Quảng châu lúc đó được coi như là “Matxcơva của phương Đông” thu hút các nhà cách mạng từ Triều Tiên, Ấn Độ, Đông Dương và Tây Ấn thuộc Hà lan.(Tây Ấn là nơi nào vậy ta… có phải là Indonexia không nhỉ… ?) Từ kinh nghiệm hoạt động ở Paris, Q cùng với đặc vụ của QTCS người Ấn độ Roy và lãnh tụ cực tả của QDĐ Lão Trung Kha, thành lập “Hội các dân tộc bị áp bức châu Á”. Phiên họp đầu tiên của Hội được tiến hành vào giữa tháng Bảy.
Cương lĩnh hoạt động của Hội thanh niên cách mạng được xây dựng dựa trên hai trụ cột chủ nghĩa dân tộc và cách mạng xã hội theo mô hình của Lenin được đại hội QTCS lần II phê chuẩn năm 1920. Tuy nhiên nếu Lenin coi cách mạng dân tộc chỉ là một bước chiến thuật nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc, cương lĩnh của Hội lại tỏ ra chú trọng đến độc lập dân tộc hơn nhiều là số phận của cách mạng thế giới. Chính điều đó đã gây nhiều nghi ngờ cho nhiều nhà quan sát về sự trung thành của Q với các tư tưởng Maxism và cuộc đấu tranh để xây dựng ảo tưởng cộng sản. Trên thực tế cuối những năm 20, đã xuất hiện những bài viết chỉ trích Q ở Matxcơva và từ những người cộng sự của Q.
Có nhiều lý do để khẳng định, Q trước tiên là một nhà yêu nước. Trong bài báo “Con đường đưa tôi đến với Lenin” viết năm 1960, Q khẳng định, chính khao khát độc lập cho Việt nam đã đưa ông đến với chủ nghĩa Max. Khác với Lenin, đối với Q độc lập dân tộc gần như đã là mục tiêu cuối cùng. Q thường xuyên phát biểu: “cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam sẽ được tiến hành vào một thời điểm thích hợp“.
Tuy nhiên cũng khó có thể nói, Q chỉ coi chủ nghĩa Max chỉ là công cụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của mình. Những bài viét và phát biểu của cậu ở Paris và Matx về một thế giới tương lai sôi sục nhiệt huyết. Trước khi chết, khi trả lời một phóng viên Xoviet, Q đã ân hận mãi về việc đã đả kích một nữ đồng chí của mình ở Nga vì đã mặc lụa tơ tằm và đi giày cao gót. “Chẳng nhẽ những người trẻ tuổi ăn mặc đẹp lại là điều xấu xa?” (7). Câu hỏi ngơ ngác của cô gái đã hằn sâu vào trí nhớ Q.
Nếu Q vừa là nhà dân tộc chủ nghĩa vừa là một người theo chủ nghĩa Max, câu hỏi làm thế nào kết hợp giữa bản chất yêu nước của Q và đòi hỏi tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Max đã được Lenin phần nào đề cập đến trong “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Lenin đề xuất khái niệm “Liên hiệp” các quốc gia độc lập như một hình thái chuyển tiếp trước khi thành lập “Quốc gia vô sản toàn cầu”. Sự liên kết giữa nước Nga cách mạng, Hungary và Phần lan cũng như giữa Armeni và Azerbaijan không thể không ảnh hưởng đến Q. Trong một bức thư gửi QTCS, Q đã đề nghị tuyển mộ thêm nhiều học viên vào trường Stalin cho “Liên hiệp cộng sản Đông phương”. Một tài liệu mới được tìm thấy ở Nga viết năm 1924, ký tên là Nguyễn. Có đến 99% đó chính là Q. Khi bàn về tương lai của Đảng cộng sản Việt nam, tài liệu khẳng định: “Cần phải tính đến thực tế Việt nam và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc dưới danh nghĩa của QTCS” . Cương lĩnh của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng nhắc đến cách mạng toàn cầu như “mục đích cuối cùng” của Hội.
Tại sao Q lại không chọn con đường phi bạo lực đòi lại độc lập dân tộc mà lại tin vào cách mạng trên phạm vi toàn thế giới? Mùa xuân năm 1925, Nguyễn Thượng Huyền, (cháu của Nguyễn Thượng Hiền, người đã có thời là hiệu trưởng Đông kinh nghĩa thục), có viết một bài báo và nhờ Q nhận xét. Trong bài báo, Huyền cho rằng nguồn gốc cách mạng là từ Kinh dịch và Khổng tử cho rằng thay đổi triều đại chính là cách mạng. Huyền kết luận, thất bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là tất yếu vì sự hung bạo của chúng và độc lập chỉ có thể đạt được bằng các cuộc chống đối phi bạo lực trong xã hội như Mahatma Gandhi. Trong bức thư trả lời, Q đã tỏ ý nghi ngờ nguồn gốc cách mạng và cho rằng nó xuất phát từ văn hoá Tây phương. Cách mạng thay đổi các thể chế điều hành đất nước, còn cải cách chỉ cải tiến chúng. Thay đổi triều đại không phải là cách mạng. Về thất bại của cách mạng ở Việt nam, Q viết:
Không lẽ ông chờ đợi người Pháp khoanh tay nhìn ông đuổi họ ra? Tốt nhất là hãy tự nhìn lại mình: tại sao người Pháp lại cai trị được dân ta? Sao ta lại ngu thế? Bây giờ ta phải làm gì? Ông so sanh với người Ấn, Ai cập. Họ có đảng phái chính trị, các hội nông dân, các tổ chức. Ta không có đảng, không có tuyên truyền, không có tổ chức. Họ như chiếc ô-tô có cả tài xế, còn ta mới chỉ có cái khung xe. Vậy mà ông muốn ta chạy như họ!
Để kết luận, Q dẫn câu chuyện của La Fontaine về các con chuột đùn đẩy nhau đeo chuông lên cổ mèo. “Giờ đây, các con rồng cháu tiên Việt nam chẳng khác gì những con chuột. Thật là nhục nhã“
Tại Hàng châu, PBC rất quan tâm đến những gì đang diễn ra. Ông hứa sẽ đến Quảng châu thăm Q mùa hè năm 1925. Trong bức thư viết cho Q trước đó, Châu hết lời khen ngợi sự sáng suốt và kinh nghiệm của Q, Châu còn tỏ vẻ vui mừng vì đã có người nối nghiệp vì ông đã quá “đát”. Tuy nhiên rõ ràng là Châu vẫn muốn đóng một vai trò trong tổ chức. Trong một bức thư khác gửi cho Hồ Tùng Mậu, ông đã cạnh khoé phê bình Q và các đồng sự quá nóng vội. Trước đó, Châu cũng đã từng than vãn là Q bỏ rơi ông. Khoảng giữa tháng 5, Châu rời Hàng châu đi Thượng hải. Tại đó, nhờ có mật báo, các mật thám Pháp trong vai tài xế taxi đã đợi sẵn, tóm gọn và chở thẳng ông về Hà nội để xét xử về tội phản quốc.
Vụ bắt giữ này đã gây ra một cuộc tranh cãi lâu dài và lôi thôi nhất trong lịch sử rắm rối của chủ nghĩa dân tộc Việt nam. Nhiều thành viên của Thanh niên hội cho rằng chính thư ký của Châu, Nguyễn Thượng Huyền đã phản bội ông. Châu cũng nghĩ thế. Tuy nhiên một số người theo chủ nghĩa dân tộc không cộng sản lại nghi ngờ Lâm Đức Thụ và thậm chí NAQ đã dựng lên vụ này để kiếm tiền thưởng và dùng Châu như một anh hùng – “vật tế thần” cho phong trào. Quan điểm này cũng được nhiều nhà nghiên cứu phương Tây nhắc lại nhưng không có những chứng cớ cụ thể. Các tài liệu của phòng nhì Pháp không rõ, nhưng xu hướng không cho rằng Q có dính líu. Họ cũng cho là Huyền có thông tin tốt hơn về sự di chuyển của Châu. Lâm Đức Thụ về sau tự nhận trách nhiệm nhưng không đáng tin cậy vì ông này ưa khoác lác và thổi phồng.
Mặc dù không phủ nhận là Q có thể phản bội Châu nếu tin rằng điều đó phục vụ lợi ích cách mạng, nhưng trong vụ này rõ ràng là Q không tin là có thể khai thác được gì cho phong trào từ việc bắt Châu. Thanh niên Hội vẫn tập trung sử dụng hình ảnh Phạm Hồng Thái để tuyên truyền và lôi kéo các thành viên của mình. Vả lại một lãnh tụ có tính chất biểu tượng dễ điều khiển ngoài tự do rõ ràng có lợi hơn cho phong trào so với ngồi tù ở Việt nam. Cũng cần nhận thấy rằng đến cuối đời Châu vẫn dành sự kính trọng cao nhất cho Q.
Toà đã xử Châu khổ sai chung thân ngày 23/11/1925 dẫn đến một phong trào phản kháng mạnh mẽ trong khắp nước. Toàn quyền mới, đảng viên Xã hội Varrene chẳng muốn khởi đầu sự nghiệp của mình bằng sự thù hận, đã đề nghị Paris giảm xuống án quản thúc tại gia ở Huế. Trước khi giảm án, Varrene đã đề nghị Châu hợp tác. Lúc đầu ông này từ chối nhưng sau đã tỏ ra khôn ngoan hơn. Tuy vẫn giữ quan hệ với các thành viên chủ chốt của phong trào dân tộc, thỉnh thoảng Châu lại đưa ra những phát ngôn có thể coi là có lợi cho Pháp ví như khen ngợi hệ thống giáo dục của Pháp ở Đông dương. Theo mật thám Pháp, một số phần tử quá khích thậm chí đã có kế hoạch ám sát Châu. Châu chết tại Huế năm 1940.
Trong thời gian vụ án Châu, một lãnh tụ cải lương khác là Phan Chu Trinh đã trở về Việt nam sau nhiều thập kỷ trong sự chào đón của dân chúng. Ông này chết năm 1926 vào tuổi 53 và đám tang ông đã trở thành một sự kiện dân tộc. Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của Q, những tư tưởng Marxism dần dần được phổ biến trong các tầng lớp cách mạng ở Việt nam. Những nhà yêu nước trẻ được đưa từ trong nước sang và được đào tạo tại một cơ sở có cái tên rất kêu: Trường chính trị đặc biệt cho Cách mạng Việt nam. Trường này ban đầu được đặt tại phố Dân Sinh, sau đó chuyển sang một toà nhà 3 tầng thuộc sở hữu của một người thân Cộng sản ở phố Văn Minh (đối diện với Đại học Quảng đông, bây giờ là bảo tàng Lỗ Tấn) (8). Tầng 1 là cửa hàng, lớp học và văn phòng của Q ở tầng 2 còn ký túc xá ở tầng 3. Đằng sau có cửa hậu để chạy trốn khi cảnh sát vây bắt. Giáo viên chủ yếu là các thành viên Thanh niên Hội như Mậu, Quốc, nhưng thỉnh thoảng cũng có thầy từ phái đoàn Xôviet như Vasily Blucher (Galen), P.A. Pavlov, M.V. Kuibyshev, V.M. Primakov, hoặc từ CCP như Lý Đạo Cơ, Chu Ân Lai, Lý Phu Quân và nhà tổ chức nông dân Bằng Bái. Một phần ba kinh phí của trường do CCP đài thọ, phần còn lại là đóng góp từ các tổ chức khác nhau, trong đó có các học viên Việt nam tại học viện Hoàng Phố.
Thầy Vương (bí danh của Q) là thầy giáo nổi tiếng nhất trường. Học viên đều yêu ông thầy mảnh khảnh, mắt sáng, giọng ấm, hài hước, dễ gần và đặc biệt kiên nhẫn trong việc giải thích các khái niệm khó. Thầy Vương trở thành cuốn bách khoa sống khi cần đến các số liệu. Một học viên đến giờ còn nhớ: “Thầy kể vanh vách, thực dân Pháp đã trộm bao nhiêu tấn thóc, Ngân hàng Đông dương kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, ông Varrene đã chở về nước bao nhiêu cổ vật của dân ta”.
Cũng như ở Paris, Q vừa là thầy giáo, vừa là cố vấn tinh thần, một người nghiêm khắc và một người bày trò có hạng. Q dạy học viên cách ăn nói, phát biểu, cách thông cảm với nhân dân. Q lo lắng nơi ăn, chốn ở và động viên các học viên bằng một sự lạc quan vô bờ bến vào sự thắng lợi của cách mạng. Như một nghi lễ, khi kết thúc khoá học, Q dẫn các học viên thăm mộ của 72 liệt sĩ Trung hoa trên đồi Hoàng Hoa và tuyên thệ trước lăng Phạm Hồng Thái.
Một số học viên tài ba hơn (ví dụ như Lê Hồng Phong) được phái đi tu nghiệp tiếp ở Moscow. Một số người sung quân đội hoặc tham gia học viện Hoàng Phố. Nguyễn Lương Bằng, một con nhà lao động, được chỉ thị kiếm việc trên tàu viễn dương để móc nối giữa Hải phòng và Hongkong. Hơn 70 học viên đã tốt nghiệp cho đến hết năm 1927. Đa số học viên quay về Việt nam và tiếp tục tìm kiếm thêm lính mới. Lớp này đa số cũng từ tầng lớp môn sinh. Cảnh sát Pháp xác nhận khoảng 90% thành viên Thanh niên hội là tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Năm 1928, hội có khoảng 300 thành viên ở Đông dương, trong đó khoảng 150 ở Cochin China (Sài gòn, Cần thơ, Mỹ tho), 80 ở Annam và 70 ở Tonkin. Một năm sau, con số đã lên đến hơn 1700 (9). NAQ đã đi những bước quan trọng đầu tiên, tuy rất nhỏ và thận trọng, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việtnam. Ông đã viết trước đó vài năm: “Thật là sai lầm khi cho rằng Đông dương đã sẵn sàng cho cách mạng, nhưng càng sai lầm hơn khi nghĩ rằng họ cam chịu và không muốn làm cách mạng”.
NAQ quá kinh nghiệm để hiểu rằng, muốn duy trì được tổ chức hãy còn trong trứng nước của mình, tuyên truyền là quyết định. Tạp chí Thanh niên ra đời. Được in tại Quảng châu, xuất bản hàng tuần và gửi sang Việt nam qua đường thuỷ. Từ 21/6/1925 đến 5/1930, tổng cộng đã có 208 số được phát hành. Cũng như với tờ Người cùng khổ, NAQ sử dụng lối hành văn đơn giản, với nhiều biếm họa đả kích chế độ thực dân Pháp cũng như bọn vua chúa bù nhìn. Hầu hết các bài xã luận đều do ông viết nhưng không ký tên. Thanh niên Hội còn phát hành tờ Lính Kách Mệnh 2 tuần 1 lần và tạp chí Việt nam Tiền phong hàng tháng.
Đối với các hội viên nằm trong chương trình đào tạo, Q viết hẳn một cuốn sách nhỏ lấy tên là Đường Kách mệnh. Đây là cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt giải thích những luận điểm căn bản của chủ nghĩa Max-Lenin và khả năng áp dụng ở Việt nam. Tuy không có mục đích trước nhưng chắc chắn 1 số bản của cuốn sách này được tuồn về Việt nam. Cuốn sách được viết bằng một văn phong cực kỳ đơn giản. Q biết chắc rằng đa số độc giả thậm chí còn chưa biết thế nào là Kách mệnh (thuật ngữ này mới được đưa vào tiếng Việt đầu thế kỷ 20, tiếng Hán có nghĩa là Thay đổi số mệnh), bởi thế, ngay từ đầu ông đã định nghĩa KM là “phá hủy cái cũ, xây dựng cái mới, phá hủy cái xấu, xây dựng cái tốt”. Tiếp đó, Q tiến hành phân thành 3 loại KM:
1. Tư sản (như ở Pháp, Nhật, US)
2. Dân tộc (như ở Italy thế kỷ 19, cách mạng 1911 ở Trung quốc)
3. Giai cấp (như cách mạng tháng 10 Nga)
Q khẳng định tất cả các cuộc KM đều được tiến hành theo hai giai đoạn: giai đoạn dân tộc và giai đoạn toàn cầu. Tất nhiên quan điểm này được mượn của Lenin, nhưng Q cũng đã khéo léo lồng ý của mình vào đó. Ông không khẳng định rõ bao giờ thì giai đoạn 2 mới bắt đầu. Thậm chí ông cho rằng, KM Việt nam chỉ có thể chuyển sang giai đoạn 2 nếu hầu như tất cả các nước đã làm việc đó. Q nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của liên minh công nông, đặc biệt là vai trò của nông thôn trong KM Việt nam với hơn 90% dân làm nông nghiệp. Giống như giai cấp công nhân trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, người nông dân trong Đường Kách Mệnh “không có gì để mất ngoài xiềng xích”. Cái mà họ cần, như Q đã từng viết ở Pháp trước đó là Tổ chức và Sự lãnh đạo. Cách mạnh Việt nam cần có một Đảng vững mạnh với những tư tưởng dễ hiểu và theo đuổi.
Một vấn đề thú vị được đề cập đến trong cuốn sách là tính cách của “nhà cách mạng”. Có thể so sánh với cuốn “Tự bạch về nhà cách mạng” nổi tiếng của Nechayev, một tay khủng bố Nga thế kỷ 19. Ông này cho rằng, nhà cách mạng là công cụ mù quáng để thực hiện những lý tưởng cách mạng. Họ phải tàn nhẫn, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu, phải tuân thủ kỷ luật đảng, sẵn sàng từ bỏ những quan hệ bè bạn, gia đình, thậm chí lừa dối vì lợi ích của CM. Tuy quan điểm cực đoan của Nechayev bị phê phán nhiều, nhưng Lenin vẫn rất khoái và nhiều điểm trong cuốn “Tự bạch” trở thành tiêu chuẩn của người Bolsheviks. Có nhiều điểm tương đồng trong định nghĩa của Q về nhà cách mạng, như tuân thủ kỷ luật đảng, đặt quyền lợi cách mạng lên trên quyền lợi cá nhân. Nhưng điểm khác biệt chủ chốt ở cái hồn tinh thần nằm đằng sau hai bản tiêu chuẩn này. Trong khi Lenin cho rằng những quan điểm đạo đức không liên quan lắm đến tính cách của người CM thì Q hầu như áp dụng tất cả những chuẩn mực đạo đức của người quân tử trong đạo Khổng: tiết kiệm, cởi mở nhưng công bằng, cương quyết sửa chữa lỗi lầm, thận trọng, ham học và quan sát, không kiêu ngạo và khoan hồng.
Nếu tính đến tài năng xuất chúng của Q trong việc thay đổi hình thức tuyên truyền cho những đối tượng khác nhau, có thể cho rằng Q cố tình giữ những “bình cũ” để đưa “rượu mới” vì biết rằng đa số hội viên của ông xuất phát từ những gia đình nho học và chắc chắn vẫn giữ những giá trị căn bản của đạo Khổng. Tuy nhiên, thực tế cuộc đời HCM đã chứng tỏ rằng đạo đức cá nhân ông: hình ảnh một con người giản dị và hào hiệp với niềm lạc quan vô bờ bến và tinh thần nghiêm túc và hiến dâng cho những lý tưởng cách mạng, đã trở thành sự đảm bảo tiêu chuẩn của ảnh hưởng của ông trong đảng. Đối với rất nhiều người khác, HCM trở thành biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản Việt nam. Cuốn sách của Q còn thỏa mãn những logic thầm kín của Việt nam. Trong khi bảo đảm rằng cách mạng VN sẽ được giúp đỡ từ cách mạng thế giới, người đọc cũng sẽ lấy làm sung sướng được biết rằng phương Tây cũng chưa ra gì và sẽ còn phải trải qua những thời loạn lạc. Việc phân tích nguyên nhân thất bại của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cũng rất có ý nghĩa cho lớp trẻ. Q đã chỉ ra rằng các nhóm này thiếu hẳn một tư tưởng, một ý niệm rõ ràng về tương lai của Việt nam độc lập. Phật giáo với triết lý chịu đựng không thể là tác nhân thay đổi. Khổng giáo bị mất giá trị trầm trọng do sự đầu hàng của triều đình. Bởi thế các nhóm dân tộc chủ nghĩa chủ yếu được xác định bởi vùng, miền, chiến thuật hay cá nhân thủ lĩnh. Những hành động của họ chỉ biểu hiện sự phẫn uất của một nhóm người trước một kẻ thù muôn lần mạnh hơn.
Có thể coi Đường Kách mệnh là cuốn sách tư tưởng nhưng quá hoang sơ, thậm chí nhiều chỗ gây bối rối cho người đọc về chủ nghĩa Max-Lenin. Tuy nhiên với quan điểm tuyên truyền rất rõ ràng của Q: càng đơn giản càng tốt, cuốn sách đã trở thành công cụ giới thiệu tư tưởng tốt cho những nhà cách mạng sơ khởi. Ngoài ra, Q đã tiến một bước dài trong phong trào cách mạng Việt nam và thế giới bằng việc lần đầu tiên nhấn mạnh vai trò của nông thôn ở Việt nam và tương lai cách mạng châu Á. Một số nhà quan sát còn cho rằng Đường Kách Mệnh là tác phẩm đầu tiên của “chủ nghĩa cộng sản nông thôn“, một biến thể của chủ nghĩa Max-Lenin, vốn thường được gắn cho Mao Trạch Đông.
Tính đến mùa xuân năm 1927, chỉ với 2 năm ở Quảng châu, Q đã trở thành một thành viên được kính trọng và không thể thiếu của phong trào cách mạng ở đây. Q chơi thân với Chu Ân Lai, nhà tổ chức thanh niên Trương Đại Lợi (cần xem lại Zhang Tailei), lãnh tụ cánh tả của Quốc dân Đảng Lão Trung Khải (Liao Zhong Kai). Cuộc sống xem ra đã có vẻ ổn định, Q dự kiến kiếm 1 cô vợ Tàu vừa để học tiếng và lo việc gia đình và nhờ “thổ công” Lâm Đức Thụ lo hộ vụ này. Q chỉ đặt một điều kiện: “không trả một xu” (trái với tục lệ người Hoa)
Nhưng chẳng có vấn đề gì, Thụ tìm ngay được 1 cô tên là Tăng Tuyết Minh, con gái vợ ba của một nhà buôn. Sau khi bố chết, cô này bị đuổi ra khỏi nhà, sống vạ vật cho đến khi làm quen được với vợ của Thụ. Nhiều đồng chí của Q đã phản đối cuộc hôn nhân này vì cho rằng Minh không được học hành đầy đủ, tuy nhiên Q vẫn quyết định cưới và hai vợ chồng cùng sống trong căn phòng của Q tại biệt thự của Borodin. Tuyết Minh khá xinh (theo lời kể thì mặt tròn, môi nhỏ, da mịn, tóc thề ngang vai), nhưng chẳng quan tâm gì đến các vấn đề dân tộc và cách mạng. Sau mấy lần thử tìm cách dụ dỗ thất bại, Q từ bỏ ý định thay đổi quan điểm chính trị của vợ. Có nguồn tin cho rằng, vợ chồng Q có một đứa con gái (10).
Tuy nhiên mây đen đang che phủ dần sự nghiệp của Q ở Quảng châu. Trong khi ông đang tìm cách dẹp yên những đốm lửa bất hoà ở trong nước thì tình hình Trung quốc thay đổi nhanh chóng. Cuộc hôn phối khó khăn Quốc – Cộng trong những năm qua được duy trì chủ yếu nhờ uy tín cá nhân của Tôn cũng như quan hệ thân thiết giữa Tôn và Borodin. Tuy nhiên cái chết của Tôn năm 1925 trong khi đang thương thảo với tướng Phương Yuxiang, đã thay đổi tất cả. Sau một cuộc chiến quyền lực ngắn, Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền. Tưởng tạm thời duy trì liên minh mặc dù có sự phản đối quyết liệt của phái hữu trong QDĐ. Bản thân Tưởng cũng chẳng có thiện cảm gì với cộng sản. Sau chuyến viếng thăm Matxcova năm 1923, Tưởng hiểu rằng mục đích cuối cùng của Matxcova là loại bỏ đảng của ông ta. Ngày 12/4/1927, trong chiến dịch chung tiễu trừ cát cứ tại phía Bắc và Trung nguyên, Tưởng đã ra tay, điều quân tàn sát hàng ngàn đảng viên cộng sản và những người ủng hộ tại Thượng Hải.
Quảng châu phản ứng tức thì, quân đội của Lu Jishen bao vây hơn 2000 đảng viên cộng sản. Hàng trăm học viên thân cộng tại Hoàng Phố (trong đó có một số Việt Nam) bị bao vây và bắn chết. Bạn Q, Trương Lợi cũng nằm trong số này. Khi quân của Lý tiến hành bao vây lãnh sự quán Liên xô, Borodin và một số cộng sự phải trốn sang Vũ hán. Ban đầu, phòng nhì Pháp cũng nghĩ là Q sẽ chạy theo Borodin. Thực tế thì Q đã ở lại vì tin tưởng vào những mối quan hệ của mình với Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên ông cũng ẩn vào một chỗ hẻo lánh hơn và đi bán báo để kiếm tiền sinh sống. Chẳng được bao lâu, Trương Văn Lệnh, một tay chân trước đây của Tâm Tâm Xã, đang là quan chức của chính quyền thành phố, đã mật báo là đã có lệnh bắt Q và ông phải trốn càng nhanh càng tốt. Người đã chỉ điểm Q chính là Nguyễn Hải Thần. Thần vốn là bạn thân của Lâm Đức Thụ và đã từng ở nhà ông này. Q muốn hợp tác với Thần và những thành viên còn sót lại của Phan Bội Châu Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng Thần kịch liệt phê phán xu hướng thân cộng của Thanh niên hội. Năm 1926 Trương Bội Công mò đến từ Bắc kinh càng thôi thúc Thần phải thành lập đảng mới để chống lại ảnh hưởng của hội.
Ngày 5/5/1927, Q lên tàu đi Hồng kông bỏ Tuyết Minh lại Quảng châu. Cùng ngày, nhà ông bị khám xét. Một lần nữa Nguyễn Ái Quốc lại lên đường.
——————————–
1. Về Nguyễn An Ninh sau khi Cognacq thẩm vấn.
2. Quan điểm về chủ nghĩa Max và cách mạng Nga tại Việt nam lúc đó.
3. Về Lê Hồng Phong…
4. Về bài viết của Châu về Thái.
5. Vai trò của Thụ trong vụ ám sát.
6. Hỗ trợ từ Moscow.
7. Ăn mặc đẹp.
8. NamNT đã đến chỗ này và thấy đây là bảo tàng Tôn Trung Sơn chứ không phải Lỗ Tấn.
9. Về việc tăng quân số Thanh niên hội.
10. Những thông tin này chủ yếu là từ báo cáo của Lâm Đức Thụ. Ngoại hình của Tuyết Minh được Lê Quang Đạt khai với cảnh sát Pháp. Thông tin về con gái của hai người, xem Nguyễn Khắc Huyền, Vision Accompiíshed, p. 8 (New York, Collier, 1971).
No comments:
Post a Comment